Trung Quốc ‘ngậm bồ hòn’ trước cuộc tấn công Syria của ông Trump
Truyền thông nhà nước Trung Quốc buộc phải cắn răng không nói lời nào tiêu cực về cuộc tấn công Syria của chính quyền Trump, một động thái không quen thuộc đối với các tờ báo ngôn luận của Bắc Kinh. Lý do bởi vì thời điểm ông Trump tuyên bố hành động này ngay trong cuộc gặp hữu nghị đầu tiên với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Chỉ đến khi ông Tập cùng vợ an toàn rời khỏi nước Mỹ sau ngày 7/4, báo chí nhà nước Trung Quốc mới ‘tự do’ phê phán động thái tấn công Syria của Tổng thống Mỹ, hành động mà ông Trump tiết lộ với ông Tập ngay trên bàn ăn tối.
Tân Hoa Xã hôm thứ Bảy 8/4 một ngày sau khi kết thúc cuộc gặp cấp cao hai bên, mô tả cuộc tấn công này là hành động của một chính trị gia yếu đuối, một người cần phải lên gân chứng tỏ cho người khác thấy. Trong bài phân tích có vẻ muộn màng đến vấn đề này của mình, tờ báo nhận định việc ra lệnh tấn công Syria có động cơ là để cố tách biệt ông Trump với thế lực ủng hộ Assad từ Moscow nhằm bác bỏ cáo buộc từ nội bộ nước Mỹ ràng Trump “thân Nga”.
Nhận xét này phản ánh lập trường phản đối can thiệp quân sự của Trung Quốc đối với Mỹ, vì cơ bản từ các hoạt động của mình trên biển Đông, biển Hoa Đông cho tới nhân quyền trong nước, Trung Quốc có nhiều lý do phải “lạnh gáy” nếu Trump coi can thiệp quân sự là đường lối ngoại giao chính thức của mình.
Tuy nhiên chỉ trước đó một ngày, khi vợ chồng ông Tập còn hưởng sự tiếp đãi nồng hậu của ông chủ Nhà trắng, trang chủ tờ Thời báo Hoàn cầu hoa ngữ đăng ảnh Trump và Tập vui vẻ đi bộ trên bãi cỏ dinh thự Mar-a-Lago, nhằm làm nổi bật chủ đề về một mối “quan hệ vô cùng tốt đẹp giữa hai nước“. Trong khi trọng tâm của truyền thông quốc tế chuyển từ cuộc gặp Trump-Tập sang vụ tấn công bất ngờ tại Syria, phiên bản tiếng Anh của tờ thời báo thường có giọng điệu chống Mỹ này lại tập trung vào việc cháu ngoại của Trump đã hát và đọc thơ bằng tiếng Hoa như món quà chào đón vợ chồng ông Tập.
Khi đó, khác với chính phủ các nước khác, Bắc Kinh không có phản ứng ngay lập tức về động thái tấn công Syria của ông Trump. Sau khi được phép lên tiếng, tức là 6 tiếng sau khi Hoa Kỳ tuyên bố tấn công, đại diện ngoại giao Bắc Kinh tránh phê phán trực tiếp Mỹ mà kêu gọi các bên bình tĩnh và cần có giải pháp chính trị khẩn cấp.
Điều này đặc biệt đáng chú ý vì ngoài Nga thì Trung Quốc được xem là một đồng minh quan trọng nhất của Syria. Tuy không hậu thuẫn quân sự, Trung Quốc giữ một phiếu trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và có thể dùng để bảo vệ Assad trước các nghị quyết chế tài. Hồi tháng Hai vừa qua, Trung Quốc cùng với Nga đã phủ quyết kế hoạch trừng phạt chính quyền Syria vì sử dụng vũ khí hóa học.
Nhưng lần này, phản ứng ban đầu của Bắc Kinh khác với Nga. Moscow ngay lập tức coi chiến dịch phóng tên lửa của Mỹ là hành vi xâm lược, còn Bắc Kinh, vì cần phải giữ thể diện cho lãnh đạo đang có mặt tại Hoa Kỳ, chỉ kêu gọi các bên bình tĩnh và nhắc nhở rằng “quân sự không bao giờ là giải pháp hợp lý”.
Theo nhận định của tờ New York Times, các quan chức Trung Quốc vô cùng lo ngại trong vòng 24 giờ lãnh đạo của họ có mặt tại Mar-a-Lago, ông Trump sẽ tuôn ra những tuyên bố làm bẽ mặt Bắc Kinh như thời gian ông này vận động tranh cử. Tuy nhiên điều làm họ giật mình lại là hành động tấn công Syria, mà Trump tiết lộ cho ông Tập ở thời điểm bữa tiệc tối hào phóng sắp kết thúc.
Một số nhà phân tích cho rằng thời điểm tính toán cuộc tấn công này không phải là ngẫu nhiên. Một mặt, ông Trump muốn Trung Quốc làm nhiều hơn những gì họ đang thể hiện để ngăn Bắc Hàn phát triển vũ khí hạt nhân, và cuộc tấn công vào Syria như một hành động nhắc nhở rằng Mỹ cũng có thể tấn công Bắc Hàn nếu cần thiết. Mặt khác, tuyên bố tấn công Syria ngay sau khi chiêu đãi Tập Cận Bình hậu hĩnh, chính quyền Trump loại bỏ được một trong những đối thủ phê phán các hành động can thiệp quân sự của họ mạnh mẽ nhất.
Trong bài chỉ trích hành động của Hoa Kỳ đăng trên Tân Hoa Xã sau đó, tờ báo tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc không đả động đến Bắc Hàn mà nhắc đến các cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ ở Lybia năm 1986 và Sudan năm 1998. Tờ báo này phê phán rằng tấn công hỏa lực cũng không giúp Mỹ đạt được các ‘mục tiêu chính trị của mình’ trong các trường hợp trên.
“Một chiến thuật đã trở thành điển hình của người Mỹ là tấn công những nước khác, dùng máy bay hiện đại và tên lửa hành trình, để gửi đi thông điệp chính trị mạnh mẽ“, tờ báo viết. Việc không nói tới Bắc Hàn được cho là phản ứng ngầm của Bắc Kinh đối với thông điệp mà cuộc tấn công Syria gửi tới, rằng hoàn cảnh Bắc Hàn và Syria không giống nhau.
“Nếu Syria có vũ khí hạt nhân, Mỹ đã không dám tấn công. Vũ khí hóa học và hạt nhân là hoàn toàn khác nhau“, ông Shen Dingli, giáo sư Đại học Phục Đán, Thượng Hải nói với New York Times. “Một quả bom hóa học chỉ giết chết vài chục người, nhưng một quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima đã giết chết hàng trăm ngàn“.
Bắc Hàn phản ứng gay gắt trước vụ tấn công Syria của Mỹ và thề sẽ tiếp tục phát triển khả năng hạt nhân để chống lại sự “liều lĩnh” của Hoa Kỳ. Ngay sau đó, Lầu Năm Góc điều một đội chiến hạm tấn công tiến về phía bán đảo Triều Tiên với lý do duy trì an ninh trước động thái khó lường của chế độ Bình Nhưỡng.
Vụ phóng tên lửa tới Syria khiến cuộc gặp đậm tính xã giao của hai ông Trump – Tập khựng lại. Ngoại trưởng Rex Tillerson sau đó nói với phóng viên rằng khi ông Trump tiết lộ với ông Tập rằng ông đã tấn công Syria ngay trước khi kết thúc tiệc tối, ông Tập bày tỏ sự thông cảm với quyết định này, ‘bởi vì đó là sự trừng phạt cho vụ tấn công hóa học giết chết trẻ em’. Dù vậy ông Tập là người hiếm khi trả lời phỏng vấn truyền thông, cả trong lẫn ngoài Trung Quốc, do đó việc nhận định suy nghĩ của ông ta về cuộc tấn công này là bất khả thi. Cuối cùng trong cuộc họp báo chung kết thúc chuyến thăm, lãnh đạo hai nước không đạt được thỏa thuận nào cụ thể ngoài những tuyên bố xây dựng đậm chất ngoại giao.
Trên mạng xã hội, sau khi tạm biệt người đồng cấp Trung Quốc, Tổng thống Mỹ viết những dòng thận trọng sau: “Được tiếp các vị khách là Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện tại Hoa Kỳ là một vinh dự to lớn. Thiện chí và tình hữu nghị tốt đẹp đã được hình thành, nhưng thương mại phải chờ thời gian trả lời“.
Ông Trump đã đồng ý lời mời thăm Trung Quốc vào năm nay. Ông Tập cần phải đảm bảo cuộc gặp thứ 2 diễn ra suôn sẻ trong bối cảnh ông phải củng cố quyền lực trước Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 vào tháng 11 này.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Donald Trump Quan hệ Mỹ - Trung