Mới đây, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đã lần đầu tiên có một bài phát biểu dài về an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Quốc hội Mỹ. Ông Johnson chỉ ra Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình toàn cầu, cam kết trong nhiệm kỳ của mình sẽ thúc đẩy một loạt biện pháp cứng rắn ứng phó. Có chuyên gia nhận định bài phát biểu của Johnson cho thấy “bước ngoặt” quan trọng!
Hôm thứ Hai (8/7), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Johnson đã có bài phát biểu tại một sự kiện do Viện Hudson, một tổ chức tư vấn ở Washington tổ chức. Ông chỉ ra rằng ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình toàn cầu. Ông nói, “Quốc hội Mỹ phải tiếp tục tập trung vào việc sử dụng tất cả các công cụ có sẵn để đối đầu với Trung Quốc (ĐCSTQ)”.
Kể từ khi nhậm chức Chủ tịch Hạ viện vào tháng 10 năm ngoái, đây là bài phát biểu dài trước công chúng đầu tiên của ông Johnson về an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Quốc hội Mỹ.
“Bắc Kinh là mối đe dọa nước ngoài số một của chúng ta”, ông Johnson nói, “Họ đã khai thác mọi ngóc ngách trong hệ thống tài chính và kinh tế của chúng ta”.
Vị Chủ tịch Quốc hội Mỹ này cảnh báo rằng các nước gồm Trung Quốc (ĐCSTQ), Nga, Iran, Triều Tiên, Venezuela, Cuba… đã hình thành một “mạng lưới đe dọa liên kết với nhau”, họ đã thành “trục” do ĐCSTQ lãnh đạo với mục tiêu đánh bại Mỹ. Ông nói: “Ngày nay chúng ta không còn phải đối mặt với kẻ thù lớn như thời Xô Viết, cho đến nay, may mắn thay, chúng ta chưa thấy một Liên minh 3 nước mới (như thời Thế chiến thứ hai), nhưng chúng ta thấy một số nước công khai chống lại Mỹ”.
Học giả lịch sử Li Yuanhua (người Hoa ở Úc) nói với Epoch Times rằng ông Johnson dùng từ “trục” để mô tả những nước này mà không nói thẳng là “trục tà ác”, nhưng những nước mà ông ấy liệt kê đều là những nước chuyên quyền và toàn trị, làm suy yếu các giá trị của thế giới tự do: “Vì họ đã trở thành trục, nên thực ra họ là trục của tà ác, và nòng cốt của trục tà ác này là ĐCSTQ”.
Học giả Li Yuanhua tin rằng Chủ tịch Hạ viện Mỹ đã lưu ý Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày nay không còn là nước cạnh tranh của Mỹ, thay vào đó nhiều hành động của họ mang tính chất hoàn toàn thù địch – đây là thay đổi lớn và là bước ngoặt quan trọng: “Đây là một bước ngoặt để Mỹ quán triệt hơn về ĐCSTQ, thực chất nhận thức này là chung của người Mỹ chứ không mang tính đảng phái. Nguyên nhân chính là những gì ĐCSTQ làm trong những năm gần đây đã đe dọa đến an ninh của Mỹ và đã làm tổn hại đến các Giá trị Tự do của Mỹ”.
Giáo sư Robin Chen tại Khoa Ngoại giao – Đại học Chính trị Đài Loan thì chia sẻ với Epoch Times rằng phát biểu cho thấy Chủ tịch Hạ viện Mỹ muốn cắt đứt quan hệ giữa Trung Quốc và các nước thù địch khác, như Nga, Iran, Bắc Triều Tiên, để khả năng kết liên minh của họ trở nên nhỏ hơn, điều này phù hợp với chính sách của Tổng thống Biden.
Ông Johnson cho biết trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ khóa này, Quốc hội Mỹ sẽ nỗ lực thông qua một loạt biện pháp lập pháp đối với Trung Quốc, bao gồm các biện pháp trừng phạt các doanh nghiệp công nghiệp-quân sự của ĐCSTQ hỗ trợ Nga và Iran, hạn chế đầu tư vào Trung Quốc và giải quyết các vấn đề như các lỗ hổng trong quy định thương mại của Mỹ đang bị Trung Quốc lợi dụng.
Ông cũng cho biết, trong Quốc hội khóa mới vào năm tới, ông sẽ tiếp tục hoạt động của Ủy ban Chuyên trách Hạ viện đối phó ĐCSTQ (Select Committee on the CCP). Ông đặc biệt đề cập đến thúc đẩy cơ chế lưỡng đảng trong mục tiêu này: “Tôi rất hy vọng rằng phần lớn việc này có thể được thực hiện trong tinh thần lưỡng đảng.”
Nói với Epoch Times về vấn đề này, Phó giáo sư Simon Chen Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Quốc gia Đài Loan cho rằng điều ông Johnson muốn thúc đẩy không chỉ là một dự luật, mà là một loạt dự luật liên quan đến ĐCSTQ – hiện là lãnh đạo “trục” các nước mà ông Johnson đề cập. Ví dụ, trong cuộc chiến Nga-Ukraine hiện nay, rõ ràng ĐCSTQ là chìa khóa cho khả năng duy trì năng lượng chiến tranh của Nga, vì thế vấn đề lập pháp nhắm vào ngành công nghiệp quân sự của ĐCSTQ đang hỗ trợ Nga và Iran là rất quan trọng; vấn đề lập pháp quan trọng kế tiếp là nhắm vào hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và hoạt động thương mại không công bằng của ĐCSTQ.
Tuy nhiên, ông Simon Chen cũng chỉ ra rằng chưa đến 1% đề xuất do các nghị sĩ Mỹ đưa ra thực sự được bỏ phiếu và sau đó được tổng thống ký trở thành luật. Bài phát biểu của Johnson là vì Mỹ sắp bước vào bầu cử, đó là lý do lần đầu tiên Chủ tịch Hạ viện có một bài phát biểu đầy đủ về chính sách đối ngoại. Bài phát biểu coi mối đe dọa từ ĐCSTQ là thách thức lớn nhất đối với Mỹ, bước đi cần thiết tiếp theo là phải đề xuất những dự luật để đối phó với thách thức từ ĐCSTQ.
Phó giáo sư Simon Chen cho biết, “Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện là đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn nhất của Mỹ, đây là quan điểm đồng thuận của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ, khác biệt chỉ là ở cách đối phó”.
Còn giáo sư Robin Chen thì cho rằng những dự luật mà ông Johnson đề cập sẽ được Quốc hội thực thi chứ không phải vì cuộc bầu cử, nhưng chủ đề chính của bài phát biểu vẫn liên quan đến cuộc bầu cử Mỹ. Ông tin rằng bài phát biểu cho thấy vấn đề địa chính trị sẽ đẩy nhanh quá trình chống toàn cầu hóa, nền kinh tế thế giới trong tương lai sẽ bắt đầu chuyển sang một hướng khác.
Bắt đầu từ ngày 9/7, lãnh đạo 32 nước NATO và hàng loạt nước đối tác tập trung tại Washington để dự hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày kỷ niệm 75 năm thành lập NATO.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước khai mạc hội nghị thượng đỉnh: “Tôi đảm bảo rằng chúng ta có thể xây dựng một liên minh gồm các nước trên thế giới để đối phó với Trung Quốc (ĐCSTQ), Nga… và mọi thứ khác đang diễn ra trên thế giới”.
Phó giáo sư Simon Chen cho rằng hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức tại Washington là rất quan trọng, chỉ bằng cách đoàn kết các nước dân chủ tự do dưới vai trò lãnh đạo của Mỹ mới có thể cùng nhau đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc. Đặc biệt, ĐCSTQ đã nhắm vào các nước phương Tây trong một thời gian dài và áp dụng nhiều thủ đoạn để khiến phương Tây suy yếu.
Còn giáo sư Robin Chen thì cho hay quan hệ Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục, nhưng dù ai được bầu làm tổng thống Mỹ thì mối quan hệ này cũng vẫn rất căng thẳng – giống như mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô cũ trước đây: “Đó là quan hệ đầy nghi ngờ và cạnh tranh, xung đột quân sự có khả năng nổ ra giữa hai bên tại nhiều điểm nóng xung đột trên thế giới. Làm thế nào để quản lý việc leo thang hoặc xuống thang xung đột là vấn đề rắc rối nhất đối với các nhà lãnh đạo của Mỹ và ĐCSTQ”.
Hạ viện Mỹ vừa thông qua Dự luật bảo vệ Pháp Luân Công (Falun Gong Protection Act), trong đó đề cập đến tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ và có kế hoạch áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và cá nhân có liên quan của ĐCSTQ.
Ngoài ra, một báo cáo mới từ một tổ chức nghiên cứu ở Washington cho biết, đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại kinh tế trị giá hơn 18.000 tỷ USD ở Mỹ. Báo cáo khuyến nghị Chính phủ Mỹ nên hành động truy cứu cách làm sơ suất và thiếu minh bạch của Bắc Kinh, buộc Chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm pháp lý về việc này. Học giả Li Yuanhua bình luận vấn đề này rằng mọi điểm nóng bất ổn trên thế giới ngày nay đều thấy bóng dáng của ĐCSTQ, cho dù đó là cuộc chiến Nga-Ukraine hay xung đột Israel-Hamas. Trong vấn đề đại dịch COVID-19, ĐCSTQ đã tùy tiện đổ lỗi, bịa đặt những lời dối trá và cản trở các nước truy tìm nguồn gốc của virus, vì vậy sau đại dịch, nhiều nước đang xem lại về mối quan hệ với Trung Quốc.
“Khi thế giới tự do do Mỹ lãnh đạo hiểu rõ hơn bản chất của ĐCSTQ sẽ hạn chế tối đa hành động sơ suất tùy tiện, sẽ thúc đẩy đoàn kết ngăn chặn ĐCSTQ để duy trì an ninh trật tự của thế giới”, ông nói.
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…
Ông Medvedev tuyên bố cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev có thể nhanh chóng…
Mình bỗng nhận ra rằng không cần phải làm thuyết khách thuyết phục bất cứ…