Hình ảnh lá cờ Liên Hợp Quốc. (Ảnh: Shutterstock)
Một cuộc điều tra do Liên minh các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố hôm thứ Hai (28/4) cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang ngày càng cử nhiều tổ chức phi chính phủ giả mạo vào các cơ quan của Liên Hợp Quốc (LHQ), với nhiệm vụ ca ngợi Bắc Kinh, gây rối các cuộc họp của LHQ, đồng thời đe dọa và theo dõi các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc tham gia các hoạt động tại LHQ.
Có 42 cơ quan truyền thông tham gia cuộc điều tra này. Một phần của cuộc điều tra có tên là “Mục tiêu Trung Quốc” (China Targets), tập trung vào chiến dịch tấn công của chính quyền Bắc Kinh trong Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva.
Hãng tin AFP dẫn lại cuộc điều tra cho biết, một số “tổ chức phi chính phủ” thân ĐCSTQ đã hết lời ca ngợi Trung Quốc (ĐCSTQ) tại các cuộc họp của Hội đồng LHQ, và mô tả các hành vi của chính quyền Trung Quốc một cách hào nhoáng trong các báo cáo của họ. Kết luận của các “tổ chức” này hoàn toàn trái ngược với các báo cáo của chuyên gia LHQ vốn thường nêu bật những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Nhóm điều tra của ICIJ chỉ ra rằng trong một báo cáo gây chấn động năm 2022, cựu Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet đề cập rằng người Duy Ngô Nhĩ – một dân tộc thiểu số sống ở vùng Tân Cương phía tây Trung Quốc – có thể đã bị xâm phạm bởi “tội ác chống lại loài người”.
Các báo cáo nhân quyền khác cũng đề cập đến tình trạng trẻ em Tây Tạng bị tách khỏi gia đình, hoặc các nhà hoạt động dân chủ ở Hồng Kông bị sách nhiễu.
Tuy nhiên, khi các tổ chức phi chính phủ hợp pháp nêu ra những vấn đề như vậy tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, thì các tổ chức “phi chính phủ” thân ĐCSTQ lại cố gắng gây rối các cuộc họp.
Theo thống kê của ICIJ, trong số 106 tổ chức phi chính phủ được đăng ký tại LHQ đến từ Trung Quốc Đại Lục, Hồng Kông, Macau và Đài Loan, có 59 tổ chức có mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ Trung Quốc hoặc ĐCSTQ.
Tại hội nghị rà soát định kỳ hồ sơ nhân quyền Trung Quốc năm 2024 có AFP tham dự, hơn một nửa các tổ chức phi chính phủ được phát biểu đều là các tổ chức thân Bắc Kinh.
Đại sứ Mỹ tại Hội đồng Nhân quyền LHQ Michelle Taylor (nhiệm kỳ từ 2022 đến tháng 1/2025), cho rằng: “Đây là sự ăn mòn. Đây là hành vi không trung thực”.
Báo cáo của ICIJ trích lời bà Michelle Taylor lên án chính quyền ĐCSTQ vì “che đậy các vi phạm nhân quyền” và “tái định hình lại câu chuyện”.
Ngoài ra, ICIJ cùng các đối tác đã phỏng vấn 15 nhà hoạt động và luật sư chuyên nghiên cứu các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc. Những người này cho biết họ đã bị “các cá nhân nghi làm việc cho Chính phủ ĐCSTQ theo dõi hoặc sách nhiễu” tại các văn phòng LHQ và các địa điểm khác ở Geneva.
Báo cáo cho biết, vào tháng 3/2024, một nhóm những người bất đồng chính kiến Trung Quốc, vì lo ngại có người thân ĐCSTQ trong tòa nhà Hội đồng Nhân quyền LHQ, nên đã chọn tổ chức một cuộc họp bí mật với Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Türk tại tầng cao nhất của một tòa nhà văn phòng không nổi bật gần đó.
Ngay sau đó, 4 người tự xưng là thành viên của “Hiệp hội Nhân quyền tỉnh Quảng Đông” xuất hiện và hỏi về cuộc họp, dù họ không được mời và ban tổ chức phủ nhận sự tồn tại của buổi gặp này.
Sau đó, khi 2 người Duy Ngô Nhĩ tham dự cuộc họp bước ra ngoài hút thuốc, họ phát hiện một chiếc ô tô màu đen có cửa sổ dán kính tối màu đang chụp ảnh họ. Người trong xe có đặc điểm giống với mô tả trước đó về các thành viên của “Hiệp hội Nhân quyền Quảng Đông”.
Đối với bà Zumretay Arkin – Phó Chủ tịch Đại hội đại biểu người Duy Ngô Nhĩ thế giới – đây chính là thông điệp từ Bắc Kinh: “Chúng tôi đang theo dõi bạn… Bạn không thể thoát khỏi chúng tôi”.
Điều tra sâu hơn cho thấy, phần lớn các tổ chức này đều tuyên thệ trung thành với ĐCSTQ, thừa nhận việc tuân theo chỉ đạo của Đảng trong các quyết định về nhân sự và tài chính. Ít nhất 10 tổ chức phi chính phủ nhận tài trợ từ ĐCSTQ hoặc chính phủ; 46 tổ chức có thành viên ban giám đốc hoặc lãnh đạo cấp cao đồng thời giữ chức vụ trong các cơ quan nhà nước hoặc tổ chức của ĐCSTQ; ít nhất 59 tổ chức đã vi phạm quy định của LHQ yêu cầu tổ chức phi chính phủ phải độc lập với chính phủ.
Trong khi đó, tỷ lệ đóng góp ngân sách của Trung Quốc cho Liên Hợp Quốc không ngừng tăng, và với tư cách là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, ảnh hưởng của Trung Quốc Cộng sản ngày càng mở rộng.
Báo cáo dẫn lời nhiều cựu quan chức của Hội đồng Nhân quyền LHQ và các tổ chức phi chính phủ cho biết, điều này cho thấy ĐCSTQ đang lợi dụng kẽ hở trong hệ thống của LHQ để mở rộng quyền lực chuyên chế. Việc số lượng các tổ chức thân Bắc Kinh tăng vọt đã biến Geneva thành “sân chơi của Trung Quốc (ĐCSTQ)”, đồng thời khiến nơi đây trở thành một môi trường thù địch đối với các nhà vận động nhân quyền – đặc biệt là những người chỉ trích các hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ ở Hồng Kông và Tân Cương.
Hơn 10 năm trước, nhà hoạt động Tào Thuận Lợi (Cao Shunli) bị bắt khi đang cố gắng đến Geneva để tham gia cuộc đánh giá của LHQ về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.
Sau nhiều tháng bị giam giữ mà không bị buộc tội, bà đã lâm bệnh nặng và qua đời vào ngày 14/3/2014.
Liên minh các nhà báo điều tra quốc tế nhận định rằng, “sự trả thù chết người” này đã khiến nhiều nhà hoạt động khác sợ hãi không dám tiếp xúc với LHQ.
Cuộc điều tra cho thấy, sau 10 năm, số lượng nhà bảo vệ nhân quyền Trung Quốc tham gia vào các hoạt động của LHQ hiện đang ở mức thấp nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, kể từ năm 2018, số lượng tổ chức phi chính phủ Trung Quốc đăng ký với Liên Hợp Quốc đã gần như tăng gấp đôi.
Báo cáo của ICIJ cũng tổng kết rằng từ sự triển khai và thâm nhập trong nước cho đến quốc tế, ĐCSTQ đã xây dựng nên một hệ thống “duy trì ổn định” xuyên quốc gia có tính trưởng thành, có hệ thống và đã được bình thường hóa. Các cơ quan an ninh quốc gia của ĐCSTQ đã liên kết chặt chẽ với mạng lưới trực tuyến, các tổ chức dân sự ở nhiều quốc gia, các tổ chức Mặt trận Thống nhất ở hải ngoại, các “đồn cảnh sát bí mật”, thậm chí vươn tới các chính phủ nước ngoài và tổ chức quốc tế ở mọi quy mô.
Từ việc phát động các chiến dịch quy mô lớn về giám sát, chiến tranh thông tin và chiến tranh thâm nhập, hoạt động của họ đã tiến tới tấn công mang tính chất “thực thể” – bao gồm cả thao túng và khơi dậy mâu thuẫn nội bộ tại các quốc gia khác.
Phương thức kết hợp giữa luật pháp, dư luận, bạo lực và tình báo này không chỉ nhắm vào cộng đồng người lưu vong hay những người bảo vệ quyền lực trong nước, mà còn gây ra các đòn tấn công phức tạp và sâu rộng hơn đối với quyền tự do ngôn luận và an ninh của chính các quốc gia phương Tây. E rằng không ai có thể thoát khỏi ảnh hưởng từ sự cai trị mang tính chuyên chế của ĐCSTQ.
Trí Đạt (t/h)
Bộ GD&ĐT tạo hủy giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia của…
Bắc Ninh tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI…
Trong thời đại số, viết tay tưởng chừng lỗi thời, nhưng khoa học cho thấy…
Amazon đã phủ nhận thông tin về việc sẽ hiển thị chi phí thuế quan…
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm nay đã ký một sắc lệnh hành pháp…
Bộ Ngoại giao Mỹ đã thu hồi thị thực của 4.000 sinh viên nước ngoài,…