Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông đã thành lập một lực lượng cảnh sát dự bị để can thiệp vào Belarus nếu cần thiết, nhưng nhấn mạnh thời điểm đó vẫn chưa đến.
Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Nga, ông Putin cho hay Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko “đã yêu cầu tôi thiết lập một lực lượng cảnh sát dự bị” và “tôi đã làm thế”.
“Chúng tôi cũng đồng ý rằng lực lượng cảnh sát này sẽ không được sử dụng cho đến khi tình hình vượt quá tầm kiểm soát,” ông Putin nói.
Việc ông Lukashenko tái cử ngày 9 tháng 8 đã gây ra một làn sóng biểu tình rộng khắp Belarus.
Ít nhất 13 nhà báo, trong đó bao gồm nhóm nhà báo BBC, đã bị giam giữ tách biệt ở trung tâm thủ đô Minsk trước khi nổ ra cuộc biểu tình lớn được lên kế hoạch sẵn.
Bộ Nội Vụ cho biết 13 nhà báo trên đã bị đưa đến đồn cảnh sát để kiểm tra danh tính. Tuy vậy phóng viên Steven Rosenberg đài BBC nói rằng hành động này là một “nỗ lực rõ ràng nhằm can thiệp vào việc đưa tin chân thực về các sự kiện.”
Tổng thống Putin tuyên bố Nga có nghĩa vụ hỗ trợ Belarus về các vấn đề an ninh trong khuôn khổ liên minh chặt chẽ của hai nước. Ông đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ gần gũi sâu sắc về văn hóa, các dân tộc và ngôn ngữ giữa hai quốc gia.
Ông cho hay lực lượng cảnh sát mới sẽ không tiến vào Belarus trừ khi “các phần tử cực đoan lợi dụng khẩu hiệu chính trị làm vỏ bọc để đi quá giới hạn và bắt đầu tiến hành cướp có vũ trang, phóng hỏa thiêu rụi nhà cửa, ô tô, ngân hàng và âm mưu chiếm giữ các tòa nhà chính phủ, vv…”
Putin nói thêm rằng “về tổng thể, tình hình bây giờ đang dần ổn định”.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki lên án tổng thống Nga đang muốn lợi dụng việc khôi phục ổn định ở Belarus để làm bình phong che giấu hành động thù địch vi phạm luật pháp quốc tế.
Ông Morawiecki yêu cầu Putin rút kế hoạch xâm phạm Belarus ngay lập tức.
Nga và Belarus là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, trong bao gồm một số quốc gia hậu Xô Viết.
Hai quốc gia đã thành lập một liên minh vào năm 1996 nhằm thúc đẩy hội nhập sâu rộng hơn cũng như đảm bảo cho công dân quyền làm việc và cư trú tự do ở cả hai quốc gia.
Ông Putin không cho biết thông tin gì về “lực lượng cảnh sát dự bị” của mình. Các nhà phân tích chỉ có thể đưa ra suy đoán.
Dưới đây là bình luận của Sarah Rainsford, một nhà phân tích từ Moscow:
“Tổng thống Putin đang muốn tăng cường hành động để bảo vệ lợi ích tại Belarus. Điều này được thể hiện rõ ràng trong lời tuyên bố cách đây không lâu của Alexander Lukashenko rằng Nga sẽ can thiệp để giúp ông ta, bằng vũ lực, nếu tình hình trở nên tồi tệ.
Putin chưa xác định ông ta sẽ thành lập và sử dụng lực lượng nào, và trong tình huống xấu như nào ở Belarus. Tuy nhiên, cụm từ “các nhân viên thực thi pháp luật” mà Putin nêu ra không có nghĩa là cảnh sát đường phố bình thường.
Thuật ngữ này có hàm ý bao phủ rộng hơn nhiều, bao gồm cảnh sát chống bạo động, Vệ binh quốc gia (Rosgvardia) và thậm chí cả đặc vụ liên bang (FSB). Do đó, khả năng Nga sẽ can thiệp hiện đang là một mối đe dọa tiềm tàng đối với cả các lãnh đạo đối lập ở Belarus, những người biểu tình, và đối với cả phương Tây.
Ông Putin cũng đã nhấn mạnh mối quan hệ đặc biệt giữa Minsk và Moscow – các liên kết về sắc tộc, gia đình cũng như kinh tế.
Ông đã hơn một lần bày tỏ nước Nga quan tâm đến những sự kiện diễn ra ở sát biên giới Nga. Tổng thống giải thích trước lo ngại từ những người biểu tình rằng lực lượng dự bị sẽ không đổ ra đường nếu như không có vấn đề gì.
Nhưng nhìn chung, đây là một tuyên bố ủng hộ Tổng thống Lukashenko. Sự thực là Nga đang chống lưng cho chính quyền Belarus.”
EU và Mỹ đã bác bỏ kết quả của bầu cử ngày 9 tháng 8 tại Belarus do tổ chức thiếu minh bạch, hạn chế tự do bỏ phiếu và không công bằng.
EU đang lên các biện pháp trừng phạt chống lại các quan chức bị cáo buộc gian lận kết quả bỏ phiếu để giúp Lukashenko tái cử cũng như đàn áp phong trào đối lập.
Quy mô của các cuộc biểu tình ở thủ đô Minsk là chưa từng có sau khi Lukashenko tuyên bố chiến thắng nhiệm kỳ thứ sáu, sau 26 năm làm tổng thống. Chiến thắng áp đảo với 80% phiếu.
Trong khi đó, Lukashenko khởi động cuộc điều tra hình sự đối với Hội đồng Điều phối của phe đối lập với cáo buộc âm mưu chiếm quyền.
Thủ lĩnh phe đối lập nổi bật nhất ở Belarus là Maria Kolesnikova, đã bị các công tố viên thẩm vấn. Khi bước chân vào tòa nhà ủy ban điều tra ở Minsk, người biểu tình vỗ tay ủng hộ khi bà kêu gọi họ đừng bỏ cuộc.
Một người khác cũng bị thẩm vấn là nhà văn đoạt giải Nobel văn học Svetlana Alexievich. Bà tuyên bố từ chối trả lời câu hỏi, và nói hoạt động của Hội đồng là hoàn toàn hợp pháp.
Hội đồng Điều phối được lập ra bởi Svetlana Tikhanovskaya – ứng viên hàng đầu của phe đối lập để cạnh tranh với Lukashenko. Tikhanovskaya hiện đang sống lưu vong ở nước láng giềng Lithuania.
Hoa Minh
Xem thêm:
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…