Nghiên cứu cho thấy, không giống như vắc-xin uốn ván và cúm, vắc-xin mRNA COVID-19 không thúc đẩy quá trình tạo ra các tế bào sản xuất kháng thể bền vững.
Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Emory ở Atlanta dẫn đầu đã phát hiện ra rằng, trong khi vắc-xin uốn ván và cúm thúc đẩy cơ thể sản xuất các tương bào sống lâu tạo ra kháng thể, thì vắc-xin COVID-19 lại không như vậy.
Nghiên cứu giải thích cho lý do tại sao khả năng bảo vệ kháng thể từ vắc-xin mRNA COVID-19 lại suy yếu nhanh chóng như vậy.
Vắc-xin mRNA khiến cơ thể sản xuất các tương bào có tuổi thọ ngắn và chỉ có thể tạo ra kháng thể trong một khoảng thời gian trước khi chết.
Các loại vắc-xin như uốn ván mang lại khả năng miễn dịch lâu dài, với các kháng thể tồn tại trong cơ thể tới 10 năm. Kháng thể COVID-19 suy yếu nhanh chóng sau 3 đến 6 tháng tiêm chủng. Điều này thường dẫn đến sự lây nhiễm bùng nổ.
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Frances Eun-Hyung Lee, Giáo sư y khoa và là Giám đốc Chương trình Hen suyễn, Dị ứng và Miễn dịch học của Đại học Emory, nói với The Epoch Times rằng, vẫn chưa rõ lý do tại sao vắc-xin COVID-19 không đem lại khả năng miễn dịch kháng thể lâu dài, mặc dù vẫn có một số khả năng.
Theo nhà nghiên cứu, lý do thứ nhất có thể là cơ thể không thể hình thành khả năng miễn dịch lâu dài với COVID-19. Vắc-xin mRNA COVID-19 kích thích cơ thể sản xuất protein gai để kích thích phản ứng miễn dịch. Protein gai này có thể không gây ra kích thích đủ để hình thành các tương bào tồn tại suốt đời.
Một lý do khác có thể là về bản thân vắc-xin mRNA không tạo được khả năng miễn dịch kháng thể lâu dài.
Hiện nay, vắc-xin mRNA chống lại virus hợp bào hô hấp (RSV) đang được phát triển. Việc các loại vắc-xin này có mang lại khả năng miễn dịch lâu dài hay không có thể giúp giải thích phản ứng của cơ thể đối với vắc-xin COVID-19.
Tiến sĩ Lee nói với The Epoch Times rằng: “Chúng ta sẽ phải chờ xem liệu lý do có phải là chỉ do protein gai hay là chỉ do bản thân mRNA”.
Tiến sĩ Stanley Perlman, giáo sư Khoa Vi sinh và Miễn dịch học tại Đại học Iowa cho biết với The Epoch Times rằng, người ta thường cho rằng khi mọi người bị nhiễm hoặc được tiêm vắc-xin chống lại vi-rút hoặc vi khuẩn thì khả năng miễn dịch sẽ được kéo dài suốt đời.
Tuy nhiên, nghiên cứu hiện tại và các nghiên cứu khác về RSV vốn lây nhiễm cho con người hàng năm (mặc dù mọi người đều có kháng thể chống lại loại vi-rút này khi mới 3 tuổi), cho thấy: việc con người có khả năng miễn dịch với vi-rút hoặc vi khuẩn ở mức độ khác nhau hay không là tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, Tiến sĩ Lee cho biết.
Nghiên cứu được công bố trên Nature Medicine (Tập san Y khoa Tự nhiên) vào tháng 9 đã theo dõi 19 tình nguyện viên khỏe mạnh được tiêm vắc-xin cúm, uốn ván, một số loại vắc-xin và liều tăng cường COVID-19. Các nhà nghiên cứu đã trích xuất các tế bào miễn dịch từ tủy xương của các tình nguyện viên và theo dõi họ trong tối đa 3 năm.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những người tham gia này có các tương bào bền vững – một loại tế bào cung cấp khả năng miễn dịch suốt đời – tạo ra kháng thể chống lại cúm và uốn ván nhưng không có hoặc có ít tương bào bền vững có tác dụng chống lại các protein gai COVID-19.
Khi tế bào B (tế bào miễn dịch) gặp phải tác nhân gây bệnh, chúng sẽ phân chia thành tương bào và tạo ra kháng thể. Hầu hết các tế bào này sẽ chết, nhưng một số ít sẽ di chuyển vào các hốc nhất định trong tủy xương, trưởng thành thành các tương bào sống lâu.
Tiến sĩ Lee cho biết, “Ngay cả khi một số tế bào này muốn chết thì chúng cũng không thể chết. Chúng trải qua những thay đổi trong RNA và DNA để có thể kháng lại quá trình apoptosis (chết tế bào)”.
“Còn có nhiều yếu tố, cơ chế và chương trình khác nữa. Chúng tôi đang cố gắng nghiên cứu và làm sáng tỏ các bước đó để có thể tìm ra cách cải thiện vắc-xin mRNA SARS-CoV-2”.
Có khả năng miễn dịch lâu dài cũng không “đảm bảo sự bảo vệ hoàn toàn khỏi các bệnh nhiễm trùng trong tương lai”, Tiến sĩ Joseph Varon, Giáo sư y khoa tại Đại học Houston và là Giám đốc Y khoa của Liên minh đưa ra phác độ điều trị COVID-19 (FLCCC), nói với The Epoch Times. “Vi-rút có thể tiến hóa để thoát khỏi phản ứng miễn dịch. Khả năng miễn dịch suy yếu hoặc các yếu tố khác như tuổi tác và tình trạng sức khỏe cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng bị tổn thương”.
Đây là lý do tại sao vắc-xin cúm mới được sản xuất hàng năm khi vi-rút tiến hóa và thay đổi, Tiến sĩ Lee cho biết.
Một số người tham gia có thể đã mắc COVID-19 trong suốt thời gian nghiên cứu, được biểu thị bằng sự gia tăng đột ngột nồng độ kháng thể COVID-19 mặc dù không được tiêm chủng. Tuy nhiên, các tác giả phát hiện ra rằng, điều này cũng không liên quan đến sự hình thành các tương bào sống lâu.
Phát hiện này phù hợp với nghiên cứu trước đây của Đại học Maryland, trong đó phát hiện ra rằng, việc đã bị nhiễm COVID-19 không tạo ra kháng thể bảo vệ lâu dài.
Trong một số trường hợp, việc đã bị nhiễm bệnh có thể dẫn đến khả năng miễn dịch mạnh hơn so với vắc-xin. Ví dụ, khả năng miễn dịch suốt đời đối với bệnh cúm có thể là do miễn dịch tự nhiên chứ không phải do tiêm chủng.
Các kháng thể được hình thành chỉ từ vắc-xin cúm có thể kéo dài trong vài tháng. Tuy nhiên, vì nhiều người đã được tiêm vắc-xin cũng sẽ bị nhiễm bệnh, nên phản ứng chéo này có thể là nguyên nhân thúc đẩy các tương bào trưởng thành thành các tế bào bền vững, Tiến sĩ Lee cho biết.
Một số người tham gia nghiên cứu đã dùng một vài liều vắc-xin mRNA COVID-19 trong thời gian nghiên cứu.
Các tác giả phát hiện ra rằng, việc tiêm nhiều liều vắc-xin mRNA hơn “không nhất thiết thúc đẩy” các đáp ứng của tương bào sống lâu mạnh hơn.
Tiến sĩ Varon cho biết: “Những phát hiện này củng cố thực tế rằng, các mũi tiêm tăng cường không thực sự có tác dụng tại thời điểm này. Các mũi tiêm tăng cường có thể tạm thời khôi phục khả năng bảo vệ bằng cách tăng kháng thể lưu thông [trong máu] và trí nhớ miễn dịch”.
Tiến sĩ William Schaffner, Giáo sư Y học Dự phòng tại Đại học Vanderbilt ở Nashville, Tennessee cho biết, những người có nguy cơ tử vong cao vì COVID-19 vẫn nên tuân thủ lịch trình tiêm vắc-xin 6 tháng/lần do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị.
Tiến sĩ Lee đồng ý và nói thêm, mặc dù nghiên cứu phát hiện ra rằng, khả năng bảo vệ của kháng thể chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng vắc-xin vẫn tạo ra những tế bào khác, như tế bào T, nhờ đó đem lại khả năng miễn dịch lâu dài và vẫn hữu ích cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.
Khánh Ngọc biên dịch
TheoThe Epoch Times
Xem thêm:
Ngoài lý do bị xâm mặn, còn bởi hệ thống các công trình thủy lợi,…
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noël Barrot khẳng định rằng Pháp “không đặt ra và…
Dự án điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận vừa được Ban Chấp hành Trung…
AP loan tin rằng Mỹ đang hối thúc Ukraine hạ tuổi quân dịch bắt buộc…
Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey tuyên bố cuộc chiến Nga-Ukraine đang bước vào…
Tổng thống đắc cử Trump nói rằng ông đã nói chuyện với Tổng thống Mexico…