BBC cho hay tờ báo có tiếng nói độc lập cuối cùng tại Campuchia – Phnom Penh Post đã bị ép bán cho chủ mới người Malaysia thân với Thủ tướng Hun Sen. Sau khi thương vụ này được thực hiện, Phnom Penh Post đã rơi vào cuộc khủng hoảng nhân sự nghiêm trọng khi Tổng biên tập bị sa thải vì từ chối gỡ bài có nội dung chỉ trích chủ mới của tờ báo. Nhiều phóng viên khác cũng đã chủ động từ chức hoặc bị sa thải với lý do tương tự.
Được biết, ông Hun Sen, lãnh đạo Campuchia được 33 năm, đang ngày càng thâu tóm quyền lực để trở thành nhà độc tài thực sự với việc thanh trừ đảng đối lập Cứu Quốc Campuchia (CNRP). Để dọn đường cho cuộc tổng tuyển cử tại Campuchia vào tháng Bảy tới, từ năm ngoái ông Hun Sen đã cho bắt giữ nhiều lãnh đạo của CNRP, bỏ tù họ bằng những bản án mờ ám. Đỉnh điểm của động thái thanh trừ đối lập là việc ông Hun Sen, thông qua Tòa án Tối cao đã ra phán quyết giải tán CNRP. Ngoài ra, Thủ tướng đương nhiệm Campuchia cũng bỏ tù những người tham gia biểu tình, đóng cửa các phương tiện truyền thông không chịu sự kiểm soát của chính quyền.
Thương vụ mua bán Phnom Penh Post cuối tuần qua là ví dụ mới nhất của việc thâu tóm quyền lực độc tài của ông Hun Sen. Chính phủ Campuchia đã ép chủ cũ của Phnom Penh Post – ông Bill Clough, người Úc – phải bán tờ báo này cho chủ mới người Malaysia – ông Sivakumar Ganapthy, để được xóa khoản thuế phải nộp 3,9 triệu USD. Vào năm ngoái, một tờ báo có tiếng nói độc lập khác của Campuchia là Cambodia Daily đã buộc phải ngừng hoạt động sau khi bị chính quyền đe dọa truy thu thuế lên tới 6,3 triệu USD.
Theo BBC, ông Bill Clough đã lên tiếng xác nhận việc bán tờ Phnom Penh Post vào thứ Bảy (5/5) với lý do doanh thu quảng cáo sụt giảm.
Ông chủ người Úc này cũng xác nhận người mua là “một người làm báo đáng tôn trọng” – ông Sivakumar Ganapthy, đồng thời cho biết một hóa đơn tiền thuế lớn đã được xóa như một phần của thương vụ mua bán này.
Một thông báo từ Phnom Penh Post hôm thứ Bảy (5/5) nói rằng tờ báo này đã được bán cho nhà đầu tư người Malaysia, ông Sivakumar Ganapathy – giám đốc điều hành của công ty Asia PR.
Hành động đầu tiên của ông Sivakumar sau khi tiếp quản Phnom Penh Post là phát đi tuyên bố nói rằng tờ báo sẽ duy trì tính độc lập vốn có của mình.
Tuy nhiên, hành động tiếp theo của ông chủ mới người Malaysia là yêu cầu Tổng biên tập Kay Kimsong phải gỡ một bài báo đăng hôm Chủ Nhật (6/5) thông tin chi tiết về thương vụ mua bán tờ Phnom Penh Post và lý lịch của ông Sivakumar. Sau đó khi nhà báo Kay Kimsong không đồng ý gỡ bài, ông đã bị ông chủ mới sa thải.
Chưa dừng lại ở đó, ông Sivakumar tiếp tục yêu cầu các phóng viên khác phải gỡ các bài viết và hệ quả dẫn tới việc xin từ chức hàng loạt tại Phnom Penh Post.
Các bài báo bị yêu cầu gỡ bỏ mô tả chi tiết về thương vụ ông Sivakumar thâu tóm tờ Phnom Penh Post. Trong đó, chỉ rõ rằng doanh nhân người Malaysia này có mối quan hệ gần gũi với Thủ tướng Hun Sen và chính quyền Campuchia. Các bài báo cũng nhấn mạnh ông Sivakumar có thể đã bị ông Hun Sen kiểm soát.
Biên tập viên Stuart White, một trong những người vừa từ chức, đã email tới BBC nói rằng: “Tôi đã từ chức vào sáng nay vì tôi bị yêu cầu phải gỡ bỏ bài báo trên Phnom Penh Post viết về vụ mua bán tờ báo. Tôi không được thông báo lý do [gỡ bài] và chỉ được nói rằng đó là lệnh trực tiếp của người quản lý mới của tờ báo. Vào thời điểm nhận thông tin đó, tôi đã cảm thấy rằng tôi không thể tiếp tục làm việc tại tờ báo này”.
“Phnom Penh Post luôn luôn quyết liệt bảo vệ tiếng nói độc lập của mình, và tôi cảm thấy rằng lệnh đó là dấu hiệu cho thấy tính độc lập của tờ báo sẽ không còn được giữ trong tương lai. Tôi không thể bình luận về phương hướng biên tập tổng thể của ban quản lý mới, nhưng quyết định đó đối với tôi thực sự là không thể chấp nhận được”, Biên tập viên Stuart White nhấn mạnh.
Diễn biến mới nhất tại Phnom Penh Post làm dấy lên quan ngại về tự do báo chí tại Campuchia ngày càng bị xâm phạm.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã cáo buộc chính quyền Campuchia đang triển khai “một cuộc chiến tranh toàn diện nhắm vào các cơ quan truyền thông độc lập với mục đích nhằm đảm bảo chiến thắng cho [ông Hun Sen] trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng Bảy”.
Ông Huy Vannak, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia nói với Reuters rằng thương vụ liên quan tới Phnom Penh Post là “vụ mua bán thông thường” và rằng đơn vị truyền thông này “vẫn duy trì là một tờ báo”.
Tuy nhiên, ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Châu Á của Tổ chức Quan sát Nhân Quyền, cho rằng “không có lý do thuần túy về mặt kinh doanh để một công ty quan hệ công chúng của Malaysia phải mua tờ báo này, trừ khi họ có mục đích kiểm soát tờ báo cho những người bạn Campuchia quyền quý của mình”.
“Điều này giống như sự khởi đầu cho việc kết thúc tính độc lập và phản biện của tờ Phnom Penh Post”, ông Phil Robertson nhấn mạnh.
Cựu Tổng biên tập Phnom Penh Post Chad Williams nói với BBC rằng thực tế hóa đơn tiền thuế mà tờ báo phải nộp được đưa ra cùng thời điểm với việc mua bán tờ báo “cho thấy chính quyền Campuchia có thể đã sử dụng nguy cơ tờ báo phải đóng cửa để ép buộc chuyển giao chủ sở hữu tờ báo”.
Trước Phnom Penh Post, tờ Cambodia Daily cũng đã phải dừng hoạt động vào năm ngoái. Đài Châu Á Tự do được chính phủ Mỹ tài trợ gần đây cũng đã phải đóng cửa chi nhánh tại thủ đô Phnom Penh. Tất cả đều bị sách nhiễu và đe dọa truy thu mức thuế cao vô lý.
Những cơ quan truyền thông có tiếng nói độc lập nêu trên thường đưa ra các bài báo, bình luận về các chủ đề như tham nhũng và lạm dụng nhân quyền tại Campuchia, những điều khiến chính quyền Hun Sen không hài lòng và tìm mọi cách để trấn áp.
Hùng Cường (T/h)
Xem thêm:
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…