Liên minh Châu Âu (EU) thông báo rằng hôm 1/6 họ đã đệ trình đơn kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). EU cho rằng các chính sách của Trung Quốc phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài và ép các doanh nghiệp này phải chuyển giao tài sản công nghệ của họ cho các đối tác bản địa.

Trong thông cáo báo chí về đơn kiện này, Ủy ban Châu Âu (EC) đã giải thích rằng các công ty của EU đang hoạt động tại Trung Quốc đã buộc phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc của họ. Các doanh nghiệp nước ngoài muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc thường bị ép phải thành lập liên doanh với các công ty nội địa.

Malmstrom
Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom tại một phiên họp của WTO hồi tháng 12/2017. (Ảnh: Juan Mabromata/AFP/Getty Images)

Trong thông cáo báo chí nêu trên, Ủy viên EC phụ trách vấn đề thương mại Cecilia Malmstrom cho hay: “Phát minh và bí mật công nghệ là nền tảng của nền kinh tế tri thức của chúng tôi. Đó là điều giúp các doanh nghiệp của chúng tôi cạnh tranh trên thị trường quốc tế và hỗ trợ hàng trăm ngàn việc làm khắp Châu Âu. Chúng tôi không thể để bất kỳ nước nào ép buộc các công ty của chúng tôi phải từ bỏ tri thức khó đạt được này tại đất nước của họ”. Bà Malmstrom lưu ý rằng những chuyển giao công nghệ như vậy là trái với các quy tắc của WTO, đặc biệt vi phạm Hiệp định của WTO về Các khía cạnh liên quan tới Thương mại của Quyền Sở hữu Trí tuệ được các thành viên ký kết năm 1995.

Trong một khảo sát về niềm tin của doanh nghiệp do Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc thực hiện năm 2017, 17% những người được hỏi đã nói rằng họ bị gây sức ép phải chuyển giao công nghệ của họ. Các doanh nghiệp trong các ngành công nghệ cao như hàng không vũ trụ, máy bay, ôtô và công nghiệp cơ khí chế tạo, đặc biệt cảm thấy sức ép này với hơn 20% người được hỏi nói rằng họ đã bị gây sức ép.

Theo Reuters, trong đơn kiện gửi lên WTO, Ủy ban Châu Âu nhắm mục tiêu vào hai bộ chính sách đặc biệt của Trung Quốc là TIER (các quy định về xuất nhập khẩu công nghệ) và JV (các quy định về liên doanh). Cả hai văn bản này chứa những điều khoản thể hiện phân biệt đối xử với các công ty không phải của Trung Quốc.

Trong đánh giá về thực hành quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã giải thích rằng TIER áp đặt các hạn chế không thuận lợi cho các công ty nước ngoài như yêu cầu tất cả các cải tiến công nghệ thuộc về bên đã thực hiện những cải tiến này. Điều này sẽ cho phép công ty Trung Quốc mà công ty nước ngoài chọn làm đối tác liên doanh sẽ bảo vệ bằng sáng chế bất kỳ cải tiện nào mà liên doanh thực hiện “tách biệt hẳn với phát minh gốc liên quan”, trong khi nhà sáng tạo công nghệ gốc bị ngăn cản không được sử dụng các cải tiến này tại Trung Quốc. Thực thể được cấp phép sở hữu trí tuệ ban đầu cũng không thể hạn chế đối tác Trung Quốc tận dụng công nghệ của mình để thực hiện các cải tiến.

Trong khi đó, các quy định về liên doanh giới hạn các hợp đồng giấy phép công nghệ với thời hạn 10 năm và cho phép liên doanh Trung Quốc được cấp quyền sử dụng công nghệ này vĩnh viễn sau khi hợp đồng giấy phép công nghệ hết hạn, theo báo cáo của USTR.

Trước EU, vào tháng Ba vừa qua, Mỹ cũng đã đệ trình một đơn kiện tương tự lên WTO, cáo buộc Trung Quốc đã và đang “không cho chủ sở hữu bằng sáng chế nước ngoài – trong đó có các công ty Mỹ – có các quyền bằng sáng chế cơ bản ngăn chặn thực thể Trung Quốc sử dụng công nghệ này sau khi hợp đồng cấp phép kết thúc“.

Mỹ gửi đơn kiện Trung Quốc lên WTO sau khi USTR công bố các báo cáo về thực thi thương mại không công bằng của chế độ Bắc Kinh. Việc khởi kiện này là một phần trong một bộ các biện pháp thương mại mà Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ thực hiện để trừng phạt Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ. Vào cuối tháng Năm vừa qua, Mỹ cũng đã thông báo họ sẽ áp thuế nhập khẩu 25% lên các sản phẩm công nghệ Trung Quốc xuất sang Mỹ trị giá 50 tỷ USD hàng năm.

Theo Reuters, sau khi EU chính thức khởi kiện Trung Quốc lên WTO, chế độ Bắc Kinh đã phát đi tuyên bố bác bỏ việc nước này thực thi quyền sở hữu trí tuệ không công bằng.

WTO sẽ tiến hành thương nghị với các bên liên quan trong thời gian 60 ngày. Nếu sau thời gian này, các bên không đạt được bất kỳ giải pháp nào, WTO sẽ thành lập một ủy ban để đưa ra quyết định về vấn đề này.

Xuân Thành

Xem thêm: