Bộ trưởng ngoại giao của 7 nước công nghiệp phát triển (G7) nhóm họp tại Ý trong hai ngày thứ Hai (10/4) và thứ Ba (11/4) nhằm tìm cách gây áp lực khiến Nga từ bỏ mối quan hệ với Tổng thống Syria, Bashar al-Assad. Cuộc họp này diễn ra chỉ 1 ngày trước chuyến công du Nga đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.
Cuộc thảo luận của các Ngoại trưởng G7 cũng là bước chuẩn bị cho phiên họp thượng đỉnh chính thức của nhóm này sẽ diễn ra vào tháng 5 tới tại Sicily, Ý. Đó cũng sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nghị trình của phiên họp Ngoại trưởng G7 có nhiều vấn đề các bên cùng quan tâm, nhưng trọng điểm là thảo luận về Syria sau khi Mỹ vừa thực hiện phóng 59 quả tên lửa vào nước này hôm thứ Sáu (6/4) nhằm phản ứng lại hành động sử dụng vũ khí hóa học của lực lượng ủng hộ Assad diễn ra trước đó vài ngày.
Qua việc bất ngờ tấn công Syria, Tổng thống Trump đã bắn tín hiệu tới các đồng minh của mình rằng Hoa Kỳ hiện tại đã sẵn sàng chấp nhận lập trường cứng rắn hơn dự kiến với Nga, nước hậu thuẫn chính cho chính quyền Assad.
Trước đó, Nhà Trắng hôm qua (10/4) đã phát đi thông tin ông Trump đã có các cuộc điện đàm riêng với Thủ tướng Anh, Theresa May và Thủ tướng Đức, Angela Merkel để cảm ơn họ về việc ủng hộ cuộc tấn công của Mỹ vào Syria.
Theo nguồn tin từ Văn phòng Thủ tướng Anh, bà May đã đồng ý với ông Trump rằng “có cơ hội” để thuyết phục Nga phá vỡ quan hệ với Tổng thống Syria, Assad.
Với những cái “gật đầu” từ thượng tầng, các Ngoại trưởng G7 đến từ Italia, Đức, Pháp, Anh, Nhật Bản và Canada đều có chung quan điểm cần cứng rắn hơn với Assad và sẵn sàng gây áp lực để Nga từ bỏ hậu thuẫn cho tổng thống đương nhiệm Syria.
Trong đó, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã gọi cuộc tấn công vào Syria của Mỹ là “động thái thay đổi cuộc chơi” và nhấn mạnh việc hậu thuẫn cho chính quyền Assad đã “làm hoen ố danh tiếng của nước Nga”, đồng thời đề nghị có thể áp dụng các lệnh trừng phạt lên Moscow nếu họ từ chối thay đổi lộ trình tại Syria.
Phát biểu trong một đoạn băng phát trên kênh Sky [Anh], Johnson nói: “Chúng tôi sẽ thảo luận về khả năng có thêm các biện pháp trừng phạt đối với một số nhân vật trong quân đội Syria và cả một số nhân vật của quân đội Nga, những người đã tham gia phối hợp với quân đội chính phủ Syria”
“Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là trao cho Rex Tillerson một nhiệm vụ rõ ràng nhất để đại diện cho phương Tây, cho nước Anh…cho tất cả các đồng minh của chúng tôi ở đây, để nói với người Nga rằng họ phải lựa chọn: gắn bó với Assad, gắn bó với bạo lực, hoặc làm việc với chúng tôi để tìm ra một giải pháp tốt hơn” Johnson nói sau khi gặp Tillerson.
Phát biểu với các phóng viên của Pháp, Thủ tướng Canada, Justin Trudeau đã nói rằng đất nước của ông cũng sẵn sàng tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Ngoại trưởng Đức, Sigmar Gabriel nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta phải thể hiện một quan điểm thống nhất và trong các cuộc đàm phán này, chúng ta nên làm tất cả để có thể đưa Nga ra khỏi [mối liên kết với] Assad, ít nhất là đến mức họ sẵn sàng tham gia vào việc tìm kiếm một giải pháp chính trị.”
“Đây là thời điểm thích hợp để nói về điều này, làm thế nào cộng đồng quốc tế với Nga, Iran, Ả-rập Xê-út, Châu Âu, cùng Hoa Kỳ… có thể thúc đẩy tiến trình hoà bình cho Syria và tránh leo thang xung đột quân sự tại đây.” Ngoại trưởng Đức nói thêm.
Đáp trả các phát ngôn của phương Tây, Nga đã phủ nhận hoàn toàn việc Assad sử dụng vũ khí hoá học chống lại chính người dân của ông ta và tuyên bố sẽ không cắt đứt quan hệ với Tổng thống Syria, người đã bị ‘khóa chặt’ trong một cuộc nội chiến kéo dài sáu năm qua tàn phá Syria và khiến một nửa số dân nước này phải di cư.
Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm thứ Hai (10/4) đã nói: “Việc trở lại xử lý cuộc khủng hoảng bằng cách lặp lại ‘thần chú’ Assad phải từ chức không thể giúp giải quyết được vấn đề gì.”
Theo tin từ các cơ quan thông tấn Nga, nhiều khả năng Tổng thống Vladimir Putin sẽ không gặp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khi cựu CEO của Exxon Mobil công du nước Nga vào thứ Tư (12/4) như dự kiến ban đầu, một động thái có thể báo hiệu sự căng thẳng giữa Washington và Kremlin. Một phát ngôn viên của Nga đã không cho biết lý do tại sao hai người sẽ không gặp nhau.
Bên cạnh việc thống nhất quan điểm chung cho G7, nhóm này cũng muốn tìm tiếm thêm nhiều sự ủng hộ chống lại Assad từ các nước đồng minh ở Trung Đông. Ý (chủ nhà của phiên họp G7 lần này) đã mời thêm các Ngoại trưởng đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập Xê-út, Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, Jordan và Qatar cùng ngồi bàn tròn với nhóm G7 trong ngày thứ Ba (11/4) để thảo luận về Syria. Tất cả các nước được mời này đều phản đối Assad cầm quyền tại Syria.
Sức ép rất lớn từ nhiều phía đang dồn lên Nga và tổng thống Putin. Diễn tiến khó lường về Syria, cũng như động thái của Nga vẫn đang ở phía trước. Giới quan sát rất chờ đợi vào chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ Tillerson vào ngày mai (12/4) với hy vọng có thể nhìn thấy rõ hơn về “quân bài” Syria trong ngoại giao Nga – Mỹ và các bên liên quan.
Xuân Thành
Xem thêm:
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…