Một nam bệnh nhân 46 tuổi đã nhập viện tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) trong tình trạng sau khi nôn ói nhiều lần bị đau khắp bụng, đau nhiều vùng thượng vị lan ra sau lưng, đau nhiều đến khó thở.
Theo tin từ Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh viện này vừa tiếp nhận và cứu chữa thành công một trường hợp vỡ thực quản sau tiệc nhậu tại nhà. Các bác sĩ nhận định đây là một trong những ca bệnh hiếm gặp và nguy cơ biến chứng nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và xử trí cứu chữa kịp thời.
Qua khai thác bệnh sử bệnh nhân từ người nhà, sau khi nhậu vào buổi trưa, bệnh nhân nôn rất nhiều lần, sau đó bị đau bụng trên rốn, lan ra khắp bụng, đau nhiều khiến khó thở. Bệnh nhân không sốt, vẫn tiêu tiểu được. Buổi chiều bệnh nhân nhập viện với tình trạng đau khắp bụng, đau nhiều vùng thượng vị lan ra sau lưng.
Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán ban đầu theo dõi viêm tụy cấp, chưa loại trừ thủng dạ dày tá tràng. Bệnh nhân được đặt thông dạ dày và đề nghị chụp CT-Scan bụng có cản quang. Kết quả CT-Scan có thâm nhiễm mỡ ¼ bụng dưới phải, nghi ngờ chưa rõ là khí trung thất hay thoát vị dạ dày.
Chuyên khoa Ngoại lồng ngực mạch máu khám bệnh nhân tỉnh, âm phế bào rõ 2 bên, không khó thở nên chưa xử trí thêm.
Bệnh nhân được nhập lên Khoa Ngoại Tổng Quát theo dõi và được đề nghị làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán: CT-Scan ngực bụng, nội soi dạ dày và chụp dạ dày có thuốc cản quang tan trong nước Xenetic.
Các kết quả trả về: Công thức máu có bạch cầu 22.150/mcl, Neutrophil 88,6%. Nội soi dạ dày: Rách tâm vị thực quản dưới nham nhở, diện rách rộng, gồ cao, đáy sâu chưa loại trừ thủng bít (CĐPB với u sùi vùng tâm vị). Chụp thực quản dạ dày cản quang không ghi nhận thoát thuốc cản quang ra ngoài.
Bác sĩ tua trực quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân với sự phối hợp của 2 ekip Khoa Ngoại Tổng quát (do ThS.BS.CKII Bùi Minh Thanh phụ trách) và Khoa Ngoại lồng ngực-mạch máu (do ThS Nguyễn Minh Luân phụ trách).
Phẫu thuật mở ngực trái ghi nhận góc tâm hoành trái nhiều giả mạc trắng, tụ dịch đục, khối viêm dạng đám quánh ở trung thất sau bọc thực quản kéo dài một đoạn 20cm từ cơ hoành đến ngang rốn phổi trái, tụ mủ đóng kén.
Ekip Khoa Ngoại lồng ngực-mạch máu đã bóc tách, mở rộng, rửa ổ áp-xe và đặt vào khoang lồng ngực hệ thống tưới rửa cùng với ống dẫn lưu màng phổi trái.
Ekip Khoa Ngoại tổng quát thám sát vùng bụng thấy bụng sạch nhưng quanh thực quản bụng và tâm vị bị bầm. Di động kéo thực quản bụng và đáy vị xuống, bơm chất chỉ thị màu ghi nhận thấy có đường rách thực quản dài 3cm ở cạnh trái thực quản cách tâm vị 2 cm.
Bệnh nhân được khâu lại lỗ thủng thực quản, có đắp một phần mạc nối lớn lên đường khâu và được đặt thêm 2 ống dẫn lưu bên cạnh phải – trái thực quản bụng và được mở dạ dày nuôi ăn theo phương pháp Witzel.
Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi tại Khoa Hồi sức ngoại 3 ngày. Hiện diễn tiến bệnh nhân ổn, tự thở được, giao tiếp được và tiếp tục được theo dõi.
Vỡ thực quản tự phát – bệnh lý hiếm gặp nhưng tỷ lệ tử vong rất caoDẫn nguồn tài liệu Janjua K. J. (1997), ThS.BS.CKII Bùi Minh Thanh và TS.BS.CKII Nguyễn Quang Huy (Khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115) cho biết vỡ thực quản tự phát có tên là hội chứng Boerhaave, được đặt tên theo bác sĩ người Hà Lan Hermann Boerhaave. Đây là một bệnh lý hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 10% tổng số ca tổn thương thực quản nhưng lại có tỷ lệ tử vong rất cao, có thể lên đến 40% hoặc hơn. Theo một nghiên cứu của Nguyễn Công Minh (2020), trong 14 năm (1999-2012), tại 2 bệnh viện Chợ Rẫy và Trưng Vương, có 9/19 ca vỡ thực quản do nôn ói bị tử vong (tỷ lệ 47%). Trong đó, 5 ca tử vong trong vòng tuần lễ đầu tiên do nhiễm trùng nhiễm độc; 3 ca do nhiễm trùng nhiễm độc và 1 ca do suy kiệt nặng, không hồi phục. Về nguyên nhân gây vỡ thực quản tự phát, nôn ói là nguyên nhân thường gặp nhất. Ngoài ra có thể có một số nguyên nhân ít phổ biến hơn như cử tạ, táo bón, động kinh hoặc mang thai… là các nguyên nhân gây gia tăng áp lực đột ngột trong lòng thực quản. Diễn biến bình thường của một ca bệnh nhân vỡ thực quản tự phát là sau một cơn nôn ói mạnh, bệnh nhân đột ngột thấy đau nhiều vùng ngực xương ức và có tình trạng tràn khí dưới da. Tuy nhiên, trên thực tế, chẩn đoán vỡ thực quản tự phát sau nôn ói thường không dễ dàng nếu triệu chứng không điển hình, thường là lầm lẫn với một số bệnh lý nội khoa khác như rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày-thực quản hay viêm tụy cấp; do đó, thường dẩn đến chẩn đoán và điều trị trễ, tiên lượng khá xấu. Vì vậy, những trường hợp người bệnh cảm thấy bất thường vùng ngực – bụng sau gắng sức, sau nôn ói thì người bệnh nên đến cơ sở y tế để khám và được kiểm tra điều trị kịp thời, tránh để bệnh phát hiện quá muộn sẽ ảnh hưởng đe dọa đến tính mạng. |
Minh Sơn
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…