Hôm thứ Tư (29/6), NATO đã mời Thụy Điển và Phần Lan tham gia liên minh quân sự. Đây được coi là một trong những thay đổi lớn nhất về an ninh châu Âu trong nhiều thập kỷ, khi Helsinki và Stockholm từ bỏ truyền thống trung lập sau khi Nga xâm lược Ukraine.
30 nước đồng minh của NATO đã đưa ra quyết định nói trên tại Hội nghị thượng đỉnh ở Madrid và cũng đồng ý chính thức coi Nga là “mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của các đồng minh”, theo một tuyên bố chung của Hội nghị.
“Hôm nay, chúng tôi đã quyết định mời Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO”, tuyên bố của các nhà lãnh đạo NATO viết. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bỏ quyền phủ quyết đối với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập.
Sau tuyên bố này, Quốc hội của các nước đồng minh sẽ phải phê chuẩn để việc gia nhập chính thức có hiệu lực, dự kiến có thể mất tới 1 năm. Một khi hoàn thành, Phần Lan và Thụy Điển sẽ được bảo vệ dưới điều khoản phòng vệ tập thể (Điều 5) của NATO.
“Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng chúng tôi có thể bảo vệ tất cả các đồng minh, bao gồm Phần Lan và Thụy Điển,” Tổng thư ký NATO Stoltenberg nói.
Trong thời điểm hiện tại, các đồng minh sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Bắc Âu, tổ chức nhiều cuộc tập trận quân sự và tuần tra hải quân ở Biển Baltic để trấn an Thụy Điển và Phần Lan.
Sau 4 giờ hội đàm tại Madrid hôm thứ Ba, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đồng ý với những người đồng cấp Phần Lan và Thụy Điển về một loạt biện pháp an ninh để cho phép hai nước Bắc Âu vượt qua quyền phủ quyết của Thổ Nhĩ Kỳ mà Ankara áp đặt hồi tháng Năm do lo ngại về chủ nghĩa khủng bố.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được thành lập năm 1949 để phòng thủ trước mối đe dọa từ Liên Xô. Cuộc xâm lược Ukraine ngày 24/2 của Nga đã tạo cho tổ chức này một động lực mới.
“Chúng tôi đang gửi một thông điệp mạnh mẽ tới (Tổng thống Nga Vladimir) Putin: ‘Ông sẽ không thể giành chiến thắng'”, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết trong bài phát biểu.
Các đồng minh cũng nhất trí rằng Nga, vốn trước đây được coi là đối tác chiến lược của NATO, nay được xác định là mối đe dọa chính của NATO.
Tại hội nghị thượng đỉnh, NATO cũng đã đồng ý một gói hỗ trợ dài hạn hơn cho Ukraine, bên cạnh hàng tỷ USD đã cam kết hỗ trợ vũ khí và tài chính.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng vũ khí sẽ tiếp tục được cung cấp cho Kyiv nhằm giúp chế ngự pháo binh Nga, đặc biệt là ở miền đông Ukraine.
Liên minh phương Tây cũng nhất trí rằng các đồng minh lớn như Mỹ, Đức, Anh và Canada sẽ phân bổ trước quân đội, vũ khí và trang thiết bị cho các quốc gia Baltics và tăng cường các cuộc tập trận. NATO cũng đang đặt mục tiêu có tới 300.000 binh sĩ sẵn sàng triển khai trong trường hợp xảy ra xung đột.
Các nhà lãnh đạo phương Tây cho biết Nga đang có được điều ngược lại với những gì Tổng thống Putin đã mong muốn khi phát động cuộc chiến ở Ukraine. Một trong các lý do được đưa ra là chống lại sự mở rộng của NATO.
Xuân Lan (theo Reuters)
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…