Quốc hội Indonesia hôm thứ Năm (22/8) đã hoãn phê chuẩn các thay đổi đối với luật bầu cử trong bối cảnh xảy ra các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố. Các cuộc biểu tình nổ ra để phản đối dự luật thay đổi luật bầu cử được cho là nhằm củng cố ảnh hưởng chính trị của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko Widodo.
Giải thích về việc này, nhà lập pháp Habiburokhman nói với các phóng viên bên ngoài tòa nhà quốc hội rằng phiên họp toàn thể để thông qua các thay đổi đã bị trì hoãn do không đủ số lượng đại biểu.
Không rõ liệu quốc hội Indonesia có họp toàn thể lại để thông qua luật trước khi các khu vực bầu cử mở đăng ký vào thứ Ba tuần tới hay không.
Quốc hội đã lên kế hoạch phê chuẩn luật có các thay đổi sẽ đảo ngược phán quyết của tòa án hiến pháp đã được công bố vào đầu tuần này. Các thay đổi luật này sẽ ngăn chặn một nhà phê bình chính phủ lớn tiếng tham gia cuộc đua giành chức thống đốc Jakarta, vị trí có tầm ảnh hưởng chính trị, đồng thời mở đường cho con trai út của ông Widodo ra tranh cử tại đảo Java vào tháng Mười Một năm nay.
Tòa án Hiến pháp Indonesia hôm thứ Ba (20/8) đã ra phán quyết thu hồi yêu cầu ngưỡng tối thiểu để đề cử các ứng cử viên trong các cuộc bầu cử khu vực và giữ nguyên giới hạn độ tuổi tối thiểu là 30 đối với các ứng cử viên.
Phán quyết đó thực chất đã ngăn chặn con trai út 29 tuổi của tổng thống Widodo ra tranh cử chức phó thống đốc ở Trung Java, và sẽ cho phép ông Anies Baswedan, ứng cử viên hiện đang được ưa chuộng, ra tranh cử chức thống đốc Jakarta.
Nhưng chỉ trong vòng 24 giờ sau phán quyết của tòa, quốc hội đã đệ trình một bản sửa đổi khẩn cấp để lật ngược quyết định đó.
Hầu hết các đảng, ngoại trừ Đảng Dân chủ Đấu tranh (PDI-P), đã đồng ý sửa đổi luật bầu cử.
Quốc hội Indonesia hiện do một liên minh lớn thống trị. Liên minh này liên kết với tổng thống sắp mãn nhiệm Widodo và tổng thống tân cử Prabowo Subianto.
Cuộc đấu tranh quyền lực giữa nhánh lập pháp và nhánh tư pháp diễn ra trong bối cảnh một tuần diễn biến chính trị đầy kịch tính ở nền dân chủ lớn thứ ba thế giới và trong giai đoạn cuối của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Widodo.
Ông Widodo hôm thứ Tư (21/8) đã hạ thấp mối quan ngại, khi nói rằng, phán quyết của tòa án và các cuộc thảo luận của quốc hội là một phần của tiêu chuẩn “kiểm tra và đối trọng“.
Bộ Nội vụ Indonesia cho biết những thay đổi luật này là nhằm mục đích mang lại sự chắc chắn về mặt pháp lý.
Hơn 1.000 người biểu tình hôm thứ Năm (22/8) đã tụ tập bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Jakarta và nhiều thành phố khác ở đảo Java, một số người cầm biểu ngữ cáo buộc ông Widodo phá hoại nền dân chủ.
Theo một đoạn video trên Kompas TV, các nhà chức trách đã bắn hơi cay vào những người biểu tình ở Semarang.
Các chuyên gia pháp lý và các nhà phân tích chính trị đã mô tả cuộc đấu tranh quyền lực tại Indonesia bây giờ đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng hiến pháp.
Nhà phân tích bầu cử Titi Anggraini mô tả động thái này là “sự bất tuân hiến pháp“.
Các cuộc biểu tình trên đường phố nổ ra sau làn sóng chỉ trích trực tuyến. Trên mạng xã hội gần đây tràn lan những tấm áp phích màu xanh có dòng chữ “Cảnh báo Khẩn cấp” bên trên quốc huy biểu tượng chim đại bàng của Indonesia.
Đồng rupiah và chỉ số chứng khoán chính của Jakarta giảm mạnh vào giữa trưa thứ Năm (22/8) do lo ngại về các cuộc biểu tình cũng như thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng gia tăng tại Indonesia.
Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của một tên lửa đạn…
Hôm Chủ nhật (24/11), thủ đô Islamabad của Pakistan đã bị phong tỏa vì lý…
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cam kết tăng cường lưu lượng…
Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…
Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…
Theo một báo cáo của Tạp chí Nature đăng vào ngày 8 tháng 11, hành…