Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đang xem xét phương án tắt sóng 2G từ ngày 1/1/2022.
Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 diễn ra vào ngày 3/10. Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay trong năm nay, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Năm yếu tố nền tảng được xác định bao gồm thể chế, hạ tầng, an ninh mạng, platform và đào tạo.
“Các nước đi sau ít gánh nặng của quá khứ, cả về hạ tầng vật chất và thể chế, cả về năng lực cạnh tranh của thời cách mạng 2.0 và 3.0. Những gánh nặng quá khứ này có thể lại là cản trở cho cách mạng 4.0, vì 4.0 cần năng lực cạnh tranh mới, hạ tầng mới, thể chế mới”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cho hay nếu 100% người Việt Nam có điện thoại thông minh cũng sẽ là một yếu tố quan trọng thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia. Phương án sớm tắt sóng công nghệ 2G đã được Bộ TT-TT nghiên cứu.
Hiện nay, mạng viễn thông Việt Nam đang tồn tại đồng thời 3 công nghệ di động mặt đất gồm GSM (mạng 2G) triển khai từ năm 1990, IMT 2000 (3G) triển khai từ năm 2009 và LTE – A (4G) triển khai từ năm 2016.
Theo cơ quan quản lý, việc tắt sóng 2G sẽ giải phóng tần số, tiết kiệm chi phí vận hành cho nhà mạng, tập trung nhân lực vào việc phát triển các công nghệ mạng mới, như 5G.
Được biết, các nhà mạng của Việt Nam đã triển khai 4G từ cuối năm 2015, sang năm 2016, tuy nhiên, tới nay chưa có băng tần riêng cho các nhà mạng triển khai công nghệ này. 4G vẫn đang phải “sống nhờ” cùng dải băng tần 1.800 Mhz của 2G. Do đó, tốc độ mạng bị hạn chế, thậm chí chỉ tương đương với 3G.
2G là thuật ngữ dùng để chỉ các hệ thống thông tin di động thế hệ thứ 2 (Second Generation). Các công nghệ 2G cho phép các nhà mạng cung cấp các dịch vụ như tin nhắn văn bản (SMS), tin nhắn hình ảnh và tin nhắn đa phương tiện (MMS).
Sau khi ra đời, 2G phát triển với một tốc độ nhanh chóng, có mặt ở 140 quốc gia, lên tới gần 1 tỷ thuê bao.
Mạng 3G sau đó ra đời, khắc phục việc mạng 2G không thể cho phép truyền cả dữ liệu ngoài thoại như tải dữ liệu, email, truy cập internet… Với công nghệ 3G, các nhà mạng cung cấp các dịch vụ đa phương tiện, như email, dịch vụ định vị toàn cầu (GPS), thương mại điện tử, ngân hàng, giải trí (âm nhạc, video, trò chơi điện tử…).
Tuy nhiên, 2G vẫn hữu ích cho người dùng các dòng điện thoại phổ thông, tập trung ở nhóm người có thu nhập thấp (đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa) và nhóm hạn chế dùng điện thoại thông minh (người già, trẻ em).
Ý tưởng tắt sóng 2G đã được Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đề xuất với Bộ TT-TT vào cuối năm 2015, đầu năm 2016. Việc tắt sóng 2G nhằm thu hồi băng tần 900 MHZ đang sử dụng cho mạng 2G để dùng cho mạng 4G, 5G.
Trên thực tế, việc tắt sóng 2G còn tạo ra thị phần dịch vụ viễn thông lớn. Do cả 3G và 4G đều là data nên tổng số thuê bao sử dụng data sau chuyển dịch là không thay đổi. Trong khi thuê bao 2G mới chỉ phục vụ nhu cầu dùng voice (gọi), do đó dư địa cho “miếng bánh” data là rất lớn. Thay vì “kéo” các thuê bao 2G chuyển lên 3G, 4G theo cuộc cạnh tranh giữa các nhà mạng, dùng chính sách tắt sóng 2G sẽ trực tiếp đẩy người dùng vào việc buộc phải sử dụng 3G, 4G.
Lộ trình tắt sóng 2G do Viettel trước đây đề xuất với Bộ TT-TT dự kiến là đến năm 2025. Với thông tin do Bộ TT-TT mới công bố, lộ trình là đến hết năm 2021.
Theo thống kê của Bộ TT-TT, tính đến hết tháng 6/2019, Việt Nam có 134,5 triệu thuê bao điện thoại di động, trong đó hơn 51,1 triệu thuê bao 3G, 4G, theo đó, có hơn 83 triệu thuê bao 2G.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…