Sức Khỏe

Bộ não có xu hướng thích sự trung thực: Nói dối có thể khiến bạn bị bệnh

Sự trung thực không chỉ là yếu tố then chốt trong các mối quan hệ xã hội mà còn đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của con người. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, nói dối không chỉ khiến bộ não phải hoạt động quá tải mà còn gây ra những tác động tiêu cực, như căng thẳng, lo âu và thậm chí là các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Trung thực không chỉ mang lại sự thanh thản trong tâm trí, mà còn là chìa khóa để duy trì một cuộc sống khỏe mạnh và cân bằng.

Nói dối tác động xấu đến sức khỏe. (Ảnh minh họa: Fei Meng/The Epoch Times)

Đây là phần thứ hai của ‘Mỹ đức y học’: Loại thuốc nào an toàn, hiệu quả, miễn phí và chỉ cần một sự thay đổi tinh tế trong góc nhìn để phát huy tác dụng? Chúng tôi mời bạn khám phá mối liên hệ thường bị bỏ qua giữa đức hạnh và sức khỏe – ‘Mỹ đức y học’.

Bác sĩ Jonathan Corson không chỉ nổi tiếng nhờ kiến thức chuyên môn y học mà còn vì những lời khuyên giá trị khác với y học mà ông đưa ra. Gần đây, ông bắt đầu chia sẻ với bệnh nhân về cách rèn luyện các phẩm chất đạo đức như lòng biết ơn có thể giúp giảm bớt đáng kể các vấn đề sức khỏe của họ. Sự kết hợp giữa hướng dẫn triết học và thực hành y học này đã mang lại cho ông cả sự ngưỡng mộ lẫn hoài nghi.

Một ngày nọ, bác sĩ Corson cảm thấy kiệt sức khi rời văn phòng sau một tuần làm việc liên tục. Trong cuộc chiến với chứng đau nửa đầu dai dẳng mà dường như thuốc men không thể giải quyết, ông bắt đầu suy ngẫm về những lời khuyên mà mình đã đưa ra cho người khác. Cơn đau nhói nhắc ông rằng con người thật mong manh. Ngay cả khi là một bác sĩ, ông cũng không thể tránh khỏi bệnh tật. Sự khó chịu dữ dội này đã thôi thúc ông bước vào một cuộc tự phản tỉnh sâu sắc, khác biệt hoàn toàn so với bất kỳ điều gì ông từng trải qua trước đó.

Ông tự hào về khả năng lắng nghe người khác và đưa ra lời khuyên không chỉ tập trung vào triệu chứng cơ thể. Ông dám thẳng thắn xem xét cả khía cạnh đạo đức và lối sống của bệnh nhân. Nhưng khi suy ngẫm về chứng đau nửa đầu của chính mình, một câu hỏi ám ảnh bỗng xuất hiện: “Liệu bản thân tôi có đang thực hành những điều mà tôi khuyến khích người khác không?”

Nhận thức này đã tác động mạnh mẽ đến ông. Có lẽ, chứng đau nửa đầu của ông không chỉ là một căn bệnh thể chất. Liệu có mối liên hệ nào giữa tình trạng hiện tại của ông với những đức hạnh, hoặc sự khuyết thiếu đức hạnh mà gần đây ông thường thảo luận trong công việc hay không?

Đối mặt với những yêu cầu và trách nhiệm liên tục, ông thường bỏ qua những tiểu tiết khi giao tiếp với bệnh nhân, đưa ra những lời hứa không thực tế với gia đình, hoặc chỉ nói những điều mà người khác muốn nghe. Dần dần, áp lực phải thể hiện, cùng với sự kiêu ngạo, ích kỷ và thậm chí cảm giác vượt trội hơn người khác, đã khiến ông đi đường tắt. Ông tự hỏi: “Có phải cuộc sống của tôi đang thiếu đi sự trung thực hay không?”

Bác sĩ Corson quyết định đã đến lúc bắt đầu một hành trình cá nhân hướng tới sự trung thực hơn — với chính bản thân và những người xung quanh.

Ông bắt đầu ghi lại từng khoảnh khắc mà mình không trung thực hoặc gây hiểu lầm, sau đó suy ngẫm cách cải thiện. Đồng thời, ông cũng nghiên cứu sâu hơn các tài liệu khoa học về lợi ích của sự trung thực đối với sức khỏe.

Cảm giác căng thẳng biến mất

Khi mở lòng đón nhận sức mạnh thay đổi của sự trung thực, ông phát hiện ra niềm hạnh phúc sâu sắc hơn và một mục tiêu mới trong công việc. Ông cảm nhận được mối liên hệ trực tiếp giữa sức khỏe và đức hạnh.

Khoảng một tuần sau, trên đường về nhà, ông nhận ra rằng “những cơn đau đầu khó chịu đã biến mất!”. Ông nói những cơn đau đớn này từng là một phần quen thuộc trong cuộc sống của ông. Ông nhận ra rằng, dù chỉ mới bắt đầu tập trung vào thực hành sự trung thực, mức độ căng thẳng của ông đã giảm đi đáng kể.

Nghiên cứu năm 2010 của Trường Kinh doanh Đại học Columbia cho thấy rằng sự không trung thực trong chốc lát có thể làm tăng mức cortisol — loại hormone căng thẳng chính của cơ thể. Cortisol giúp cơ thể sẵn sàng “chiến đấu hoặc bỏ chạy” trước các mối đe dọa được nhận thức, nghĩa là khi một người nói dối, cơ thể họ phản ứng như thể đang chuẩn bị chống trả hoặc trốn thoát. Nghiên cứu này nhấn mạnh việc nói dối có thể kích hoạt các phản ứng căng thẳng sinh lý đo lường được, phản ánh sự nhạy cảm bẩm sinh của cơ thể với sự không trung thực.

Sự trung thực làm giảm căng thẳng. (Ảnh minh họa: The Epoch Times)

Trong những tình huống nguy hiểm, sự giải phóng năng lượng từ cortisol ở mức độ cao có thể giúp cơ thể làm được những điều mà bình thường không thể. Tuy nhiên, con người không thể sống trong trạng thái này ngày qua ngày. Về lâu dài, hormone căng thẳng này sẽ gây áp lực lên hệ tim mạch, tăng viêm nhiễm và có thể dẫn đến các vấn đề như chứng đau nửa đầu mà ông từng trải qua.

Cơ thể con người là một hệ thống sinh học rất tinh vi. Tuy nhiên, giống như một cỗ máy bị quá tải dẫn đến hao mòn, việc đẩy cơ thể vượt quá giới hạn cũng sẽ gây ra những hỏng hóc.

Hệ quả từ việc không trung thực: suy giảm khả năng xử lý của não bộ, tăng nhịp tim, huyết áp, và mức cortisol. Tất cả những yếu tố này đều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Tác động tiêu cực của sự không trung thực đến sức khỏe. (Ảnh The Epoch Times)

Bộ não tự nhiên hướng tới sự trung thực

Trước đây, bác sĩ Corson thường “bóp méo sự thật.” Ông thường nói với vợ rằng sẽ về nhà vào một thời gian cụ thể, nhưng cuối cùng lại về muộn hơn lời hứa. Trong công việc, đôi khi ông bảo bệnh nhân rằng “sáng nay tôi đã đích thân kiểm tra kết quả xét nghiệm của anh/chị,” trong khi thực tế ông chỉ xem qua vài phút trước buổi hẹn. Có lần, ông nói với con gái rằng không thể tham dự trận đấu bóng đá của cô bé vì phải làm thêm giờ — dù ông biết rõ nếu muốn, mình có thể đến. Thực tế, ông cảm thấy kiệt sức và chỉ muốn dành một buổi tối yên tĩnh cho bản thân, nghĩ rằng bỏ qua một trận đấu cũng không quan trọng lắm vì sau này ông có thể bù đắp lại cho con gái.

Hiện tại, mọi thứ đã khác. Trước khi nói, ông sẽ suy nghĩ kỹ xem liệu lời nói của mình có trung thực hay không, có phản ánh đúng hành động và cảm xúc của mình không, rồi mới cất lời.

Khi ông ngày càng chân thành hơn với người khác, ông cảm thấy bản thân giao tiếp thoải mái hơn — mặc dù đó không phải là điều dễ dàng. Điều đáng ngạc nhiên là, ông nhận thấy lòng tự trọng và các mối quan hệ của mình cũng được cải thiện rõ rệt. Quan trọng hơn, ông cảm thấy như đang sống một cuộc đời rất ý nghĩa.

Nghiên cứu cho thấy sự trung thực là trạng thái nhận thức cơ bản

Trong một nghiên cứu mang tính bước ngoặt được công bố năm 2002 trên tạp chí NeuroImage, các nhà khoa học yêu cầu người tham gia nói dối hoặc nói thật trong khi đo lường hoạt động não bộ của họ. Đầu tiên, các nhà nghiên cứu cho người tham gia xem một lá bài cụ thể — chẳng hạn như lá bài 2 cơ. Sau đó, khi nhận được lá bài khác, họ phải trả lời lá bài mới là giống nhau (nói “đúng”) hoặc khác nhau (nói “không”) so với lá ban đầu.

Khi người tham gia nói dối, hoạt động của não bộ tương tự như khi họ nói thật, vì não bộ phải kích hoạt trong việc nhớ lại sự thật. Tuy nhiên, vẫn có sự hoạt động tại hai vùng quan trọng có liên quan đến sự tự kiểm soát. Ban đầu, con người nghĩ đến sự thật, nhưng khi nói dối, sự thật sẽ bị kìm nén.

Điều này chứng tỏ rằng trung thực là trạng thái nhận thức cơ bản. Trong khi nói dối lại đòi hỏi sử dụng thêm các tài nguyên nhận thức, dẫn đến gia tăng căng thẳng tinh thần và những tác động tiềm tàng đối với sức khỏe.

Những hình ảnh về não bộ trong thí nghiệm là các ảnh chụp cắt lớp não, từ trên xuống dưới, cho thấy các hoạt động chỉ xảy ra trong quá trình nói dối. Hình ảnh thần kinh được trích từ bài báo năm 2002 của Langleben và cộng sự trên tạp chí NeuroImage với tiêu đề ‘Hoạt động của não bộ trong quá trình giả lập nói dối: Một nghiên cứu chụp cộng hưởng từ chức năng liên quan đến sự kiện (Brain Activity during Simulated Deception: An Event-Related Functional Magnetic Resonance Study). (Ảnh do Daniel Langleben cung cấp).

Lý do việc nói dối làm cơ thể mệt mỏi

Khi trò chuyện với một đồng nghiệp là nhà thần kinh học, bác sĩ Corson hiểu rõ hơn tại sao việc nói dối lại gây mệt mỏi. Ông ấy được biết, rằng đại não và vùng vỏ não trước trán (dorsolateral prefrontal cortex – DLPFC) được liên kết với nhau bằng mạng lưới , kiểm soát hành vi và tư duy phản biện của chúng ta.

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên của DLPFC có giới hạn, nghĩa là nếu chúng ta tiêu hao năng lượng để cố gắng nói dối, thì khả năng giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo thực sự sẽ bị giảm sút. Đây là lý do tại sao sau một ngày dài và căng thẳng, con người thường ít tự chủ hơn, dẫn đến những hành động gây hại cho lợi ích của người khác.

Các loại nói dối

Nghiên cứu chỉ ra rằng có nhiều dạng nói dối khác nhau. Một nghiên cứu công bố năm 2003 trên tạp chí Cerebral Cortex đã khám phá cơ chế thần kinh đằng sau những hình thức nói dối khác nhau.

– Nói dối ngẫu hứng: Ví dụ, nói dối về món bạn đã ăn trưa.

– Nói dối có kế hoạch: Ví dụ, bịa đặt một chuyến đi tới một địa điểm du lịch nổi tiếng mà bạn chưa từng đến.

Lời nói dối càng nghiêm trọng, tác hại lên thể chất và tinh thần của bạn càng lớn. Nói dối yêu cầu bạn phải ghi nhớ bối cảnh, ý nghĩa, mục tiêu cuối cùng của lời nói dối, bạn đã nói dối với ai và bạn đã nói khi nào.

Những lời nói dối đòi hỏi sự lừa dối tự phát để hỗ trợ cho lời nói dối trước đó sẽ kích hoạt mạnh mẽ vỏ não trước (ACC). Ví dụ, nếu ai đó hỏi bạn tại sao đến muộn, thay vì thật thà rằng bạn ngủ quên, bạn vội vàng bịa ra lý do kẹt xe, thì lúc này ACC của bạn đang làm việc rất tích cực. Phần não này sẽ kìm hãm xu hướng nói thật tự nhiên của bạn, điều đòi hỏi thêm năng lượng nhận thức để duy trì lời nói dối, đảm bảo nó đáng tin, hơn nữa còn cần nhất quán với mọi câu hỏi tiếp theo.

Những kịch bản hư cấu, chẳng hạn như chuyến đi du lịch bịa đặt, sẽ kích hoạt đáng kể vùng DLPFC, và yêu cầu nhiều nỗ lực tinh thần hơn so với việc nói một lời nói dối đơn giản, vì bạn cần phải kiểm tra chéo và đảm bảo lời bịa đặt của mình nhất quán từ đầu đến cuối.

Lời nói dối phải trả giá rất đắt, trong khi trung thực mang lại sự bình thản, lòng tin cậy, và không có cảm giác lo lắng.

Hiệu suất cao và cuộc sống đáng sống

Bác sĩ Corson bắt đầu nhận ra rằng mỗi ngày khi rời khỏi văn phòng, ông cảm thấy tràn đầy năng lượng. Trước đây, ông từng nói: “Thật không ngờ chỉ ngồi suy nghĩ thôi cũng có thể mệt mỏi như vậy? Dù tôi chỉ ngồi trước bàn làm việc, tôi vẫn thấy như mình vừa hoàn thành một ngày lao động chân tay vất vả!” Ông cũng chia sẻ rằng, trước đây, ông thường quá “kiệt sức” đến mức không thể chơi đùa với con gái. Nhưng giờ đây, ông nhận ra rằng mình sáng tạo hơn, thú vị hơn và tận tâm hơn cả ở trong công việc lẫn gia đình.

Trong khi tận hưởng một cuộc sống có chất lượng tốt hơn, ông bắt đầu chia sẻ câu chuyện của mình với những người khác. Một ngày nọ, khi trò chuyện với Frank, một chuyên gia xử lý hóa đơn y tế, ông nói: “Tôi cá là những người trung thực sẽ ít phải đi khám bác sĩ hơn – ai đó nên nghiên cứu điều này”. Frank trả lời: “Tôi tin điều đó là đúng!”, sau đó ông Frank giới thiệu cho bác sĩ Corson một nghiên cứu được công bố vào năm 2022 trên tạp chí Social Psychiatry and Psychiatric Epidemiology. Nghiên cứu này đã phân tích các yêu cầu bảo hiểm và phát hiện ra rằng phẩm chất đạo đức có liên hệ đến tỷ lệ mắc trầm cảm thấp hơn và kết quả sức khỏe tâm lý tích cực hơn.

Sau một ngày dài làm việc, bác sĩ Corson tựa mình vào ghế. Khi nhận ra sự thay đổi tinh tế nhưng sâu sắc trong cuộc sống, ông cảm thấy gánh nặng trách nhiệm đã nhẹ bớt.

“Nếu chỉ hành động trung thực thôi cũng làm giảm căng thẳng của tôi, từ đó giảm cả chứng đau nửa đầu, vậy trong lĩnh vực đạo đức này còn tiềm năng nào khác chưa được khai phá?”

Khi chuẩn bị rời khỏi văn phòng, một nụ cười nhẹ nhàng hiện lên trên khuôn mặt ông. Ông tắt đèn trong phòng, bước ra ngoài và hòa vào không khí trong lành của buổi tối. Khi lái xe trong ánh hoàng hôn, ông không chỉ đơn thuần quay về nhà—mà đang tiến gần hơn đến một cuộc sống trung thực, lành mạnh và cuối cùng là viên mãn hơn.

Lời tác giả:

Ngày nay, chúng ta đang đối mặt với những thách thức chưa từng có trong xã hội, y học và môi trường làm việc. Câu chuyện này được xây dựng từ những kinh nghiệm thực tế của các đồng nghiệp và chuyên gia y tế. Những thách thức và phần thưởng được mô tả trên đây là có thật. Trong bối cảnh áp lực thể hiện bản thân, chạy đua với thời gian và bắt kịp với nhịp sống hiện đại, nhiều người đang phải vật lộn với các tình huống đạo đức và sự giả tạo. Chúng tôi tin rằng sự thật thực sự sẽ giúp bạn thoát khỏi xiềng xích của những giả dối và bất thiện.

Robert Backer Ph.D., Makai Allbert, Yuhong Dong M.D., Ph.D.

Published by
Robert Backer Ph.D., Makai Allbert, Yuhong Dong M.D., Ph.D.

Recent Posts

Nấm mỡ trắng có thể giúp cơ thể chống lại ung thư

Theo nghiên cứu gần đây, các thực phẩm chức năng làm từ chiết xuất nấm…

37 phút ago

Chống hắt hơi với bộ giải pháp giảm dị ứng tự nhiên

Một nghiên cứu từ Phần Lan cho thấy mật ong từ phấn hoa bạch dương…

55 phút ago

6 cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hóa chất bị tạm dừng hoạt động

Trong hơn nửa tháng kể từ khi bị phát hiện sản xuất hàng nghìn tấn…

1 giờ ago

Đọc “Trò chuyện với thiên thần” và khuôn mặt của Big Tech, Big Pharma và của Bankster

"Trò chuyện với thiên thần" rất đáng đọc, như một bách khoa toàn thư thì…

2 giờ ago

Dân biểu Mike Johnson tái đắc cử Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson hôm thứ Sáu (3/1) đã tái đắc…

2 giờ ago

Nối lại mối liên hệ với Thiên thượng – Nhân dịp Nhà thờ Đức Bà mở cửa lại

Nhà thờ Đức Bà Notre Dame với lịch sử hơn 800 năm sẽ được mở…

2 giờ ago