Thế Giới

Suy đoán 4 tình huống trong quan hệ Mỹ-Trung trong thập niên tới

Gần đây một số tổ chức tư vấn ở Mỹ và Trung Quốc đã nghiên cứu chung để tính toán phương hướng của quan hệ Mỹ-Trung trong 10 năm tới. Nghiên cứu dự đoán trong bối cảnh gia tăng bất ổn, mối quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai sẽ bao gồm 4 tình huống: “trôi theo xu hướng”, “leo thang chiến tranh”, “chia tách toàn diện”, và “chia tách chọn lọc”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại San Francisco hôm 15/11. (Ảnh cắt từ video)

Trong 10 năm tới, những thách thức và cơ hội do kinh tế, địa chính trị, khoa học công nghệ mang lại vẫn sẽ là những yếu tố bên ngoài quan trọng ảnh hưởng đến phương hướng quan hệ Mỹ-Trung. Trước những bất định trong thập niên tới, hôm 19/1 tại Viện Brookings ở Washington có nhiều chuyên gia Mỹ và Trung Quốc đã tập trung để thảo luận về mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Viện Grandview, một tổ chức nghiên cứu độc lập nổi tiếng về Trung Quốc và Quỹ PAX của Mỹ (PAX sapiens) gần đây đã công bố một nghiên cứu chung về phương hướng quan hệ Mỹ-Trung. Nghiên cứu có tựa đề “Quan hệ Mỹ-Trung trước năm 2035 và tác động của nó đối với trật tự toàn cầu” cho thấy có bốn khả năng tiềm tàng, đó là “trôi theo xu hướng”, “leo thang chiến tranh”, “chia tách toàn diện”, “chia tách chọn lọc”.

Theo đó: Trong kịch bản “trôi theo xu hướng” là Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục xích mích, tranh chấp trên nhiều mặt trận; trong kịch bản “leo thang chiến tranh”, khi cam kết của Mỹ với Đài Loan ngày càng gia tăng và lập trường của Trung Quốc đối với Đài Loan ngày càng cứng rắn hơn, khiến các bên liên quan leo thang xung đột chính trị, tiềm ẩn tình huống bất trắc dẫn đến xung đột quân sự; trong kịch bản “chia tách toàn diện”, Mỹ và Trung Quốc sẽ hình thành các khối địa chính trị cạnh tranh và đối đầu nhau trên các lĩnh vực quân sự, kinh tế và ngoại giao; trong kịch bản “chia tách có chọn lọc”, hai nước sẽ tiến hành tách rời có chọn lọc nhưng vẫn duy trì hợp tác thông qua các mạng lưới toàn cầu phức tạp.

Hôm thứ Sáu tại Viện Brookings, Phó chủ tịch điều hành Quỹ PAX  là Conor Seyle nhấn mạnh: “Mặc dù chúng tôi không đề xuất một giải pháp cụ thể nào cho tranh chấp Đài Loan, nhưng vai trò trung tâm của Đài Loan trong cuộc đối thoại của chúng tôi đã cho thấy rất rõ đây là yếu tố chính của xung đột trong quan hệ quan hệ 2 nước”.

Người sáng lập và chủ tịch của Grandview là ông Nhậm Lực Ba (Ren Libo) cho biết, cạnh tranh và hợp tác hạn chế đã trở thành điều bình thường mới trong quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai, hai nước sẽ khó quay trở lại hợp tác sâu rộng dựa trên tin tưởng lẫn nhau như trong quá khứ.

“Cho dù đó là các nhà hoạch định chính sách, cơ quan thực thi chính sách, cơ quan kinh tế hay các tổ chức tư vấn của Trung Quốc, họ đều tin rằng trạng thái bình thường mới trong quan hệ Trung-Mỹ đã hình thành và có thể duy trì trong thời gian dài”, ông cho hay, “So với Mỹ, thái độ của Trung Quốc đối với Mỹ linh hoạt hơn, Trung Quốc vẫn tin rằng quan hệ Trung-Mỹ là quan hệ đối ngoại quan trọng nhất trên thế giới, Chính phủ Trung Quốc có thái độ tương đối cởi mở với bất kỳ cơ hội nào có thể cải thiện quan hệ Trung-Mỹ, so với Mỹ thì họ lạc quan và tự tin hơn về khả năng cải thiện quan hệ Trung – Mỹ trong tương lai”.

Ông Nhậm Lực Ba cũng phân tích rằng, cái gọi là trò chơi có tổng bằng 0 mà Mỹ lún vào đã giới hạn đánh giá của Mỹ về mối quan hệ với Trung Quốc. Ông đề cập rằng chính sách đối ngoại trước đây của Trung Quốc thụ động hơn, nhưng Hội nghị Công tác Đối ngoại Trung ương mới tổ chức gần đây đã đưa ra một tín hiệu quan trọng rằng chính sách đối ngoại trong tương lai của Trung Quốc sẽ cởi mở, cân bằng và đa dạng hơn. Ông tin rằng sự điều chỉnh này có thể cho phép Mỹ và Trung Quốc phát hiện ra nhiều lợi ích chung hơn, từ đó ảnh hưởng đến mức độ hành động.

Còn chuyên gia Dennis Wilder về các vấn đề Trung Quốc tại Đại học Georgetown – Mỹ chỉ ra rằng, từ quan điểm của Mỹ, Mỹ chú ý nhiều hơn đến các biến số chính ảnh hưởng đến quan hệ song phương trong tương lai, như điều kiện kinh tế của Trung Quốc, sự gắn kết của giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc, khả năng quân sự và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Quốc cũng như tầm nhìn chiến lược của ông Tập Cận Bình.

“Tôi nghĩ Trung Quốc trong tương lai có ba điều không thể thay đổi: một là mục tiêu thống nhất đất nước, bất kể người lãnh đạo là ai hay hệ thống chính trị là gì, thống nhất đất nước sẽ là mục tiêu cốt lõi của Trung Quốc; thứ hai là mục tiêu cuối cùng thống nhất Đài Loan, đây là điều không còn nghi ngờ gì, dù ai lãnh đạo hay thể chế chính trị gì thì mục tiêu này vẫn luôn nhất quán; thứ ba, tất nhiên là bảo đảm quyền lực cai trị liên tục của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng tình hình bây giờ có thể sẽ rất khác”.

Chuyên gia Patricia M. Kim về quan hệ Mỹ-Trung tại Viện Brookings phân tích rằng 4 kịch bản trên không độc lập với nhau. Bà cho hay: “Bốn kịch bản này thực sự có khá nhiều điểm trùng lặp và nhiều hiện tượng được mô tả là độc nhất ở kịch bản này hay kịch bản kia thực sự đã diễn ra ở hiện tại. Nghiên cứu nhắc đến đặc trưng của quan hệ Mỹ và Trung Quốc: hoặc là căng thẳng liên tục, hoặc tách rời chiến lược, hoặc hợp tác chênh vênh, hoặc thù địch nhau. Nhưng trên thực tế, tôi nghĩ rằng tất cả các yếu tố đều đã hiện diện trong mối quan hệ (Mỹ-Trung). Tôi nghĩ mối quan hệ Mỹ-Trung từ năm 1949 đến nay đã luôn tồn tại các yếu tố: căng thẳng, tách rời, hợp tác chênh vênh, và thậm chí là thù địch”.

Bà Patricia M. Kim cũng chỉ ra rằng, trừ khi có những thay đổi lớn trong tình hình trong nước của hai nước, nếu không mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong 10 năm tới phần lớn sẽ chìm trong tình trạng xung đột cạnh tranh. Bà cũng nhấn mạnh thực tế thiếu sự tin tưởng lẫn nhau giữa quan chức và người dân hai nước sẽ đẩy quan hệ vào tình thế nguy hiểm. Nếu sự cố khinh khí cầu do thám tương tự xảy ra lần nữa hoặc căng thẳng ở eo biển Đài Loan hay Biển Đông leo thang, có thể gây ra một cuộc khủng hoảng mà không nhà lãnh đạo nào có thể dễ dàng xoa dịu, bởi lãnh đạo hai nước cũng đang phải đối mặt với áp lực nội bộ.

Theo Kinh Vĩ, RFA

Kinh Vĩ

Published by
Kinh Vĩ

Recent Posts

Bộ Tư pháp Mỹ đề xuất chặn chuyển dữ liệu nhạy cảm sang Trung Quốc, Nga, Iran

Bộ Tư pháp Mỹ đang đề xuất các quy định mới sẽ hạn chế khả…

9 phút ago

4 dưỡng chất thiết yếu giúp tăng sức mạnh não bộ

Sức khỏe não bộ rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của chúng…

37 phút ago

TQ: Hàng trăm nhân viên y tế ở Quảng Đông giơ biển đòi lương

Mới đây, hàng trăm nhân viên y tế tại một bệnh viện công ở Quảng…

49 phút ago

Quảng Ngãi: Công ty thủy điện xây 64 trụ điện cao thế trái phép để bán điện

Công ty Đạt Phương Sơn Trà xây 64 trụ điện cao thế khi “không có…

55 phút ago

TQ: Trưởng thị trấn Giang Tây bị dân làng đâm chết khi đang đi khảo sát

Trưởng thị trấn Sơn Trang, Cát An, tỉnh Giang Tây, đã bị một người dân…

1 giờ ago

Truy vết ‘cuộc chiến nhận thức’ của ĐCSTQ qua tài liệu rò rỉ của công ty hacker Trung Quốc

Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Nhật Bản (NHK) đã có phóng sự nhằm truy…

1 giờ ago