Theo các báo cáo và các quan chức Ba Lan, Pfizer đã kiện chính phủ Ba Lan vì cáo buộc nước này không mua 60 triệu liều vắc xin COVID-19 theo hợp đồng đã ký.
Người phát ngôn của Bộ Y tế Ba Lan, bà Iwona Kania, nói với hãng tin địa phương TVN24 hôm thứ Năm (23/11) rằng hơn một năm đàm phán đã không đạt được thỏa hiệp về hàng chục triệu liều thuốc đã ký hợp đồng mà Ba Lan không muốn mua — vì vậy Pfizer đã đệ trình một bản kiến nghị để khởi kiện.
Vụ kiện dân sự của Pfizer, được đệ trình vào đầu tuần này tại Brussels, Bỉ, yêu cầu chính phủ Ba Lan trả khoảng 1,5 tỷ USD cho 60 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer mà chính quyền Ba Lan cho biết năm 2022 họ không còn muốn mua nữa, theo hãng tin Ba Lan Dziennik Gazeta Prawna, hãng tin đầu tiên đưa tin về các điều khoản của vụ kiện.
Các quan chức chính phủ Ba Lan nói rằng họ hy vọng khả năng vụ kiện có thể kết thúc bằng một hình thức giải quyết nào khác. Ba Lan hiện nay dường như đang phải đấu tranh kéo dài 19 tháng để rút lui khỏi thỏa thuận — hoặc sửa đổi các điều khoản của hợp đồng với Pfizer, hoặc tập đoàn dược phẩm này sẽ hướng tới một cuộc chiến tại phòng xử án.
Chính quyền Ba Lan biện hộ cho việc họ từ chối mua số liều vắc xin theo hợp đồng là do gánh nặng tài chính quá lớn mà đất nước này phải gánh chịu do làn sóng người tị nạn từ Ukraine chạy trốn cuộc chiến ở Ukraine.
Ba Lan tiếp nhận nhiều người tị nạn Ukraine hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.
Năm ngoái, Ba Lan đã yêu cầu thay đổi hợp đồng với Pfizer đối với 60 triệu liều vắc xin COVID-19 còn tồn đọng, với lý do có điều khoản “bất khả kháng” trong hợp đồng.
Ba Lan cho biết gánh nặng tiếp nhận hàng triệu người tị nạn từ cuộc chiến Ukraine lân cận, cũng như tác động kinh tế của cuộc xung đột, là lý giải cho việc điều chỉnh lại các điều khoản hợp đồng.
Ông Adam Niedzielski, người đứng đầu Bộ Y tế Ba Lan, nói với cơ quan báo chí PAP Ba Lan vào tháng 4 năm 2022: “Đã có sự thay đổi về tình hình dịch tễ học — mặc dù chủ yếu là do tình hình địa chính trị — và do đó, các hợp đồng cung cấp vắc xin COVID-19 cũng phải thay đổi”.
Sau đó, vào tháng 5 năm 2022, ông Niedzielski đã viết một bức thư ngỏ cho các nhà đầu tư của Pfizer, nói với họ rằng kế hoạch cung cấp hàng trăm triệu liều vắc xin của công ty là vô nghĩa xét từ góc độ nhu cầu sức khỏe cộng đồng và kêu gọi sửa đổi điều khoản “cơ bản” hợp đồng vắc xin.
Kể từ đó, Ba Lan và Pfizer đã đàm phán để tìm ra thỏa hiệp nhưng không đạt được thỏa thuận nào. Người phát ngôn của Bộ Y tế Ba Lan đổ lỗi sự thất bại trong các cuộc đàm phán cho gã khổng lồ dược phẩm.
“Các đại diện của Pfizer đã không đưa ra bất kỳ giải pháp thiết thực nào cho tình huống bất thường này, mặc dù có nhiều tuyên bố rằng họ sẵn sàng đối thoại với Ba Lan và mặc dù có sự đảm bảo rằng họ hiểu tình hình mà chính phủ Ba Lan đang nỗ lực giúp đỡ Ukraine đang sa lầy trong chiến tranh”, bà Kania nói với kênh TVN24.
Người phát ngôn của Pfizer cho biết, ngày xét xử sơ bộ đã được lên lịch vào ngày 6 tháng 12 năm 2023.
Pfizer đã không trả lời yêu cầu bình luận từ The Epoch Times. Tuy nhiên, người phát ngôn của Pfizer nói với Politico rằng công ty đang tìm cách thực thi các điều khoản của thỏa thuận.
“Pfizer và BioNTech đang tìm cách buộc Ba Lan phải tuân thủ các cam kết của mình đối với các đơn đặt hàng vắc xin COVID-19 do Chính phủ Ba Lan đặt ra, như một phần trong hợp đồng cung cấp cho Liên minh Châu Âu được ký vào tháng 5 năm 2021”, người phát ngôn của Pfizer nói với Politico, đồng thời nói thêm rằng đối tác phát triển vắc xin của Pfizer là BioNTech cũng đã tham gia quá trình tố tụng.
Bà Katarzyna Sojka, Bộ trưởng Y tế Ba Lan, nói với TVN24 rằng bà nhìn thấy hy vọng về một “giải pháp tích cực” cho vụ kiện, mặc dù bà nói thêm rằng tình hình rất khó khăn.
Bà Sojka nói, Ba Lan không đơn độc trong tình huống này và rằng có nhiều quốc gia khác thuộc Liên minh Châu Âu cũng gặp phải vấn đề tương tự, mặc dù bà không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Tuy nhiên, sau khi Ba Lan chuyển sang thay đổi các điều khoản trong hợp đồng với Pfizer, một số quốc gia khác ở Trung và Đông Âu cũng làm theo, họ bị mắc kẹt trong việc mua những loại vắc xin mà họ không cần vào thời điểm có nhiều biến động địa chính trị đang gây tổn hại cho họ về mặt kinh tế. Tuy nhiên, Ba Lan là quốc gia duy nhất thực sự từ chối nhận vắc xin của Pfizer.
Yêu cầu song phương nhằm sửa đổi hợp đồng của Ba Lan với Moderna về các liều vắc xin COVID-19 đã ký hợp đồng trước đó đã thành công. Ông Niedzielski nói với các phương tiện truyền thông vào tháng 1 năm 2023 rằng ông đánh giá cao “sự cởi mở và hiểu biết về quan điểm của chúng tôi và cuối cùng, Moderna đã đồng ý sửa đổi hợp đồng.”
Ông nói thêm: “Thật không may, cho đến nay Pfizer vẫn chưa thể hiện được bất kỳ phẩm chất nào trong số này”.
Theo hãng tin Dziennik Gazeta Prawna, lý do Pfizer khởi kiện ở Brussels là vì số liều thuốc này được mua thông qua hợp đồng mua sắm chung ở cấp Liên minh châu Âu (EU), với các hợp đồng được soạn thảo theo luật của EU.
Vào năm 2021, Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, đã ký một hợp đồng lớn với Pfizer để cung cấp tới 1,8 tỷ liều vắc xin COVID-19. Cuối cùng, 1,1 tỷ liều đã được EU mua theo thỏa thuận.
Vào tháng Năm, Ủy ban châu Âu cho biết họ đã đạt được thỏa thuận với Pfizer để sửa đổi các điều khoản của thỏa thuận toàn châu Âu đối với vắc xin ngừa Covid-19, giảm số lượng liều lượng không xác định và dàn trải việc giao hàng. Ba Lan đã từ chối ký vào thỏa thuận sửa đổi đó.
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…