Hôm Chủ nhật (28/11), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện vẫn chưa rõ liệu biến thể Omicron mới có khả năng lây truyền cao hơn so với các biến thể SARS-CoV-2 khác, hoặc liệu nó có gây ra bệnh nặng hơn hay không.
“Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ nhập viện ngày càng tăng ở Nam Phi, nhưng điều này có thể là do tổng số người bị nhiễm bệnh ngày càng tăng, chứ không phải do nhiễm bệnh với Omicron,” WHO nói.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố, cơ quan này nhắc lại rằng bằng chứng sơ bộ cho thấy có thể có nguy cơ tái nhiễm cao hơn đối với biến thể này.
WHO cho biết họ đang làm việc với các chuyên gia kỹ thuật để tìm hiểu tác động tiềm tàng của biến thể này đối với các biện pháp đối phó hiện có, cũng như cả với vắc-xin.
WHO cho biết: “Hiện tại không có thông tin nào cho thấy các triệu chứng liên quan đến Omicron khác với các triệu chứng ở các biến thể khác.”
“Việc hiểu được mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron sẽ mất vài ngày đến vài tuần,” WHO cho biết.
WHO cũng chỉ ra rằng cho đến nay, các triệu chứng liên quan đến chủng Omicron chỉ ở mức ‘nhẹ’.
WHO cho biết các ca nhiễm được báo cáo ban đầu là ở các sinh viên đại học, đồng thời cho biết thêm rằng các bệnh nhân trẻ tuổi có xu hướng có các triệu chứng nhẹ hơn.
Nam Phi, quốc gia lần đầu tiên xác định chủng biến thể mới, hiện có 3.220 ca nhiễm COVID-19 nói chung, mặc dù không có sự gia tăng thực sự về số ca nhập viện, Barry Schoub, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Bộ trưởng về vắc-xin, nói với Sky News vào Chủ nhật.
“Các trường hợp nhiễm bệnh đến nay đều là các trường hợp nhẹ, các trường hợp nhẹ đến trung bình và đó là một dấu hiệu tốt,” ông Schoub nói, đồng thời cho biết thêm rằng đó vẫn là những ngày đầu và chưa có gì chắc chắn.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết các nhà sản xuất vắc-xin cần từ hai đến ba tuần để “có được bức tranh đầy đủ về tình trạng của các đột biến”.
Tuyên bố của WHO được đưa ra khi biến thể COVID-19 mới hiện đã lan rộng trên toàn cầu, khiến nhiều nước áp đặt thêm các lệnh hạn chế.
Người đứng đầu WHO ở châu Phi đã kêu gọi các nước tuân theo khoa học hơn là áp đặt các lệnh cấm bay trong nỗ lực ngăn chặn chủng COVID mới.
Hiện các quốc gia của WHO đã đạt được đồng thuận vào Chủ nhật về việc khởi động quá trình hướng tới việc tạo ra một hiệp ước chống đại dịch, đề ra cách xử lý cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu tiếp theo.
Lê Vy
Xem thêm:
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…