Sức Khỏe

Nhiễm ký sinh trùng: Bệnh dễ chữa nhưng thường được phát hiện muộn

Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết số ca nhiễm ký sinh trùng nhập viện đang gia tăng gần đây. Nguyên nhân chủ yếu là do thói quen ăn uống và vệ sinh môi trường chưa tốt. Bệnh dễ chữa khỏi nhưng thường được phát hiện muộn do các triệu chứng mờ nhạt và dễ nhầm lẫn với các chứng bệnh khác, như ngứa, tiêu hóa kém, đau bụng, mệt mỏi, thiếu máu, thậm chí là co giật. Đa số người bệnh đều mất nhiều thời gian và chi phí để điều trị tại các chuyên khoa khác trước khi phát hiện ra bệnh.

Ký sinh trùng (Ảnh minh hoạ: Kateryna Kon/ Shutterstock)

Gần đây, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương đã tiếp nhận hai ca bệnh nhiễm ký sinh trùng khá nặng. Bệnh nhân nam đến với biểu hiện đau đầu, co giật, đã chữa trị đủ nơi nhưng bệnh ngày càng nặng. Trong khi đó, bệnh nhân nữ nhập viện trong tình trạng gan to, bị tổn thương nặng với nỗi lo sợ bị ung thư gan. Cả hai đều bất ngờ khi được các bác sĩ chẩn đoán nhiễm ký sinh trùng. 

Hãy cùng tìm hiểu về căn bệnh này ở dưới đây để có thể phát hiện sớm và phòng ngừa hiệu quả, tránh để bệnh tiến triển nặng, mất nhiều thời gian và chi phí điều trị không đáng có. 

Ký sinh trùng là gì?

Ký sinh trùng là sinh vật sống bám vào hoặc bên trong cơ thể sinh vật khác (con người, động vật, thực vật) để lấy chất dinh dưỡng duy trì sự sống và phát triển. Do phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn dinh dưỡng từ vật chủ nên ký sinh trùng hiếm khi giết chết vật chủ. Tuy nhiên, nó có thể lây lan bệnh tật và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Dựa theo đặc điểm sinh học, ký sinh trùng có thể phân chia thành 3 loại: Động vật nguyên sinh (Protozoa), Giun sán (Helminths) và Côn trùng ký sinh (Arthropoda).

Các loại ký sinh trùng phổ biến ở Việt Nam

Ở Việt Nam, do đặc điểm khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nên thuận lợi cho nhiều loại ký sinh trùng phát triển. Dưới đây là những loại ký sinh trùng phổ biến gây bệnh ở người:

1. Nhóm giun sán (Helminths)

Nhóm ký sinh trùng Vị trí ký sinh Triệu chứng chính Đường lây truyền
Giun đũa Ruột non Đau bụng, buồn nôn, tắc ruột Ăn uống thực phẩm nhiễm trứng giun
Giun kim Ruột già Ngứa hậu môn (đặc biệt vào ban đêm) Nuốt phải trứng giun qua tay hoặc đồ vật
Giun móc/mỏ Ruột non Thiếu máu, mệt mỏi Ấu trùng xâm nhập qua da (đi chân trần)
Giun lươn Ruột non, phổi Tiêu chảy kéo dài, đau bụng Ấu trùng xâm nhập qua da
Sán lá gan lớn Gan, ống mật Đau hạ sườn phải, áp xe gan Ăn rau thủy sinh sống (rau ngổ, rau cần)
Sán dây lợn Ruột non, mô não

(ấu trùng)

Đau bụng, sụt cân, co giật (nhiễm ấu trùng) Ăn thịt lợn sống hoặc chưa chín kỹ
Sán dây bò Ruột non Rối loạn tiêu hóa, chán ăn, sụt cân Ăn thịt bò sống hoặc chưa chín kỹ

2. Nhóm động vật nguyên sinh (Protozoa)

Nhóm ký sinh trùng Vị trí ký sinh Triệu chứng chính Đường lây truyền
Ký sinh trùng sốt rét Máu, gan Sốt từng cơn, thiếu máu, gan lách to Muỗi Anopheles đốt
Amip lỵ Ruột già, gan Tiêu chảy ra máu, áp xe gan Uống nước hoặc ăn thực phẩm nhiễm bào nang
Toxoplasma Tế bào, mô não, mắt Ảnh hưởng thần kinh, nguy hiểm với thai nhi Ăn thực phẩm sống hoặc tiếp xúc phân mèo

3. Nhóm côn trùng ký sinh (Arthropoda)

Nhóm ký sinh trùng Vị trí ký sinh Triệu chứng chính Đường lây truyền
Muỗi Anopheles Máu Truyền bệnh sốt rét Đốt người
Muỗi Aedes Máu Truyền sốt xuất huyết, virus Zika Đốt người
Bọ chét Da, lông Gây ngứa, truyền bệnh dịch hạch Cắn người hoặc động vật
Chấy, rận Da đầu Ngứa ngáy, khó chịu Tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung đồ cá nhân

Cách phòng ngừa bệnh do nhiễm ký sinh trùng

Giữ gìn vệ sinh cá nhân

  • Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với đất hoặc vật nuôi bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
  • Cắt móng tay, móng chân gọn gàng để tránh trứng giun bám vào và lây lan.
  • Không cắn móng tay hoặc mút tay, vì đây là con đường dễ đưa trứng giun vào cơ thể.

Vệ sinh thực phẩm

  • Ăn chín, uống sôi, đặc biệt nấu kỹ các loại thịt như thịt lợn, bò, cá nước ngọt.
  • Không ăn các món chưa chín kỹ như tiết canh, gỏi cá, rau sống chưa được rửa sạch.
  • Rửa kỹ rau củ quả, ngâm nước muối loãng hoặc dung dịch rửa rau trước khi ăn.
  • Sử dụng nguồn nước sạch đã được đun sôi hoặc lọc kỹ để uống.

Vệ sinh môi trường sống

  • Xử lý chất thải đúng cách, không phóng uế bừa bãi để tránh ô nhiễm nguồn nước và đất.
  • Giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, thường xuyên diệt côn trùng (muỗi, ruồi, bọ chét) và dọn các ổ lăng quăng.
  • Giặt chăn màn, quần áo thường xuyên và phơi dưới ánh nắng mặt trời để tiêu diệt ký sinh trùng.
  • Không đi chân trần trên đất ẩm, nhất là ở các vùng nông thôn, để tránh nhiễm giun móc.

Khám sức khỏe và tẩy giun định kỳ

  • Tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng/lần cho cả người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm phân hoặc máu khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng để phát hiện và điều trị kịp thời.

Kiểm soát động vật nuôi

  • Tắm rửa thường xuyên cho vật nuôi như chó, mèo để tránh ký sinh trùng bám trên da lông.
  • Tẩy giun định kỳ cho thú cưng theo hướng dẫn của bác sĩ thú y.
  • Đeo găng tay khi dọn vệ sinh chuồng trại hoặc tiếp xúc với phân động vật.

Phòng tránh trong các hoạt động đặc biệt

  • Khi du lịch hoặc dã ngoại, không uống nước lã, không ăn thực phẩm sống, và sử dụng thuốc chống côn trùng để tránh muỗi đốt.
  • Khi làm nông nghiệp hoặc lao động chân tay, nên đeo găng tay bảo hộ và tránh tiếp xúc trực tiếp với bùn đất ô nhiễm.

Thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và giảm nguy cơ nhiễm ký sinh trùng trong cuộc sống hằng ngày.

Tú Liên t/h

Tú Liên

Published by
Tú Liên

Recent Posts

Nhà sản xuất búp bê Barbie đẩy nhanh việc rút khỏi Trung Quốc

Mattel - nhà sản xuất búp bê Barbie và bộ bài UNO, công ty đồ…

4 giờ ago

NHTW Trung Quốc công bố 10 biện pháp hỗ trợ nền kinh tế đối mặt với thuế quan Hoa Kỳ

Các biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm giảm chi phí vay, tăng cường thanh…

5 giờ ago

Châu Âu cân nhắc cấm hoàn toàn khí đốt Nga

EU dự trù sẽ đề xuất một đạo luật nhằm loại bỏ dần dần toàn…

7 giờ ago

Thư viện 300 năm tuổi tuyệt đẹp sử dụng dơi để diệt trừ sâu bọ phá hoại sách

Vào ban ngày, chúng gập đôi cánh da, treo mình cao trên xà nhà bằng…

7 giờ ago

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ cho phép loại quân nhân chuyển giới khỏi quân đội

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ hôm thứ Ba (6/5) đã trao cho Tổng thống…

7 giờ ago

Ngôi trường bị sập vữa trần trong lớp: Bảng đã ‘rụng’ trước khi vữa rơi

Trước khi xảy ra sự cố sập vữa trần trong lớp khiến một học sinh…

9 giờ ago