Tokyo đang gia tăng sức ép lên Bắc Kinh về Biển Đông khi Thủ tướng mới đắc cử của Nhật Bản tìm cách tăng cường quan hệ an ninh trong chuyến công du chính thức đầu tiên của ông trong khu vực.
Đến thăm Hà Nội hôm thứ Hai, ông Yoshihide Suga đã nhất trí với người đồng cấp Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hợp tác trong các vấn đề khu vực, bao gồm cả tuyến đường thủy đang tranh chấp.
Trong một động thái khác khiến Bắc Kinh phải dè chừng, Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi và người đồng cấp Úc Linda Reynolds tại Tokyo đã nhất trí tăng cường hợp tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm cả các hoạt động hàng hải ở Biển Đông.
Phát biểu với giới truyền thông tại Hà Nội hôm 19/10, ông Suga mô tả thỏa thuận với Việt Nam là một “bước tiến lớn trong lĩnh vực an ninh”. Về nguyên tắc, thỏa thuận này có thể chứng kiến việc Nhật Bản xuất khẩu thiết bị và công nghệ quốc phòng, bao gồm máy bay tuần tra và radar cho Việt Nam.
Ông Suga cho biết Việt Nam là “nền tảng” trong các nỗ lực nhằm hiện thực hóa một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” và rằng Nhật Bản sẽ đóng góp vào “hòa bình và thịnh vượng trong khu vực”, Kyodo News đưa tin.
Ông cũng chỉ trích các hoạt động ở Biển Đông “đi ngược lại pháp quyền” – ám chỉ sự hung hăng của Bắc Kinh trong khu vực tranh chấp.
“Điều quan trọng là tất cả các quốc gia liên quan phải nỗ lực hướng tới một giải pháp hòa bình xung đột ở Biển Đông mà không cần dùng đến vũ lực hoặc ép buộc,” ông Suga nói trong bài phát biểu tại một trường đại học ở Hà Nội.
Theo các nhà phân tích, bài phát biểu của ông Suga cho thấy rõ sự thay đổi chiến lược trong Nội các sau 7 năm dưới thời ông Abe.
Bảy năm trước, trong bài phát biểu với tiêu đề “Nhật Bản và ASEAN luôn song hành”, ông Abe chỉ dành một câu đề cập đến các hoạt động hàng hải của Trung Quốc, nói rằng “Tôi rất vui vì ASEAN và Nhật Bản đã vượt ra ngoài quan hệ kinh tế để xây dựng một mối quan hệ đảm nhận trách nhiệm đối với an ninh của khu vực, đặc biệt là tự do hàng hải trên các vùng biển.”
Ngược lại, ông Suga hùng hồn hơn nhiều khi nói về Trung Quốc mà không cần đề cập rõ tên nước này, nói rằng “Tôi ủng hộ mạnh mẽ AOIP (Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương)” theo đó thúc đẩy pháp quyền, cởi mở, tự do, minh bạch như các nguyên tắc ứng xử của ASEAN. Đây là những gì ông Suga ám chỉ đến Trung Quốc.
Ông tiếp tục: “Tôi tin tưởng chắc chắn rằng chúng ta có thể tạo ra một tương lai hòa bình và thịnh vượng cùng với ASEAN với những giá trị chung cơ bản này. Thật không may, ở khu vực này, những diễn biến trái ngược với pháp quyền và sự cởi mở mà Triển vọng ASEAN đề cao đã và đang diễn ra ở Biển Đông. Nhật Bản cực lực phản đối bất kỳ hành động nào làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông”.
Ông Suga đặc biệt nói rằng “Nhật Bản luôn ủng hộ việc duy trì pháp quyền trên biển. Tôi muốn nhấn mạnh lại tầm quan trọng của tất cả các bên liên quan đến các vấn đề Biển Đông để hướng tới giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế thay vì sử dụng vũ lực hoặc ép buộc”. Đây là thông điệp mạnh mẽ nhất của Nhật Bản đối với ASEAN cho đến nay.
Mặc dù cả Thủ tướng Suga và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đều không nhắc tên Trung Quốc trong cuộc họp báo của họ, nhưng rõ ràng Bắc Kinh là “con voi trong phòng” và rằng Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc đạt được tầm nhìn của Nhật Bản về sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, theo ông Kuni Miyake – Chủ tịch Viện Chính sách Đối ngoại và giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Toàn cầu Canon.
Sau Việt Nam, ông Suga đã đến Indonesia. Theo SCMP, các nhà quan sát khu vực cho biết chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị Thủ tướng là một phần trong nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ với Đông Nam Á, nhưng nó cũng làm sáng tỏ sự cạnh tranh giữa Tokyo và Bắc Kinh về tranh chấp lãnh thổ và ảnh hưởng trong khu vực.
Với tư cách là đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á, Nhật Bản đã tìm cách cân bằng một cách thận trọng các mối quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này, và tránh mọi cuộc đối đầu công khai với Bắc Kinh. Tokyo đã do dự trong việc cử tàu chiến tham gia các hoạt động tự do hàng hải do Mỹ dẫn đầu, điều mà Washington cho là một phần trong nỗ lực chống lại các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực nhưng Bắc Kinh cho rằng đang làm tổn hại đến sự ổn định của khu vực.
Lian Degui, chuyên gia về các vấn đề Nhật Bản thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho biết Tokyo không muốn tham gia vào hoạt động tự do hàng hải.
“[Tokyo] muốn tìm cách hợp tác riêng với Mỹ, đó là thực hiện một mức độ hợp tác quân sự nhất định và các cuộc tập trận chung với các quốc gia Đông Nam Á,” ông Lian nói.
“Họ cũng muốn gia tăng sức ép đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông vì tranh chấp của họ [với Bắc Kinh] về quần đảo Điếu Ngư khó có thể được giải quyết,” ông Lian cho biết thêm.
Giới quan sát cho rằng Bắc Kinh nhận thức sâu sắc về áp lực đó trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Washington về Biển Đông và các vấn đề nhạy cảm khác như nhân quyền, Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng.
Li Mingjiang, phó giáo sư Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, lưu ý rằng Trung Quốc đã cạnh tranh với Nhật Bản về viện trợ tài chính và đầu tư ở Đông Nam Á.
Nhưng không rõ liệu các nước Đông Nam Á có xoay trục về phía Mỹ và các đồng minh thay vì Trung Quốc hay không.
Trong cuộc gặp với ông Suga hôm thứ Hai, Thủ tướng Phúc cho biết “Việt Nam hoan nghênh Nhật Bản, một cường quốc toàn cầu, tiếp tục đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và trên thế giới”.
Việt Nam đã tìm cách củng cố mối quan hệ với Nhật Bản cũng như Mỹ, Úc và Ấn Độ trong những năm gần đây trong bối cảnh quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh về Biển Đông vẫn tiếp diễn. Đây là thành viên duy nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á không được các nhà ngoại giao hoặc quan chức quốc phòng Trung Quốc đến thăm trong chuyến đi mới đây nhằm “lôi kéo” ASEAN của Bắc Kinh vào tháng trước.
Nhưng ông Lian nhận định rằng hợp tác an ninh của Hà Nội với Tokyo về Biển Đông khó có thể vượt qua ranh giới đỏ của Bắc Kinh. Ông nói: “Việt Nam không muốn thấy sự đối kháng hoàn toàn của Trung Quốc, và cả hai nước đã đồng ý duy trì sự ổn định. Không một quốc gia Đông Nam Á nào muốn gây nguy hiểm cho mối quan hệ của mình với Trung Quốc thông qua hợp tác với Nhật Bản”, theo SCMP.
Xuân Lan (t/h)
Xem thêm:
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…