Thủ tướng Đức sắp mãn nhiệm Angela Merkel thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Reuters vào ngày 17/11 rằng chính sách về Trung Quốc mà bà thực hiện trong nhiệm kỳ của mình có thể quá ngây thơ. Ông Ngô Mạn Dương (Wu Manyang), Giám đốc Hiệp hội Nhân quyền quốc tế tại Đức (IGFM), cho rằng phát biểu của bà Merkel bao hàm điều tốt và điều xấu trong đó.
Ông Ngô Mạn Dương nói với phóng viên của tờ Epoch Times: “Tôi hài lòng rằng bà Merkel cuối cùng đã thừa nhận rằng chính sách Trung Quốc của Đức là quá ngây thơ.”
Ông Ngô cho rằng đây là điều tốt, bởi vì bà Merkel là nhân vật chính trị châu Âu thân cận nhất với ĐCSTQ thì khi bà chuyển hướng cũng tức là “người ủng hộ quan trọng cuối cùng ở châu Âu của ĐCSTQ cũng sẽ mất đi. Vì Đức là cường quốc kinh tế số một Châu Âu, một số người nghĩ rằng EU sẽ nói bất cứ điều gì mà Đức nói.”
Tuy nhiên, bà Merkel cũng nhấn mạnh rằng Đức và Trung Quốc nên tiếp tục hợp tác trong tương lai, cho rằng cắt đứt hợp tác là không tốt cho Đức. Và đây là điều mà ông Ngô lo ngại: “Bà Merkel vẫn phải quay trở lại chính sách Trung Quốc ban đầu, vốn bị chi phối bởi các lợi ích kinh tế.”
Ông Ngô Mạn Dương nhận định: “Theo những gì tôi thấy, đó không đơn thuần chỉ là sự ngây thơ, bà Merkel hẳn đã suy nghĩ kỹ.”
“Quan điểm của bà Merkel khác với các chính trị gia EU mà tôi đã tiếp xúc, những chính trị gia đó đã và đang thay đổi. Họ cảm thấy rằng sai lầm trong quá khứ là ngây thơ, là được thúc đẩy bởi lợi ích kinh tế, đây là sai lầm và các giá trị phổ quát cần được bổ sung. Điều này cũng được đề cập trong chính sách Trung Quốc mới của Nghị viện Châu Âu.” Ông Ngô đề cập đến việc gần đây 32 quốc gia, bao gồm 27 quốc gia EU, đã đồng ý bãi bỏ quy chế thương mại tối huệ quốc đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Ngô cũng bày tỏ: “Nhìn chung, tổ chức nhân quyền của chúng tôi vẫn rất vui mừng, ít nhất là bà Merkel đã thừa nhận một chút sai lầm trong quá khứ của mình.”
Ông Ngô tin rằng bà Merkel hẳn là hay biết về tình hình nhân quyền hiện nay ở Trung Quốc, bao gồm cả tội ác mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ.
Ông nói: “Mặc dù Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế tại Đức có thể không có cơ hội nói chuyện trực tiếp với bà Merkel về nhân quyền ở Trung Quốc, nhưng chúng tôi đã có nhiều cuộc hội đàm với cấp dưới của bà, Vụ trưởng Vụ Đông Á của Bộ Ngoại giao Đức và Ủy viên Nhân quyền của Bộ Ngoại giao, về các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.”
Ông Ngô cho biết đã nhiều lần gặp ủy viên nhân quyền của Chính phủ Đức. “Trong cuộc hội đàm, chúng tôi đã đề cập đến các vấn đề nhân quyền của Trung Quốc. Cuộc đàn áp những người bất đồng chính kiến cũng bao gồm vấn đề của ĐCSTQ mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công.”
Trong chuyến thăm Đức vào năm 2007, ông David Kilgour, cựu thành viên Hạ viện Canada, đã cùng các thành viên của Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế tại Đức hội đàm với Ủy viên Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Đức. “Vào thời điểm đó, Ủy viên Ủy ban Nhân quyền tuyên bố rằng họ sẽ chuyển thông tin về việc ĐCSTQ mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công cho Thủ tướng Merkel,” ông Ngô cho biết.
Ông Ngô cho biết thêm: “Sau đó, tôi biết được từ một nguồn giấu tên rằng Ủy ban Nhân quyền của Bộ Ngoại giao đã gặp gỡ bà Merkel và chuyển tiếp thông tin về việc ĐCSTQ mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống do David Kilgour mang đến. Các nguồn tin tiết lộ, theo kế hoạch ban đầu, cuộc họp sẽ kéo dài 1 giờ rưỡi, nhưng vì bà Merkel đưa ra rất nhiều câu hỏi, do đó cuộc họp đã kéo dài đến 3 tiếng đồng hồ. Vậy nên, bà Merkel biết thông tin về việc ĐCSTQ mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống.”
“Công bằng mà nói, khi mới nhậm chức vào 16 năm trước, bà Merkel khá mạnh mẽ trong các vấn đề nhân quyền, nhưng bà đã ngày càng trở nên mềm yếu,” ông Ngô Mạn Dương nói.
“Trong chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên, tại cuộc họp báo chung Đức-Trung, bà Merkel cho biết sẽ nói về các vấn đề nhân quyền, có thể các đồng nghiệp Trung Quốc sẽ không vui khi nghe những điều này nhưng bà nhất định phải nói. Nếu không thể nói (về điều này), sẽ không có cơ sở cho mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa Đức và Trung Quốc.” Ông Ngô cho rằng cách tiếp cận của bà Merkel vào thời điểm đó là tương đối cứng rắn.
Tuy nhiên, ông Ngô cũng nhận xét rằng sau 13 năm, kiến giải của bà Merkel đã đổi khác. Ông nói: “Khi đó, ai cũng biết một triệu người Tân Cương bị giam trong trại cải tạo, vô số học viên Pháp Luân Công bị đàn áp, bị mổ cướp nội tạng, còn có cả người Tây Tạng, Hồng Kông bị đàn áp và v.v., nhưng bà Merkel đã không hề đề cập đến.”
Ông Ngô kể việc bà Merkel nhắc đến vấn đề nhân quyền trong một lần đến thăm Trung Quốc, bà hy vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ hiểu rằng các nhà báo Đức ở Trung Quốc cần một mức độ tự do nhất định để hoàn thành công việc của họ.
Ông Ngô nói: “Đây là tất cả những vấn đề nhân quyền mà bà ấy đã nhắc đến. Merkel nói rằng bà luôn nêu ra các vấn đề nhân quyền mỗi khi đến Trung Quốc, nhưng đều là rất hời hợt.”
(Ngày 10/3, một đoạn video quay lén, phơi bày những giao dịch thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc đã được công bố trong một sự kiện tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ. Hậu quả của tội ác thu hoạch tạng đã không chỉ dừng lại ở bên trong Trung Quốc.)
“Nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ Đức không hoàn toàn đồng tình với bà Merkel. Trong những năm qua, chúng tôi vẫn có thể cảm nhận được sự khác biệt này.” Ông Ngô Mạn Dương dẫn ra một ví dụ, “Lần cuối cùng tôi gặp Tiến sĩ Bärbel Kofler, Ủy viên Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Đức, bà đề cập rằng ĐCSTQ đã mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống. Bà không nghi ngờ tính xác thực của vấn đề này. Những gì bà hỏi là bạn có đề xuất gì, chúng ta nên đối phó với những hành vi khủng khiếp này như thế nào.”
Bà Kofler đã đưa ra một tuyên bố công khai từ Bộ Ngoại giao Đức vào ngày 20/7/2019, lên án mạnh mẽ cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ.
Bà Kofler tuyên bố trong một thông báo báo chí rằng với tư cách là ủy viên nhân quyền của chính phủ Đức, bà yêu cầu chính quyền Trung Quốc “duy trì nhân quyền, bao gồm cả nhân quyền của các học viên Pháp Luân Công, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và luật pháp Trung Quốc.”
Ông Ngô cho biết bà Kofler đã đưa ra tuyên bố về những cáo buộc nghiêm trọng về việc mổ cướp nội tạng của các học viên Pháp Luân Công có hệ thống liên tục được nêu ra trong những năm qua. Bà Kofler yêu cầu ĐCSTQ “cải thiện tính minh bạch của các nguồn nội tạng càng sớm càng tốt, đồng thời đảm bảo rằng các quan sát viên độc lập có thể tự do vào các trung tâm giam giữ và bỏ tù để phản hồi các cáo buộc.”
Mộc Lan (t/h)
Xem thêm:
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…