Thế Giới

FBI cảnh báo du học sinh tại Mỹ cẩn thận rơi vào bẫy lừa đảo

Gần đây, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã ra thông báo cảnh báo về một loại hình lừa đảo mới nhắm vào du học sinh nước ngoài đang có thị thực hợp lệ và sinh sống tại Mỹ.

Khuôn viên một trường đại học tại Mỹ. (Nguồn ảnh: Pixabay)

Trong thông báo phát đi vào thứ Ba (13/5),  FBI cho biết, nhiều sinh viên đến từ UAE, Ả Rập Xê Út, Qatar và Jordan đã trở thành mục tiêu của các vụ lừa đảo.

Thông báo được đưa ra trong thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump đang công du Trung Đông, với các điểm dừng bao gồm Ả Rập Xê Út, Qatar và UAE.

Đồng thời trong tháng qua, chính quyền Trump đã thu hồi tư cách hợp pháp của khoảng 5.000 sinh viên quốc tế với lý do trấn áp các cuộc biểu tình trong khuôn viên trường học và các hoạt động ủng hộ Palestine. Điều này khiến nhiều du học sinh đối mặt nguy cơ bị trục xuất. Trước làn sóng phản đối và thách thức pháp lý, chính quyền sau đó tuyên bố sẽ khôi phục tư cách lưu trú cho những sinh viên này và xây dựng khung pháp lý xử lý cho tương lai. Cuối tháng Tư, chính phủ liên bang còn tuyên bố mở rộng lý do thu hồi thị thực sinh viên quốc tế.

Chiêu trò lừa đảo: Giả danh chính phủ, dọa kiện và trục xuất

FBI cho biết, kẻ lừa đảo thường liên hệ với sinh viên đang học hoặc chuẩn bị sang Mỹ du học, tự xưng là nhân viên chính phủ hoặc cơ quan nhập cư Mỹ, thông báo rằng người nhận cuộc gọi đã vi phạm quy định thị thực F-1 hoặc liên quan đến vấn đề nhập cư khác, nên tình trạng lưu trú bị vô hiệu.

Sau đó, chúng đe dọa kiện tụng hoặc trục xuất, và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đến tài khoản chỉ định với lý do phí xử lý hồ sơ nhập cư, lệ phí đại học hoặc phí dịch vụ pháp lý.

Một số kẻ lừa đảo còn giả mạo nhân viên Bộ An ninh Nội địa Mỹ (Department of Homeland Security, DHS), Cục Điều tra An ninh Nội địa (Homeland Security Investigations, HSI) hoặc Sở Di trú và Nhập tịch (U.S.Citizenship and Immigration Services, USCIS).

Ngoài ra, một số trường hợp giả danh viên chức ngoại giao nước ngoài, chẳng hạn như nhân viên Đại sứ quán UAE tại Washington.

Để tăng độ tin cậy, kẻ lừa đảo còn giả mạo số điện thoại chính phủ, nói chuyện với giọng điệu chuyên nghiệp, bắt chước ngữ điệu hoặc giọng địa phương của quốc gia mà sinh viên đến từ đó.

Khuyến cáo từ FBI dành cho du học sinh quốc tế

FBI khuyến cáo sinh viên quốc tế:

  • Cảnh giác với cuộc gọi không mong muốn từ người tự xưng là quan chức chính phủ;
  • Nếu nhận được cuộc gọi nghi ngờ, hãy lập tức cúp máy, tìm thông tin chính thức qua các kênh độc lập rồi tự liên hệ xác minh;
  • Không cung cấp thông tin cá nhân, mã xác minh tài khoản, hay tải về bất kỳ tệp nào từ người lạ khi chưa xác minh danh tính;
  • Cảnh giác với các tổ chức mạo danh tên giống cơ quan chính phủ, giả mạo website trường đại học, hoặc sử dụng trang web giả mạo để lừa đảo.

Những kẻ lừa đảo không chỉ ngụy trang số điện thoại mà còn mô phỏng giọng nói và ngôn ngữ cụ thể để tăng thêm độ tin cậy.

Nếu nghi ngờ bị lừa đảo:

  • Truy cập trang ic3.gov để báo cáo càng sớm càng tốt, cung cấp đầy đủ thông tin;
  • Giữ lại toàn bộ tài liệu liên quan, và thông báo với đại sứ quán/lãnh sự của nước mình tại Mỹ cùng Cục An ninh Ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ (Bureau of Diplomatic Security);
  • Nếu đã chuyển tiền, hãy liên hệ ngân hàng ngay lập tức để tìm cách thu hồi khoản tiền bị gian lận.

Du học sinh người Hoa trở thành mục tiêu: Mạo danh công an Trung Quốc để tống tiền

Ngoài sinh viên đến từ các nước Trung Đông, các băng nhóm lừa đảo cũng thường xuyên nhắm tới sinh viên Trung Quốc và cộng đồng người Hoa trong những năm gần đây. Từ năm 2022 đến nay đã xảy ra hàng chục vụ việc liên quan, nạn nhân phần lớn là người gốc Hoa. 

Tháng Hai năm nay, văn phòng FBI tại Philadelphia đã công bố hình ảnh một nghi phạm người gốc Á, tóc đen, mắt nâu, có khả năng nói tiếng phổ thông Trung Quốc và tiếng Anh, từng mặc đồng phục công an Trung Quốc và xuất trình giấy tờ tùy thân giả mạo.

Thủ đoạn thường là: tố cáo nạn nhân liên quan đến “tội phạm tài chính ở Trung Quốc”, yêu cầu chuyển tiền ngay lập tức để tránh bị dẫn độ. Thậm chí, một số kẻ lừa đảo còn ép nạn nhân sống cách ly, không liên lạc với bên ngoài, không được lên mạng tra cứu thông tin liên quan, nhằm cô lập hoàn toàn để thao túng tâm lý và chiếm đoạt tài sản.

FBI cảnh báo: Dù số gọi đến hiển thị là của Công an Trung Quốc hoặc lãnh sự quán, đó có thể là giả mạo – vì kẻ gian có thể giả lập số gọi hiển thị, thậm chí cuộc gọi video để đưa ra “lệnh bắt”, đồng thời có thể nói ra chính xác các thông tin cơ bản của nạn nhân để tăng mức độ tin tưởng của nạn nhân. 

FBI nhấn mạnh không có cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài nào được phép tự ý hoạt động tại Mỹ, mọi hoạt động của cơ quan nước ngoài tại Mỹ đều phải thông qua và phối hợp với FBI. Nếu có ai xưng là quan chức Trung Quốc liên hệ, sinh viên và người dân nên lập tức báo cho văn phòng FBI tại địa phương.

Cao Vân

Published by
Cao Vân

Recent Posts

Quốc hội tiểu bang Texas thông qua nghị quyết chỉ định ngày 13/5 là Ngày Pháp Luân Đại Pháp

Quốc hội Tiểu bang Texas chỉ định ngày 13 tháng 5 năm 2025 là "Ngày…

7 phút ago

Hoa Kỳ và Qatar đồng ý cam kết trao đổi kinh tế trị giá 1,2 nghìn tỷ USD

Hôm thứ Tư (14/5), Nhà Trắng loan báo rằng Hoa Kỳ và Qatar đã đạt…

21 phút ago

Vụ Tập đoàn Thuận An: Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh nhận 5 tỷ đồng

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, bị cáo buộc chi tiền…

22 phút ago

Các lãnh đạo Đảng Dân chủ Hạ viện nói sẽ ngăn chặn nỗ lực luận tội ông Trump

Các lãnh đạo hàng đầu của Đảng Dân chủ tại Hạ viện hôm thứ Tư…

54 phút ago

Tổng Thống Trump ca ngợi tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa sau cuộc gặp gỡ

Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đã lên tiếng ca ngợi cuộc hội kiến hôm…

1 giờ ago

Đề xuất thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh không quá 1 lần/năm

Dự thảo nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân quy định không được…

2 giờ ago