Ngày 9/9/2024 trong “Tuần lễ Trung Quốc”, Hạ viện Mỹ bắt đầu xem xét và thông qua một loạt dự luật liên quan đến Trung Quốc, nhằm hạn chế mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hôm thứ Tư (11/9), Quốc hội Mỹ tiếp tục thảo luận và biểu quyết các dự luật liên quan đến Trung Quốc như thành lập “Kế hoạch Hành động Trung Quốc” tại Bộ Tư pháp, ủng hộ việc Đài Loan tham gia đầy đủ vào Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), xem xét dự luật quy định việc công dân của các nước đối thủ (Trung Quốc, Nga…) mua đất nông nghiệp của Mỹ phải trải qua quá trình xem xét an ninh quốc gia.
Hạ viện vào thứ Tư cũng đã thông qua “Dự luật năm 2024 về An ninh Kinh tế và Bảo vệ sáng tạo của Mỹ khỏi ĐCSTQ” (Protect America’s Innovation and Economic Security from CCP Act of 2024, H.R. 1398), với tỷ lệ số phiếu 237:180.
Dự luật này yêu cầu thành lập “Hành động Trung Quốc” trong Bộ Tư pháp, với mục tiêu chính là hạn chế các hoạt động gián điệp của ĐCSTQ đối với sở hữu trí tuệ và các tổ chức học thuật của Mỹ; xây dựng chiến lược thực thi đối với các nhà nghiên cứu là những người thu thập kiểu phi truyền thống, phạm vi bao gồm cả các phòng thí nghiệm, trường đại học và cơ sở công nghiệp quốc phòng; thực hiện Đạo luật Hiện đại hóa Rủi ro Đầu tư Nước ngoài năm 2018 cho Bộ Tư pháp Mỹ; và theo Đạo luật Chống tham nhũng nước ngoài năm 1977, xác nhận các vụ việc liên quan đến doanh nghiệp Trung Quốc cạnh tranh với doanh nghiệp Mỹ.
Dự luật cũng nêu rõ rằng các ưu tiên là xác định và truy tố những người liên quan đến hành vi trộm cắp bí mật thương mại, hack và gián điệp kinh tế; bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài thông qua các đe dọa từ đầu tư trực tiếp nước ngoài và các vấn đề trong chuỗi cung ứng.
Dự luật được đưa ra vào tháng 3 năm ngoái bởi Nghị sĩ Cộng hòa Lance Gooden và Randy Weber của Texas, Nghị sĩ Bill Posey của bang Florida, và Nghị sĩ Doug Lamborn của bang Colorado. Dự luật đã thông qua Ủy ban Tư pháp Hạ viện vào ngày 22/5 năm nay. Dự luật sau đó đã bổ sung thêm nhiều Nghị sĩ tham gia.
Đảng Cộng hòa và Dân chủ đã tranh luận gay gắt về dự luật trong cuộc thảo luận tại Hạ viện hôm thứ Ba. Phe Dân chủ phản đối dự luật này, cho rằng dự luật bị nghi ngờ là phân biệt chủng tộc đối với các nhà nghiên cứu châu Á. Theo quan điểm của họ, dự luật này chỉ là bản sao của “Kế hoạch Hành động Trung Quốc” (China Initiative) do Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra dưới thời chính quyền Trump.
“Kế hoạch hành động của Trung Quốc” đã được đưa ra thời chính quyền Trump, được thực hiện bởi Ban An ninh Quốc gia của Bộ Tư pháp. Kế hoạch này nhằm mục đích ngăn chặn triệt để gián điệp Trung Quốc và việc công nghệ Mỹ bị ĐCSTQ đánh cắp. Nhưng do số người Mỹ gốc Hoa bị truy cứu khá cao khiến dấy lên lo ngại và chỉ trích về việc “phân biệt chủng tộc”. Vào ngày 23/2/2022, Bộ Tư pháp đã thông báo chấm dứt chương trình này.
Nhưng dự luật mới nhất này ghi rõ đó là một kế hoạch hành động chống lại ĐCSTQ. Trong phần giới thiệu có câu: “Trung Quốc ở đây ám chỉ ĐCSTQ”.
Sau nhiều vòng tranh luận và bỏ phiếu về các sửa đổi, Hạ viện Mỹ vào chiều thứ Tư đã bỏ phiếu thông qua dự luật “Luật về ký kết Điều khoản Phòng ngừa Đại dịch của WHO phải được chấp thuận của Thượng viện” (No WHO Pandemic Preparedness Treaty Without Senate Approval Act, H.R. 1425), luật do Nghị sĩ Cộng hòa Tom Tiffany của California khởi xướng.
Dự luật yêu cầu bất kỳ công ước hoặc thỏa thuận nào do WHO thúc đẩy liên quan đến việc chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh đều phải được coi là một hiệp ước chính thức. Do đó, các hiệp ước này cần có sự chấp thuận của Thượng viện Mỹ mới có hiệu lực đối với Mỹ.
Việc sửa đổi dự luật này sẽ khiến việc Đài Loan tham gia đầy đủ vào WHO trở thành chính sách của Mỹ. Người đề xuất sửa đổi là Nghị sĩ Andy Ogles của bang Tennessee cho biết trong bài phát biểu: “Từ quá lâu chúng ta đã để cho Trung Quốc Cộng sản ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Mỹ, gồm cả tư cách thành viên và chương trình nghị của các tổ chức quốc tế lớn trong đó có Liên Hợp Quốc”.
Ogles nói rằng chính sách xoa dịu ĐCSTQ trên toàn cầu của Mỹ kéo dài hàng thập niên cuối cùng đã gây hại cho chính Mỹ. Sau đợt bùng phát COVID-19 năm 2019 ở Trung Quốc, khi đó vào ngày 31/12/2019 Đài Loan cố gắng cảnh báo WHO về khả năng lây truyền COVID-19 từ người sang người, nhưng không bên nào quan tâm. Trong khi đó, WHO đã đưa ra một tuyên bố thông báo rằng không có bằng chứng rõ ràng về việc “lây truyền từ người sang người” của COVID-19. Điều này khiến Mỹ chậm trễ nhiều tuần trong việc chuẩn bị cho đợt bùng phát COVID-19.
Thành viên hàng đầu của Đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện là Nghị sĩ Gregory Meeks từ bang New York cho biết, Mỹ ủng hộ việc mở rộng không gian quốc tế của Đài Loan và tham gia các diễn đàn quốc tế, nhưng ông cho rằng “cần thận trọng ngôn từ” khi đề cập đến các vấn đề chính sách lớn,
Meeks cho hay: “Tôi muốn nhấn mạnh tôi tin sửa đổi này phù hợp với tinh thần chính sách hiện tại của Mỹ nhằm hỗ trợ sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào Đại hội đồng Y tế Thế giới của WHO”. Tuy nhiên, do Đài Loan không phải là thành viên Liên Hợp Quốc nên Meeks cho rằng việc hiện nay ủng hộ Đài Loan trở thành thành viên chính thức của WHO là không phù hợp với chính sách lâu nay của Mỹ đối với Trung Quốc.
Hạ viện Mỹ cũng thảo luận về Dự luật năm 2024 Bảo vệ Nông nghiệp Mỹ khỏi Đối thủ Nước ngoài (Protecting American Agriculture from Foreign Adversaries Act of 2024, H.R. 9456) do đại diện Đảng Cộng hòa Dan Newhouse của bang Washington khởi xướng, cuối cùng được thông qua với tỷ lệ phiếu 269:149.
Dự luật này sửa đổi các quy định của Đạo luật Sản xuất Quốc phòng năm 1950 liên quan đến đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp Mỹ.
Dự luật yêu cầu thay đổi chính sách của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), bao gồm yêu cầu CFIUS xác định xem các giao dịch đất nông nghiệp phải báo cáo mà Bộ Nông nghiệp đệ trình có cần xem xét an ninh quốc gia hay không; nếu các giao dịch đất nông nghiệp Mỹ phải báo cáo đó có liên quan đến người nước ngoài như Trung Quốc, Triều Tiên, Nga hoặc Iran, thì phải nộp báo cáo về giao dịch đất nông nghiệp cho Bộ Nông nghiệp.
Dự luật cũng mở rộng tư cách thành viên CFIUS để bao gồm Bộ trưởng Nông nghiệp trong ủy ban khi các giao dịch liên quan đến đất nông nghiệp, công nghệ sinh học nông nghiệp, hoặc các ngành nông nghiệp (như vận chuyển, lưu trữ và chế biến nông nghiệp).
Khi đưa ra phản đối, các nhà lập pháp Dân chủ cho biết dự luật này mới được đưa ra 5 ngày, cũng có vấn đề tương tự như các dự luật liên quan trước đó. Họ cũng lo ngại dự luật này nhắm vào những người từ một số nước cụ thể (mua đất nông nghiệp ở Mỹ), lo ngại liên quan vấn đề phân biệt chủng tộc.
Tháng 6 năm nay Nghị sĩ Newhouse cùng với Nghị sĩ Cộng hòa John Moolenaar – Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về Trung Quốc, và 18 người khởi xướng khác, đã đưa ra “Dự luật Cấm ĐCSTQ mua đất đai của Mỹ” (No American Land for the Chinese Communist Party Act), luật này nếu thông qua sẽ cấm bất kỳ đại diện nào của ĐCSTQ hoặc bất kỳ doanh nghiệp nào liên kết với ĐCSTQ mua bất động nằm gần khu vực đất đai liên bang của Mỹ.
Theo VOA
Xem thêm:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…