Sức Khỏe

Thiếu vi chất dinh dưỡng làm tăng tích tụ kim loại nặng

Khi thiếu hụt các khoáng chất quan trọng như sắt, canxi hay kẽm do chế độ ăn kém lành mạnh, hệ thống hấp thụ dưỡng chất trong ruột sẽ hoạt động kém hiệu quả và trở nên “dễ dãi” hơn. Lúc này, hệ tiêu hóa khó phân biệt được đâu là chất tốt, đâu là độc tố — tạo cơ hội cho các chất độc (kim loại nặng) dễ dàng xâm nhập vào cơ thể.

(Ảnh minh họa: New Africa/ Shutterstock)

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng cùng với phơi nhiễm kim loại nặng đang âm thầm ảnh hưởng đến hàng tỷ người trên toàn cầu. Trong ruột, dưỡng chất và kim loại nặng cùng được hấp thụ qua một “kênh”. Khi cơ thể thiếu hụt vi chất như sắt, kẽm hoặc canxi, các kim loại độc hại sẽ có cơ hội chen vào và xâm nhập qua ruột dễ dàng hơn. Cuộc đấu âm thầm giữa dưỡng chất và kim loại độc hại cho thấy: Một chế độ ăn đầy đủ vitamin và khoáng chất chính là tuyến phòng thủ quan trọng chống lại sự tích tụ độc tố trong cơ thể.

Vi chất dinh dưỡng

Các vitamin và khoáng chất như vitamin A, sắt và kẽm được gọi là vi chất dinh dưỡng vì cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ.

Mặc dù là vi chất, nhưng tác động của chúng đối với sức khỏe lại vô cùng lớn. Những hợp chất thiết yếu này giúp cơ thể sản sinh ra các enzyme, hormone và các chất khác cần thiết cho quá trình phát triển, tăng trưởng, bảo vệ miễn dịch, chuyển hóa năng lượng và duy trì sự toàn vẹn của tế bào.

Nhiều vấn đề sức khỏe có liên quan đến thiếu hụt vi chất dinh dưỡng như thiếu máu và thiếu sắt, còi xương và thiếu vitamin D hay rối loạn tuyến giáp do thiếu iốt.

Vi chất dinh dưỡng có trong nhiều loại thực phẩm, từ thịt, hải sản đến ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau củ. Việc bổ sung đầy đủ từng loại vi chất là điều kiện tiên quyết để cơ thể hoạt động tối ưu. Tình trạng thiếu hụt có thể dẫn đến hàng loạt các vấn đề sức khỏe như ung thư, tiểu đường, bệnh tim mạch, suy giảm trí tuệ, chậm phát triển thể chất và bệnh thoái hóa liên quan đến tuổi già.

Kim loại nặng

Kim loại nặng được định nghĩa là các nguyên tố kim loại có khối lượng riêng cao hơn đáng kể so với nước. Một số kim loại nặng như sắt, đồng và kẽm là vi chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể cần với lượng rất nhỏ. Tuy nhiên, những kim loại khác như chì, thủy ngân và asen không mang lại lợi ích sinh học nào và có thể gây độc ngay cả ở nồng độ cực thấp. Điểm mấu chốt ở đây là: nồng độ. Đối với kim loại nặng độc hại, mọi mức độ phơi nhiễm đều có thể tích tụ theo thời gian và gây tổn thương đến nhiều cơ quan trong cơ thể.

Chúng ta phơi nhiễm với kim loại nặng qua nhiều nguồn và con đường khác nhau. Chúng có sẵn trong lớp vỏ Trái đất và được tìm thấy trong đất, đá và nước. Tuy nhiên, mức độ phơi nhiễm của con người ngày nay chủ yếu bị chi phối bởi các hoạt động nhân tạo, thông qua:

  • Thực phẩm
  • Phân bón và thuốc trừ sâu
  • Sản phẩm tiêu dùng như sơn có chì (thường thấy ở các công trình cũ)
  • Một số loại mỹ phẩm
  • Một số loại nồi chảo hoặc hộp đựng thực phẩm.

Bà Renee Dufault, cựu chuyên gia nghiên cứu của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), hiện là Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Thành phần Thực phẩm và Sức khỏe, nói với The Epoch Times: “Chì hiện diện khắp nơi, trong nguồn cung thực phẩm, ở những nơi mà người ta thậm chí không nhận ra. Nó có trong phẩm màu thực phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ, với hàm lượng lên tới 10/1.000.000”.

Bà Dufault cho rằng chì, asen và thủy ngân là những kim loại nặng đáng lo ngại nhất, đặc biệt đối với trẻ em. Bà khuyến cáo cách hiệu quả nhất để giảm phơi nhiễm chì là tránh các thành phần thực phẩm có chứa chì, chẳng hạn như các loại phẩm màu (Red 40 và Yellow 5) được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm chế biến. Không có mức chì trong máu nào được xem là an toàn đối với trẻ em.

Tại Việt Nam, các sản phẩm có màu vàng, đỏ có thể chứa Yellow 5 và Red 40, bao gồm:

  • Thạch rau câu
  • Kẹo dẻo, kẹo cứng
  • Nước giải khát
  • Bánh kem, snack
  • Một số thuốc dạng viên nang, siro (dược phẩm)
  • Mỹ phẩm (sữa tắm, xà phòng)

Bà Dufault cũng thừa nhận rằng, việc loại bỏ hoàn toàn chì là điều gần như không thể bởi phơi nhiễm chì cũng có thể đến từ bụi và ô nhiễm không khí. Bà nhấn mạnh rằng, hầu hết các kim loại nặng đã tồn tại sẵn trong đất.

“Ngay cả khi loại bỏ chúng khỏi chế độ ăn, bạn vẫn sẽ bị phơi nhiễm”, bà nói.

Thiếu vi chất và hiểm họa từ kim loại nặng

Mối liên quan giữa các vi chất dinh dưỡng thiết yếu và kim loại nặng độc hại đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các nguy cơ sức khỏe liên quan đến phơi nhiễm môi trường.

Bà Dufault giải thích cốt lõi vấn đề bắt nguồn từ sự thay đổi trong chế độ ăn:

“Mọi người bắt đầu ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến và ít thực phẩm nguyên chất giàu kẽm, canxi và magiê – những dưỡng chất thực sự cần thiết. Hệ quả là rất nhiều người bị thiếu canxi, kẽm, selen… những chất thực sự cần. Trong khi đó, cơ thể họ lại chứa đầy những thứ khác gây bệnh mạn tính”.

Một bài đánh giá năm 2018 đăng trên African Journal of Biotechnology (Tập san Công nghệ sinh học Châu Phi) cho thấy ngay cả một lượng nhỏ phẩm màu Yellow 5 cũng có thể làm giảm nồng độ kẽm trong gan và khi liều lượng tăng, mức kẽm ở thận cũng bị ảnh hưởng. Cuối cùng, các tác giả khuyến cáo nên tránh hoàn toàn các loại phẩm màu này, đặc biệt là đối với trẻ em.

Một bài đánh giá năm 2023 trên World Journal of Clinical Pediatrics (Tập san Nhi khoa Lâm sàng Thế giới) do bà Dufault là tác giả chính cho thấy trẻ em bị tăng động thường có nồng độ kẽm thấp hơn bình thường.

Tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng trên diện rộng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng dễ bị nhiễm kim loại nặng của chúng ta. Nhiều kim loại độc hại như chì, thủy ngân, asen và cadmium có cấu trúc hóa học tương tự với các dưỡng chất thiết yếu.

Sự giống nhau gây hiểu lầm này đồng nghĩa với việc khi cơ thể thiếu hụt bất kỳ vi chất thiết yếu nào, các cơ chế hấp thu của cơ thể có thể trở nên dễ hấp thụ kim loại độc hại hơn.Mối cạnh tranh giữa chì và canxi là minh họa rõ nét cho cách mà kim loại có thể “lừa” cơ thể chúng ta.

“Chì là vấn đề nghiêm trọng vì chì cạnh tranh trực tiếp với canxi. Nó được lưu trữ trong xương và liên quan trực tiếp đến loãng xương. Nếu không có đủ canxi thì cơ thể sẽ hấp thu nhiều chì hơn. Chì sẽ vượt trội hơn canxi”, bà Dufault cho biết.

Bà nhấn mạnh thêm về chiến lược dinh dưỡng tổng thể, nêu rõ tầm quan trọng của việc bổ sung đủ kẽm trong công thức ăn uống để giúp loại bỏ chì khỏi cơ thể. Bà Dufault cũng nhấn mạnh về việc duy trì mức canxi đầy đủ cũng sẽ giúp ngăn cản hấp thụ chì trong cơ thể.

Thực phẩm giàu kẽm. (Ảnh: Sandratsky Dmitriy/ Shutterstock)

Một bài đánh giá năm 2023 được công bố trên International Journal of Molecular Sciences (Tập san Khoa học Phân tử Quốc tế) đã phân tích cách thiếu hụt sắt có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tích tụ kim loại nặng ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính. Nghiên cứu cho thấy rằng, thiếu sắt dẫn đến tăng hấp thụ kim loại nặng qua đường ruột do sự tăng biểu hiện của các thụ thể vận chuyển sắt, đồng thời làm tăng khả năng kim loại tích tụ tại thận.

Ngoài việc làm gia tăng hấp thu kim loại nặng, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng còn làm suy yếu hàng rào phòng thủ của cơ thể, làm giảm khả năng trung hòa các kim loại đã hấp thụ, ức chế các đường thải độc và cản trở quá trình sửa chữa tổn thương tế bào do kim loại nặng gây ra. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi nhiều kim loại độc cùng tồn tại, làm gia tăng đáng kể mức độ nguy hiểm.

Gánh nặng độc tố ngày càng lớn

“Khi cơ thể nhiễm cả thủy ngân và chì, chúng sẽ tạo ra hiệu ứng hiệp đồng – nghĩa là thủy ngân khiến cho chì trở nên độc hại hơn nữa”, bà Dufault cho biết.

Do đó, hệ quả là việc tăng hấp thụ các nguyên tố độc hại do thiếu hụt vi chất dinh dưỡng có thể làm tăng tổng tải lượng độc tố trong cơ thể, cuối cùng ảnh hưởng đến các hệ thần kinh, thận, hệ miễn dịch và tim mạch – bà Deanna Minich, nhà khoa học dinh dưỡng kiêm chuyên gia y học chức năng, cho biết qua email gửi The Epoch Times.

Các nghiên cứu đã cho thấy rằng nồng độ chì cao, ngay cả ở mức phơi nhiễm thấp cũng có liên quan chặt chẽ đến suy giảm nhận thức, rối loạn hành vi và chậm phát triển thần kinh ở trẻ em.

Một phân tích gộp năm 2024 đã kết luận rằng, phơi nhiễm chì ở trẻ nhỏ làm tăng nguy cơ được chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý.

Sự tích tụ cadmium có thể góp phần gây tổn thương thận, làm mất khoáng xương và tăng nguy cơ ung thư, trong khi đó phơi nhiễm asen cũng được chứng minh là có liên quan chặt chẽ với các tác động gây ung thư, bà Minich cho biết.

Bảo vệ cơ thể bằng vi chất dinh dưỡng

Việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất từ thực phẩm là điều thiết yếu để chống lại các tác động có hại của kim loại nặng. Ví dụ, mức canxi cao có thể làm giảm đáng kể sự hấp thụ chì, trong khi dự trữ sắt đầy đủ giúp hạn chế hấp thụ cadmium và asen.

Vitamin và khoáng chất cũng đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống giải độc của gan. Nhiều chất trong số này là đồng yếu tố cho các enzyme gan giúp cơ thể loại bỏ độc tố. Các dưỡng chất như selen, kẽm và nhóm vitamin B rất cần thiết cho việc tạo ra các chất chống oxy hóa mạnh như glutathione, vốn có thể gắn kết trực tiếp và trung hòa kim loại nặng.

Bà Minich chia sẻ: “Thực phẩm nguyên chất giàu khoáng chất như rau lá xanh, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc nguyên cám hỗ trợ hoạt động của các enzyme giải độc giai đoạn I và II của gan”.

Kim loại nặng cũng nổi tiếng là nguyên nhân gây ra stress oxy hóa, dẫn đến tổn thương tế bào trên diện rộng. Vi chất dinh dưỡng, có đặc tính chống oxy hóa mạnh như selen, kẽm, vitamin C và E – đóng vai trò trực tiếp trong việc trung hòa các gốc tự do và bảo vệ tế bào khỏi tổn hại đồng thời giúp sửa chữa các mô bị tổn thương và duy trì tính toàn vẹn của tế bào, từ đó làm giảm các tác động viêm mạn tính do phơi nhiễm kim loại kéo dài.

Bà Minich cảnh báo: “Thực phẩm siêu chế biến, uống quá nhiều rượu bia và những loại thực phẩm có chứa chất độc hại đều thúc đẩy phản ứng viêm và tăng hấp thụ kim loại độc”.

Cuối cùng, việc giảm thiểu gánh nặng độc tố là một nỗ lực toàn diện.

Bà Minich khuyến nghị:

“Ăn đa dạng thực vật giàu chất xơ, nhiều màu sắc sẽ giúp cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng. Ngoài ra, uống đủ nước khoáng thiên nhiên (ví dụ như nước suối) và ngủ đủ giấc sẽ hỗ trợ cơ thể trong việc chuyển hóa và loại bỏ các yếu tố độc hại một cách tự nhiên”.

Theo Jennifer Sweenie, The Epoch Times
Khánh Ngọc biên tập

Khánh Ngọc

Published by
Khánh Ngọc

Recent Posts

[VIDEO] Bách bệnh sinh ra bởi khí và được chấm dứt bởi âm nhạc

Âm nhạc có tác dụng dưỡng sinh độc đáo, cho nên, cổ nhân dùng nó…

3 phút ago

Mặc dù bị đàn áp 26 năm, nhiều mới vẫn bước vào tu luyện Pháp Luân Công

Mặc dù cuộc đàn áp vẫn kéo dài 26 năm, ngày càng có nhiều người…

13 phút ago

Nhà hàng tôm hùm nổi tiếng ở Nam Kinh bị tố dùng “chất tẩy toilet” rửa tôm

Ngày 8/7, một nhà hàng tôm hùm nổi tiếng ở Nam Kinh gây chấn động…

2 giờ ago

Cảnh sát Pakistan đột kích trung tâm lừa đảo, bắt 149 người, trong đó có 48 người Trung Quốc

Cục Điều tra Tội phạm Mạng Quốc gia Pakistan vào thứ Năm cho biết cảnh…

2 giờ ago

Trung Quốc có 700 triệu camera giám sát, đứng đầu thế giới

Trung Quốc có đến 700 triệu camera giám sát, đứng đầu thế giới, trong đó…

2 giờ ago

Tổng thống Donald Trump áp thuế 35% lên Canada

Hôm thứ Năm (10/7), Tổng thống Donald Trump loan báo Hoa Kỳ sẽ áp thuế…

2 giờ ago