Nỗi oán giận làm giảm chất lượng cuộc sống. Hãy học cách thoát khỏi nó.

oan gian
Nỗi oán giận làm giảm chất lượng cuộc sống. Hãy học cách thoát khỏi nó. (Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Đây là phần 4 trong loạt bài “Mỹ đức Y học”. (Xem phần 3)

Loại thuốc nào an toàn, hiệu quả, miễn phí và chỉ cần một sự thay đổi tinh tế trong góc nhìn để phát huy tác dụng? Chúng tôi mời bạn khám phá mối quan hệ thường bị bỏ qua giữa đức hạnh và sức khỏe – ‘Mỹ đức y học’.

Có một câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng kể về một cậu bé gắt gỏng. Người cha đưa cho cậu bé một túi đinh và bảo rằng bất cứ khi nào cậu cảm thấy tức giận hoặc bực bội thì hãy đóng một chiếc đinh vào hàng rào ở sân sau. Cậu bé háo hức đóng đinh và chẳng mấy chốc, hàng rào được phủ đầy đinh. Sau đó, người cha yêu cầu cậu bé nhổ từng cái đinh ra. Khi làm vậy, cậu nhìn thấy những cái lỗ hổng còn lại của cái đinh.

Người cha nói, “Những lỗ hổng này giống như những vết sẹo do sự oán giận của con để lại. Sự tức giận và tổn thương có thể biến mất, nhưng vết sẹo vẫn tồn tại”.

Sự oán giận in dấu lên trái tim chúng ta – không chỉ về mặt cảm xúc mà còn về mặt thể chất. May mắn thay, vấn đề này có cả phương pháp điều trị và phương pháp phòng ngừa.

Tác động của sự oán giận lên trái tim 

Một nghiên cứu do Robert Enright, một nhà nghiên cứu tiên phong về lòng vị tha và là Giáo sư Tâm lý Giáo dục tại Đại học Wisconsin – Madison dẫn đầu đã quan sát và đo lường tác động của sự oán giận và lòng vị tha lên trái tim ở 17 bệnh nhân nam giới mắc bệnh tim.

Giáo sư Enright yêu cầu họ nhớ lại những hành vi không công bằng trong quá khứ mà họ chưa tha thứ. Khi họ chia sẻ câu chuyện của mình, các thiết bị theo dõi y tế cho thấy các động mạch vận chuyển máu đến tim của họ bắt đầu co lại, làm giảm lưu lượng máu. Phản ứng sinh lý này phản ánh “sự đóng lại” ẩn dụ xảy ra khi chúng ta bực bội.

Giáo sư Enright nói với The Epoch Times: kết quả của các nghiên cứu này cho thấy rằng, việc giảm sự oán giận có thể giúp bảo vệ tim, giảm đau ngực và thậm chí là tử vong đột ngột ở những bệnh nhân mắc bệnh tim.

Theo một phân tích gộp trên Journal of the American College of Cardiology (Tập san của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ), ngay cả những người khỏe mạnh dễ tức giận và thù địch – những đặc điểm chính của sự oán giận – cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn 19%. Đối với những người mắc bệnh tim từ trước, nguy cơ này tăng lên 24%. Một nghiên cứu mới vào năm 2024 cũng đã xác nhận điều này, cho thấy rằng, sự tức giận kéo dài có thể gây ra rối loạn chức năng của các mạch máu.

Giáo sư Enright nhớ lại câu chuyện về một người phụ nữ ngoài 80 tuổi mà ông gặp trong quá trình chăm sóc tại nhà. Do một sự bất công chưa được giải quyết mà bà đã mang trong mình nỗi oán giận đối với một thành viên trong gia đình trong hơn 40 năm. Giáo sư Enright nói, “Hãy nghĩ về sự oán giận này xem. Nó sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến người khởi xướng ra sự bất công đó”. Trái lại, nỗi oán giận kéo dài đã làm cạn kiệt hy vọng và giảm bớt mất niềm vui của bà trong những năm cuối đời.

Hiệu ứng kéo dài

Không giống như ngọn lửa giận dữ bùng lên rồi tắt dần, sự oán giận giống như một liều thuốc độc mạn tính.

Khi bị đối xử bất công, theo bản năng, chúng ta dựng lên lá chắn của sự phẫn nộ, tin rằng nó có thể bảo vệ chúng ta khỏi bị tổn hại thêm. Trong ngắn hạn, điều này có thể làm cho mọi người cảm thấy thật mạnh mẽ. Giáo sư Enright nói rằng “Giống như chúng ta tự nhủ rằng, ‘Bạn không thể đối xử với tôi như thế này được'”.

Nhưng sự oán giận thường ở lại rất lâu và trở thành thứ mà ông gọi là “vị khách không lành mạnh trong trái tim con người”.

Từ “oán hận” bắt nguồn từ tiếng Pháp cổ “resentir”, có nghĩa là “cảm thấy một lần nữa” hoặc trải nghiệm lại một cảm giác mạnh mẽ – minh họa cho một trong những đặc điểm nổi bật của sự oán giận: sự suy ngẫm.

Những người oán giận thường hay nghĩ về sự bất công đó nhiều lần. Nhà triết học Amélie Rorty đã mô tả sự oán giận là: “[Nuôi dưỡng] bản thân bằng quá khứ, nhai lại những ký ức đau đớn về sự sỉ nhục, xúc phạm và tổn thương, nhai đi nhai lại cho đến khi chính sự cay đắng của chúng lại trở thành một hương vị thơm ngon”.

Những suy nghĩ miên man sẽ xâm nhập vào cơ thể chúng ta và gây ra tình trạng căng thẳng mạn tính. Sự căng thẳng này có thể khiến nồng độ cortisol và adrenaline tăng cao làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến chúng ta dễ mắc bệnh hơn.

Những suy nghĩ miên man cũng có thể dẫn đến trầm cảm, tức giận dữ dội, hành vi hung hăng và có xu hướng tự tử.

Do sự oán giận là [một] cảm xúc bị kìm nén nên nó trở thành nam châm thu hút những sự oán giận khác khi con người ngày càng chìm sâu trong sự oán giận. Việc thức trắng đêm để suy nghĩ về sự oán giận hiện tại thường khiến chúng ta gợi nhớ lại những sự oán giận khác không liên quan”, Bà Kerry Howells viết trong cuốn sách “Untangling You: How Can I Be Grateful When I Feel So Resentful?” (“Gỡ rối cho bạn: Làm thế nào mà  tôi có thể biết ơn khi cảm thấy rất oán giận?”).

Tiến sĩ Ann Corson, một bác sĩ y khoa Y học Tích hợp, kết hợp giữa liệu pháp chữa lành về thể chất với cảm xúc, giải thích rằng, những người có sự oán giận sâu sắc thường không hài lòng với tất cả các khía cạnh của cuộc sống – công việc, các mối quan hệ và thậm chí là chính cơ thể của họ, tạo thành một vòng phản hồi tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe của chính họ.

Theo thời gian, sự oán giận sẽ chuyển thành một thế giới quan. Nó khiến chúng ta coi mọi người là kẻ thù và thế giới về cơ bản là bất công. Đôi khi, sự oán giận của chúng ta không nhắm vào ai đó mà là môi trường chúng ta đang sống. Chúng ta tự hỏi tại sao mình lại gặp phải những khó khăn nhất định và có ý thức sâu sắc về sự bất công trong cuộc đời của mình.

Giáo sư Enright nói rằng, nó đã trở thành một phần của con người chúng ta và rất khó để nhận ra – ngay cả đối với chính chúng ta.

Sự oán giận không chỉ là vấn đề cá nhân; nó còn ảnh hưởng đến cả gia đình và cộng đồng. Giáo sư Enright nói, “Sự oán giận có xu hướng được di truyền. Nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nếu cha mẹ thể hiện nó và làm gương cho con cái của họ”.

Thoát khỏi sự oán giận

Vậy làm sao để chúng ta có thể trục xuất vị khách không lành mạnh này ra khỏi trái tim mình?

Theo Ryan Blackstock, Giáo sư và là nhà tâm lý học lâm sàng chuyên điều trị chứng nghiện tin rằng, để loại bỏ sự oán giận, trước tiên bạn phải hiểu về nó. Ông nói với tờ The Epoch Times: “Sự oán giận đến từ đâu? Tình hình lúc đó như thế nào? Và có lẽ quan trọng nhất là mục đích của nó bây giờ là gì? Tất cả sự oán giận đều có mục đích của nó”.  

Giáo sư Enright đề xuất một quá trình tha thứ gồm 4 giai đoạn để quản lý sự oán giận: giai đoạn tiết lộ, giai đoạn quyết định, giai đoạn hành động và giai đoạn khám phá.

Ở giai đoạn tiết lộ, chúng ta nên hướng đến việc hiểu cảm xúc của bản thân, thừa nhận sự tổn thương và nhận ra cách mà sự oán giận đã ngấm vào cuộc sống như thế nào.

Giáo sư Enright đã chia sẻ câu chuyện về một người phụ nữ phải chịu đựng nỗi đau sâu sắc từ cha mình. Cô nhận ra rằng, sự oán giận dai dẳng đã ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của cô – làm các mối quan hệ trở nên căng thẳng, xói mòn lòng tự trọng và phủ bóng đen lên tương lai của cô. Bằng cách đối mặt với những cảm xúc này, cô bắt đầu thấy được sự oán giận đã ràng buộc mình như thế nào.

Ở giai đoạn quyết định, cô quyết định chọn cách tha thứ – không phải để tha thứ cho cha cô về hành động của ông, mà là để giải thoát bản thân khỏi xiềng xích của sự oán giận. Cô nhận ra rằng, việc bám víu vào sự oán giận sẽ chỉ kéo dài thêm nỗi đau của cô mà thôi.

Giáo sư Enright tin rằng, sự tha thứ là một “phương thuốc” giúp chữa khỏi căn bệnh oán giận. Ngược lại với sự oán giận, tha thứ có liên quan đến việc giảm tỷ lệ cholesterol – là yếu tố dự báo chính của bệnh động mạch vành. Ngoài ra, những người thực hành tha thứ có huyết áp thấp hơn và phản ứng tim tốt hơn với căng thẳng.

Ngoài việc quyết định tha thứ, chúng ta cũng cần thay đổi quan điểm ở giai đoạn hành động. Người phụ nữ bắt đầu tìm hiểu về quá khứ của cha mình và phát hiện ra sự đau khổ, tổn thương của ông. Việc hiểu được những khó khăn của ông không giúp biện minh cho hành động của ông nhưng đã làm dịu đi những oán giận của cô. Giáo sư Enright nói rằng, sự đồng cảm mới được phát hiện thấy này đã sinh ra lòng trắc ẩn trong trái tim cô, do đó đã giúp cô “loại bỏ được sự oán giận”.

Cuối cùng, trong giai đoạn khám phá, cô bắt đầu tìm kiếm ý nghĩa trong nỗi đau khổ của mình. Vì lòng tốt, cô đã chọn chăm sóc người cha đang hấp hối của mình và thậm chí còn đút cho ông ăn trong những ngày cuối đời.

“Sau khi cha cô qua đời, cô đã chia sẻ, ‘Tôi rất biết ơn vì đã làm điều này bởi vì ông là cha tôi; nếu tôi không tha thứ cho [ông], trong lòng tôi sẽ chỉ có đầy nỗi đau buồn và hận thù. Bây giờ chỉ còn nỗi buồn mà thôi’”, Giáo sư Enright chia sẻ.

Trong nhiều trường hợp như thế này, “tha thứ có thể giúp bạn lấy lại cuộc sống của mình”, ông nói.

Theo bác sĩ Corson, khi sự oán giận được giải quyết, tâm trí, cơ thể và tinh thần có thể bắt đầu được chữa lành.

Nuôi dưỡng lòng biết ơn

Trong khi sự tha thứ có thể chữa lành sự oán giận thì lòng biết ơn là giải pháp phòng ngừa lâu dài. Như tác giả Howells, một nhà nghiên cứu về lòng biết ơn, giải thích, “Lòng biết ơn, sự oán giận luôn tồn tại và phát triển trong các mối quan hệ trong cuộc sống của chúng ta”.

Chúng ta thường mắc kẹt trong niềm tin rằng, chúng ta cần những điều kiện thuận lợi để biết ơn, nhưng bà Howells cho rằng lòng biết ơn không phụ thuộc vào các hoàn cảnh hoàn hảo.

Khi cuộc sống bị vấy bẩn bởi sự oán giận, bà Howells gợi ý rằng, hãy lùi lại một bước và thay đổi góc nhìn. “Nếu chúng ta nới lỏng sự ràng buộc của nỗi oán giận, chúng ta có nhiều khả năng tìm thấy lòng biết ơn ở những khía cạnh mà trước đây chưa thể tiếp cận”, bà nói với The Epoch Times.

Bà Howells cho biết, bằng cách phát triển lòng biết ơn ở những khía cạnh khác trong cuộc sống không bị ảnh hưởng bởi sự oán giận, chúng ta có thể nuôi dưỡng sức mạnh và sự kiên cường để giải quyết sự oán giận một cách chủ động.

Ông Blackstock nói, “Hãy tưởng tượng năng lượng cảm xúc và tâm lý của bạn như một biểu đồ hình tròn. Chỉ có một khoảng trống nhất định trong chiếc bánh”. Khi số lượng sự oán giận tăng lên thì đồng thời sẽ có ít không gian hơn cho bất kỳ điều gì khác.

Nuôi dưỡng lòng biết ơn có thể giúp ngăn chặn sự oán giận lấn át những cảm xúc tích cực trong chiếc bánh.

“Chúng ta sẽ thấy sức mạnh của lòng biết ơn khi thực hành nó”, bà Howells nói. Bà ủng hộ việc biến lòng biết ơn thành thói quen hàng ngày. “Hãy tìm một hoặc hai điều mà chúng ta có thể dễ dàng biết ơn và nuôi dưỡng những điều này trong trái tim mình bằng cách thường xuyên nhắc nhở chúng, viết chúng ra, nói lời cảm ơn, [và] cảm nhận chúng trong trái tim mình”.

Chọn di sản của tình yêu, không phải sự oán giận

“Nếu bạn ôm mối hận thù, bạn sẽ không bao giờ khỏe mạnh và hạnh phúc”, tiến sĩ Corson nói.

Giáo sư Enright khuyến khích mọi người cân nhắc xem họ sẽ để lại di sản gì.

Ông giải thích rằng, có hai lựa chọn: Bạn có thể truyền lại sự oán giận của mình, có khả năng tạo ra một chu kỳ tiêu cực cho các thế hệ tương lai, hoặc bạn có thể để lại món quà tình yêu, gieo sự ấm áp và lòng tốt vào trái tim gia đình bạn.

Khánh Ngọc biên dịch 
Theo The Epoch Times

Xem thêm: