Làm thế nào để biết được bạn đang có những tiến triển tâm lý khả quan (và đang dần hồi phục) sau một tuổi thơ không mấy hạnh phúc? Tác giả Peg Streep viết về kinh nghiệm của bà đối với những người trưởng thành thực sự bỏ lại được quá khứ ở sau lưng.
Có hai câu hỏi tôi thường nhận được từ bạn đọc về cuốn sách tôi đã viết, Daughter Detox: Recovering from an Unloving Mother and Reclaiming Your Life (tạm dịch: Hồi phục từ thương tổn do không nhận được tình thương của cha mẹ và cách tìm lại cuộc sống của chính mình).
Câu hỏi đầu tiên đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề, trẻ không được yêu thương mang trong mình nỗi lo lắng sâu sắc vì bế tắc trong suy nghĩ và thường có cảm giác tồi tệ vì nhiều lý do: “những vết thương lòng thuở ấu thơ liệu có thể chữa lành?” Câu hỏi thứ hai nghe có vẻ hơi lạ nếu bạn không nằm trong số những người có tuổi thơ bất hạnh: “Làm thế nào để biết được bạn đang bắt đầu hồi phục?”
Câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất là: có thể chữa lành, dù trong hoàn cảnh này, hồi phục không có nghĩa là làm cho quá khứ ấy như chưa từng xảy ra hay giúp bạn có những lợi thế như một đứa trẻ được yêu thương và hỗ trợ vốn đã lớn khôn trong cảm giác tin tưởng và biết mình xứng đáng được như thế.
Khi trưởng thành, mỗi người trong chúng ta cần phải tìm và có được sự gắn bó an toàn mà chúng ta thiếu thốn. Trong việc chữa lành vết thương lòng do trải nghiệm không tốt đẹp thời thơ ấu, trở ngại lớn nhất là cái nhìn thiếu thực tế của chính chúng ta về sự hồi phục, nó trông như thế nào và mang lại cảm giác ra sao.
Như tôi đã đề cập trong cuốn sách của mình, văn hóa phương Tây cho rằng chữa trị là phục hồi hoàn toàn một thứ hay một ai đó khỏi tình trạng tổn hại, ví dụ: thứ có giá trị như một bức tranh hoặc món đồ cổ bị hư hại, chúng ta thường cố gắng phục chế sao cho nó trở lại hiện trạng ban đầu, như thể những hư hại chưa bao giờ tồn tại.
Chúng ta có xu hướng mang lối suy nghĩ trên vào việc chữa lành các tổn thương tinh thần ở quá khứ, nhưng tất nhiên, đó là điều không thể. Chính vì lẽ đó mà tôi nghĩ nghệ thuật khôi phục đồ gốm của người Nhật, có tên gọi là Kintsugi sẽ là một ví dụ điển hình nhất để bạn có thể hiểu.
Khi món đồ gốm bị hư hại, người Nhật dùng sơn trộn với kim loại quý như vàng, bạc, đồng để phục chế, như thế, chỗ bị hư hại không những không mất đi mà còn trở thành điểm nhấn trang trí trên món đồ, là minh chứng cho tính lịch sử của nó sau khi được phục chế. Quá trình này không làm mất đi vẻ đẹp nguyên thủy của món đồ mà còn biến nó trở thành một biểu tượng của sự phục hồi cùng với những nét mới mẻ.
Hầu hết những đứa trẻ có tuổi thơ không hạnh phúc đều có một niềm tin sai lệch rằng chúng cần chữa lành từ những mất mát khi thiếu thốn tình yêu thương, nhưng sự thật thì đó chỉ là một phần rất nhỏ. Điều quan trọng hơn nhiều, đó là biết được rằng cách đối xử của cha mẹ dù là trong việc lớn hay nhỏ, tất cả đều ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của con cái. Đây là điều mà nhiều khi chính bạn cũng không nhận ra.
Nhiều khả năng bạn sẽ cho rằng cách đối xử không tốt của cha mẹ, khiến bạn không hạnh phúc cũng như gây cản trở cho khả năng phát triển của bạn là do tính cách bẩm sinh của họ, nhưng không phải thế đâu. Một vài kỹ năng ứng xử mà bạn có được là do học từ thuở nhỏ, ví dụ như bỏ qua hoặc phủ nhận cảm xúc của mình, cố gắng không gây sự chú ý về mình, không bao giờ cho phép nói ra suy nghĩ của bản thân hay luôn nỗ lực làm hài lòng mọi người…
Tuy nhiên, có những kỹ năng nhất định mà bạn đã không học được khi còn nhỏ vì việc này đòi hỏi một người cha/mẹ ân cần, quan tâm đến nhu cầu cảm xúc của con mình, một trong số các kỹ năng có thể kể đến như: biết giữ bình tĩnh khi gặp căng thẳng, biết trò chuyện và hiểu rõ cảm xúc của mình, cảm thấy thoải mái khi được trải lòng và chấp nhận rủi ro.
Thật là sai lầm khi tất cả những đứa trẻ không được yêu thương chỉ chăm chăm vào sự thiếu thốn tình thương của cha mẹ và tin rằng đó là cái chúng cần được bù đắp. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ bạn nhận thức được điều gì bạn nên học hỏi và điều gì thì không vì nó chỉ gây cản trở và hạn chế khả năng của bạn. Cách tốt nhất là tìm đến nhà trị liệu giỏi, mặc dù các phương pháp tự lực cũng có thể giúp nâng cao sự thừa nhận và phát triển bản thân.
Tổn thương do thiếu thốn tình cảm sẽ bắt đầu được lấp đầy khi bạn trưởng thành, thay đổi và khôn lớn. Tôi không tin nó sẽ hoàn toàn biến mất, nó chỉ trở nên thật nhỏ bé trong thế giới rộng lớn và muôn vẻ khi bạn trưởng thành, được lấp đầy bởi những kinh nghiệm mới và sự liên kết với người xung quanh, như những phần hư hại được phục chế bằng kỹ thuật Kintsugi.
Tất nhiên với mỗi trường hợp khác nhau thì nỗi đau họ chịu đựng và kỹ năng sống mà họ thiếu sẽ là khác nhau, dưới đây chỉ là nhưng dấu hiệu chung nhất để bạn có thể lựa chọn xem cái nào phù hợp nhất với mình.
Mặc dù không phù hợp cho tất cả các trường hợp nhưng rất nhiều người vẫn có thể sử dụng các dấu hiệu bên dưới để đánh giá quá trình hồi phục của bản thân. Hãy nhớ rằng, việc chữa lành là cả một quá trình, việc bỏ đi cái cũ và học cái mới cũng không phải là hàm tuyến tính; sẽ có lúc bạn đạt được bước tiến tốt, có lúc lại là một bước lùi vì bạn dễ quay về với nền thói cũ, nhưng tất cả đều rất đỗi bình thường. Đừng quá hà khắc phán xét bản thân và nhớ rằng đây là cuộc đua đường dài, không phải nước rút.
Sự thiếu hụt về trí tuệ cảm xúc là chuyện rất thường tình, đặc biệt là đối với những ai lớn lên trong môi trường nơi mà họ bị chế giễu hay cười cợt khi thể hiện cảm xúc của mình, nơi không ai xem trọng cảm giác của họ hoặc họ bị cho là dối trá khi bộc lộ cảm xúc thật của mình.
Vì những đứa trẻ thiếu thốn tình thương không được học cách kiểm soát các cảm xúc tiêu cực, chúng có xu hướng chạy trốn khỏi các cảm xúc đó một cách có chủ ý, điều này khiến việc nhận biết chính xác cảm xúc của bản thân lại càng trở nên khó khăn. May thay, trí tuệ cảm xúc là tập hợp các kỹ năng có thể trau dồi, rèn luyện và mài dũa.
Tự trách và tự phê phán bản thân có thể nói đã trở thành thói quen cố hữu, khó thay đổi, có xu hướng trở thành hành vi mặc định của rất nhiều đứa trẻ không được lớn lên trong yêu thương. Đôi khi, thói quen tự trách đơn thuần là dư âm của quá khứ khi đứa trẻ bị những người trong gia đình mình đổ lỗi, đặc biệt là trong những gia đình có thói quen đổ thừa.
>> Những tổn thương vô tình gây cho con: Đổ thừa
Nhưng đó cũng có thể là cách để bạn tránh né nói ra cảm nghĩ của bản thân và “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì bạn sợ phải đối mặt với người khác. Khi bạn bắt đầu có khả năng nhìn nhận những thất bại, sai lầm theo cách phức tạp hơn, nhận thức được vai trò của người khác, của chính bạn cũng như các yếu tố khác, thì đó là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy bạn đã có bước tiến triển tốt.
Vâng, nó được gọi là tự tin, sẽ bắt đầu như mầm chồi nhỏ và tiếp tục phát triển nếu bạn không ngừng bồi dưỡng cho nó. Đây là phương thuốc hữu hiệu cho thói quen hay trằn trọc đắn đo suy nghĩ về các lựa chọn, ngay cả lúc nửa đêm. Thói quen này sẽ thách thức mỗi khi bạn đưa ra quyết định, và khiến bạn ngần ngại liệu mình có lựa chọn nào đúng trong đời hay không.
>> 9 câu nói khích lệ của cha mẹ giúp trẻ nhỏ tự tin trưởng thành
Cho dù là vì nhiều lý do khác nhau, rất nhiều người không dám nói lên suy nghĩ và cảm xúc của mình. Vì họ đã học cách lẩn tránh và không gây sự chú ý về mình, hoặc do cha mẹ họ là những người hiếu chiến, luôn sẵn sàng tranh cãi hoặc quá yêu bản thân mình (ái kỷ).
Trong cuốn sách có tựa đề Rethinking Narcissism (tạm dịch: Nghĩ lại về chứng ái kỷ), giáo sư tâm lý học Craig Malkin đã gọi người có đặc tính này là “echoist” – người quá chú trọng đến việc làm hài lòng người khác nên không dám nói lên suy nghĩ và nhu cầu của bản thân mình. Họ sợ làm phiền người khác, sợ lời khen và không muốn thu hút sự chú ý về phía mình. Giải pháp cho vấn đề này là người đó cần có tiếng nói cho riêng mình.
Trong câu chuyện cổ về chàng trai ái kỷ Narcissus, vị thần nữ Echo đã yêu say đắm anh. Cô đã bị nguyền phải luôn lặp lại một vài từ mà cô nghe thấy. Như cái tên của họ, những echoist luôn vất vả để tìm tiếng nói riêng cho mình.
Dấu hiệu xác nhận cho tình trạng lo âu mà nhiều trẻ thiếu thốn tình thương hay mắc phải đó là chúng cực kỳ cảnh giác và nhạy cảm trước những dấu hiệu bị bỏ rơi hoặc từ chối (dù nhỏ nhoi). Nhưng thật buồn là, điều này là một dạng “lời tiên tri trở thành hiện thực”, chính cách phản ứng đầy cảm tính sẽ đẩy người khác ra xa bạn; bạn quá nhạy cảm và gây căng thẳng trong các mối quan hệ với người khác.
Dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ thật sự là khi bạn biết được đâu là kỷ niệm không vui, đâu là những dấu hiệu từ quá khứ khiến bạn có suy nghĩ sai lệch rằng người khác không xem trọng bạn.
Đúng thế, không chỉ loại bỏ sự nhạy cảm bị từ chối mà còn các yếu tố trong vô thức nhưng đang thể hiện ra vấn đề mà bạn dần dần nhận thức được. Tin tốt là: không còn như thuở nhỏ nữa mà chính bạn sẽ trở thành người lèo lái cuộc đời mình.
Những người thuộc dạng lo âu thái quá có cái nhìn sai về ranh giới cá nhân (boundary), họ xem đó là sự từ chối; còn những người thuộc dạng né tránh thái quá lại nhầm lẫn ranh giới cá nhân với các bức tường ngăn cách họ với người khác.
Bạn cần phát triển khả năng nhận biết rằng giữa người và người cần có ranh giới nhất định, ai cũng cần có ranh giới riêng. Đây là dấu hiệu cho thấy bạn đã có thể giao kết tốt hơn với người khác. Khi bạn bắt đầu nhìn mình như một cá thể hoàn chỉnh, bạn cũng sẽ dễ dàng nhìn thấy được điều đó ở người khác.
Biết vui và ăn mừng về những tiến bộ cũng như đối mặt với những vấp ngã, lầm lỗi và thất bại là một cách đo lường bước tiến của bạn. Biết thương cảm cho chính mình, đặc biệt khi bị tổn thương, là điểm quan trọng, dù khả năng này đến theo cách khá chậm. Bạn sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để có thể thay đổi lối suy nghĩ tự làm tổn thương chính mình về mặt cảm xúc cũng như tinh thần.
Một trong số những hậu quả của tuổi thơ không hạnh phúc đó là đứa trẻ không thể hiểu được chính mình; một mặt tạo ra thói quen tự phê phán bản thân vì những lỗi nhỏ nhặt, mặt khác khiến chúng không thấy được điểm mạnh và tích cực của mình.
Hiểu rõ bản thân là khi đứa trẻ bắt đầu bỏ đi những suy nghĩ tiêu cực về cơ thể và ngoại hình của mình; đây cũng là vấn đề mà các bậc cha mẹ hiếu chiến, lạnh lùng, hay kiểm soát gây tác động lớn đến con trẻ và cần được giải quyết.
Một bước ngoặt lớn là khi đứa trẻ nhận ra rằng: nguyên nhân khiến cha mẹ cư xử không tốt hoàn toàn không liên quan gì đến chúng, tất cả là ở bản thân người cha mẹ. Xấu hổ khi không được yêu thương, cảm giác đơn độc và cô lập sẽ dần biến mất khi đứa trẻ biết hướng về bản thân mình ngày càng nhiều hơn.
Hiểu rằng mình không đơn độc và rằng có rất nhiều người cũng đang đối mặt với những khủng hoảng tương tự, trẻ sẽ dễ vượt qua vấn đề này hơn. Đây vốn là do người khác gây ra chứ chưa từng bao giờ xuất phát từ bản thân chúng.
Đây thật sự là một vấn đề lớn vì trẻ không được thương yêu thường cảm thấy mình là kẻ kém cỏi, đặc biệt trong việc phát triển bản thân. Thường thì chúng dễ bị ảnh hưởng bởi lời bình phẩm của người khác về mình từ khi còn nhỏ hay khi đã là vị thành niên, khiến bản thân cảm thấy bất lực. Những suy nghĩ đó có thể không được thể hiện ra một cách có ý thức nhưng chúng lại xem đó là “sự thật” về bản thân con người mình.
Lạ lùng thay, việc tự đánh giá này hoàn toàn có thể tồn tại song hành ngay cả ở những người thành đạt, các nhà nghiên cứu gọi nó là “hội chứng kẻ maọ danh” (luôn nghĩ rằng mình không xứng đáng với những gì mình đạt được, không tài giỏi như mọi người nghĩ), họ cho mình là kẻ lừa gạt sắp bị người khác phát hiện ra chân tướng.
Đặt cho mình một mục tiêu và bắt đầu thực hiện, từng bước từng bước một, là dấu hiệu của sự tiến bộ thực sự.
Dù là khi bạn thường tràn ngập xúc cảm hoặc khi bạn có thể khéo léo đẩy lùi cảm xúc trong quá khứ, khi bạn bắt đầu áp dụng các phương pháp để kiểm soát cảm xúc của mình, bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi nhỏ nhưng ngày một lớn dần. Bạn sẽ thấy mình có thể lường trước các tình huống căng thẳng và có chiến thuật hẳn hoi để xử lý, và rằng bạn ngày càng giỏi trong việc lấy bình tĩnh hơn là chỉ đơn thuần phản ứng lại trước các tình huống. Lúc nào cũng thế, nhiều bước nhỏ qua thời gian tích cóp sẽ tạo thành bước sải lớn.
Việc hồi phục và chữa lành là cả một quá trình dài và chậm nhưng vẫn luôn có các dấu hiệu cho thấy sự thay đổi và tiến triển. Hãy nhớ bạn phải là người cổ động cho chính mình và tự thương lấy mình khi bạn có xu hướng quay trở lại với nền thói cũ.
Mọi ý niệm trong bài viết này đều được lấy từ cuốn sách Daughter Detox: Hồi phục từ thương tổn do không nhận được tình thương của cha mẹ và cách tìm lại cuộc sống của chính mình.
Tác giả: Peg Streep
Thúy Anh biên dịch
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…