Phần thắng trong ván cờ Mỹ – Trung tại Đông Nam Á sẽ ngả về bên nào?

Do tình hình ở Biển Đông và eo biển Đài Loan ngày càng căng thẳng khiến Đông Nam Á đang trở thành tâm điểm chú ý mới của thế giới. Sau chuyến thăm Đông Nam Á của Phó Tổng thống Mỹ vào tháng trước, Ngoại trưởng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần đây cũng đã đến thăm nhiều nước ASEAN. Epoch Times đã mời các chuyên gia Đài Loan phân tích tình hình, cung cấp góc nhìn về ván cờ giữa Mỹ – Trung tại Đông Nam Á.

Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt hoạt động tại Biển Philippines vào ngày 21/5, sau khi có chuyến thăm tới đảo Guam trong thời điểm đại dịch virus corona. (Ảnh: U.S Navy)

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đến thăm Singapore và Việt Nam vào cuối tháng trước, bày tỏ quan điểm của Mỹ trong ổn định tình hình khu vực, không gượng ép các nước trong lựa chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc. Sau đó, từ ngày 10 – 15/9, Ngoại trưởng ĐCSTQ Vương Nghị đã thăm Việt Nam, Campuchia, Singapore và Hàn Quốc. Khi ông Vương Nghị đến thăm Việt Nam và Campuchia đã hứa tặng 3 triệu liều vắc-xin viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) cho Việt Nam và viện trợ Campuchia 1,75 tỷ nhân dân tệ (khoảng 272 triệu đô la Mỹ). Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã công khai ca ngợi sự hào phóng của ĐCSTQ; nhưng cùng ngày khi chính quyền Việt Nam tiếp ông Vương Nghị, đã ký kết thỏa thuận xuất khẩu thiết bị quốc phòng với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi.

Chuyên gia: Việt Nam được lợi trong cạnh tranh Mỹ – Trung

Ông Chin-Mo Cheng, Chủ nhiệm Khoa Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế của Đại học Tamkang của Đài Loan nhận định đây là một cơ hội trời cho đối với Việt Nam.

Ông phân tích: “Việt Nam ở Biển Đông, một vị trí địa chiến lược rất quan trọng trong toàn bộ chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương. Bởi vì vị trí chiến lược của Việt Nam cũng quan trọng như việc Đài Loan bảo vệ con đường chủ chốt giữa Biển Hoa Đông và Biển Đông. Nếu Việt Nam chuyển hướng thân Mỹ và Nhật Bản, vùng vịnh Cam Ranh của Việt Nam về cơ bản là một cửa ngõ có thể kiểm soát lưu thông từ Biển Đông ra Thái Bình Dương, đặc biệt đó lại là khu vực nước sâu có thể trở thành cửa ngõ quan trọng để kiểm soát sự ra vào của các tàu ngầm ĐCSTQ ở Thái Bình Dương.”

Chuyên gia Chin-Mo Cheng nhấn mạnh rằng chuyến thăm đặc biệt của Vương Nghị tới các nước như Việt Nam, Campuchia… lần này là “vì Đông Nam Á là mảnh ghép cuối cùng để Mỹ và Nhật Bản bao vây ĐCSTQ”.

Ông tin rằng Việt Nam trước đây đã từng là nước hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung: “Cuộc chiến thương mại đã thúc đẩy một số lượng lớn các ngành sản xuất chuyển sang Việt Nam và thúc đẩy GDP của Việt Nam… Hiện nay Mỹ, ĐCSTQ và Nhật Bản đều đang tranh giành lôi kéo Việt Nam”.

Tuy nhiên ông Chin-Mo Cheng không cho rằng Việt Nam sẽ chuyển hướng sang Mỹ một cách triệt để: “Từ góc độ lợi ích quốc gia của Việt Nam thì Trung Quốc là nước láng giềng, lại có thị trường rất lớn, khối lượng thương mại biên giới cũng rất lớn, do đó Việt Nam ở vào tình thế không muốn đắc tội với ai.”

Ông cũng nêu rõ: “Tất nhiên, xét từ góc độ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, về mặt thái độ Việt Nam vẫn có xu hướng ngả theo Mỹ và Nhật Bản. Do đó bước tiếp theo có lẽ sẽ có hiệp thương trong ASEAN liên quan về quy tắc ứng xử ở Biển Đông.”

Ông Chin-Mo Cheng đánh giá rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng ĐCSTQ Vương Nghị có lẽ là một hành trình ngoại giao “vung nhiều tiền”, nhưng tình hình thế nào còn phải chờ đợi.

Còn giáo sư Cheng-fung Lu thuộc Khoa Quốc tế và vấn đề Trung Quốc Đại Lục tại Đại học Kim Môn (National Quemoy University) của Đài Loan cho rằng, Mỹ và ĐCSTQ hiện đã tăng cường nỗ lực để lôi kéo Việt Nam, và Việt Nam đã chọn chiến lược sinh tồn “trung dung giữa hai bên”.

Ông phân tích, “Từ thời Obama Mỹ đã luôn muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam, từ Clinton rồi đến Obama đã đến thăm Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam cũng là nước có tranh chấp ở Biển Đông có xung đột với ĐCSTQ, những năm gần đây cứ 2 năm Mỹ lại có 2 hàng không mẫu hạm đến thăm Việt Nam… Trong đợt dịch năm ngoái, ĐCSTQ đã phát động ngoại giao vắc-xin với các nước Đông Nam Á như Việt Nam”. Giáo sư Cheng-fung Lu nói thêm, “Nhưng gần đây khi đại dịch gay go thì các nước như Malaysia, Singapore và Việt Nam nghi ngờ về tính hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc. Lúc này, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đến Việt Nam và cung cấp thêm vắc-xin cho Việt Nam. Sau đó ông Vương Nghị cũng đến để tặng thêm vắc-xin cho Việt Nam.”

Ông tin rằng điều này là do cả Mỹ và Trung Quốc đều đang đẩy mạnh lôi kéo Việt Nam: “Từ chính quyền Trump đến chính quyền Biden hiện tại, ngày càng nhiều doanh nhân Mỹ và Đài Loan rời Trung Quốc và đến Việt Nam, vì nhân lực và đất đai của Việt Nam rẻ hơn so với ở Trung Quốc Đại Lục… Vì vậy, hiện nay ASEAN mà đặc biệt là Việt Nam đã trở thành thành trì quan trọng để Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh.”

Phân tích: Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản trong thế cuộc Đông Nam Á

Trước những thay đổi của tình hình Đông Nam Á, ông Chin-Mo Cheng cho rằng trước đây Mỹ đã bỏ bê Đông Nam Á: “Sau khi thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đặc biệt là sau cuộc đàm phán 4 bên giữa Mỹ, Nhật Bản, Úc, và Ấn Độ, vị thế của Đông Nam Á đột nhiên trở nên quan trọng. Điều này gắn liền với tình hình quốc tế chung.”

Ông phân tích: “Hiện nay tình hình đối đầu Mỹ – Trung rất rõ ràng. EU có lẽ đang ủng hộ Mỹ, còn Trung Đông giờ là một vấn đề khác. Đông Nam Á trở nên đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến giữa các bên trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.”

Ông Chin-Mo Cheng chỉ ra, ĐCSTQ đang thúc đẩy cơ hội [nhằm chiếm lợi thế trước Mỹ], “Dịch bệnh hiện nay đã mang lại cơ hội ngoại giao vắc-xin. Mặc dù Tổng thống Mỹ Biden đã nói rằng sẽ tặng lô 25 triệu liều vắc-xin đầu tiên cho thế giới, trong đó 7 triệu liều dành cho các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, ĐCSTQ hiện đã đưa ra những điều kiện tốt hơn, thậm chí còn trực tiếp sản xuất vắc-xin ở các nước Đông Nam Á.”

“Ngoài ra, ĐCSTQ cũng đã sử dụng nguồn tài chính lớn qua cái gọi là đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông để lôi kéo các nước ASEAN, ít nhất là để ngăn họ tham gia vào chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm kiềm chế ĐCSTQ. Đây là ý định của ĐCSTQ hiện nay.”

Tuy nhiên ông Chin-Mo Cheng cảnh giác: “ĐCSTQ có tranh chấp lãnh thổ với Philippines và Việt Nam. Còn Nhật Bản tiếp theo có thể cung cấp hỗ trợ cho các nước Đông Nam Á như Đài Loan và tham gia cuộc cạnh tranh tại khu vực Đông Nam Á. Do đó, tương lai ĐCSTQ, Mỹ và Nhật Bản sẽ ở Đông Nam Á, e rằng còn nhiều ‘chương trình hay’ để xem.”

Ông lưu ý về chú trọng của Nhật Bản đối với Đông Nam Á: “Nhật Bản luôn thăm dò thị trường ở các nước Đông Nam Á, nhiều sản phẩm công nghiệp xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. Nhật Bản cũng phối hợp với Mỹ trong kế hoạch về sông Mê Kông, đẩy mạnh viện trợ những nước Đông Nam Á phát triển khu sông Mê Kông… Vài năm qua khi ĐCSTQ tăng cường triển khai quân sự ở Biển Đông, Nhật Bản đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á và tăng cường hợp tác an ninh. Vì vậy Nhật Bản cũng đã hỗ trợ Việt Nam mua tàu tuần dương và đào tạo nhân lực. Không chỉ Việt Nam, Nhật Bản cũng tăng cường hỗ trợ Philippines.”

Giáo sư Cheng-fung Lu chỉ ra: “Bản thân các nước ASEAN cũng có những sáng kiến ​​hợp tác an ninh hàng hải. Trong hơn 10 năm qua, họ đã tổ chức các cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng và tiến hành các cuộc tập trận trên biển. Họ cũng đã mời các nước ngoài khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, và Mỹ, Anh, Pháp và Đức tham gia. Đây chính là phát triển địa chiến lược trên khắp Biển Đông.”

Bên nào thắng trong cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ ở Đông Nam Á

Về cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ ở Đông Nam Á, giáo sư Chin-Mo Cheng cho rằng phải chờ xem xét tình hình “vì các nước Đông Nam Á luôn ở thế lơ lửng giữa các cường quốc”.

Ông chỉ ra mối quan hệ giữa các nước Đông Nam Á với Trung Quốc chặt chẽ và phức tạp: “Có vấn đề cạnh tranh về nguồn nước, nhưng cũng hợp tác trao đổi nhân sự và kinh doanh. Do vậy, nếu các nước Đông Nam Á cắt đứt ở mức độ lớn với Trung Quốc thì không phù hợp lợi ích của các nước này. Vì vậy, các nước Đông Nam Á luôn ở thế lơ lửng giữa Trung Quốc và Mỹ, hy vọng áp dụng một chính sách đối ngoại độc lập phù hợp nhất với lợi ích quốc gia của họ.”

Tuy nhiên, ông Chin-Mo Cheng chỉ ra: “Về an ninh, các nước Đông Nam Á vẫn sẽ dựa vào Mỹ và Nhật Bản. Ngoài ra, Việt Nam và Nga cũng là đồng minh truyền thống. Ví dụ, khi Việt Nam có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc thì Nga ủng hộ Việt Nam và bán vũ khí cho Việt Nam. Nhưng về thương mại, không một nước Đông Nam Á nào, kể cả Việt Nam, sẵn sàng từ bỏ thị trường Trung Quốc, không thể cưỡng lại sự cám dỗ [của thị trường Trung Quốc]. Vì vậy, tôi tin rằng Đông Nam Á sẽ tìm kiếm sự cân bằng giữa hai quyền lực của Trung Quốc và Mỹ.”

Giáo sư Cheng-fung Lu có xu hướng tin rằng, “Mặc dù Đông Nam Á từ lâu đã là vùng ảnh hưởng của ĐCSTQ, nhưng hiện nay Mỹ đang quay trở lại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để chống lại quyền bá chủ khu vực của ĐCSTQ.”

Ông đưa ra ví dụ, Việt Nam cũng như Triều Tiên là đồng minh cộng sản của ĐCSTQ và phải chịu thân phận ở thế yếu, thường trực sống trong vùng ảnh hưởng của ĐCSTQ. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã có những trận hải chiến với ĐCSTQ và cạnh tranh với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo, vì Việt Nam thấy rõ ĐCSTQ bành trướng ở Biển Đông vi phạm vùng biển của Việt Nam nên không hài lòng về điều này. “Một khi có những nước mạnh như Mỹ và Nhật Bản sẵn sàng can thiệp thì Việt Nam sẽ sử dụng viện trợ nước ngoài như một con bài mặc cả để đàm phán với ĐCSTQ, đây là một chiến lược đu dây, một chiến lược để các nước nhỏ có thể tồn tại trong thế kìm kẹp giữa các cường quốc.”

Giáo sư Cheng-fung Lu nhấn mạnh, “Mối quan hệ giữa Việt Nam và ĐCSTQ khá tế nhị, nhưng trong sự tế nhị này, Việt Nam cũng dần bộc lộ những bất mãn tích tụ đối với ĐCSTQ đã kéo dài.”

Nhưng ông cảm thấy, “Ngay cả khi Mỹ muốn tăng cường hợp tác và phát triển quân sự với Việt Nam thì cũng khó để Việt Nam sẽ tham gia đối thoại an ninh 4 bên của Mỹ và Nhật Bản. Chiến lược của Mỹ có thể không phải là cách tiếp cận trực tiếp và một chiều đối với Việt Nam mà muốn thông qua Nhật Bản, Úc và Ấn Độ trong tăng cường trao đổi với Việt Nam nhằm thúc đẩy toàn bộ đối thoại an ninh 4 bên cùng lôi kéo Việt Nam.”

Giáo sư Cheng-fung Lu cũng phân tích vị trí của các nước khác trong cạnh tranh Trung – Mỹ. Ông nói: “Hàn Quốc sẽ có bầu cử vào năm tới. Nếu đó là một chế độ thân Mỹ thì họ cũng có thể lôi kéo Việt Nam. Tổng thống Philippines đương nhiệm Duterte vốn trước đây không thân thiện với Mỹ, nhưng gần đây đã khôi phục lại thỏa thuận quân sự với Mỹ, muốn sử dụng vũ lực của Mỹ để ngăn chặn các hành động gây hấn của ĐCSTQ ở Biển Đông. Nhưng vào năm tới Philippines sẽ bầu một tổng thống mới, phải xem tình hình khi đó sẽ như thế nào.”

Ông nhận định, thực tế Mỹ luôn muốn lôi kéo các nước Đông Nam Á: “Tôi cho rằng sau đại dịch COVID-19 thì Đông Nam Á sẽ trở thành một chiến trường khác bên ngoài EU trong cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ”, “Vốn dĩ lâu nay, Đông Nam Á là phạm vi ảnh hưởng của ĐCSTQ, còn ĐCSTQ cũng đã hỗ trợ rất nhiều cho các nước Đông Nam Á. Vì vậy hiện nay, Mỹ có thể nhắm mục tiêu đến các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia và Philippines, có thể sẽ tăng cường dần lên. Chuyến thăm của bà Kamala Harris tới Singapore và Philippines là khởi đầu mang tính biểu tượng.”

Theo Tử Minh, Epoch Times

Xem thêm:

Tử Minh

Published by
Tử Minh

Recent Posts

Mỹ cân nhắc thay đổi chiến lược răn đe hạt nhân

Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…

5 giờ ago

Đồng minh của ông Trump: Ukraine có thể giúp nước Mỹ giàu có

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…

5 giờ ago

Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ di sản văn hóa các dân tộc thiểu số

Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…

12 giờ ago

Kinh tế tuần 18-22.11: Vàng tăng phi mã, tỷ giá kịch trần

Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…

14 giờ ago

Trung Quốc tăng gấp ba lần lượng uranium nhập khẩu từ Nga

Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…

15 giờ ago

Luật sư nhân quyền TQ kể chuyện bị tra tấn bức hại vì ủng hộ Pháp Luân Công

Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…

15 giờ ago