Những thủ đoạn tra tấn gây sốc trong lời chứng tại tòa án về diệt chủng Duy Ngô Nhĩ
- Minh Nhật
- •
Trong khoảng thời gian từ 4/6 đến 7/6 tại London, tòa án Nhân dân về cáo buộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương đã mở các phiên làm chứng công khai đầu tiên. Các lời chứng tại tòa đã cho thấy một thế giới đen tối với các tòa án trá hình, cảnh sát lưu manh, giết hại ngoài vòng pháp luật, tra tấn vô cớ, và bạo lực tình dục đối với các tù nhân trong hệ thống trại tập trung Tân Cương. Thậm chí một nhân chứng còn cho biết cô cùng 100 tù nhân khác đã bị cưỡng bức phải chứng kiến việc các cai tù cưỡng hiếp một cô gái trẻ ngay trước mặt.
Tháng 9/2020, trước việc ngày càng có nhiều bằng chứng về hành vi diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, ông Geoffrey Nice, một luật sư Anh Quốc rất uy tín trên trường quốc tế, từng tham gia vào nhiều tòa án độc lập quốc tế, hoạt động trong Tòa án Hình sự Quốc tế, đã nhận được yêu cầu chính thức của Nghị viện Duy Ngô Nhĩ Thế giới (World Uyghur Congress), một tổ chức do người Duy Ngô Nhĩ lưu vong ở bên ngoài Trung Quốc sáng lập, nhằm điều tra các cáo buộc về việc chế độ Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và người Turk tại Tân Cương.
Trong các buổi làm chứng công khai đầu tháng 6 vừa qua, tòa đã được nghe những bằng chứng quan trọng nhất tới từ chuyên gia cũng như nhân chứng trực tiếp, về việc giết hại, triệt sản, cưỡng bức phá thai, bỏ tù hàng loạt, lao động cưỡng bức, và bắt cóc lượng lớn trẻ con tại Tân Cương.
Từ khoảng 300 lời khai, 40 nhân chứng đã được tòa chỉ định, và 24 nhân chứng đã xuất hiện trong phiên làm chứng đầu tháng 6. Trong số 50 chuyên gia được tòa liên hệ, 14 chuyên gia đã xuất hiện trong phiên làm chứng này. Được biết sau phiên làm chứng thứ nhất, tòa sẽ tiếp tục mở phiên làm chứng thứ hai vào tháng 9, và phán quyết đầu tiên ước tính sẽ được đưa ra vào tháng 12/2021.
Chỉnh phủ Hoa Kỳ và Úc đã cung cấp trợ giúp cho tòa án nhân dân bằng cách hỗ trợ tòa liên lạc với chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên Bắc Kinh đã không tham gia bào chữa tại tòa và cho rằng một tòa án như vậy là “sự khiêu khích nghiêm trọng đối với 25 triệu người thiểu số tại Tân Cương”.
Mặc dù chế độ liên tục phủ nhận các cáo buộc, lời chứng cung cấp tại tòa đã cho thấy các hành vi đàn áp tàn bạo đang diễn ra tại Tân Cương. Một nhân chứng mô tả về các phòng tra tấn, nơi nạn nhân bị buộc phải ngồi trên “ghế hổ”, hoặc bị xích trong các hồ ngập nước trong nhiều ngày. Một nhân chứng khác mô tả việc một cô gái trẻ bị ép phải nhận tội đã bị nhiều cai tù cưỡng hiếp nhiều lần trước khoảng 100 tù nhân, và những ai thể hiện cảm xúc hoặc dám quay đi sẽ bị đưa đi trừng phạt. Nhiều cô gái trẻ đã bị đưa đi trong đêm để cai tù thỏa mãn thú tính, và bị đưa trở lại trong tình trạng người đầy máu, bị đánh đập và bị sụp đổ về tinh thần. Một người từng làm giáo viên trong các trại tập trung kể rằng một số nạn nhân đã bị đánh dấu ở tai để tiêm thuốc và thu hoạch tạng.
Trong bối cảnh các tuyên bố về tội ác diệt chủng của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Tân Cương đã xuất hiện trong các nghị quyết của Hạ viện Canada, Nghị viện Litva, Quốc hội Anh, thì một tòa án đánh giá các cáo buộc này đã không thể được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức, do Trung Quốc là 1 trong 5 thành viên có quyền phủ quyết (veto right). Do các vấn đề về ngoại giao và lợi ích kinh tế, việc xét xử chế độ Trung Quốc tại một quốc gia khác cũng không thích hợp.
Sự xuất hiện của một Tòa án Nhân dân độc lập do một nhân vật uy tín làm chủ tọa đã trở thành lối thoát để đưa ra một kết luận chính xác, độc lập và công bằng về cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ cùng các dân tộc thiểu số khác tại Tân Cương. Là người từng đảm trách vụ truy tố tội phạm chiến tranh là cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế, ông Geoffrey Nice có đầy đủ uy tín để đứng ra làm điều này.
Mặc dù các thành viên của tòa bị chế độ cộng sản Trung Quốc tuyên bố trừng phạt và ông Geoffrey Nice đã gặp phải các tấn công cá nhân tới từ Bắc Kinh, nhưng tòa án độc lập vẫn thể hiện quyết tâm không lay chuyển. Trong ngày làm việc đầu tiên, ông Geoffrey Nice đã tuyên bố việc chế độ Bắc Kinh trừng phạt hay tấn công tòa sẽ không làm ảnh hưởng tới phán quyết trung thực của tòa. Tòa sẽ chỉ đưa ra phán quyết dựa trên các bằng chứng, và tòa luôn mở cửa để chế độ có thể tới và bào chữa trước tòa.
Trong tuyên bố khai mạc, ông Geoffrey Nice cũng nhấn mạnh rằng các cáo buộc chống lại chế độ Trung Quốc là rất trầm trọng, “tội ác chống lại loài người và tội ác diệt chủng là hai tội ác nghiêm trọng nhất trong các loại tội ác”.
Được biết trước đó, trong khoảng thời gian từ 2018 đến 2020, ông Geoffrey Nice cũng đã chủ trì Tòa án nhân dân độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc. Tòa án đã đưa ra phán quyết rằng chế độ Trung Quốc phạm tội ác chống lại loài người khi thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm, những người bị bắt giữ và đàn áp chỉ vì đức tin của họ. Nạn nhân chủ yếu của tội ác này là những người tập Pháp Luân Công và đang chuyển dịch sang người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp ở Tân Cương.
Để tham gia tòa án về cáo buộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, các nhân chứng đã trực tiếp tới từ Hoa Kỳ, Thụy Điển, Na Uy, Đức. Một số khác đã làm chứng qua hội nghị truyền hình. Mặc dù vẫn đang chịu đựng những sang chấn tâm lý vì tội ác tại Tân Cương, các nhân chứng cho biết họ rất biết ơn vì tiếng nói của mình đã được lắng nghe, và công lý sẽ đến đối với vô số người vẫn còn đang câm lặng trong các trại tập trung của chế độ cộng sản Trung Quốc.
“Tôi đã tự do, nhưng một phần trong tôi vẫn đang ở lại các trại cùng những người đàn ông và phụ nữ trẻ tuổi đang phải trải qua các tra tấn tồi tệ nhất”, Qelbinur Sedik, một người từng làm giáo viên trong trại tập trung cho biết sau khi làm chứng.
Theo tạp chí nhân quyền Bitter Winter
Minh Nhật biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Dòng sự kiện đàn áp Tân Cương Trại tập trung Tân Cương diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ