Tổng thống Trump: Huawei là “kênh gián điệp” của ĐCSTQ
- Lý Tuyên
- •
Gần đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo mở rộng các hạn chế đối với Huawei. Trả lời phỏng vấn truyền thông, Tổng thống Trump cáo buộc Huawei là “kênh gián điệp” của ĐCSTQ, và thẳng thắn tuyên bố nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc tách rời, ĐCSTQ sẽ sụp đổ.
Ngày 17/8, trả lời phỏng vấn trên chương trình truyền hình “Fox and Friends” của Fox News, Tổng thống Trump cáo buộc Huawei: “Tôi có thể nói rằng, Huawei chính là kênh gián điệp của ĐCSTQ, họ đang theo dõi chúng ta (Hoa Kỳ), thông qua công nghệ bán dẫn và công nghệ chip, cũng không dễ mà phát hiện ra điều này.”
Ông Trump nói: “Huawei cũng đang thực hiện các hoạt động gián điệp như vậy ở Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu. Tôi đã nói với Vương quốc Anh từ lâu rằng, nếu bạn muốn giữ quan hệ với Huawei và sử dụng thiết bị của họ, điều đó không sao cả. Chúng tôi sẽ không chia sẻ thông tin tình báo với bạn.”
Về mối đe dọa của Huawei đối với an ninh quốc gia Mỹ, ông Trump nói rằng ngoài việc lấp các kẽ hở, chính quyền Mỹ còn phải “gấp rút siết chặt cửa”.
Cùng ngày, Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố các quy định mới nhất, mở rộng lệnh hạn chế đối với Huawei lên 38 công ty có liên quan với tập đoàn này. Trước đó, chỉ Huawei và công ty con HiSilicon bị hạn chế.
Bộ Thương mại tuyên bố, các công ty trên toàn cầu đang sử dụng công nghệ phần mềm và sản phẩm phần cứng của Hoa Kỳ, trước hết phải xin giấy phép từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ nếu họ muốn kinh doanh với Huawei và các công ty liên quan đến Huawei tại 38 chi nhánh ở nước ngoài.
Danh sách các pháp nhân Bộ Thương mại liệt kê bao gồm các chi nhánh của Huawei Cloud ở Trung Quốc và nước ngoài như Pháp, Đức, Hà Lan…, và trung tâm R&D của Huawei Technologies ở Anh, liên quan đến các chi nhánh của Huawei tại 21 quốc gia.
Tuy nhiên, giới chức cho biết, theo luật pháp Hoa Kỳ, không thể công bố số giấy phép đăng ký và các tài liệu của các công ty này.
Cũng trong ngày 17/8 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cũng đưa ra tuyên bố, nhấn mạnh ủng hộ Bộ Thương mại mở rộng các hạn chế đối với Huawei: “Chúng tôi sẽ không dễ dàng dung thứ cho hành động gây tổn thất quyền riêng tư của công dân Mỹ, quyền sở hữu trí tuệ của các công ty hoặc tính toàn vẹn của mạng 5G toàn cầu của ĐCSTQ. Chúng tôi đang thực hiện tuyên bố trước đó bằng các hành động thiết thực của toàn thể chính phủ.”
Ngày 17/8, trong cuộc họp qua điện thoại, một quan chức Bộ Thương mại Hoa Kỳ chỉ ra, Hoa Kỳ đã áp dụng hệ thống giấy phép xem xét từng trường hợp cụ thể cho Huawei và các cơ cấu liên quan ở nước ngoài trong việc mua các dịch vụ chứa công nghệ và thiết bị của Hoa Kỳ. Giấy phép này ở một mức độ nào đó là “vĩnh viễn”, đảm bảo rằng Trung Quốc không thể sử dụng Huawei để gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Quan chức này cũng kêu gọi các quốc gia có ý tưởng tương tự gia nhập hàng ngũ của Hoa Kỳ.
Tờ Wall Street Journal từng mô tả, Mỹ và Trung Quốc đang trong “đại chiến ly hôn” trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, dự kiến các công ty công nghệ toàn cầu sẽ phải lựa chọn, và Internet toàn cầu cũng có thể sẽ trở thành thế giới lưỡng cực.
Ngoài ra, trong cuộc phỏng vấn, ông Trump cũng không giấu giếm sự tức giận của mình đối với ĐCSTQ, thẳng thắn nói rằng, chỉ cần Hoa Kỳ và Trung Quốc “không liên hệ”, ĐCSTQ sẽ sụp đổ. Ông nói thêm, ĐCSTQ cũng biết rằng ông đang tức giận nên đã tăng cường nỗ lực mua các sản phẩm của Mỹ.
Gần đây, ĐCSTQ đã hạ giọng thông qua hệ thống ngoại giao của mình, cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc không thể tách rời. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã có những động thái liên tiếp chống lại ĐCSTQ, và không có dấu hiệu nới lỏng, đồng thời cũng không cho ĐCSTQ “kéo dài chờ thay đổi”. Giới phân tích chỉ ra, Mỹ phải triệt để đặt ra các mục tiêu cho hướng đi tiếp theo của quan hệ Mỹ – Trung, và rất khó để quay đầu lại.
Lý Tuyên
Xem thêm:
Từ khóa gián điệp Trung Quốc Donald Trump Quan hệ Mỹ - Trung Huawei Dòng sự kiện Mỹ cấm Huawei