Sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan, Quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố bắt đầu từ trưa ngày 4/8 sẽ tiến hành tập trận quân sự kéo dài 72 giờ ở 6 vùng biển xung quanh Đài Loan. Đài Loan đã tổ chức hội nghị xung quanh diễn biến sự kiện này.
Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Đài Loan đã tổ chức hội nghị chuyên đề “Chuyến thăm của Pelosi tới Đài Loan và cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan?”. Hội nghị có tham gia của các chuyên gia hàng đầu Đài Loan như: chuyên gia tư vấn Đồng Lập Văn (Dong Liwen), Giáo sư Phạm Thế Bình (Shiping Fan) tại Đại học Sư phạm Đài Loan, Giám đốc Mã Chấn Khôn (Ma Zhenkun) của Viện Quân sự Trung Quốc thuộc Đại học Quốc phòng Đài Loan, Nhà nghiên cứu Tô Tố Vân (Su Ziyun) của Viện Chiến lược và Nguồn lực Quốc phòng Đài Loan…
Chuyên gia Đồng Lập Văn nói rằng chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan là đòn tấn công vào tiến trình cưỡng bức thống nhất của ĐCSTQ đối với Đài Loan, khiến họ phơi bày trước các cuộc tấn công vào Đài Loan gồm vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và mạng internet.
Ông liệt kê một loạt các hành động của ĐCSTQ sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, bao gồm việc bắt giữ người Đài Loan ở Trung Quốc, máy bay không người lái bay qua Kim Môn, máy bay vượt qua đường ranh giới của eo biển Đài Loan, thiết lập 6 khu vực tập trận xung quanh Đài Loan. Ngoài ra, xét từ việc ĐCSTQ đã đình chỉ nhập khẩu nhiều mặt hàng của Đài Loan nhưng không dám cấm chip của Đài Loan cho thấy tất cả các ngành mà ĐCSTQ không cần trong tương lai đều có thể bị liệt vào mục tiêu trừng phạt.
Về vấn đề này, hôm 4/8 Newsmax (Mỹ) đã có bài viết chỉ ra 5 cách ĐCSTQ trả đũa vì chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, bao gồm: Cấm nhập khẩu hàng hóa Đài Loan; triệu tập Đại sứ Hoa Kỳ; diễn tập quân sự; dùng drone bay qua một khu vực hạn chế trên quần đảo Kim Môn của Đài Loan; tấn công mạng.
Ông Đồng Lập Văn nhấn mạnh rằng một kết luận có thể được rút ra từ những dấu hiệu này, rằng Đài Loan hiện đang đối mặt với “cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia tổng hợp” và đây đã là cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ 4. Bây giờ đã rõ ràng vấn đề ĐCSTQ sử dụng vũ lực thôn tính Đài Loan không còn là nghi ngờ “có, hay không”, mà là vấn đề “khi nào và như thế nào”; do đó Đài Loan và Mỹ có thể thông qua các hành động đe dọa của ĐCSTQ này để “luyện quân với địch”, diễn tập các kế hoạch ứng phó trong tương lai.
Còn ông Phạm Thế Bình phân tích rằng việc ĐCSTQ tuyên bố diễn tập quân sự bắn đạn thật ở 6 khu vực xung quanh lãnh hải Đài Loan và thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế đã là “gần như phong tỏa”, nhằm mục đích ảnh hưởng đến việc ra vào 3 cảng lớn của Đài Loan, đặc biệt là năng lượng, gây ảnh hưởng thị trường chứng khoán và nền kinh tế của Đài Loan.
Chuyên gia Phạm Thế Bình cho rằng biến cố “bán phong tỏa” này là trường hợp đầu tiên sau khi hai bờ eo biển Đài Loan bị chia cắt vào năm 1949, và còn nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996, liệu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc có chấp nhận? Ông cho rằng trong tương lai, nhóm tác chiến tàu sân bay và tàu đổ bộ của Mỹ có thể ra vùng biển ngoài để hỗ trợ phòng thủ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ tham gia, và dĩ nhiên có Đài Loan tham gia tuần tra, như vậy kế hoạch xây dựng “tiểu NATO Ấn Độ-Thái Bình Dương” này vốn cần một thời gian để hình thành thì đã được ĐCSTQ “giúp sức” cho hình thành trước thời hạn và hệ quả sẽ liên minh quốc tế giúp Đài Loan phòng thủ.
Chuyên gia Quách Dục Nhân (Guo Yuren) của Viện Chính sách Quốc gia Đài Loan thì nhấn mạnh rằng “mục đích chính trong chuyến thăm châu Á của bà Pelosi là Đài Loan”, chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi giống như ghép lại mảnh ghép cuối cùng trong chuỗi biến cố: Tổng thống Mỹ Trump phát động cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, chiến tranh Nga-Ukraine. Chuyến thăm đã khiến “nghị sự Đài Loan thành trung tâm quốc tế”.
Ông Quách Dục Nhân nói rằng sau khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton thiết lập “Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” (PNTR) với ĐCSTQ vào năm 2000 và đưa ĐCSTQ vào hệ thống kinh tế và thương mại quốc tế, mối quan hệ Mỹ-Trung chưa bao giờ nói về “nhân quyền”.
Nhưng chuyến thăm Đài Loan lần này của bà Pelosi đã đặc biệt đến thăm Công viên Nhân quyền và gặp gỡ, hội đàm với các nhà lãnh đạo nhân quyền từ Đài Loan, Hồng Kông, Tây Tạng và Trung Quốc, cho thấy mục đích quan trọng nhất của chuyến đi này là đưa “nhân quyền” trở lại khuôn khổ quan hệ Mỹ – Trung.
Trọng tâm trong chuyến công du châu Á của bà Pelosi chính là Đài Loan, và mục đích của chuyến thăm là để “kéo lại từ khóa ‘nhân quyền’ từ lâu đã biến mất trong quan hệ Mỹ-Trung”.
Ông Tô Tố Vân nhắc nhở, mặc dù ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan vẫn là tốt nhất trên thế giới, nhưng luật bảo vệ công nghệ nhạy cảm của Đài Loan vẫn chưa được thông qua và vẫn còn nhiều khiếm khuyết trong quản lý an ninh thông tin. Kế hoạch “Made in China 2025” của ĐCSTQ đã thu hút được 3000 kỹ sư đến từ Đài Loan là một lời cảnh báo cực lớn. Để đảm bảo khả năng cạnh tranh, Đài Loan không chỉ nên nhấn mạnh đến công nghệ nano mà còn phải chú ý thực hiện các vấn đề quản lý về an toàn công nghệ.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…