Những tin tức cập nhật mới nhất về diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán tại Trung Quốc, Việt Nam và thế giới.
Trung Quốc Đại lục (*)
- Uỷ ban Y tế Nhà nước Trung Quốc sáng 8/3 mới công bố con số thấp kỷ lục về các ca nhiễm mới và ca tử vong mới ở Đại lục: 45 ca nhiễm mới và 27 ca tử vong mới.
- Một khách sạn 5 tầng được chuyển thành nơi cách ly bệnh nhân Covid-19 ở Trung Quốc đổ sập vào khoảng 19h ngày 7/3, có khoảng 70 người bên trong lúc xảy ra sự cố. Khách sạn tên là Xinjia Express ở Tuyền Châu. Hiện công tác cứu hộ vẫn đang được diễn ra.
- Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Thượng Hải, Trung Quốc nhận định nếu không áp dụng các biện pháp quyết liệt để chống dịch COVID-19, số ca bệnh bên ngoài Trung Quốc sẽ tăng gấp 10 lần cứ sau 19 ngày.
(*) Lưu ý: Tất cả những số liệu cập nhật tại Đại lục về số ca nhiễm, số ca tử vong, số ca bình phục … đều chỉ đến từ 1 nguồn là Uỷ ban Y tế Nhà nước Trung Quốc. Hiện chưa có nguồn độc lập nào khác có thể kiểm chứng số liệu, ngoài 1 vài mô hình nghiên cứu giả định con số thực tế có thể cao hơn con số được chính quyền Trung Quốc công bố.
Xem thêm:
Thế giới
- Thế giới có thêm 7 nước có ca nhiễm COVID-19 lần đầu tiên: Maldives, Bulgaria, Malta, Moldova, Colombia, Paraguay và Guyane (thuộc Pháp), nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ có ca nhiễm virus corona lên 104 + 1 du thuyền Diamond Princess. Tổng số ca nhiễm toàn thế giới vượt 106.000 ca, trong đó 50% đã bình phục.
- Iran: số ca tiếp tục tăng mạnh với 1.076 ca nhiễm mới và 21 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 5.823 và tổng số ca tử vong lên 145. Tốc độ tăng của Iran hiện cao nhất châu Á. Người phát ngôn Bộ Y tế Iran cho biết đã có hơn 16.000 người đã nhập viện vì nghi ngờ nhiễm bệnh, trong đó ở Tehran đã xác nhận có 1.539 ca nhiễm. Thêm hàng trăm ca nhiễm mới cũng đã được ghi nhận tại tỉnh Mazandaran, địa điểm du lịch hàng đầu ở phía bắc của Tehran trên Biển Caspi. Iran đã phải huy động Lực lượng Vệ binh Cách mạng để hỗ trợ chống dịch.
- Hàn Quốc: số ca mới vẫn tăng nhưng tốc độ giảm hơn so với trước đây với 367 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 7.134. Đáng lưu ý, tại tâm dịch Daegu xuất hiện trường hợp lây nhiễm hàng loạt tại một khu dân cư, với 1/3 cư dân sống tại đây bị nhiễm virus. Hiện toà chung cư này đã bị phong toả. Ngoài ra, một cụm lây nhiễm khác đáng lo ngại được ghi nhận tại thành phố phía Gyeongsan, giáp với cả Daegu và huyện Cheongdo, hai tâm dịch đầu tiên.
- Hãng hàng không Hàn Quốc Korean Air hôm 7/3 xác nhận một thành viên phi hành đoàn thứ hai của hãng đã được chẩn đoán nhiễm COVID-19.
- Nhật Bản có thêm 41 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 461 ca.
- Từ ngày 9/3 đến ngày 31/3, thị thực Nhật Bản cấp cho công dân Trung Quốc, Hồng Kông, Macau và Hàn Quốc sẽ tạm thời bị vô hiệu hóa. Tổng số thị thực bị vô hiệu hoá vào khoảng 3 triệu. Đây là một nỗ lực phòng dịch lây lan của Thủ tướng Abe Shinzo. Ông Abe trước đó đã bị chỉ trích nặng nề vì phản ứng muộn màng trong việc kiểm soát biên giới và hạn chế đi lại từ các nước láng giềng, cũng như việc đóng cửa trường học.
- WHO đã đề nghị Hàn Quốc và Nhật Bản ngừng đáp trả nhau và cùng sát cánh để đối phó dịch.
- Các nước khu vực Trung Đông: Bahrain có 25 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 85 ca; Iraq có 6 ca nhiễm mới, tổng số 54 ca; Lebanon có 6 ca nhiễm mới, tổng số 28 ca; Israel có 4 ca nhiễm mới, tổng số 25 ca; Kuwait 3 ca nhiễm mới, tổng 61 ca.
- Macao đã có toàn bộ các ca nhiễm bình phục.
- Malaysia cũng có thêm 10 ca mới, lên tổng 93 ca.
- Tại châu Âu, 49 nước và vùng lãnh thổ tại lục địa này đã có ca nhiễm bệnh, tức toàn bộ lục địa. Châu Âu hiện là điểm nóng của thế giới với các ổ dịch lớn ở Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha. Ngoài ra, các nước khác như Thuỵ Sĩ, Bỉ, Anh, Hà Lan, Na Uy, Thuỵ Điển đều có thêm nhiều ca nhiễm mới, số liệu không ngừng tăng và có thể trở thành những ổ dịch mới ở châu lục này.
- Ý có thêm tới 1.247 ca nhiễm mới và 36 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 5.883 và số ca tử vong lên 233 – cao thứ hai thế giới sau Trung Quốc Đại lục. Chính phủ Ý sẽ phong tỏa khu vực Lombardy xung quanh Milan để hạn chế sự lây lan của dịch cho đến 3/4, khu vực phong tỏa sẽ bao gồm cả Venice. Các bệnh viện vùng Lombardy đang đối mặt tình trạng quá tải. Hôm 7/3, Ý đã bắt đầu tuyển dụng các bác sĩ đã nghỉ hưu trở lại làm việc để bổ sung lực lượng cho nhân viên y tế khi nhiều y bác sĩ nước này đã bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, các sinh viên điều dưỡng sẽ được tốt nghiệp sớm trong vài ngày tới và được đưa vào làm việc ngay lập tức. Chính quyền cũng yêu cầu các bệnh viện tại Lombardy giảm 70% số ca phẫu thuật và số giường bệnh theo yêu cầu để nhường chỗ cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.
- Trước đó, Ý thông báo ông Nicola Zingaretti, lãnh đạo đảo Dân chủ, một trong các đảng cầm quyền quốc gia, đã có kết quả dương tính với virus corona. Đây là chính trị gia cấp cao đầu tiên ở Ý xác nhận nhiễm virus.
- Mỹ: tình hình tại đây cũng đang trở nên nghiêm trọng với 117 ca nhiễm mới và 4 ca tử vong mới. Bang New York đã có 89 ca nhiễm và tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì virus corona.
- Đáng lưu ý, Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) tuần trước tại bang Maryland – có Tổng thống Donald Trump, Phó Tổng thống Mike Pence và các quan chức khác trong chính quyền Trump tham dự – đã có một trong những người tham dự vừa được xét nghiệm dương tính với virus corona. Tuy nhiên, người này được cho là không tiếp xúc trực tiếp với ông Trump hay ông Pence, cũng không tham gia các sự kiện trong hội trường chính.
- Một Hội nghị khác của Uỷ ban Công vụ Israel (AIPAC) tổ chức ở Washington D.C từ 1-3/3 cũng có ít nhất 2 người dương tính với virus corona. Hội nghị này có sự tham gia của Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Lãnh đạo Thượng viện Mitch McConnell, Thượng nghị sĩ Ted Cruz, thành viên đảng Cộng hoà Liz Cheney, tỷ phú Mike Bloomberg, và một số nhà lập pháp khác ở cả hai đảng chính trị.
- Liên Hợp Quốc yêu cầu 9 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Campuchia, Thái Lan, Nepal, Ấn Độ, Ý và Đức trì hoãn 3 tháng việc luân chuyển lực lượng gìn giữ hòa bình của các nước này do lo ngại dịch COVID-19. Tất cả các nước này đều có bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Xem thêm:
Việt Nam
- Sáng 8/3, Bộ Y tế Việt Nam công bố ca nhiễm thứ 4 của Hà Nội và thứ 21 của cả nước, là người ngồi gần bệnh nhân thứ 17 trên chuyến bay từ London về Hà Nội hôm 1/3.
- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam đã yêu cầu Đại sứ quán tại Anh, Pháp, Ý trao đổi với nước sở tại về lịch sử di chuyển và địa chỉ tạm trú của ‘bệnh nhân số 17’, đồng thời thông báo cho các nước có công dân đi cùng chuyến bay để tiến hành các biện pháp xử lý phù hợp.
(tiếp tục cập nhật)
Bảo Minh (t/h)
Xem thêm: