45 nước cùng thúc giục Campuchia thả lãnh đạo đối lập, thực hiện bầu cử tự do
- Hùng Cường
- •
Hôm thứ Tư (21/3), 45 nước đã phát đi tuyên bố chung kêu gọi chính quyền Campuchia khôi phục lại đảng đối lập chính, thả lãnh đạo của đảng này đang bị cầm tù và đảm bảo cuộc tổng tuyển cử vào tháng Bảy tới diễn ra tự do và công bằng.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã cầm quyền được 33 năm và vẫn chưa muốn dừng lại.
Reuters cho biết New Zealand hôm thứ Tư (21/3) đã thay mặt 45 nước, trong đó có Mỹ, Đức, Úc và Anh Quốc, đọc một bản tuyên bố về vấn đề nhân quyền tại Campuchia trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đang họp tại Geneva, Thụy Sĩ. Bản tuyên bố này nói rằng những lạc quan về vấn đề nhân quyền tại Campuchia đã “thay thế bằng quan ngại sâu sắc” liên quan tới những suy giảm cả về quyền chính trị và dân sự ở quốc gia Đông Nam Á này.
Tuyên bố thống nhất thúc giục chính quyền của Thủ tướng Hun Sen khôi phục lại Đảng Cứu quốc Campuchia đối lập (CNRP) và phục chức cho tất cả các thành viên của đảng CNRP trong chính quyền dân cử.
“Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Hoàng gia Campuchia thực hiện các biện pháp cần thiết, trước khi quá muộn, để đảm bảo cuộc bầu cử 2018 diễn ra tự do, công bằng và đáng tin cậy”, Reuters dẫn tuyên bố của nhóm 45 nước.
Tuyên bố này nói thêm rằng: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các điều kiện mà lãnh đạo phe đối lập Kem Sokha đang bị giam giữ sau khi bị bắt một cách tùy tiện: Ông ta được cho là đang bị biệt giam, không được tiếp cận chăm sóc y tế, chịu sự giám sát chặt chẽ, và những tình huống khác như bị chiếu sáng liên tục. Chúng tôi kêu gọi thả ngay lập tức tất cả các tù nhân chính trị, trong đó có ông Kem Sokha”.
Nhóm 45 nước cũng dấy lên các quan ngại về việc chính quyền Campuchia trấn áp tự do ngôn luận đã lan rộng sang trấn áp truyền thông độc lập và các tổ chức phi chính phủ.
Từ cuối năm ngoái, chính quyền của Thủ tướng Hun Sen đã đẩy mạnh trấn áp đối lập và các tổ chức xã hội độc lập.
Tòa án tối cao Campuchia vào cuối năm 2017, theo chỉ đạo của ông Hun Sen, đã ra phán quyết giải tán đảng CNRP. Theo đó, hàng chục nhà lập pháp của đảng đối lập này đã bị cấm tham gia vào các cơ quan công quyền mà họ được nhân dân bầu lên.
Trước khi giải tán CNRP, vào tháng 9/2017, giới chức Campuchia đã bắt giam ông Kem Sokha. Chủ tịch Đảng CNRP bị cáo buộc phản quốc, thông đồng với Mỹ để lật đổ chính quyền Hun Sen. Ông Kem Sokha đã phủ nhận các cáo buộc này và Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh cũng đã bác bỏ luận điệu vô căn cứ của chính quyền Campuchia.
Reuters cho biết ông Kem Sokha đang phải đối mặt với bản án 30 năm tù giam nếu bị kết tội phản quốc.
Vài tháng cuối năm 2017, chính quyền Hun Sen cũng tăng cường trấn áp truyền thông và các nhà hoạt động dân chủ với mục tiêu tối thượng là dọn đường cho Thủ tướng Hun Sen tiếp tục tái cử trong cuộc bầu cử vào tháng 7/2018.
Tờ Deutsche Welle (Đức) cho hay trong vài tháng cuối năm 2017, chính quyền Hun Sen đã cho đóng cửa khoảng 19 đài phát thanh. Tờ báo Cambodia Daily phiên bản tiếng Anh cũng buộc phải đình bản từ 4/9 do bị chính phủ cáo buộc trốn thuế hàng triệu USD.
Giữa tháng 11, giới chức Phnom Penh cho truy tố hai nhà báo với tội danh “làm giám điệp” cho Mỹ. Sau đó, cuối tháng này, ông Hun Sen đã lên tiếng đòi đóng cửa Trung tâm Nhân quyền Camphuchia, tổ chức nhân quyền chính ở nước này có liên hệ với ông Kem Sokha.
Phản hồi về tuyên bố của 45 nước, phát ngôn viên chính quyền Campuchia Phay Siphan hôm thứ Tư (21/3) cho biết Campuchia sẽ không tuân theo yêu cầu do nước ngoài đưa ra.
“Chúng tôi là thành viên bình đẳng của Liên Hiệp Quốc. Đây là vi phạm chủ quyền của Campuchia. Chúng tôi sẽ tổ chức bầu cử theo điều mà người dân Campuchia muốn, dựa trên luật pháp của Campuchia”, Reuters dẫn lời ông Phay Siphan.
Hùng Cường (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Campuchia Hun Sen Kem Sokha Đàn áp nhân quyền