Đặc phái viên Hoa Kỳ về Trung Đông Steve Witkoff, Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz, Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Hoàng tử Faisal bin Farhan al-Saud, Cố vấn An ninh Quốc gia Mosaad bin Mohammad al-Aiban, cố vấn chính sách đối ngoại của tổng thống Nga Yuri Ushakov và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tham dự một cuộc họp cùng nhau tại Cung điện Diriyah ở Riyadh vào ngày 18 tháng 2 năm 2025. (Ảnh: EVELYN HOCKSTEIN / POOL / AFP via Getty Images)
Hoa Kỳ và Nga đã bắt đầu các cuộc đàm phán quan trọng vào ngày thứ Ba (18/2) tại Ả Rập Saudi với hy vọng vạch ra một con đường dẫn đến hồi kết cho cuộc chiến kéo dài gần ba năm tại Ukraine.
Tổng thống Trump đã cam kết sẽ chấm dứt cuộc chiến này và buộc cả Moskva lẫn Kiev phải ngồi vào bàn đàm phán.
Cuộc họp kéo dài 4 tiếng rưỡi, không có sự tham dự của các quan chức Ukraine, đánh dấu lần đầu tiên Washington và Moskva trực tiếp thảo luận về những phương cách nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh đẫm máu nhất châu Âu kể từ Đệ Nhị Thế Chiến.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio nhấn mạnh rằng hội nghị cấp cao này chỉ là bước khởi đầu mở ra một tiến trình đối thoại sâu rộng hơn, với sự góp mặt của cả Kiev và Liên Minh châu Âu (EU).
Hiện tại vẫn chưa ấn định lịch trình cụ thể cho các cuộc đàm phán tiếp theo, nhưng có nhiều vấn đề trọng yếu cần phải được thảo luận vào một thời điểm nào đó và liệu các cuộc đàm phán có diễn ra hay không.
Dưới đây là một con đường tiềm năng có thể dẫn đến một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tranh Nga-Ukraine:
Các cuộc đàm phán hòa bình sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập các mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp hơn.
Tại hội nghị thượng đỉnh do Ả Rập Saudi tổ chức, cả Hoa Kỳ và Nga đã đồng thuận về việc khôi phục nhân sự tại các đại sứ quán và tái lập “chức năng của các phái bộ tương ứng của chúng tôi tại Washington và Moskva“, theo lời ông Rubio.
Dù cuộc hội đàm lần này không có sự hiện diện của Ukraine, phía chính quyền của Tổng thống Trump khẳng định rằng Kiev sẽ được mời tham gia vào các vòng đàm phán trong tương lai.
Tổng thống Ukraine Zelensky, ngày thứ Ba (18/2) bày tỏ sự “ngạc nhiên” khi ông không được mời tham dự hội nghị tại Ả Rập Saudi, đồng thời tuyên bố rằng đất nước của ông sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào nếu không có sự hiện diện trực tiếp của nước này trong quá trình đàm phán.
Tuy nhiên, ông Rubio khẳng định rằng không có bên nào bị gạt ra ngoài, đồng thời nhấn mạnh rằng EU cũng cần phải tham gia vào tiến trình này, vì bất kỳ giải pháp nào cũng phải được tất cả các bên chấp thuận.
Phái đoàn ngoại giao của Tổng thống Trump tại Ả Rập Saudi bao gồm Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff. Về phía Nga, phái đoàn bao gồm Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Cố vấn chính sách đối ngoại Điện Kremlin Yuri Ushakov và Giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga, ông Kirill Dmitriev.
Dù vẫn chưa ấn định lịch trình cụ thể cho các cuộc đàm phán tiếp theo, ông Rubio nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump muốn thúc đẩy tiến trình này càng nhanh càng tốt.
Các quan chức quân sự Ukraine tiết lộ với New York Post, dưới điều kiện ẩn danh vì họ không được phép phát biểu chính thức, rằng Nga muốn chấm dứt cuộc chiến tranh vào Ngày Chiến Thắng, tức là ngày 9 tháng 5 năm 2025.
Tổng thống Trump cũng cho biết ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ gặp nhau tại Ả Rập Saudi trong thời gian tới, nhưng các quan chức hai bê nói với báo giới rằng vẫn chưa có lịch trình cụ thể nào được ấn định.
Nga đã nhiều lần viện dẫn viễn cảnh Ukraine gia nhập Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) — một liên minh quân sự gồm 32 quốc gia thành viên — như một cái cớ chính đáng cho hành động quân sự toàn diện của mình trên đất Ukraine vào cuối tháng 2 năm 2022.
Ukraine đã nhiều lần thúc giục NATO chính thức dang tay đón nhận họ, đồng thời NATO cũng từng tuyên bố rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên vào một ngày nào đó, nhưng vẫn chưa đưa ra một lộ trình hoặc thời gian cụ thể để đạt được điều này.
Trong suốt cuộc chiến, Tổng thống Zelensky cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng gia nhập NATO là phương án duy nhất để bảo đảm Nga không thể tấn công Ukraine trong tương lai.
Tuy nhiên, Moskva đã tuyên bố rằng viễn cảnh Ukraine gia nhập NATO sẽ là một “mối đe dọa trực tiếp” đối với chủ quyền của Nga.
“Hôm nay chúng tôi đã giải thích với các đồng nghiệp [Hoa Kỳ] về những gì mà Tổng thống [Vladimir] Putin đã nhiều lần nhấn mạnh: rằng động thái mở rộng của NATO, và động thái sáp nhập Ukraine vào liên minh Bắc Đại Tây Dương, là mối đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Liên bang Nga, [đồng thời cũng] là mối đe dọa trực tiếp đến chủ quyền của chúng tôi”, Ngoại trưởng Lavrov phát biểu sau cuộc đàm phán tại thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi.
Chính quyền Trump, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, cũng nhận định rằng việc Ukraine gia nhập NATO vào thời điểm này là “không thực tế“.
Một chuyên gia phân tích chính trị Ukraine, đồng thời cũng là một sĩ quan đang tại ngũ, nói với New York Post rằng họ đồng tình với quan điểm này.
“Tôi thực sự hiểu tại sao chính quyền này [Trump] lại chọn hướng xây dựng bang giao song phương [với Nga], mà không làm việc với các tổ chức như Liên minh châu Âu hay NATO”, vị sĩ quan Ukraine giấu tên cho biết.
“Nếu [Tổng thống Trump] thiết lập quan hệ trực tiếp với Ukraine, điều đó hoàn toàn có lợi cho chúng tôi, vì làm việc với nền dân chủ châu Âu là [một việc phức tạp] — và từ quan điểm của ông ấy, việc xây dựng mối quan hệ trực tiếp với Ukraine dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều“, vị sĩ quan Ukraine nói tiếp.
Ngay cả Đức cũng đã bày tỏ thái độ do dự trong việc kết nạp Ukraine vào NATO khi quốc gia này vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Theo Politico, ít nhất năm quốc gia thành viên khác — gồm Bỉ, Slovenia, Tây Ban Nha, Hungary và Slovakia — cũng không ủng hộ việc kết nạp Ukraine vào liên minh.
Ngoại trưởng Lavrov cũng tuyên bố tại Riyadh rằng Moskva sẽ không chấp nhận việc NATO triển khai binh sĩ của các quốc gia khác trên lãnh thổ Ukraine.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thảo luận về khả năng duy trì hòa bình tại Ukraine bằng cách triển khai quân đội gìn giữ hòa bình. Thủ tướng Anh Keir Starmer hôm Chủ Nhật (16/2) tuyên bố rằng nước này “sẵn sàng và sẵn lòng” đưa binh sĩ gìn giữ hòa bình tới Ukraine.
“Vì vậy, như chúng tôi đã giải thích vào hôm nay (18/2), việc các lực lượng quân đội của các nước xuất hiện, dù dưới lá cờ [của một quốc gia khác] hay dưới lá cờ của Liên minh châu Âu hoặc dưới danh nghĩa quốc gia, cũng không thay đổi được bản chất của vấn đề. Đây rõ ràng là điều không thể chấp nhận đối với chúng tôi”, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh trong cuộc họp báo sau hội nghị tại Riyadh.
Nếu triển vọng gia nhập NATO không còn khả thi, Tổng thống Zelensky lập luận rằng Ukraine nên được trang bị vũ khí hạt nhân để ngăn chặn Nga xâm lược Ukraine một lần nữa.
Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh rằng đất nước Ukraine đã từ bỏ kho vũ khí hạt nhân vào năm 1994 để đổi lấy những cam kết bảo đảm độc lập từ Nga, Hoa Kỳ và Anh Quốc.
Tuy nhiên, viễn cảnh Kiev sở hữu vũ khí hạt nhân là điều rất khó xảy ra, theo lời ông Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống Trump về hòa bình tại Ukraine, trong một cuộc phỏng vấn với đài Fox News ngày 6 tháng 2.
“Cơ hội để họ sở hữu lại vũ khí hạt nhân là rất mong manh và gần như không tồn tại. Hãy trung thực [về vấn đề này], chúng ta đều hiểu rõ rằng chuyện đó sẽ không xảy ra“, ông Kellogg phát biểu.
Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, tuyên bố rằng bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào cũng phải đề cập đến những bảo đảm an ninh cho Nga, dù ông không nêu rõ những điều kiện sẽ là gì.
“Tất nhiên, đây là một vấn đề không thể tách rời khỏi chủ đề chung về việc giải quyết xung đột tại Ukraine. Đây là một trong những yếu tố [cốt lõi] của chủ đề chung này“, ông Peskov phát biểu trong một cuộc họp báo tại Moskva vào ngày thứ Hai (17/2).
Hiện tại, Nga đang kiểm soát phần lớn khu vực tiền tuyến ở miền Đông Ukraine, bao gồm khoảng 98% khu vực Luhansk và toàn bộ tỉnh Donetsk, vùng đất đã nằm dưới quyền kiểm soát của Moskva từ năm 2014.
Moskva cũng chia sẻ quyền kiểm soát đối với tỉnh Zaporizhia và Kherson với Ukraine — với việc Nga nắm giữ các khu vực phía Nam nhằm tạo ra một hành lang trên bộ nối liền lãnh thổ Nga với Crimea, bán đảo mà Nga đã sáp nhập vào năm 2014.
Ngoài ra, Nga còn kiểm soát một phần nhỏ lãnh thành phố Kharkiv ở phía bắc Ukraine.
Trong khi đó, Ukraine hiện đang nắm quyền kiểm soát khoảng 262 dặm vuông lãnh thổ thuộc tỉnh Kursk của Nga.
Mục tiêu của Kiev là khôi phục đường biên giới trước cuộc xâm lược năm 2014, đồng nghĩa với việc giành lại toàn bộ lãnh thổ miền Đông và bán đảo Crimea.
Các quan chức quân sự Ukraine tiết lộ với New York Post rằng Ukraine sẽ không bao giờ công nhận các vùng lãnh thổ của mình là thuộc Nga. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Kiev có thể sẽ phải chấp nhận mất đi những vùng đất mà Nga đã chiếm được, tương tự như những gì đã xảy ra với Crimea. Đổi lại, toàn bộ các hoạt động chiến sự sẽ chấm dứt— ngay cả ở khu vực Donbass, nơi đã xảy ra chiến tranh từ năm 2014.
Khi được báo giới đặt câu hỏi liệu Nga có sẵn sàng trả lại lãnh thổ cho Ukraine hay không vào hôm thứ Hai (17/2), Ngoại trưởng Lavrov đã gạt bỏ vấn đề này, thay vào đó nhận định rằng việc Ukraine hủy bỏ tiếng Nga là không thể chấp nhận được.
Phát biểu sau hội nghị tại Ả Rập Saudi, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Mike Waltz cho biết vấn đề lãnh thổ và bảo đảm an ninh sẽ phải được đưa vào thảo luận trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình chính thức nào trong tương lai.
“Chúng ta đều biết rằng thực tế khách quan là sẽ có các cuộc thảo luận về lãnh thổ và cũng sẽ có cuộc thảo luận về các bảo đảm an ninh. Đó chính là những nền tảng căn bản, những yếu tố này sẽ hỗ trợ và làm nền tảng cho bất kỳ cuộc thảo luận nào”, ông Waltz tuyên bố.
Moskva đã khẳng định rằng họ sẽ không chấp nhận đánh đổi những phần lãnh thổ bị Ukraine chiếm đóng—như vùng Kursk—mà thay vào đó, họ sẽ đẩy lui quân đội Ukraine bằng các biện pháp quân sự.
Một vấn đề quan trọng khác cần phải giải quyết là các biện pháp trừng phạt kinh tế mà các cường quốc phương Tây áp đặt lên Nga nhằm đáp trả cuộc Moskva xâm lược Ukraine.
Nhiều tập đoàn quốc tế đã rút khỏi thị trường Nga và tẩy chay nước này, khiến nền kinh tế Nga ngày càng bị cô lập khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Phát biểu với báo giới tại hội nghị tại Ả Rập Saudi, ông Marco Rubio cho biết rằng những biện pháp trừng phạt này được áp dụng nhằm đáp trả “cuộc xung đột” này — dường như ngụ ý rằng các lệnh trừng phạt có thể được dỡ bỏ sau khi đạt được thỏa thuận hòa bình.
“Những lệnh trừng phạt này được áp đặt nhằm phản ứng với cuộc xung đột này. Để chấm dứt bất kỳ cuộc xung đột nào, tất cả các bên đều phải nhượng bộ“, ông Rubio tuyên bố.
Ông Rubio cũng nhấn mạnh rằng Liên Minh châu Âu cũng sẽ phải tham gia vào quá trình đàm phán về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, chủ đề dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga đã không được thảo luận trong cuộc hội đàm tại Ả Rập Saudi vào thứ Ba (18/2) vừa qua.
Trước cuộc họp, ông Kirill Dmitriev nói với các phóng viên rằng Nga có thể đạt được một thỏa thuận để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, đồng thời ông sẽ trình bày một bản ước tính đối với các đối tác của mình rằng Hoa Kỳ đã thiệt hại 300 tỷ USD vì tẩy chay Nga.
“Các tập đoàn dầu khí lớn của Hoa Kỳ đã từng có những thương vụ kinh doanh rất thành công tại Nga“, ông Dmitriev nói với tờ New York Times.
“Chúng tôi tin rằng một ngày nào đó, họ sẽ quay trở lại, bởi vì tại sao họ lại từ bỏ những cơ hội mà Nga đã mang đến cho họ trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nga?” ông Dmitriev cho biết.
Sau khi thỏa thuận hòa bình được ký kết, những vấn đề liên quan đến việc duy trì nền hòa bình và công cuộc tái thiết Ukraine sẽ cần phải được quyết định. Các đối tác quốc tế cũng sẽ phải chung tay góp sức vào việc tái thiết Ukraine.
Theo ước tính của Ngân Hàng Thế Giới vào tháng 12 năm 2023, tổng chi phí tái thiết Ukraine trong vòng mười năm tới sẽ lên đến 486 tỷ USD.
Tổng thống Trump chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về việc Hoa Kỳ giúp Ukraine tái thiết, tuy nhiên, ông Trump đã từng bày tỏ quan điểm rằng Ukraine nên trao đổi hàng tỷ USD khoáng sản đất hiếm để đổi lấy sự hỗ trợ tiếp tục từ Hoa Kỳ.
Ngoài ra, những vấn đề khác cũng bao gồm các thay đổi ngôn ngữ tại Ukraine sau thỏa thuận hòa bình, vì người Ukraine đã không còn sử dụng tiếng Nga nữa, trong khi người Nga vẫn tiếp tục thúc đẩy việc sử dụng ngôn ngữ này.
Thiên Vân, theo New York Post
Mức thuế chống phá giá áp dụng với sản phẩm thép cán nóng từ Trung…
Philippines thông báo rằng hành động trấn áp lừa đảo trên Internet của họ đã…
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra tối hậu thư cho Ukraine về việc…
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock lên tiếng cảnh báo rằng châu Âu không…
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Năm (20/2) thông báo rằng họ đã ra lệnh…
Người đàn ông trong video được cho là vừa xin tha cho người vi phạm,…