Trong bữa tối tại quán bánh canh cá lóc, mỗi nạn nhân đã uống nửa lít rượu. Hàm lượng methanol trong mẫu rượu trong bữa ăn cao gấp 2.353 lần mức cho phép.
Báo cáo kết luận vụ ngộ độc rượu ở TP. Vũng Tàu của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho thấy cả 4 nạn nhân đều có hàm lượng methanol vượt quá ngưỡng cho phép, do uống rượu trắng mua từ quán tạp hóa.
Cụ thể, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã gửi 10 mẫu rượu để kiểm nghiệm methanol và acetonitrile; 4 mẫu huyết thanh và huyết tương của các bệnh nhân lấy từ Bệnh viện Vũng Tàu để kiểm nghiệm methanol, lên Viện Y tế công cộng TP.HCM.
Trong đó, 10 mẫu rượu được lấy từ 5 cơ sở buôn bán kinh doanh rượu và nhà ở lưu trú của các nạn nhân.
Kết quả kiểm nghiệm xác định có 3 mẫu rượu phát hiện methanol, vượt rất nhiều lần hàm lượng methanol cho phép trong rượu.
Trong đó, mẫu rượu trắng tại quán bánh canh cá lóc có hàm lượng methanol cao gấp 2.353 lần mức cho phép (Bộ Y tế quy định hàm lượng methanol trong rượu không được lớn hơn 100mg/l rượu tính theo độ rượu etanol 100 độ); mẫu rượu màu tại nhà ông N.T.H. (1 trong 6 người uống rượu) có hàm lượng cao gấp 411 lần mức cho phép; mẫu rượu trắng tại quán tạp hóa T.Q có hàm lượng cao gấp 300 lần cho phép.
Cả 2 mẫu rượu tại quán bánh canh cá lóc và tại nhà ông N.T.H đều có nguồn gốc từ tạp hóa T.Q.
Đồng thời, trong huyết thanh và huyết tương của cả 4 nạn nhân trong vụ ngộ độc rượu đều có hàm lượng methanol vượt quá ngưỡng cho phép (lớn hơn 200µg/ml).
Sở Y tế kết luận vụ ngộ độc rượu xảy ra tại quán bánh canh cá lóc K.Q.T., với 4 nạn nhân là vụ ngộ độc thực phẩm, do nạn nhân uống rượu trắng, được mua về từ tạp hóa T.Q. (phường 11, TP. Vũng Tàu) do bà N.H.T. làm chủ.
Vụ ngộ độc xảy ra sau bữa ăn tối 6 người vào khoảng 18h ngày 19/12, tại quán bánh canh cá lóc trên đường 30/4 do ông N.V.K. làm chủ. Nhóm khách muốn uống rượu nên ông K., mua can rượu 5 lít (loại rượu không màu) từ quán tạp hóa T.Q. (trên đường 30/4, phường 11).
Đến 17h ngày 21/12, Bệnh viện Vũng Tàu tiếp nhận cấp cứu cho 4 người trong buổi nhậu, gồm: K.S. (SN 2000), K.S., (SN 1992), N.N.V. (SN 2000) và N.A.V. (SN 1970, cùng ngụ phường 11, TP. Vũng Tàu).
Bác sĩ chẩn đoán, các bệnh nhân nhiễm toan nặng, nghi do ngộ độc methanol, trong đó có một ca diễn tiến co giật ngưng tim. Cả 4 bệnh nhân được chỉ định lọc máu liên tục tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc. Đến trưa 22/12, bệnh nhân K.S. (SN 1992), N.N.V. và N.A.V., có sức khỏe ổn và vẫn được tiếp tục theo dõi. Riêng bệnh nhân K.S. (SN 2000) tiếp tục hôn mê, tiên lượng nặng.
Cập nhật vào ngày 27/12, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Vũng Tàu) cho biết bệnh nhân K.S. vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực, báo Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay.
Theo phía bệnh viện, mỗi trường hợp uống khoảng 500ml rượu. Điều đáng tiếc là khi có dấu hiệu mệt mỏi, khó thở, người bệnh không vào bệnh viện mà tự truyền dịch ở nhà. Đến khi lên cơn co giật, người cứng, nạn nhân mới được đưa đến cấp cứu ở Bệnh viện Vũng Tàu.
Bác sĩ Văn Viết Thắng (Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Vũng Tàu) cho biết bệnh nhân K.S., được lọc máu liên tục, sử dụng thuốc vận mạch, cho thở máy, nhưng đã bị tổn thương nghiêm trọng về não, hô hấp, tim mạch… nên đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, tiên lượng xấu. Nguyên nhân là do nạn nhân uống lượng rượu nhiều, trong rượu có methanol, người bệnh vào viện trễ.
Theo bác sĩ Thắng, methanol hay còn được gọi là cồn công nghiệp là một chất lỏng, trong suốt, không màu, thường được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp, làm dung môi hòa tan các chất hữu cơ, vô cơ hay chiết xuất các loại dầu.
Trên thị trường, methanol có trong các dung dịch tẩy rửa, chất chống đông lạnh. Do có độc tính cao, methanol không được dùng để chế biến rượu. Tuy nhiên, vì methanol có giá thành rẻ nên nhiều người buôn bán, sản xuất rượu đã lợi dụng dùng chất này chế biến thành rượu kiếm lời.
Bác sĩ Văn Viết Thắng cho rằng để phòng ngừa độc rượu, tốt nhất không nên uống rượu hoặc hạn chế uống. Trong trường hợp phải sử dụng rượu, nên dùng rượu chất lượng tốt ở các cơ sở sản xuất uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Không uống rượu tự pha chế, tự ngâm với lá, rễ cây, động vật,… mà không rõ thành phần, xuất xứ hay công dụng. Lái xe, người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người bị ứng với bia, rượu thì không nên uống rượu. Không uống rượu có hàm lượng methanol, không nhãn mác hay loại rẻ tiền. Ngoài ra, không uống rượu khi đang đói. Không uống rượu kèm với các loại nước có ga. Không uống rượu khi đang sử dụng các loại thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương, thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương, thuốc hạ huyết áp, thuốc hạ đường huyết. “Mỗi người chỉ nên uống 1 ly rượu mỗi ngày để bảo đảm sức khỏe. Sau khi uống rượu nếu xuất hiện các triệu chứng như nôn ói, đau bụng, mờ mắt, khó thở cần vào viện sớm để được cấp cứu kịp thời”, bác sĩ Văn Viết Thắng khuyến cáo, theo báo Bà Rịa – Vũng Tàu. |
Minh Sơn
Mỹ sắp công bố gói viện trợ quân sự trị giá 1,25 tỷ USD cho…
Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố hôm 26/12 rằng Nga sẵn sàng hợp tác với…
Đồng Nai vừa ghi nhận thêm một ca tử vong do bệnh sởi là nam…
Mức thuế chống bán phá giá là 97%, trong vòng 5 năm, áp dụng đối…
Đường dây tội phạm lợi dụng một số người dân thiếu hiểu biết, điều kiện…
Công an tỉnh Đắk Lắk trước đó đã thu giữ hơn 20,3 tấn giá đỗ…