Thế Giới

Đàm phán thương mại Mỹ – Trung: Ai là người chiến thắng?

Sau hai ngày đàm phán căng thẳng nhưng mang tính xây dựng, Trung Quốc và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận thương mại tạm thời kéo dài 90 ngày, nhằm giảm bớt căng thẳng trong cuộc chiến thương mại đang leo thang. Cuộc đàm phán lần này do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong dẫn đầu. Hai bên đã có cuộc thảo luận chuyên sâu kéo dài 10 tiếng ngay trong ngày đầu tiên, và tiếp tục đàm phán tại Geneva vào ngày hôm sau.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (trái) và Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hà Lập Phong. (Ảnh ghép)

Kết thúc cuộc đàm phán, hai bên ra tuyên bố chung, thông báo đã đạt được tiến triển thực chất trong nhiều vấn đề then chốt, đồng thời nhất trí thiết lập cơ chế tham vấn kinh tế – thương mại Mỹ – Trung, xác định rõ người phụ trách của mỗi bên để tiếp tục trao đổi về các vấn đề còn tồn tại.

Nhà bình luận thời sự người Hoa, ông Ngô Kiến Dân, đã có phân tích chuyên sâu trên kênh truyền thông cá nhân: Rốt cuộc, ai là người chiến thắng trong cuộc đàm phán thương mại này?

Mỹ và Trung Quốc đạt được đồng thuận tại cuộc đàm phán thương mại ở Geneva, hai bên ra tuyên bố chung rằng sẽ tạm thời giảm thuế từ ngày 14/5, kéo dài trong 90 ngày. Mỹ sẽ giảm thuế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30% (gồm 10% thuế cơ bản và 20% thuế liên quan đến vấn đề fentanyl), trong khi Trung Quốc sẽ giảm thuế hàng hóa Mỹ từ 125% xuống còn 10%. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Bessent cho biết, hai bên đã đạt được thỏa thuận giảm “thuế đối đẳng” tổng cộng 115%, nhằm giảm căng thẳng thương mại và tạo nền tảng cho các cuộc thương lượng tiếp theo.

Ông Bessent tuyên bố sau cuộc đàm phán: “Chúng tôi đã đạt được tiến triển thực chất trong một cuộc đàm phán thương mại vô cùng quan trọng. Kết quả cho thấy khác biệt giữa hai bên có thể không lớn như dư luận tưởng tượng.” Ông nhấn mạnh rằng việc đạt được thỏa thuận nhanh chóng là nhờ vào sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước của cả hai bên. Ông cũng cho biết Tổng thống Trump đã được ông và Đại diện thương mại Jamieson Lee Greer thông báo về tiến trình đàm phán và bày tỏ sự hài lòng với kết quả. Ông lưu ý rằng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên tới 1.200 tỷ USD, điều này khiến Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và áp dụng chính sách thuế quan, và thỏa thuận lần này giúp giải quyết “tình trạng khẩn cấp” đó.

Phía Trung Quốc thì coi kết quả đàm phán lần này là biểu tượng của một “kết quả đôi bên cùng có lợi”. Dư luận trong nước Trung Quốc nhìn nhận rằng việc thuế giảm từ 145% xuống còn 10% cho thấy Trung Quốc đã thành công trong việc bảo vệ nguyên tắc bình đẳng trong đàm phán. Một số cư dân mạng thậm chí còn liên hệ điều này với sức mạnh quốc phòng của Trung Quốc, cho rằng “quốc phòng mạnh thì vấn đề thương mại tự nhiên sẽ được giải quyết”. Có ý kiến cho rằng việc ĐCSTQ chỉ cử Phó Thủ tướng Hà Lập Phong đến một nước thứ ba để đàm phán thay vì người đứng đầu tới Washington là biểu hiện của “sự điềm tĩnh và tự tin trong ngoại giao”. Cách sắp xếp này được một số người nhìn nhận là một chiến thắng mang tính chiến lược của Trung Quốc (ĐCSTQ) trên bàn đàm phán quốc tế.

Những cân nhắc kinh tế đằng sau việc giảm mạnh thuế quan

Thành quả cốt lõi của cuộc đàm phán lần này là việc thuế quan được giảm mạnh, điều này không chỉ giúp xoa dịu căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ mà còn phản ánh những cân nhắc thực tế về mặt kinh tế của cả hai bên.

Nhà bình luận thời sự Ngô Kiến Dân cho rằng đối với Mỹ, chính sách thuế quan cao là một biện pháp quan trọng mà chính quyền Trump sử dụng nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại với Trung Quốc và thúc đẩy ngành sản xuất quay trở lại trong nước. Tuy nhiên, mối lo ngại của các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ về việc giá cả tăng cao đã trở thành một nguồn áp lực quan trọng buộc chính phủ phải nhượng bộ. 

Ông chỉ ra rằng thị trường Mỹ phụ thuộc lớn vào các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc và điều này khó có thể được thay thế trong thời gian ngắn. Dù các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam có thể cung cấp những sản phẩm có giá tương đương, nhưng năng lực sản xuất của họ lại không đủ để đáp ứng nhu cầu khổng lồ từ thị trường Mỹ. Dữ liệu cho thấy, năng lực sản xuất của Việt Nam chỉ đáp ứng được từ 5% đến 10% nhu cầu của Mỹ, trong khi Trung Quốc, nhờ năng lực sản xuất khổng lồ và giá thành thấp, vẫn là nguồn nhập khẩu hàng hóa ưu tiên của Mỹ.

Ông phân tích thêm rằng quyết định giảm thuế của Mỹ có liên quan mật thiết đến “Nghịch lý Triffin” (Triffin dilemma). Theo lý thuyết kinh tế này, nếu Mỹ muốn duy trì vai trò của đồng đô la là đồng tiền dự trữ toàn cầu, thì bắt buộc phải thông qua thâm hụt thương mại để đưa đô la ra thế giới. Tuy nhiên, thâm hụt kéo dài sẽ khiến nợ công của Mỹ tăng cao, từ đó làm suy yếu uy tín của đồng đô la. Hiện nay, nợ công của Mỹ đã lên tới 36.000 tỷ đô la, điều này khiến chính quyền Trump rơi vào thế khó trong chính sách thuế quan: nếu kiên trì áp thuế cao thì có thể giảm thâm hụt, nhưng sẽ làm suy giảm tính lưu thông toàn cầu của đồng đô la; nếu giảm thuế thì có thể ổn định thương mại quốc tế, nhưng lại bất lợi cho việc đưa sản xuất trở lại Mỹ. 

Ông Ngô cho rằng giới doanh nghiệp Mỹ vì theo đuổi lợi nhuận cao đã buộc chính quyền Trump phải nhượng bộ trong vấn đề thuế quan, khiến hiệu quả dài hạn của chính sách thuế cao bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông nhấn mạnh, lâu nay Chính phủ ĐCSTQ chiếm ưu thế trong thương mại quốc tế nhờ các biện pháp như trợ cấp xuất khẩu, chiến lược giá rẻ và chuyển giao công nghệ, điều này tạo ra sự cạnh tranh không công bằng đối với Mỹ. Ông trích dẫn quan điểm của Thượng nghị sĩ Mỹ Rick Scott, cho rằng độ tin cậy trong việc thực hiện các cam kết quốc tế của Trung Quốc (ĐCSTQ) bị đặt nghi vấn, và Mỹ cần có các biện pháp cứng rắn hơn để hoàn toàn tách rời kinh tế với ĐCSTQ. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã thành công trong việc tận dụng sự phụ thuộc của Mỹ vào các sản phẩm giá rẻ của mình, từ đó nhanh chóng đàm phán và giảm bớt áp lực từ thuế cao. Ngoài ra, việc ĐCSTQ cung cấp các chính sách ưu đãi như hoàn thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng khiến cho các doanh nghiệp Trung Quốc không phải gánh chịu hoàn toàn chi phí 10% thuế quan, qua đó tiếp tục duy trì lợi thế về giá trong cạnh tranh.

Tác động lâu dài và thách thức của kết quả đàm phán

Mặc dù thỏa thuận lần này đã mang lại sự xoa dịu ngắn hạn cho quan hệ thương mại Mỹ – Trung, nhưng tác động lâu dài của nó vẫn còn nhiều bất định. Đối với Mỹ, việc giảm thuế nhanh chóng có thể làm suy yếu động lực đưa ngành sản xuất quay trở lại trong nước. Ông Ngô Kiến Dân nhấn mạnh rằng việc di dời doanh nghiệp đòi hỏi một môi trường chính sách ổn định và chi phí rất cao, trong khi sự biến động ngắn hạn của thuế quan có thể khiến các doanh nghiệp Mỹ lựa chọn thái độ chờ đợi thay vì ngay lập tức đưa dây chuyền sản xuất về Mỹ. 

Ví dụ, tập đoàn Apple từng có kế hoạch chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ và Mỹ, nhưng việc giảm thuế có thể khiến họ cân nhắc lại việc tiếp tục sản xuất tại Trung Quốc. Ngoài ra, phát biểu của Đại diện Thương mại Mỹ Greer rằng “khoảng cách giữa hai bên không lớn” có thể càng khiến các doanh nghiệp do dự, cho rằng tranh chấp thương mại Mỹ – Trung sẽ không leo thang nghiêm trọng trong dài hạn.

Về phía Trung Quốc, cuộc đàm phán lần này được tuyên truyền là một chiến thắng kép về ngoại giao và kinh tế. Dư luận trong nước Trung Quốc coi việc thuế quan giảm từ 145% xuống còn 10% là một thành quả to lớn, đồng thời việc chỉ cử Phó Thủ tướng tham gia đàm phán cũng được xem là thể hiện sự tự tin của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Ngô Kiến Dân cảnh báo rằng sự ổn định dài hạn của kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào khả năng ứng phó với áp lực liên tục từ Mỹ. Ông chỉ ra rằng sự phụ thuộc của Trung Quốc vào thị trường Mỹ cũng không thể xem nhẹ — một khi Mỹ áp lại mức thuế cao, nền kinh tế xuất khẩu của Trung Quốc có thể đối mặt với thách thức lớn hơn. Ngoài ra, các vấn đề như chuyển giao công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và mở cửa thị trường vẫn là điểm nóng trong tranh chấp thương mại Mỹ – Trung, và chưa được giải quyết căn bản trong thỏa thuận lần này.

Từ góc nhìn toàn cầu, kết quả đàm phán thương mại Mỹ – Trung cũng tạo ra ảnh hưởng nhất định đến các quốc gia khác. Ông Ngô Kiến Dân đề cập rằng Vương quốc Anh trước đó đã chấp nhận mức thuế cơ bản 10% của Mỹ mà không có hành động trả đũa tương xứng, trong khi Nhật Bản, Canada và Liên minh châu Âu vẫn chưa đạt được nguyên tắc đàm phán bình đẳng như Mỹ và Trung Quốc. Điều này giúp nâng cao vị thế của ĐCSTQ trong các cuộc đàm phán thương mại quốc tế. Tuy nhiên, những chính trị gia cứng rắn của Mỹ như Thượng nghị sĩ Chuck Schumer lại cho rằng bất kỳ mối quan hệ kinh tế nào với ĐCSTQ cũng cần thận trọng, bởi vấn đề thành tín của Chính phủ ĐCSTQ có thể khiến các thỏa thuận không được thực thi. Ông chủ trương sử dụng thuế quan cao để làm tê liệt nền kinh tế Trung Quốc, từ đó loại bỏ mối đe dọa với Mỹ, quan điểm này vẫn có tiếng nói nhất định trong giới chính trị Mỹ.

Đáng chú ý là dư luận trong nước Mỹ có phản ứng phức tạp về thỏa thuận lần này. Giới kinh doanh và Phố Wall hoan nghênh việc giảm thuế, cho rằng điều này giúp ổn định chuỗi cung ứng và giảm áp lực giá cả cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế và chính trị gia lo ngại rằng việc giảm thuế quá nhanh có thể khiến Mỹ bỏ lỡ cơ hội vàng để thúc đẩy ngành sản xuất quay trở lại. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick khi phản hồi các nghi ngại vẫn kiên quyết cho rằng chi phí thuế quan cuối cùng sẽ do doanh nghiệp và chính phủ nước ngoài gánh chịu, chứ không phải người tiêu dùng Mỹ. 

Ông nhấn mạnh rằng sản phẩm nội địa của Mỹ không chịu ảnh hưởng từ thuế quan, điều này sẽ buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải chịu thêm chi phí trong cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, các nhà kinh tế và truyền thông cánh tả lại cho rằng chi phí thuế quan cuối cùng vẫn sẽ chuyển sang người tiêu dùng Mỹ, tranh cãi có thể tiếp tục leo thang trong tương lai.

Triển vọng tương lai có thể thấy thỏa thuận tạm thời kéo dài 90 ngày đã tạo ra cơ hội “nghỉ ngơi” cho cả hai bên Mỹ và Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới. Liệu chính quyền Trump có áp lại thuế quan sau khi thỏa thuận hết hạn? ĐCSTQ có thực sự thực hiện các cam kết và thúc đẩy môi trường thương mại công bằng hơn hay không? Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ dần hé lộ trong các vòng đàm phán tiếp theo. Ông Ngô Kiến Dân cho rằng Mỹ nên kiên định với chính sách thuế quan cao, sử dụng áp lực kinh tế để thúc đẩy ngành sản xuất quay trở lại và cuối cùng là đạt được mục tiêu kiềm chế chiến lược đối với kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng áp lực chính trị và kinh tế trong nội bộ nước Mỹ có thể hạn chế việc thực thi chiến lược này.

Không nghi ngờ gì, cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung lần này đã mang lại một yếu tố ổn định cho nền kinh tế toàn cầu, nhưng đồng thời cũng làm nổi bật cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài giữa hai bên. Liệu chính sách thuế quan của ông Trump có đạt được mục tiêu đưa sản xuất trở lại nước Mỹ? Chiến lược kinh tế của ĐCSTQ sẽ phản ứng ra sao trước áp lực từ Mỹ? Khi thời hạn 90 ngày đến gần, hướng đi của quan hệ thương mại Mỹ – Trung tiếp tục là tâm điểm chú ý của toàn thế giới.

Doãn Hoa

Published by
Doãn Hoa

Recent Posts

Đề xuất tăng gấp đôi mức phạt vi phạm tại nội thành 6 thành phố lớn

Dự thảo sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính đề xuất tăng mức…

27 phút ago

17 năm động đất ở Vấn Xuyên: Phụ huynh của học sinh thiệt mạng tố chính quyền nuốt lời hứa

Trận động đất ở Vấn Xuyên năm 2008 đã khiến hàng loạt trường học bị…

2 giờ ago

Cựu chủ tịch tập đoàn ngành chip Trung Quốc bị tuyên án tử hình

Ông Triệu Vĩ Quốc, cựu Chủ tịch Tập đoàn Tử Quang – người từng tuyên…

2 giờ ago

FBI cảnh báo du học sinh tại Mỹ cẩn thận rơi vào bẫy lừa đảo

FBI đã ra thông báo cảnh báo về một loại hình lừa đảo mới nhắm…

2 giờ ago

Xe buýt trôi tự do, phụ xe cố đẩy bị cán tử vong

Chiếc xe buýt đang đậu chờ xuất bến về TP. Quảng Ngãi bất ngờ trôi…

2 giờ ago

Vàng thế giới lao dốc, vàng trong nước giảm dần, chênh lệch ngày càng lớn

Chịu sức ép kép, vàng trong nước giảm giá nhưng vẫn cao hơn giá thế…

3 giờ ago