Cựu quan chức CIA: ĐCSTQ vứt bỏ gián điệp bị Mỹ bắt
- Tiêu Nhiên
- •
Cựu Cục trưởng Cục phản gián thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) James M. Olson ước tính một cách dè dặt rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đẩy nhanh việc chiêu mộ gián điệp, và New York đã trở thành tâm điểm. Hơn 100 điệp viên Trung Quốc đang hoạt động ở New York mỗi giây mỗi phút. Ông cũng nói rằng Cảnh sát New York Baimadajie Angwan mới bị bắt đã bị ĐCSTQ bỏ rơi.
“Kế hoạch gián điệp của họ vô cùng to lớn”, ông James M. Olson nói với New York Post. “Họ tích cực tìm kiếm trên mạng xã hội những người Mỹ gốc Hoa có tình cảm yêu nước.”
Cảnh sát viên gốc Tây Tạng Baimadajie Angwang mới bị bắt ở New York chính là người như thế. Cựu thành viên 33 tuổi của Hải quân lục chiến này, cựu hạ sĩ quan Lực lượng Dự bị Quân đội Hoa Kỳ và “Sĩ quan cảnh sát xuất sắc của tháng” năm 2018, đã bị buộc tội hoạt động bất hợp pháp với tư cách là đặc vụ của chính phủ nước ngoài, gian lận điện hối và khai báo giả. Nếu tội danh được thành lập, Angwang sẽ bị xử mức cao nhất là 55 năm tù giam. Ông Olson nói, ĐCSTQ coi Angwang như một mỏ vàng.
Hôm 23/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với New York Post rằng, Lãnh sự quán ĐCSTQ tại New York là một ổ gián điệp, khả năng sẽ có nhiều người bị bắt hơn nữa.
“Nhân viên cảnh sát, quân đội, phản gián là những mục tiêu quan trọng của ĐCSTQ”, ông Olson nói. “Họ rất hứng thú với thành viên của cục cảnh sát New York, bởi vì họ có thể lấy được hồ sơ, cung cấp tung tích, biết được ai đang bị điều tra.”
Ông H. Keith Melton – cố vấn Cục Tình báo Trung ương Mỹ, đồng tác giả cuốn “Trạm gián điệp New York” (Spy Sites of New York City) cho biết, ĐCSTQ chiêu mộ gián điệp thông qua những người quen của mục tiêu ở Trung Quốc để thiết lập liên lạc. “Họ mời anh ta ăn tối, có thể đưa anh ta đi xem một vở opera. Cuối cùng là yêu cầu anh ấy làm một ‘điều xám’ cho ĐCSTQ.”
Họ được thông báo rằng “Những hành vi này không tổn hại đến lợi ích của nước Mỹ, nhưng sự thực lại ngược lại”.
Ông nói tiếp: “Trong một dự án chỉ định đặc biệt, ĐCSTQ có nhiều gián điệp. Do đó, mỗi một đặc vụ chỉ lấy được số lượng ít thông tin, những thông tin này xem có vẻ không quan trọng lắm, nhưng lại là một phần của kế hoạch lớn hơn.”
Lấy Angwang làm ví dụ, anh ta có thể được dùng để “tìm ra phạm vi giám sát và kho dữ liệu của Cục cảnh sát New York, và cả mức độ hiểu biết về quan chức đại diện ĐCSTQ trú tại Liên Hiệp Quốc và quan chức Lãnh sự quán ĐCSTQ.”
CIA còn nhận được thông tin, Angwang nói vì để thăng chức nên tham gia một kỳ thi vào Cục cảnh sát New York, và nói rằng anh ta làm thế là vì “người dân của tổ quốc”.
Ông Olson nói: “Nếu người nhà của bạn ở Trung Quốc, giống như cha mẹ của Angwang, hơn nữa lại đều là đảng viên ĐCSTQ. Họ (ĐCSTQ) sẽ đo lường những nhân tố này, họ sẽ quyết định xem liệu có nên ban cho người nhà bạn một số ân huệ hay không. Trong đó bao gồm cả việc bạn muốn loại viện trợ nào, ví dụ visa trở về Trung Quốc, học bổng hoặc tiền bạc.”
Mỗi tháng Angwang nhận được vài nghìn USD gửi từ Trung Quốc.
Ông Olson nói, hiện giờ Angwang đã bị ĐCSTQ vứt bỏ, “Đây là cái giá của làm ăn [với ĐCSTQ]. ĐCSTQ có quá nhiều gián điệp ở Mỹ, và họ không để ý đến việc tổn thất vài người.”
Angwang bị bắt với cáo buộc đại diện bất hợp pháp cho ĐCSTQ để do thám tình hình người Tây Tạng
Cảnh sát thành phố New York Baimadajie Angwang bị bắt vào ngày 21/9. Anh này bị buộc tội hoạt động bất hợp pháp với tư cách là đại diện của Chính phủ Trung Quốc, gian lận điện hối (chuyển tiền) và khai báo gian dối, có thể sẽ phải đối mặt với án tù lên đến 55 năm.
Cáo trạng hình sự liên bang nêu rõ, từ khoảng năm 2018, Angwang đã duy trì liên hệ với ít nhất hai quan chức từ lãnh sự quán ĐCSTQ ở New York. Trong đó, quan chức thứ hai được cho là thuộc Hiệp hội Bảo vệ và Phát triển Văn hóa Tây Tạng thuộc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ. Angwang đã gọi ông ta “ông chủ” và “đại ca”.
AngWang bị cáo buộc nhận chỉ thị của quan chức ĐCSTQ báo cáo về các hoạt động của người Tây Tạng và những người khác trong khu vực đô thị New York. Anh ta cũng dự kiến sẽ cung cấp cho các quan chức lãnh sự cách tiếp cận với các quan chức cấp cao của Sở Cảnh sát Thành phố New York bằng cách mời tham gia các sự kiện chính thức của Sở Cảnh sát Thành phố New York.
Cáo trạng lấy ví dụ, Angwang đã gợi ý rằng quan chức lãnh sự thứ hai đấu tranh cho những gì anh ta nói là nhóm Buji Shugden đã bị loại khỏi cộng đồng Tây Tạng. Anh ta cũng kiến nghị quan chức này nên chú ý đến một người Tây Tạng đã tham gia bầu cử. Khi Sở cảnh sát thành phố New York để anh ta tham gia vào chương trình phỏng vấn của Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV), anh ta đã báo cáo với quan chức này rằng nếu xuất hiện trên chương trình NTDTV, ĐCSTQ sẽ không phân biệt được anh có phải là Pháp Luân Công hay không. Về sau anh ta đã không tham gia phỏng vấn.
Theo tài liệu của tòa án, Angwang hiện là hạ sĩ quan trong Lực lượng Dự bị Quân đội Mỹ, thuộc Tiểu đoàn Dù Dân sự ở Fort Dix, New Jersey.
Vì công việc trong Quân đội Mỹ, nên anh được cấp phép an ninh cấp “cơ mật”. Nhưng cáo trạng nói rằng khi Angwang điền vào biểu mẫu xem xét an ninh liên quan, anh ta đã không báo cáo về việc có liên lạc với các quan chức Lãnh sự quán Trung Quốc, cũng như không báo cáo rằng anh có liên hệ chặt chẽ với người nhà đang ở Trung Quốc Đại Lục có liên quan đến Giải phóng quân ĐCSTQ.
Bản cáo trạng đề cập rằng Aung Wang sinh ra ở Khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc, anh đến Mỹ bằng thị thực giao lưu văn hóa và sau đó xin tị nạn chính trị. Anh khai rằng đã bị bắt và bị tra tấn, một phần nguyên nhân là do thân phận người Tây Tạng của mình. Angwang được tị nạn và sau đó trở thành công dân Mỹ.
Cảnh sát trưởng Thành phố New York Dermot F Shea nói rằng Angwang đã phản bội nước Mỹ, Quân đội Mỹ và Sở Cảnh sát Thành phố New York nơi anh đã tuyên thệ phục vụ.
Công tố viên yêu cầu thẩm phán ra lệnh tạm giam Angwang trong thời gian chờ xét xử mà không cần bảo lãnh vì anh ta có nguy cơ bỏ trốn rất lớn.
Tiêu Nhiên
Xem thêm:
Từ khóa gián điệp Trung Quốc CIA Dòng sự kiện cảnh sát New York Angwang