Loại thuốc nào an toàn, hiệu quả, miễn phí và chỉ cần một sự thay đổi tinh tế trong góc nhìn để phát huy tác dụng? Chúng tôi mời bạn khám phá mối quan hệ thường bị bỏ qua giữa đức hạnh và sức khỏe – ‘Mỹ đức y học’.
Và những điều đáng kính ngưỡng phổ biến nhất có thể làm bạn phải ngạc nhiên. Đây là phần 5 trong loạt bài “Mỹ đức y học”. (Phần 4)
“Sự kính ngưỡng là cảm giác được ở trong sự hiện diện của một thứ gì đó to lớn vượt qua sự hiểu biết hiện tại của bạn về thế giới”, Giáo sư Dacher Keltner viết trong cuốn sách “Awe: The New Science of Everyday Wonder and How It Can Transform Your Life” (Sự thán phục: Nghiên cứu khoa học mới về sự kinh ngạc hàng ngày và cách nó có thể thay đổi cuộc sống).
Cảm giác này thường gắn liền với việc quan sát sự hùng vĩ trong thiên nhiên: những ngọn núi hùng vĩ, cây cối, cồn cát rộng lớn hoặc đường chân trời đại dương rộng lớn.
Tuy nhiên, thiên nhiên không phải là nguồn cơn đem đến cảm giác kính ngưỡng duy nhất và phổ biến nhất. Hơn nữa, sự kính ngưỡng còn vượt xa cảm giác ngạc nhiên hay cảm hứng nhất thời, ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta theo ít nhất 5 cách.
Mọi người có thể cảm thấy kính ngưỡng trước những hiểu biết về triết học, khám phá khoa học, âm nhạc, thiết kế trực quan, tâm linh, tôn giáo, nhận thức cá nhân, chiến công ấn tượng và sự giác ngộ. Ngay cả việc chỉ đơn giản là tìm hiểu về những người thú vị khác cũng kích thích sự kính ngưỡng. Nghiên cứu cho thấy rằng, việc xem video về những người truyền cảm hứng như Mẹ Teresa có thể khơi dậy lòng tôn kính của những người tham gia.
Để xác định nguồn cơn phổ biến nhất của sự kính ngưỡng, Giáo sư Keltner đã tiến hành một thí nghiệm, yêu cầu những người tham gia trên toàn thế giới viết những câu chuyện khiến họ cảm thấy kính ngưỡng.
Trong số 2.600 câu chuyện được thu thập, sự kính ngưỡng phổ biến nhất trên toàn thế giới đến từ vẻ đẹp đạo đức: sự đức hạnh và tính cách đặc biệt thể hiện sự trong sáng, ý tưởng và hành động hàm chứa lòng tốt bụng. Điều này bao gồm việc chứng kiến lòng dũng cảm, lòng tốt, sức mạnh hoặc khả năng vượt qua khó khăn của người khác. Ví dụ, những câu chuyện về những người liều mạng để cứu người lạ hoặc những hành động tử tế trong thảm họa.
Vẻ đẹp đạo đức cũng bao gồm cách mọi người cảm thấy đầy kính ngưỡng trước sự khởi đầu hoặc kết thúc của cuộc sống. Nhiều bà mẹ lưu ý rằng, sinh con là nguồn cảm hứng quan trọng nhất. Giáo sư Keltner ghi lại trong cuốn sách của mình về một người mẹ đến từ Nhật Bản: “[Tôi] vô cùng xúc động trước nhận thức và trách nhiệm khi trở thành cha mẹ, cũng như sự quý giá của cuộc sống. Từ giờ trở đi, tôi cảm thấy mình sẽ sống hết mình chỉ để bảo vệ cuộc sống này”.
Một người mẹ đến từ Nga bày tỏ rằng, cô ấy chỉ “muốn ôm cả thế giới” sau khi sinh con. Những người cha cũng cảm thấy được tiếp thêm nguồn cảm hứng. Một người đàn ông đến từ Indonesia đã viết, “Tôi không thể tin được rằng Chúa đã ban tặng cho vợ tôi một món quà tuyệt vời và đẹp đẽ đến thế, và tôi không thể ngừng mỉm cười, cảm thấy hứng khởi và biết ơn Chúa vì đã ban cho chúng tôi một đứa con trai.”
Theo Giáo sư Keltner, tiền bạc và tài sản không góp phần tạo nên sự kính ngưỡng. Trong nghiên cứu này, không ai đề cập đến máy tính xách tay, Facebook hoặc điện thoại thông minh của mình. Cũng không ai đề cập đến đôi giày Nike, Tesla hoặc chiếc túi Gucci mới của họ. Giáo sư Keltner viết: “Sự kính ngưỡng xuất hiện trong một thế giới tách biệt với thế giới vật chất, tiền bạc, sự mua sắm và sự phô trương địa vị trần tục – một thế giới vượt ra ngoài thế giới phàm tục mà nhiều người gọi là thiêng liêng.”
Một bài báo đăng trên Nature (Tập san Tự nhiên) phát hiện ra rằng, ở 12 khu vực khác nhau trên thế giới, sự kính ngưỡng tạo ra các biểu cảm khuôn mặt độc đáo, phổ biến như thích thú, hài lòng và đau đớn.
Về mặt văn hóa, khi sự kính ngưỡng dâng trào trong một ai đó, chẳng hạn như khi xem pháo hoa hoặc sao băng, khuôn mặt của họ sẽ biến đổi – lông mày nhướn cao, mắt mở to như thể đang cố gắng hấp thụ mọi chi tiết của cảnh tượng tráng lệ. Hàm của họ chùng xuống, miệng há hốc, đông cứng trong khoảnh khắc kinh ngạc không nói nên lời. Nụ cười nhẹ nhàng nở trên khóe môi họ, đầu hơi ngả ra sau như thể bị kéo bởi một sợi chỉ vô hình.
Một nghiên cứu đã thử nghiệm về sự bộc phát của phát giọng nói cho 16 cảm xúc, bao gồm sự thán phục, tức giận, sợ hãi và buồn bã, trên 10 nền văn hóa và thậm chí cả ở một ngôi làng xa xôi ở Bhutan. Những âm thanh thể hiện sự thán phục như “whoa” và “wow” được dễ dàng nhận ra với độ chính xác đến 90%, khiến sự thán phục trở thành một trong những cảm xúc được công nhận rộng rãi nhất.
Sự kính ngưỡng giúp tăng cường sức khỏe theo 5 cách. Đầu tiên là thông qua sự thay đổi trong hệ miễn dịch.
Cytokine là chất truyền tin hóa học báo hiệu cho hệ thống miễn dịch hoạt động mạnh hơn. Chúng rất quan trọng đối với phản ứng viêm để tiêu diệt mầm bệnh và chữa lành vết thương. Tuy nhiên, phản ứng cytokine tăng hoạt động có liên quan đến tình trạng sức khỏe kém và các rối loạn như viêm khớp, Alzheimer và trầm cảm lâm sàng. Đáng chú ý nhất là trong những năm gần đây, từ “cơn bão cytokine” trong COVID-19 đồng nghĩa với bệnh nặng và kết cục xấu.
Các nghiên cứu mới nổi đang bắt đầu thừa nhận vai trò của cảm xúc tích cực đối với sức khỏe thể chất. Một nghiên cứu đăng trên Emotion (Tập san Cảm xúc) năm 2015 đã chứng minh rằng, một số cảm xúc tích cực, chẳng hạn như niềm vui và tình yêu, làm giảm mức cytokine interleukin-6 (IL-6), một chỉ số về mức độ viêm.
Tuy nhiên, yếu tố dự báo lớn nhất về mức cytokine giảm, cao hơn tới 3 lần so với niềm vui – là cảm giác kính ngưỡng.
Một nghiên cứu theo chiều dọc kéo dài 22 ngày được công bố trên Scientific Reports (Tập san Báo cáo Khoa học) đã quan sát những người lớn, chuyên gia chăm sóc sức khỏe trong đại dịch COVID-19 và phát hiện ra rằng, những người càng thể hiện nhiều sự kính ngưỡng hàng ngày thì họ càng ít bị căng thẳng và ít có các triệu chứng sức khỏe về thể chất (ví dụ như đau đầu và khó ngủ).
Các nghiên cứu này cho thấy sự kính ngưỡng có thể có lợi cho những người bị viêm, trong thời kỳ căng thẳng cấp tính và mạn tính, chẳng hạn như đại dịch COVID-19.
Sự kính ngưỡng cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thông qua việc gia tăng hòa nhập xã hội, tính hướng ngoại, cảm thụ ý nghĩa [cuộc sống] và giảm ý thức về bản thân.
Giáo sư Yang Bai của Đại học California–Berkeley và nhóm của bà đã tiến hành một nghiên cứu tại Công viên quốc gia Yosemite. Trong vài ngày, họ đã tiếp cận hơn 1.100 du khách từ 42 quốc gia. Trong khi ngắm nhìn quang cảnh rộng lớn của Thung lũng Yosemite, những người tham gia được yêu cầu vẽ bản thân trên giấy và viết chữ “tôi” bên cạnh bức vẽ.
Trong điều kiện đối chứng, những người tham gia được yêu cầu làm điều tương tự tại Bến tàu Fisherman ở San Francisco, một điểm đến du lịch nổi tiếng.
Những người ở Yosemite tự vẽ mình nhỏ hơn tới 33% và chữ “tôi” cũng nhỏ hơn. Theo các nhà nghiên cứu, kích thước của bản thân được vẽ và độ lớn của chữ “tôi” là những chỉ báo khá đúng về mức độ tập trung vào bản thân của cá nhân đó.
Sự thay đổi trong nhận thức về bản thân này dẫn đến những hành vi xã hội có ý nghĩa. Trong một thí nghiệm, những người tham gia dành một phút để nhìn vào những cây cao có nhiều khả năng giúp đỡ người làm rơi bút hơn là nhóm đối chứng dành một phút để nhìn vào một tòa nhà khoa học hiện đại.
Những người đã trải nghiệm sự kinh ngạc cũng nhận ít tiền hơn khi tham gia nghiên cứu và cho biết, họ cảm thấy ít đòi hỏi về quyền lợi và giảm sự tự tôn hơn. Điều này cho thấy cảm giác kính ngưỡng có thể làm tăng hành vi hướng ngoại, giảm tính ích kỷ và sự tập trung vào lợi ích cá nhân.
Bà Anousheh Ansari, một du khách vũ trụ, đã chia sẻ sự kính ngưỡng vô hạn của mình đối với không gian vũ trụ: “Trải nghiệm thực tế vượt quá mọi kỳ vọng và là điều khó có thể diễn tả thành lời… Nó thu hẹp mọi thứ xuống đến mức mà bạn nghĩ rằng mọi thứ đều có thể quản lý được… Tất cả những điều này có vẻ to lớn và không thể… Chúng ta có thể làm được. Hòa bình trên Trái đất không còn là vấn đề. Ngắm nhìn không gian vũ trụ mang lại cho mọi người loại năng lượng đó… loại sức mạnh đó, và tôi đã trải nghiệm điều đó”.
Vậy thì có lẽ không có gì ngạc nhiên khi sự kính ngưỡng thúc đẩy chúng ta trở nên tâm linh hơn. Một nghiên cứu năm 2013 đã phát hiện ra rằng, những người tham gia nhìn thấy điều đáng kính ngưỡng có điểm số tâm linh cao hơn những người chưa từng nhìn thấy.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, những trải nghiệm đầy cảm hứng làm tăng động lực của chúng ta để hiểu thế giới. Điều này có thể kích hoạt niềm tin vào siêu nhiên.
Sự kích thích tinh thần này làm tăng thêm sức khỏe tinh thần và thể chất.
“Cơ thể chúng ta phản ứng với vẻ đẹp lành mạnh đáng kính ngưỡng của thiên nhiên giống như với một bữa ăn ngon bổ dưỡng, một giấc ngủ ngon, một thức uống giải khát hoặc một cuộc tụ họp vui vẻ với bạn bè hoặc gia đình: chúng ta cảm thấy được nuôi dưỡng, mạnh mẽ, có năng lực và năng động”, bà Keltner viết. Nó cũng làm giảm khả năng mắc bệnh tim mạch, bệnh tự miễn, tiểu đường, trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và lo âu, cũng như những cơn đau nhức hàng ngày.
“Sự kính ngưỡng hàng ngày là nhu cầu cơ bản của con người”, bà Keltner lưu ý. Chúng ta có thể lấy lại cảm giác này bằng cách tiếp cận cuộc sống một cách tò mò – tìm kiếm những điều kỳ diệu thường bị bỏ qua của thiên nhiên và những hành động cảm động thể hiện lòng tốt của mọi người xung quanh.
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Hôm thứ Hai (27/1), bà Mao Ninh - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung…
Lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan hôm 27/1 báo cáo rằng họ đã…
Hoa Kỳ có thể sớm mở rộng lãnh thổ, Tổng thống Donald Trump tuyên bố…
Đã 3 năm rồi tôi không thể về quê và nhiều lúc tôi cảm thấy…
Tràng Tiền Plaza từng là trung tâm thương mại lớn của Việt Nam, trước đó…
Nhà đóng chai Coca-Cola tại châu Âu đã thông báo về việc thu hồi quy…