Nghiên cứu mới phát hiện ra rằng, bệnh hen suyễn ở trẻ em có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức của trẻ, đặc biệt, với tình trạng khởi phát sớm sẽ gây ảnh hưởng đến tình trạng suy giảm trí nhớ.
Nghiên cứu được công bố hôm thứ Hai (11/11/2024) trên JAMA Network Open (Tập san Y tế của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ), đã phân tích dữ liệu từ hơn 2.000 trẻ em và cho thấy những trẻ mắc bệnh hen suyễn trước 12 tuổi có điểm số thấp hơn trong các bài kiểm tra trí nhớ theo từng giai đoạn so với những trẻ không mắc bệnh hô hấp mãn tính.
Những phát hiện này cho thấy tác động của bệnh hen suyễn lên não có thể gây ra những tác động lâu dài, có khả năng làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer sau này.
Bệnh hen suyễn là một tình trạng mạn tính ảnh hưởng đến phổi, dẫn đến các cơn hen suyễn do tình trạng viêm gây co thắt đường thở, khiến việc thở trở nên khó khăn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), có khoảng 4,6 triệu trẻ em ở Hoa Kỳ bị ảnh hưởng.
Nghiên cứu mới cho thấy mối liên quan “đáng kể” giữa bệnh hen suyễn và các khó khăn về trí nhớ ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ khởi phát bệnh sớm. Các nhà nghiên cứu đã viết rằng “Bệnh hen suyễn xảy ra ở độ tuổi nhỏ hơn, giống như trường hợp của nhóm khởi phát bệnh sớm hơn ở trẻ em, có thể đặc biệt có khả năng làm nhiễu loạn sự phát triển thần kinh”.
Đối với nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ 2.062 trẻ em từ 9 đến 10 tuổi mắc bệnh hen suyễn để đánh giá tình trạng bệnh ảnh hưởng như thế nào đến trí nhớ theo giai đoạn và các biện pháp nhận thức khác. Trí nhớ theo giai đoạn là một khía cạnh quan trọng của chức năng nhận thức, cho phép mọi người ghi nhớ các trải nghiệm, sự kiện và cảm xúc.
Theo kết quả, trẻ em mắc bệnh hen suyễn đạt điểm thấp hơn trong các nhiệm vụ về trí nhớ theo giai đoạn so với những trẻ không mắc bệnh hen suyễn. Trong một mẫu nhỏ hơn gồm gần 500 trẻ em được theo dõi trong 2 năm, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy rằng, những trẻ khởi phát bệnh hen suyễn sớm hơn có sự phát triển trí nhớ chậm hơn theo thời gian.
Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu Phát triển Nhận thức Não bộ ở Thanh thiếu niên (ABCD), một dự án nghiên cứu lớn đang được tiến hành bắt đầu từ năm 2015.
Nghiên cứu ABCD đã ghi danh khoảng 11.800 trẻ em từ 9 đến 10 tuổi. Cha mẹ đã báo cáo xem con mình có bị hen suyễn hay không. Đối tượng là những trẻ em bị hen suyễn khi bắt đầu nghiên cứu và những trẻ phát triển bệnh sau đó được so sánh với những trẻ chưa từng bị. Trẻ em bị hen suyễn tại bất kỳ thời điểm nào trong nghiên cứu cũng được so sánh với những trẻ không bị hen suyễn. Trẻ em bị hen suyễn được ghép đôi với những trẻ em tương tự không bị hen suyễn dựa trên các yếu tố như tuổi tác, giới tính và các tình trạng sức khỏe khác để đảm bảo so sánh công bằng.
“Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem hen suyễn là một nguồn tiềm ẩn gây khó khăn về nhận thức ở trẻ em”, Simona Ghetti, Giáo sư tâm lý học tại Trung tâm Tâm trí và Não bộ Davis thuộc Đại học California (UC–Davis) và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết trong một thông cáo báo chí.
Giáo sư Ghetti cho biết, “Chúng ta ngày càng nhận thức được rằng, các bệnh mạn tính, không chỉ hen suyễn mà còn có cả bệnh tiểu đường, bệnh tim và các bệnh khác có thể khiến trẻ em có nguy cơ mắc các vấn đề về nhận thức cao hơn. Chúng ta cần hiểu về các yếu tố có thể làm trầm trọng thêm hoặc bảo vệ chống lại các nguy cơ”.
Thời thơ ấu là giai đoạn quan trọng đối với sự phát triển nhận thức và bệnh hen suyễn có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình này. “Thời thơ ấu là giai đoạn cải thiện nhanh chóng về trí nhớ và nói chung là về nhận thức”, tác giả đầu tiên của nghiên cứu Nicholas Christopher-Hayes, ứng cử viên tiến sĩ về tâm lý học tại UC–Davis, cho biết trong thông cáo báo chí. “Ở trẻ em bị hen suyễn, quá trình cải thiện đó có thể chậm hơn”.
Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng, những khiếm khuyết về trí nhớ này có thể có những tác động lâu dài. Họ đã tham khảo các nghiên cứu trước đây cho thấy mối tương quan giữa bệnh hen suyễn với nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer ở người lớn tuổi. “Bệnh hen suyễn có thể khiến trẻ đi theo một quỹ đạo làm tăng nguy cơ mắc phải một căn bệnh nghiêm trọng hơn như chứng sa sút trí tuệ khi trưởng thành”, ông Christopher-Hayes tuyên bố.
Mặc dù nghiên cứu không khám phá các cơ chế cụ thể góp phần gây ra các vấn đề về trí nhớ liên quan đến bệnh hen suyễn, nhưng các nhà nghiên cứu đã nêu bật một số yếu tố tiềm ẩn. Những yếu tố này bao gồm tình trạng viêm kéo dài và tình trạng gián đoạn lặp đi lặp lại trong việc cung cấp oxy cho não trong các cơn hen suyễn. Tuy nhiên, Giáo sư Ghetti giải thích rằng, các yếu tố khác cũng có thể giải thích cho những phát hiện này.
Bà nói với The Epoch Times rằng, dựa trên các nghiên cứu với mô hình động vật gặm nhấm mắc bệnh hen suyễn, người ta biết rằng, corticosteroid thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng hen suyễn có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các trung tâm trí nhớ trong não, bao gồm cả hồi hải mã. “Tuy nhiên, không có tài liệu chính xác về việc sử dụng thuốc trong tập dữ liệu này, vì vậy chúng tôi không biết liệu kết quả của chúng tôi có phụ thuộc vào việc trẻ tiếp xúc với corticosteroid hay các cơ chế khác hay không”, GIáo sư Ghetti cho biết.
Giáo sư Ghetti lưu ý rằng, kết quả chính rút ra từ nghiên cứu của bà là trẻ mắc bệnh hen suyễn có thể có nguy cơ cao mắc các vấn đề về trí nhớ, mặc dù rất khó phát hiện, nhưng “đã biểu hiện từ thời thơ ấu chứ không phải là yếu tố nguy cơ gây ra các vấn đề về nhận thức có thể biểu hiện sau này trong cuộc sống”.
Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc thành lập TP. Huế trực thuộc…
Công viên Chiến thắng ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rộng gần 2,5ha, với…
Tin tức mới nhất tiết lộ rằng ông Vương Hậu Bân (Wang Houbin), Tư lệnh…
Mới đây, một nghiên cứu đã cảnh báo rằng thời gian ngồi, ngả lưng hoặc…
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã nói với Bộ trưởng Quốc phòng…
Vào thứ Sáu (29/11), Bộ Thương mại Mỹ công bố vòng thuế quan mới đối…