Ngôi sao NBA Enes Kanter biểu tình ủng hộ người Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ và Hồng Kông
- Mộc Lan
- •
Trước trận đấu tại Washington vào ngày 30/10, cầu thủ Enes Kanter đã đến tham gia cuộc biểu tình ở Đồi Capitol, lên tiếng ủng hộ cho cuộc đấu tranh cho nhân quyền và tự do của người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ và người Hồng Kông.
Theo báo cáo của VOA, hôm thứ Bảy (ngày 30/10), ngôi sao trung tâm của đội bóng NBA Boston Celtics là Enes Kanter đã đến Đồi Capitol để gặp gỡ hơn 200 người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng và Hồng Kông ở nước ngoài để kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua “Luật Phòng chống Cưỡng bức Lao động Duy Ngô Nhĩ.”
Chiếc áo phông mà Kanter mặc có in bốn biểu tượng: cờ hoa Dương Tử Kinh đại diện cho Hồng Kông, cờ xanh lam nhạt của Cộng hòa Đông Turkistan, cờ sư tử trên núi tuyết của Tây Tạng và cờ của Khu tự trị Nội Mông. Ngôi sao NBA đã bước ra khỏi ranh giới của thể thao không liên quan đến chính trị, để lên tiếng cho tự do.
Khi nhắc đến vấn đề nhân quyền, Kanter đã từng nói: “Nó lớn hơn bóng rổ, lớn hơn bóng đá, lớn hơn bất cứ thứ gì chúng ta đang chơi hiện tại vì nó ảnh hưởng đến hàng triệu người.”
Những người tham gia cuộc biểu tình bên ngoài Đồi Capitol chiếm phần lớn là người Duy Ngô Nhĩ. Một số người đóng vai một gia tộc đang bị giam giữ trong trại tập trung, họ mang theo nhiều bức ảnh của người thân hoặc người trong gia tộc đã bị mất tích. Khi cầu thủ NBA đến, những người biểu tình đã bày tỏ sự vui mừng bằng cách hét lên “cảm ơn Kanter”. Một số người Tây Tạng đã tặng anh chiếc khăn Ha-đa truyền thống như một phép lịch sự để bày tỏ sự chân thành và tôn trọng đối với tấm lòng của cầu thủ NBA.
Hiểu được giá trị của tự do và từ chối im lặng trước những hành động độc tài
Kanter nói trong bài phát biểu của mình rằng anh đã bị chính quyền thu hồi hộ chiếu vì đã chỉ trích sự vi phạm nhân quyền của chế độ Thổ Nhĩ Kỳ, anh bị cấm gặp gia đình trong 7 năm. Cha của anh thậm chí đã bị bỏ tù vì chủ trương của chính mình, vì vậy anh biết giá trị của tự do. Bị cô lập khỏi đất nước, gia đình và đồng đội cũ là hệ quả mà Kanter sẵn sàng gánh chịu.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh ABC Sport vào tháng Tư năm nay, Kanter cho biết, trong những khoảnh khắc tĩnh lặng, rời xa sân đấu, rời xa bóng rổ, suy nghĩ đầu tiên của anh luôn là về gia đình.
“Khi tôi ngồi xuống và nghĩ về tất cả những thứ này… đó là nỗi nhớ gia đình, nỗi nhớ được mẹ nấu ăn, nỗi nhớ được chơi một đối một với anh trai hoặc trò chuyện với em gái,” Kanter tâm sự.
“Tất nhiên là tôi đã bỏ lỡ những khoảnh khắc đó. Nhưng cuối cùng, những gì tôi làm đang ảnh hưởng đến hàng triệu người, vì vậy tôi phải làm điều này vì những người vô tội,” Kanter nói.
Là một cầu thủ NBA, anh đã chứng kiến những hành động hoàn toàn im lặng của NBA trước các hành động xấu xa của chính quyền ĐCSTQ, anh nói: “Tôi cảm thấy buồn, thật đáng xấu hổ và ghê tởm, đó là lý do tại sao tôi không im lặng.”
“Tôi đến đây hôm nay với một tấm lòng khiêm tốn để được ở bên cạnh tất cả các bạn. Tôi rất biết ơn vì tôi có thể giúp chia sẻ câu chuyện của các bạn và chia sẻ những cuộc đấu tranh giành tự do của các bạn. Hãy để nhà độc tài man rợ Tập Cận Bình phải bất an vì điều này, để Trung Quốc có thể nghe thấy tiếng nói của chúng ta,” Kanter nói.
Kanter cũng gửi những lời động viên đến từng người Hồng Kông, người Đài Loan, người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ, kêu gọi mọi người hãy kiên trì. Anh nói với người dân Hồng Kông: “Các anh chị em ở Hồng Kông, thông điệp của tôi gửi đến các bạn là Hồng Kông Tự do! Các bạn không phải là người Trung Quốc, các bạn không phải là người Anh, các bạn là người Hồng Kông, vì vậy hãy tiếp tục mạnh mẽ và dũng cảm.”
Kanter cũng chụp ảnh nhóm với cô Thiệu Lam (Joey Siu), một người ủng hộ dân chủ Hồng Kông, cùng với biểu ngữ “Khôi phục Hồng Kông, Cách mạng của Thời đại”, và bắt tay với ông Trương Côn Dương (Zhang Kunyang), một người Hồng Kông lưu vong.
Cô Thiệu Lam cho biết, Kanter nói với cô rằng anh ấy đã theo dõi chiến dịch vận động dân chủ của người dân Hồng Kông và rất ủng hộ. Cô ca ngợi hành động của Kanter, hy vọng sẽ khuyến khích các ngôi sao khác sử dụng tầm nhìn và ảnh hưởng xã hội để lên tiếng cho sự đàn áp và đấu tranh chống lại chủ nghĩa toàn trị.
Kanter nói với VOA khi rời đi: “Cảm ơn rất nhiều, bạn nhìn thấy chiếc áo phông trên ngực tôi, nó đã nói lên tất cả. Tôi rất biết ơn sự ủng hộ của các bạn”.
Học giả người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương Ilham Tohti hiện đang thụ án ở Trung Quốc. Con gái của ông là cô Jewher Ilham, đã trả lời phỏng vấn khi cầm một bức ảnh của cha mình. Cô nói rằng cô đã đến Hoa Kỳ 8 năm và đây là lần đầu tiên tham dự một cuộc biểu tình công khai. Sau đó, cô sẽ đến sân vận động NBA để xem Kanter thi đấu.
Cô Jewher bày tỏ sự ngưỡng mộ hành động dũng cảm của Kanter, cô nói: “Anh ấy đã mạo hiểm sự nghiệp của mình, anh ấy thích chơi bóng rổ đến nhường nào. Vì vậy khi anh ấy lên tiếng cho người Duy Ngô Nhĩ hoặc người Tây Tạng, hành động của anh ấy càng có ý nghĩa hơn và chúng tôi càng cảm thấy biết ơn anh ấy nhiều hơn.”
Jewher Ilham bày tỏ cô rất lo lắng cho tình trạng thể chất của người cha vừa bước sang tuổi 52 của mình và mong được đoàn tụ cùng gia đình: “Tôi tin rằng nhiều người Duy Ngô Nhĩ cũng có cùng mong ước như vậy.”
Tiếng nói cho người Tây Tạng đã bị Tencent đình chỉ
Kanter gần đây tiếp tục chỉ trích ĐCSTQ đàn áp nhân quyền trên Twitter, anh lên tiếng cho người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, người Hồng Kông và thậm chí cả người Đài Loan.
Vào ngày 20/10, Kanter đã đăng trên Twitter, Facebook, Instagram và các phương tiện truyền thông xã hội khác rằng ông Tập Cận Bình là một “nhà độc tài tàn bạo”.
Anh cũng viết trên một bài đăng Twitter rằng: “Tây Tạng thuộc về nhân dân Tây Tạng!”. Trong trận đấu với New York Knicks, Kanter đã đi đôi giày có biểu tượng Tây Tạng với dòng chữ “Tự do cho Tây Tạng”.
More than 150 Tibetan people have burned themselves alive!! — hoping that such an act would raise more awareness about Tibet.
I stand with my Tibetan brothers and sisters, and I support their calls for Freedom.#FreeTibet #FreedomShoes pic.twitter.com/MKxfs1l7GA
— Enes Kanter FREEDOM (@EnesFreedom) October 20, 2021
Kênh Tencent Sports của Trung Quốc đã ngay lập tức đình chỉ phát sóng các trận đấu của Celtic, đồng thời tài khoản Weibo của Kanter cũng bị biến mất. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân thậm chí còn nói rằng những lời nói và hành động của Kanter “chỉ để thu hút sự chú ý” và không đáng để đáp lại.
Mặc dù ĐCSTQ phủ nhận sự tồn tại của các trại tập trung của mình (mà đôi khi nó gọi là “trung tâm cải tạo”), có rất nhiều bằng chứng về sự tồn tại của chúng, bao gồm cả hình ảnh vệ tinh và lời khai của những người đã trốn thoát.
Tuy nhiên, hai ngày sau, Kanter đã lại tiếp tục chỉ trích cuộc bức hại nhân quyền này của ĐCSTQ.
Trong một video trên Twitter vào ngày 22/10, Kanter đã mặc chiếc áo phông có in dòng chữ “Hãy trả lại tự do cho người Duy Ngô Nhĩ”.
Anh nói: “Ngay khi tôi nói điều này, tra tấn, hãm hiếp, cưỡng bức phá thai, triệt sản, ly tán gia đình, giam giữ tùy tiện, trại tập trung, cải tạo chính trị, lao động cưỡng bức… Tất cả những điều này cũng đang xảy ra với hơn 1,8 triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, tây bắc Trung Quốc.”
Anh viết trên Twitter: “Nhà độc tài tàn nhẫn của Trung Quốc – TẬP CẬN BÌNH và ĐCSTQ. Tôi lên án các người trước toàn thế giới. Hãy đóng cửa các trại lao động nô lệ và trả tự do cho người Duy Ngô Nhĩ! Hãy lập tức ngừng diệt chủng!”
Kanter cũng đề nghị đặt vé máy bay cho ông Phil Knight, chủ sở hữu của thương hiệu thể thao Nike, để ông tận mắt nhìn thấy các “trại lao động” ở Trung Quốc. Anh cũng hoan nghênh sự đồng hành của các ngôi sao NBA LeBron James và Michael Jordan. Ngày 29/10, Kanter tiếp tục đăng tweet: “Thay đổi đang đến, không ai có thể ngăn cản nó!” và gắn các thẻ “Tây Tạng tự do”, “Người Duy Ngô Nhĩ tự do”, “Hồng Kông tự do”, “đứng cùng Đài Loan”.
Kanter là cầu thủ đội tuyển quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và được chọn vào đội NBA năm 2011. Trước đây, anh từng bị truy tố và truy nã khủng bố vì chỉ trích chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi đến Mỹ, anh thường xuyên nhận phải những lời đe dọa giết người.
Trong quá khứ, NBA và các ngôi sao bóng đá đã lên tiếng về các vấn đề như phân biệt chủng tộc, nhưng vẫn im lặng trước những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ. Vào tháng 10/2019, tổng giám đốc của NBA Houston Rockets lúc đó là ông Daryl Morey, đã tweet ủng hộ phong trào chống dẫn độ của người dân Hồng Kông. ĐCSTQ đã ngay lập tức tẩy chay NBA. Tuy nhiên, đến tháng 10/2020, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) lặng lẽ tiếp tục phát sóng các trận đấu NBA sau một năm bị cấm.
Mộc Lan
Xem thêm:
Từ khóa Tự do ngôn luận Trại tập trung Tân Cương diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ Enes Kanter