Một báo cáo mới đây từ chính quyền Tổng thống Trump hôm thứ Ba (20/10) đã kết luận rằng các trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ đã không báo cáo những khoản tài trợ lớn mà họ nhận được từ Trung Quốc, Nga và các quốc gia khác được mô tả là “đối thủ nước ngoài”, theo SCMP.
Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đã công bố báo cáo trong bối cảnh cơ quan này đang nỗ lực thực thi luật năm 1986 yêu cầu các trường đại học tại Mỹ tiết lộ quà tặng và hợp đồng trị giá 250.000 USD trở lên từ các nguồn nước ngoài.
Sau nhiều thập kỷ với sự giám sát lỏng lẻo của liên bang, luật này đã trở thành ưu tiên của chính quyền TT Trump trong bối cảnh lo ngại về gián điệp kinh tế và trộm cắp bí mật thương mại từ nước ngoài.
Những phát hiện của Bộ Giáo dục chủ yếu dựa trên các cuộc điều tra mà Bộ đã mở tại 12 trường, bao gồm các trường đại học danh tiếng như Harvard, Yale, Stanford và Georgetown trong bối cảnh nghi ngờ rằng họ đã không khai báo hàng triệu đôla quà tặng và hợp đồng từ các nguồn ở Trung Quốc, Nga, Ả Rập Xê Út và Qatar.
Theo những phát hiện ban đầu trong báo cáo, hầu hết trong số 12 trường đều có giao dịch tài chính với Huawei, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc mà một số quan chức Mỹ cho là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia; và ít nhất một trường có quan hệ trực tiếp với Đảng Cộng đồng Trung Quốc. Những trường khác đã giao dịch với chính phủ Nga và các tổ chức ở Ả Rập Xê Út và Qatar.
Báo cáo không nêu rõ trường đại học nào được kết nối với những thực thể đó. Bộ cho biết kể từ khi chịu sự giám sát của liên bang, 12 trường đã tiết lộ tổng cộng 6,5 tỷ đô la Mỹ tài trợ từ nước ngoài mà trước đây chưa được báo cáo.
Một số trường đại học trước đó đã thừa nhận sai sót trong báo cáo và tìm cách sửa chữa. ĐH Yale cho biết họ đã không gửi báo cáo tài trợ nước ngoài cho các năm từ 2014 đến 2017 nhưng sau đó đã sửa chữa thiếu sót.
Bộ Giáo dục Hoa Kỳ cho biết vẫn đang tiến hành rà soát và thu thập thông tin từ các trường đại học.
Khi công bố báo cáo, Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos cho biết cơ quan của bà đã phát hiện ra “tình trạng không tuân thủ phổ biến” từ các trường đại học có “sự dính dáng đáng kể của nước ngoài”. Bà nói: “Trong nhiều thập kỷ, việc thực thi rất lỏng lẻo, nhưng giờ sẽ không còn nữa”. “Chúng tôi sẽ hành động để đảm bảo rằng công chúng sẽ nhận được sự minh bạch như luật pháp yêu cầu.”
Báo cáo lặp lại cảnh báo từ các nhà chức trách liên bang nói rằng các quốc gia cạnh tranh đang ngày càng nhắm vào các trường cao đẳng của Hoa Kỳ để đánh cắp nghiên cứu và công nghệ. Báo cáo đã trích dẫn các trường hợp gần đây của công dân Trung Quốc bị buộc tội làm việc hoặc học tập tại các trường của Mỹ trong khi cũng làm việc cho chính phủ Trung Quốc.
Bộ Giáo dục cho biết việc xem xét của họ chỉ nhằm mục đích thúc đẩy tính minh bạch chứ không phải để xác định tính phù hợp của các ràng buộc tài chính cụ thể.
Dân biểu Virginia Foxx, thành viên cao cấp của Ủy ban Giáo dục và Lao động Hạ viện, hoan nghênh Bộ Giáo dục đã thúc đẩy sự minh bạch.
Bà nói: “Đã quá lâu, các đối thủ nước ngoài, bao gồm cả Trung Quốc, đã sử dụng mọi phương tiện để tác động đến nền giáo dục đại học của Mỹ… Nếu chúng ta muốn bảo vệ tính toàn vẹn của nền giáo dục Hoa Kỳ, chúng ta phải yêu cầu tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn về tiền tài trợ nước ngoài trong các trường cao đẳng và đại học của chúng ta.”
Không có gì lạ khi các trường cao đẳng Hoa Kỳ chấp nhận tài trợ nước ngoài cho các dự án nghiên cứu hoặc các chương trình trao đổi, nhưng các yêu cầu về báo cáo từ lâu đã được coi như việc làm tượng trưng.
Trong nhiều năm, hầu như không có hoạt động xác minh những báo cáo thường xuyên mà các trường đại học đệ trình lên chính phủ liên bang về chi tiết quà tặng và hợp đồng nước ngoài trị giá 250.000 đô la Mỹ trở lên.
>> Tổng thống Trump: Huawei là “kênh gián điệp” của ĐCSTQ
Tuy nhiên, điều đó đã bắt đầu thay đổi vào năm ngoái, sau khi một báo cáo của lưỡng đảng tại Quốc hội đưa ra báo động về mối quan hệ của các trường đại học với Trung Quốc. Báo cáo phát hiện ra rằng 70% các trường học có Viện Khổng Tử đã không tiết lộ mối quan hệ tài chính của mình với Bộ Giáo dục.
Trước phát hiện đó, bà DeVos đã bắt đầu yêu cầu các cuộc điều tra sâu rộng hơn về nguồn vốn nước ngoài của các trường đại học.
Báo cáo mới của Bộ cũng cho thấy rằng các trường đại học lớn nhất và giàu nhất của Mỹ đã “tích cực theo đuổi và nhận các khoản tiền nước ngoài”. Báo cáo kết luận rằng các trường đã không báo cáo lượng lớn nguồn tài trợ từ nước ngoài.
Như đại học Stanford, báo cáo cho biết nhà trường che giấu tên của các nhà tài trợ nước ngoài, bao gồm các nguồn Trung Quốc đã tài trợ hơn 64 triệu đô la Mỹ kể từ năm 2010. Các trường đại học Yale và Case Western Reserve đã nhiều năm không báo cáo các khoản đóng góp nước ngoài.
Các trường đại học đã phản bác lại những lời chỉ trích, nói rằng họ đã cố gắng tuân thủ luật pháp nhưng không được liên bang chỉ đạo. Nhiều trường cũng phản đối các quy định mới mà Bộ ban hành trong năm nay, theo đó yêu cầu các trường đại học tiết lộ chi tiết hơn về mối quan hệ của họ với các công ty và chính phủ nước ngoài. Một số lo ngại rằng các quy định mới sẽ ngăn cản các nhà tài trợ nước ngoài muốn giấu tên.
Bộ Giáo dục Mỹ đã bác bỏ những lo ngại đó hôm 21/10.
Gia Huy (theo SCMP)
Xem thêm:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…