Lịch sử thay đổi: Phần Lan xin gia nhập NATO

Ngày 12/5, Thủ tướng Phần Lan, bà Sanna Marin và Tổng thống Sauli Niinistö đã ra tuyên bố chung ủng hộ nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Mỹ, các đồng minh NATO, Nga và Ukraine đều phản ứng với sự thay đổi lịch sử này.

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin. (Nguồn: Laura Kotila – Finnish GovernmentFlickr)

Chiến tranh Nga-Ukraine đã châm ngòi cho một sự thay đổi lập trường mang tính lịch sử ở Phần Lan, quốc gia có đường biên giới dài 1.300 km với Nga và không liên kết quân sự kể từ Thế chiến II. Phần Lan luôn giữ danh nghĩa trung lập để tránh làm Nga tức giận và cố gắng duy trì thương mại mối quan hệ tốt với nước này.

“Phần Lan phải xin gia nhập NATO ngay lập tức”

Một tuyên bố cấp cao của Chính phủ Phần Lan cho biết, việc gia nhập NATO sẽ củng cố an ninh quốc gia, và Phần Lan cũng sẽ củng cố toàn bộ liên minh quốc phòng, “Phần Lan phải nộp đơn xin gia nhập NATO ngay lập tức” và mong muốn chuyển nhanh sang quy trình quốc gia khi xin gia nhập.

Hôm thứ Năm (12/5), Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan, ông Pekka Haavisto, nói với Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện Châu Âu rằng việc Nga xâm lược Ukraine đã làm thay đổi cục diện an ninh của Phần Lan, nhưng không có mối đe dọa ngay lập tức. Việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ củng cố an ninh ở vùng biển Baltic và Bắc Âu.

Nếu trở thành thành viên thứ 31 của NATO, Phần Lan sẽ được hưởng lợi từ Điều 5 Hiến chương NATO – một nguyên tắc về phòng thủ tập thể, quy định bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh.

“Chúng tôi tin rằng Phần Lan sẽ ghi thêm điểm cho NATO, quân đội của chúng tôi có sức mạnh thời chiến là 280.000 quân và lực lượng dự bị được đào tạo là 900.000 quân.” Ông Pekka Haavisto cũng liệt kê mối đe dọa do Nga xâm lược Ukraine, và gọi “hành vi không thể đoán trước” của Moscow là một “vấn đề sắp xảy ra”.

Ông Haavisto cho rằng cuộc xâm lược của Nga là một “cuộc tấn công vào toàn bộ trật tự an ninh châu Âu”, đồng thời nhấn mạnh EU cần “làm hết sức mình để hỗ trợ chính trị, quân sự, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine.”

BBC đưa tin, trong nhiều năm, sự ủng hộ của người dân Phần Lan đối với việc gia nhập NATO không cao, chỉ ở mức khoảng 20% ​​đến 25%; nhưng dữ liệu thăm dò mới nhất cho thấy kể từ sau chiến tranh Nga-Ukraine, sự ủng hộ này đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 76%.

Sự chào đón nồng nhiệt từ Hoa Kỳ, NATO và các đồng minh

Hôm thứ Năm (12/5), Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, ông John Kirby đã ca ngợi động thái gia nhập NATO của Phần Lan và cho rằng cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin đã vô tình củng cố các liên minh quân sự phương Tây.

“Việc này mang tính lịch sử đối với Phần Lan, không còn nghi ngờ gì nữa, đối với NATO cũng vậy”, ông Kirby nói với truyền thông. “Putin nói rằng ông ấy không muốn có một NATO hùng mạnh ở sườn phía tây của Nga, và ông ấy đang nhận được chính điều đó.”

Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, cho biết Phần Lan “được chào đón nồng nhiệt” khi gia nhập NATO.

“Đây là quyết định có chủ quyền của Phần Lan và NATO hoàn toàn tôn trọng điều đó. Nếu Phần Lan quyết định nộp đơn, họ sẽ được NATO chào đón nồng nhiệt, quá trình gia nhập sẽ diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng”, văn phòng ông Stoltenberg cho biết.

Ông nói thêm: “Phần Lan là một trong những đối tác thân cận nhất của NATO. Đây là một nền dân chủ trưởng thành, một thành viên của Liên minh Châu Âu và một nước đóng góp quan trọng cho an ninh Châu Âu-Đại Tây Dương.”

Stoltenberg cũng cho biết, ông đồng ý với phân tích của Thủ tướng Phần Lan, bà Marin và Tổng thống Sauli Niinistö rằng “việc gia nhập NATO sẽ củng cố an ninh của NATO và Phần Lan”. Ông nhấn mạnh rằng điều này cho thấy “cánh cửa của NATO đang rộng mở và Phần Lan đang quyết định tương lai của chính mình”.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, nước này sẽ “hỗ trợ đầy đủ” giúp Phần Lan gia nhập NATO.

Trong một dòng tweet từ Bộ Ngoại giao Đan Mạch hôm thứ Năm (12/5), Thủ tướng Đan Mạch, bà Mette Frederiksen, cho biết: “Tổng thống và Thủ tướng Phần Lan đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ, Đan Mạch tất nhiên sẽ nồng nhiệt chào đón Phần Lan gia nhập NATO. Điều này sẽ củng cố NATO và an ninh chung của chúng ta. Đan Mạch sẽ làm mọi thứ có thể, giúp đẩy nhanh quá trình sau khi nộp đơn chính thức (của Phần Lan).”

Trong khi đó, Thủ tướng Estonia (một nước ở Châu Âu), bà Kaja Kallas, bày tỏ sự ủng hộ đối với “quy trình cấp giấy chứng nhận nhanh chóng” để Phần Lan gia nhập NATO và “hoàn toàn ủng hộ” Phần Lan nộp đơn. “Người hàng xóm phía bắc của chúng tôi đang làm nên lịch sử”, bà Kaja đã tweet.

Nga gọi động thái này là một mối đe dọa quân sự

Điện Kremlin từng cảnh báo, nếu Phần Lan hoặc Thụy Điển quyết định gia nhập NATO, họ sẽ phải chịu “hậu quả nghiêm trọng về quân sự và chính trị”. Trong bài phát biểu khi mở đầu cuộc xâm lược Ukraine, Tổng thống Putin nêu rõ: “Sự hiện diện quân sự ở các vùng lãnh thổ giáp Nga sẽ tạo ra mối đe dọa ngày càng lớn và hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Nga.”

Hôm thứ Năm, Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho biết Nga coi việc Phần Lan gia nhập liên minh quân sự NATO là một “mối đe dọa” và động thái này “không nhằm cải thiện an ninh”.

“Như chúng tôi đã nói nhiều lần trước đây, sự mở rộng của NATO không giúp thế giới ổn định và an toàn hơn”, ông Peskov nói với truyền thông sau khi giới lãnh đạo cấp cao của Phần Lan ủng hộ việc gia nhập NATO.

Ông Peskov nói thêm, mức độ đáp trả của Nga sẽ phụ thuộc vào sự phát triển cơ sở hạ tầng quân sự của NATO. “Nó sẽ phụ thuộc vào những gì quá trình mở rộng này có liên quan, cơ sở hạ tầng quân sự sẽ di chuyển bao xa và áp sát biên giới của chúng ta bao xa.”

Ông nói thêm rằng Nga sẽ phân tích việc Phần Lan gia nhập NATO và phát triển các biện pháp cần thiết, nhằm đảm bảo an ninh của Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi động thái của Phần Lan, nói rằng ông đã điện đàm với Tổng thống Phần Lan Niinistö, “khen ngợi việc Phần Lan sẵn sàng xin gia nhập NATO.” Ông nói thêm: “Chúng tôi cũng thảo luận về sự thống nhất châu Âu của Ukraine và tương tác quốc phòng Ukraine-Phần Lan.”

Phần Lan và Liên Xô ở 2 phe đối lập trong Thế chiến thứ II, người Phần Lan nổi tiếng vì chống lại cuộc xâm lược của Liên Xô giai đoạn 1939-1940.

Nhưng Phần Lan đã mất 10% lãnh thổ của mình trong hiệp ước hòa bình cuối cùng và đã duy trì chính sách không liên kết trong suốt Chiến tranh Lạnh.

Việc Phần Lan gia nhập NATO là một tin xấu đối với Điện Kremlin, nhưng lại là một “tin tốt” đối với NATO. Mặc dù dân số tương đối nhỏ, nhưng Phần Lan lại là một cường quốc quân sự, quân đội nước này vẫn luôn sử dụng các thiết bị mua từ Hoa Kỳ tương thích với các đồng minh NATO. Nghĩa là nếu Phần Lan gia nhập NATO, nước này có thể dễ dàng kề vai sát cánh chiến đấu cùng các đồng minh.

Nga hiện có chung khoảng 755 dặm đường biên giới trên bộ với 5 thành viên NATO. Nếu Phần Lan tham gia, điều đó có nghĩa là quốc gia có chung đường biên giới 800 dặm với Nga này, cũng có liên minh quân sự với Mỹ.

Quan trọng hơn, việc Phần Lan gia nhập NATO có thể khiến Thụy Điển thực hiện động thái tương tự vì 2 nước đều có lộ trình giống nhau sau khi Nga tấn công Ukraine. Nếu cả 2 quốc gia này được kết nạp, Nga sẽ bị bao quanh bởi các nước NATO ở Biển Baltic và Bắc Cực.

Bình Minh (t/h)

Bình Minh

Published by
Bình Minh

Recent Posts

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

39 phút ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

2 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

3 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

3 giờ ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

3 giờ ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

3 giờ ago