Tự do tôn giáo ở Trung Quốc là chuyện dối trá
- Stu Cvrk
- •
Sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các tín ngưỡng tôn giáo kể từ năm 1949 đã thực sự gia tăng trong những năm gần đây.
ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ tín ngưỡng tôn giáo nhằm tuyên truyền các chính sách xã hội chủ nghĩa và hỗ trợ các mục tiêu quốc gia.
Tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ chưa bao giờ dừng lại, đôi khi những lời nói dối còn vượt quá mức phi lý. Đặc biệt là khi bàn về các vấn đề tôn giáo, hay cụ thể hơn là “đàn áp tôn giáo”.
Ví dụ, đây là tiêu đề từ phiên bản tiếng Anh của kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ, “Nhật báo Trung Quốc” (China Daily): “Tự do tôn giáo làm nổi bật đoàn kết dân tộc” (Religious freedom, ethnic unity highlighted). Xin hãy chú ý đến câu đầu tiên của bài báo vô nghĩa này (còn được nhấn mạnh thêm): “Ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ các lý thuyết và chính sách của Đảng liên quan đến các nhóm dân tộc để tiếp tục thúc đẩy bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và xúc tiến lẫn nhau.” Tuy nhiên, thực tế là những mục tiêu đáng khen ngợi đó đều do ĐCSTQ quyết định một cách tùy tiện, không xuất phát từ niềm tin tôn giáo tự do của những người dân tự do.
Bởi vì bài báo trong “Nhật báo Trung Quốc” đã che đậy cuộc đàn áp tôn giáo của Đảng Cộng sản ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, do đó, chúng ta hãy cùng xem xét hiện trạng của “tự do tôn giáo” ở nước này.
Giống như những người theo chủ nghĩa Marx ở khắp mọi nơi trong suốt lịch sử, kể từ khi được thành lập vào năm 1921, ĐCSTQ đã tiến hành kiểm soát ý thức hệ thông qua việc đàn áp tàn nhẫn các nhân vật tôn giáo. Ngoại trừ 5 tôn giáo được nhà nước công nhận, khi lên nắm quyền vào năm 1949, ĐCSTQ đã sử dụng Cục Tôn giáo (RAB) để cấm các hoạt động tôn giáo khác. Các biện pháp của RAB trong những năm qua liên quan đến việc kiểm soát tư tưởng, đàn áp và xóa bỏ bất kỳ tư tưởng tôn giáo nào không phù hợp với các chính sách của ĐCSTQ.
Trong cuộc Cách mạng Văn hóa điên cuồng của Mao Trạch Đông (1966-1976), tất cả các tổ chức và hoạt động tôn giáo còn bị hạn chế hơn nữa. Hàng triệu nhân vật tôn giáo Trung Quốc đã bị đàn áp, tra tấn và giết hại vào thời kỳ này.
Kể từ năm 1949, ĐCSTQ chính thức công nhận 5 tôn giáo: Phật giáo, Đạo giáo, Tin lành, Công giáo và Hồi giáo. Sự công nhận chính thức tương đương với việc chính phủ cho phép Giáo hội Trung ương hoạt động hợp pháp dưới sự giám sát của các cơ quan Công an Thành phố trực thuộc địa phương và Ban Công tác Mặt trận Thống nhất.
Sau khi lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, cuộc đàn áp tôn giáo càng gia tăng ở Trung Quốc. Một báo cáo năm 2016 của tổ chức từ thiện Cơ đốc giáo China Aid tuyên bố rằng cuộc đàn áp tôn giáo của ĐCSTQ là “tồi tệ nhất kể từ Cách mạng Văn hóa”.
Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, cuộc đàn áp tôn giáo diễn ra toàn diện và lan rộng. Theo báo cáo của tổ chức nhân quyền Freedom House năm 2020, các điểm chính sau đây được tóm tắt:
- Tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo phải chấp nhận kiểm tra tín nhiệm chính trị, ví dụ như việc tuân thủ các chính sách của ĐCSTQ.
- Số lượng linh mục, mục sư và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác bị giới hạn.
- Ít nhất 100 triệu người theo đạo Tin lành, Phật tử Tây Tạng, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các học viên Pháp Luân Công phải đối mặt với sự đàn áp dưới một số hình thức.
- Đặc biệt nhắm vào những người Hồi giáo ở Tân Cương, đàn áp mạnh mẽ việc mặc trang phục tôn giáo truyền thống, hạn chế số lượng người tham dự trong các nhà thờ Hồi giáo và thậm chí cả việc chọn tên cho trẻ sơ sinh.
- Các “trại cải tạo” của ĐCSTQ ở Tân Cương sử dụng hệ thống điểm để đo lường hiệu quả của công tác “cải tạo” về mặt tư tưởng và xác định tính đủ điều kiện để được thả của những người bị giam giữ.
- Sách “Gặm Phật”: ĐCSTQ liên tục đàn áp người Tây Tạng hơn 70 năm
Với việc thực hiện “Các biện pháp hành chính đối với các tổ chức tôn giáo” vào đầu năm 2020, áp lực mà các nhóm tôn giáo ở Trung Quốc phải đối mặt đã tăng lên đáng kể. Tổng cộng có sáu chương và 41 điều của tài liệu giới thiệu chi tiết các biện pháp quản lý mới nhất như “tổ chức, chức năng, giám sát và quản lý các nhóm tôn giáo”. Chương thứ ba quy định rằng các giáo sĩ phải “yêu Tổ quốc, ủng hộ sự lãnh đạo của ĐCSTQ và ủng hộ hệ thống xã hội chủ nghĩa”. Một trong những mục tiêu của các biện pháp mới này là cho phép các học thuyết xã hội chủ nghĩa do ĐCSTQ diễn giải để giải thích lại các học thuyết Cơ đốc giáo. Hơn nữa, tất cả các tôn giáo buộc phải làm nổi bật văn hóa Trung Quốc và ủng hộ sự lãnh đạo của ĐCSTQ trong các hoạt động tôn giáo.
Theo báo cáo của Tổ chức nghiên cứu truyền thông Chinascope, áp lực đối với cái gọi là “tôn giáo bất hợp pháp” cũng đang gia tăng vào năm 2021. “Tôn giáo bất hợp pháp” đề cập đến “nhà thờ tư gia Cơ đốc giáo, nhà thờ Công giáo ngầm hoặc một số tổ chức Phật giáo, Đạo giáo, Hồi giáo và các tổ chức tôn giáo khác không tham gia vào các hoạt động tôn giáo chính thức.” Chỉ có 5 tôn giáo bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ và bị biến chất mới được phép thực hành các hoạt động tôn giáo biến thái ở Trung Quốc. Người dân không được phép tự do bày tỏ niềm tin tôn giáo của mình.
Mục đích của đàn áp tôn giáo là để kiểm soát suy nghĩ và niềm tin cá nhân của người dân Trung Quốc, có nghĩa là, kiểm soát tất cả các hoạt động và tín ngưỡng tôn giáo, để đảm bảo rằng những suy nghĩ được nhà nước chấp thuận là nhất quán trong tất cả mọi người dân. Hơn nữa, đây cũng là một cuộc chiến tâm lý chống lại công dân Trung Quốc – một áp lực liên tục để tuân thủ các chính sách của ĐCSTQ trong tư tưởng, lời nói và hành vi. Trao đổi tự do các ý tưởng tôn giáo, đặc biệt là những ý tưởng chỉ ra sức mạnh tinh thần cao hơn chính phủ là đi ngược lại chế độ của ĐCSTQ và đó chính xác là điều mà ĐCSTQ không thể dung thứ, bởi vì quan điểm này làm suy yếu quyền kiểm soát và quyền lực của ĐCSTQ.
“Các hoạt động tôn giáo chính thức” là một cách nói điển hình của chủ nghĩa Marx dùng để chỉ các “nhà thờ có tổ chức”, có thể dễ dàng bị chính phủ và những người đưa tin giám sát và kiểm soát, đặc biệt là Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Bắc Kinh.
Theo báo cáo của Chinascope, Mục sư Lưu Di (Liu Yi), người đã chạy trốn khỏi cuộc đàn áp của ĐCSTQ và đến California để thành lập “Hiệp hội Công chính của Cơ đốc nhân Trung Quốc” (Chinese Christian Fellowship of the Rightness). Dựa trên kinh nghiệm cá nhân của mình, ông đưa ra tuyên bố: “ĐCSTQ đã dùng bục giảng của nhà thờ để tuyên truyền các chính sách của mình. Ví dụ, ‘các bài giảng’ được lưu hành trên Internet bởi một nhà thờ ở Chiết Giang rất thuyết phục. Họ không phải là giảng Kinh thánh, mà là giảng về Đảng Cộng sản.”
“Hoạt động tôn giáo chính thức” được Đảng Cộng sản chấp thuận nên chấm dứt tại đây! Nhà thờ chính thức ở Trung Quốc đã bị thiến (mất chức năng chân chính của họ) giống như Nhà thờ Chính thống Nga thời Xô Viết (ngày nay).
Ngoài ra, những người theo Pháp Luân Công cũng đang bị ĐCSTQ bức hại không thương tiếc. Bởi vì so với 5 tôn giáo “chính thức” được quy định chặt chẽ, Pháp Luân Công là một phong trào tôn giáo địa phương không bị kiểm soát bởi chính phủ. Ba nguyên lý cốt lõi của Pháp Luân Công là “Chân, Thiện, Nhẫn”, hoàn toàn trái ngược với ĐCSTQ. Ngoài ra, ĐCSTQ thường sử dụng tư tưởng bài ngoại của văn hóa truyền thống Trung Quốc để kiểm soát quần chúng và kích động lòng thù hận chống lại các thực hành tôn giáo nước ngoài. Tuy nhiên, điều này không hiệu quả lắm đối với Pháp Luân Công vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Các học viên này thực hiện các chiến dịch bất tuân dân sự quy mô lớn, phổ biến các bản in chống ĐCSTQ ở nơi riêng tư mà không sợ hãi. Do đó, họ đã trở thành nhóm số 1 bị ĐCSTQ đàn áp.
Mặc dù “Nhật báo Trung Quốc” đã đăng bài viết tuyên truyền “thú vị” đã đề cập ở đầu bài viết, cuộc đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc vẫn đang gia tăng – đặc biệt là cuộc bức hại người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và Pháp Luân Công. Điều này có thể cho thấy rằng Tập Cận Bình và chính quyền trung ương đã chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với các sự kiện thế giới và cố gắng đảm bảo “sự an tĩnh trong nước” để tập trung tốt hơn vào các vấn đề đối ngoại. Một nhóm công dân ngoan ngoãn là rất quan trọng đối với việc theo đuổi các lợi ích của ĐCSTQ bên ngoài Đại Lục, đặc biệt bao gồm Hồng Kông, Đài Loan và Afghanistan.
Kết luận
Tự do tôn giáo ở Trung Quốc – giống như hầu hết tất cả các bài quảng cáo được tuyên truyền bởi các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc – là một chuyện thần thoại. Trong thực tế, sự thật hoàn toàn ngược lại. Bất cứ khi nào sự kiểm soát của ĐCSTQ thực sự bị đe dọa, cuộc đàn áp tôn giáo sẽ gia tăng. Hơn nữa, khi thế giới cuối cùng phát hiện ra nguồn gốc thực sự của virus Trung Cộng (thường được gọi là virus corona mới), cũng như các biện pháp cực đoan mà ĐCSTQ thực hiện nhằm tiêu hủy bằng chứng và từ chối yêu cầu cung cấp dữ liệu y tế từ các quốc gia khác, áp lực buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm và yêu cầu bồi thường sẽ tiếp tục kéo dài.
Bất chấp những nỗ lực điên cuồng từ các phương tiện truyền thông nhà nước do ĐCSTQ kiểm soát để đẩy trách nhiệm sang những người khác, cuộc đàn áp tôn giáo gia tăng nghiêm trọng ở Trung Quốc có thể là điềm báo cho thời kỳ nghiệt ngã phía trước — cho chính người dân Trung Quốc và rất có thể là phần còn lại của thế giới, khi chế độ ĐCSTQ phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn.
Giới thiệu tác giả:
Sau 30 năm phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ, ông Stu Cvrk nghỉ hưu với quân hàm đại tá, phục vụ như một quân nhân tại ngũ và dự bị, đồng thời có nhiều kinh nghiệm chiến đấu ở Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Với trình độ học vấn và kinh nghiệm là một nhà hải dương học và phân tích hệ thống, ông Cvrk tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, nơi ông nhận được một nền giáo dục tự do cổ điển đóng vai trò là nền tảng quan trọng cho các bài bình luận chính trị của ông.
Nguyên tác: “Tự do tôn giáo ở Trung Quốc là chuyện hoang đường của ĐCSTQ” được đăng trên tờ Epoch Times tiếng Anh.
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện đàn áp người Duy Ngô Nhĩ Stu Cvrk Tự do tôn giáo Cơ đốc giáo Đàn áp tôn giáo Cuộc đàn áp Pháp Luân Công Đàn áp Tây Tạng