Một thẩm phán tại New York hôm thứ Ba (30/7) đã bác đơn đảng Dân chủ kiện chiến dịch Trump thông đồng với Nga và WikiLeads để gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Theo Reuters, Thẩm phán John Koeltl của Tòa án Quận tại Manhattan, New York hôm 30/7 tuyên bố rằng ông không thể chấp nhận yêu cầu chống lại chính phủ Nga – bị đơn trọng tâm của vụ kiện – bởi vì theo nguyên lý pháp lý Mỹ các chính phủ nước ngoài được hưởng quyền miễn trừ các vụ kiện tại Mỹ.
Trong văn bản trình bày ý kiến của mình, Thẩm phán John Koeltl viết: “Các nhánh hành pháp và lập pháp mới là bên đáp trả các hành động thù địch do các chính phủ nước ngoài gây ra bằng các hành động nhà nước, trong đó có các biện pháp trừng phạt.”
Thẩm phán Koeltl cũng nói rằng việc buộc WikiLeads và chiến dịch Trump chịu trách nhiệm cho việc phát tán các thư điện tử bị tấn công mạng sẽ vi phạm Tu chính Án Một của Hiến pháp Hoa Kỳ về tự do ngôn luận. Trong năm 2016, hệ thống máy tính của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) đã bị tấn công mạng và WikiLeads đã công bố các bức thư của DNC.
Phản ứng với tuyên bố của Thẩm phán John Koeltl, Tổng thống Trump đăng tweet nói rằng phán quyết này tiếp tục là “sự bảo vệ và giải tội tổng thể và hoàn toàn” cho ông và chiến dịch tranh cử của ông. Phát ngôn lần này của ông Trump là đồng điệu với những lời lẽ ông đã sử dụng để phản ứng với báo cáo điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ của Biện lý Đặc biệt Robert Mueller.
Trong buổi khai chứng tại Hạ viện Mỹ hôm thứ Tư (24/7), ông Robert Mueller đã từ chức Biện lý Đặc biệt để chấm dứt cuộc điều tra Nga, đã nhấn mạnh rằng ông không giải tội cho ông Trump. Cựu giám đốc FBI này cáo buộc tổng thống Trump luôn không trung thực và gọi việc ông Trump ủng hộ phát hành các thư điện tử của đảng Dân chủ năm 2016 là “có vấn đề”. Ông Mueller cũng cảnh báo rằng Nga sẽ lại cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2020.
Reuters cho biết họ đã liên hệ với DNC để yêu cầu bình luận về phán quyết của Thẩm phán John Koeltl, nhưng không nhận được phản hồi.
Trước đó, trong đơn kiện gửi tòa án, DNC nói rằng các quan chức hàng đầu trong chiến dịch tranh cử của ông Trump đã âm mưu với chính phủ Nga và cơ quan tình báo quân đội của nước này để gây tổn hại cho ứng viên tổng thống Hillary Clinton của đảng Dân chủ và nghiêng về ủng hộ ông Trump. Moscow trước nay vẫn phủ nhận việc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Đơn kiện của DNC cho biết chiến dịch tranh cử của ông Trump “đã vui vẻ hoan nghênh sự giúp đỡ của Nga” trong cuộc bầu cử 2016 và cáo buộc chiến dịch này là “thể chế kinh doanh lừa đảo” đã làm việc song hành với Moscow.
Phát biểu trong thời điểm gửi đơn kiện lên tòa án, Chủ tịch DNC Tom Perez cho hay: “Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, Nga đã phát động một cuộc tấn công toàn diện vào nền dân chủ của chúng ta và họ đã nhận thấy một đối tác sẵn sàng và chủ động trong chiến dịch của Donald Trump. Đây là một hành động phản quốc chưa từng thấy.”
Trong khi đó, báo cáo gần 450 trang mà ông Mueller công bố hồi tháng Tư đã chi tiết các liên lạc giữa chiến dịch Trump và những người Nga, tuy nhiên đã không tìm được bằng chứng đáng kể để kết luận chiến dịch Trump âm mưu thông đồng với Nga thay đổi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.
Trong hồ sơ tại tòa án về vụ kiện của DNC, chiến dịch Trump lập luận rằng báo cáo của ông Mueller đã làm rõ rằng đơn kiện của DNC là “tầm phào” và DNC nên bị trừng phạt vì từ chối rút lại đơn kiện.
Thẩm phán John Koeltl không chấp nhận yêu cầu trừng phạt DNC của chiến dịch Trump, nhưng đã chính thức bác đơn DNC kiện chiến dịch Trump thông đồng với Nga và WikiLeads.
Như Ngọc
Xem thêm:
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…