Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Getty Images)
Tổng thống Hoa Kỳ cho biết chuyến thăm Trung Quốc có thể sẽ sớm diễn ra, trong khi Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent dự kiến sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc vào tuần tới.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Ba (22/7) cho biết ông có thể sớm thăm Trung Quốc.
Chuyến thăm tiềm năng này, vào thời điểm căng thẳng thương mại và an ninh đang âm ỉ, sẽ là chuyến thăm thứ hai của Trump trên cương vị tổng thống, sau chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông vào năm 2017.
Phát biểu với các phóng viên từ Phòng Bầu dục Nhà Trắng, Trump cho biết ông đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mời.
“Và chúng tôi có thể sẽ làm điều đó trong tương lai không xa, hơi xa một chút, nhưng không quá xa,” ông nói.
“Tôi đã được rất nhiều người mời, và chúng tôi sẽ sớm đưa ra quyết định.”
Trước đó, Điện Kremlin khi nói về chuyến đi của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bắc Kinh dự lễ kỷ niệm kết thúc Đại Thế chiến II đã cho biết: “Một cuộc gặp giữa [Tổng thống Nga] Putin và [Tổng thống Mỹ] Trump có thể sẽ diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 9 tới, nếu Tổng thống Mỹ thăm Trung Quốc”. Thời hạn ‘tối hậu thư’ 50 ngày mà Tổng thống Mỹ đưa ra rằng phải đạt được hòa đàm về chiến tranh Ukraine cũng trùng hợp với quãng thời gian này.
Tín hiệu của ông Trump về chuyến thăm mang tính bước ngoặt tiềm năng này được đưa ra khi thỏa thuận đình chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc sắp hết hạn vào ngày 12/8.
Cũng trong hôm thứ Ba, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết thời hạn này có thể sẽ được gia hạn thêm, tùy thuộc vào các cuộc đàm phán với người đồng cấp Trung Quốc tại Stockholm vào đầu tuần tới.
“Chúng tôi sẽ xem xét khả năng gia hạn vào thời điểm đó,” ông nói với Fox Business trong một cuộc phỏng vấn.
“Hy vọng rằng chúng ta có thể thấy Trung Quốc giảm bớt tình trạng dư thừa sản xuất hiện nay và tập trung vào việc xây dựng một nền kinh tế tiêu dùng,” Bessent nói.
Ông nói thêm rằng các cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đã “chuyển sang một tầm cao mới”, “rất mang tính xây dựng và… chúng ta sẽ có thể hoàn thành được rất nhiều việc”.
Ngay sau phát biểu của ông Bessent, cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc, Cục Quản lý Thị trường Nhà nước, đã ra một tuyên bố ngắn gọn rằng họ đã tạm dừng cuộc điều tra chống độc quyền đối với DuPont China Group – công ty con của công ty hóa chất Mỹ DuPont tại Trung Quốc.
Cơ quan quản lý Trung Quốc đã mở cuộc điều tra DuPont Trung Quốc vào tháng Tư vì cáo buộc công ty này vi phạm luật chống độc quyền của nước này, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang căng thẳng.
Trong một tuyên bố với The Epoch Times, Dupont cho biết công ty “hài lòng” về việc đình chỉ cuộc điều tra.
Vào tháng Năm và tháng Sáu năm nay, đoàn đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức 2 vòng đàm phán tại Geneva – Thụy Sĩ và London – Anh. Tại các cuộc đàm phán ở Geneva, hai bên đã nhất trí tiếp tục đàm phán thương mại và đồng thời giảm thuế quan trong 90 ngày, tương đương mức giảm 115%. Thuế quan của Trung Quốc đối với Mỹ được giảm xuống còn 10%, và thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc được giảm xuống còn 30% (bao gồm cả mức thuế 20% liên quan đến vấn đề fentanyl).
Theo thỏa thuận đình chiến thuế quan kéo dài 90 ngày nêu trên, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại trước ngày 12/8, thuế quan sẽ quay trở lại mức cao trước các cuộc đàm phán vào tháng Năm.
Trong các cuộc họp tại Geneva và London, ông Bessant đã hội đàm với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Greer và một phái đoàn do Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong dẫn đầu. Trong các cuộc đàm phán tại London, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Lutnick đã tham gia cùng phái đoàn đàm phán Hoa Kỳ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.
Trong khi thỏa thuận đình chiến thuế quan kéo dài 90 ngày giữa Mỹ và Trung Quốc tập trung vào việc khởi động lại dòng chảy kim loại đất hiếm của Trung Quốc và phần mềm và vật liệu bán dẫn của Mỹ, ông Besant cho biết tại Stockholm, các quan chức chính quyền Trump sẽ thảo luận các vấn đề khác với các đối tác Trung Quốc, bao gồm việc giảm sự phụ thuộc quá mức của Trung Quốc vào sản xuất và xuất khẩu.
Bessent cũng cho biết ông sẽ thảo luận về việc Trung Quốc nhập khẩu dầu Nga bị trừng phạt tại cuộc họp ở Stockholm.
Vào ngày 14/7, trong cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Washington, Trump cho biết ông sẽ áp thuế 100% đối với các quốc gia nhập khẩu dầu Nga trừ khi Điện Kremlin đồng ý thỏa thuận hòa bình chấm dứt chiến tranh với Ukraine trong vòng 50 ngày.
Sau đó, ông Rutte cho biết mức thuế này sẽ tác động “rất lớn” đến các nước mua năng lượng chính của Nga, chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, và ông kêu gọi lãnh đạo của các nước này gây sức ép với Tổng thống Nga Vladimir Putin để ký kết một thỏa thuận hòa bình.
Trước tuyên bố của ông Trump, 85 trong số 100 thượng nghị sĩ, dẫn đầu là Lindsey Graham (Đảng Cộng hòa – Nam Carolina), đã ủng hộ một dự luật trao cho Trump quyền áp đặt mức thuế 500% đối với bất kỳ quốc gia nào hỗ trợ Nga trong cuộc chiến chống Ukraine.
Ông Bessent cho biết các thượng nghị sĩ có thể sẽ phê duyệt mức thuế đối 100% với các quốc gia mua dầu của Nga. Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ công bố thêm các lệnh trừng phạt đối với Nga “trong những tuần tới”.
Ngoài các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, Bessant cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng công bố “một loạt các thỏa thuận thương mại” với các nước khác. Nhật Bản vẫn có thể là một trong số đó, bất chấp thất bại của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử Thượng viện gần đây và các cuộc đàm phán khó khăn.
Bảo Minh (t/h)
Công an TP.HCM bắt quả tang Nguyễn Công Trí và đồng phạm sử dụng ma…
Một ủy ban đặc biệt của Quốc hội Mỹ cho biết, các băng nhóm lừa…
Các cuộc biểu tình thậm chí cỡ hàng ngàn người nổ ra ở Kiev và…
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Indonesia đã đạt được một thỏa thuận…
Tàu khu trục HMCS Ville de Québec của Canada bắn tên lửa chống hạm Harpoon…
Mưa lớn do bão Wipha khiến thủy điện Bản Vẽ xả lũ kỷ lục, gây…