Trung Quốc và Campuchia ký FTA sau lệnh trừng phạt của châu Âu

Trung Quốc và Campuchia hôm thứ 2 (12/10) đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) tại Phnom Penh với sự tham dự của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 12 tháng 10 năm 2020 (Tân Hoa Xã)

Thỏa thuận thương mại song phương đầu tiên của Campuchia – Hiệp định FTA đã được hoàn tất chỉ sau ba vòng đàm phán bắt đầu vào tháng 1 và kết thúc vào tháng 7. 

Trong thông báo trên trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc, Hiệp định này bao gồm một loạt các hợp tác trong các lĩnh vực như đầu tư, thương mại, du lịch, vận tải và nông nghiệp.

Hiệp định do Bộ trưởng Thương mại Campuchia Pan Sorasak và người đồng cấp Trung Quốc Zhong Shan ký. Theo cơ quan truyền thông nhà nước Campuchia, cả hai Bộ trưởng đều ca ngợi thỏa thuận này là “cột mốc mới” sẽ mang lại “lợi ích về kinh tế và xã hội.”

Cho đến nay, Hiệp định này vẫn chưa được công khai, nhưng một số chi tiết cụ thể đã được công bố. Phát ngôn viên của Hội đồng Bộ trưởng Campuchia trên tờ Khmer Times vào tháng 8 cho biết chính phủ hy vọng thỏa thuận sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc tăng thêm 25%.

Phát biểu trước đây của các quan chức Campuchia cũng cho thấy thỏa thuận này nhằm cải thiện việc xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc.

Theo tờ Fresh New có liên kết với chính phủ Campuchia, quan chức Bộ Thương mại Sok Sopheak vào tháng 7 tiết lộ thỏa thuận này quy định 340 mặt hàng với 95% hàng hóa sẽ được miễn thuế.

Trong số các mặt hàng mà ông Sopheak trích dẫn có ớt, thơm, rau, trái cây, cá, thịt, ngũ cốc, hải sản, và nhiều loại sản phẩm đóng hộp. Tuy nhiên, ông Sopheak được cho là nói rằng gạo, cao su và đường của Campuchia không được bao gồm trong thỏa thuận này.

Thương mại song phương giữa Campuchia và Trung Quốc đã đạt hơn 9 tỷ USD vào năm 2019, mặc dù cán cân thương mại khá chênh lệch.

Theo số liệu của Economist Intelligence Unit, Trung Quốc là nguồn cung hàng nhập khẩu lớn nhất của Campuchia với trị giá 8,3 tỷ USD, chiếm 37,2% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Trong khi đó, Campuchia chỉ xuất khẩu hơn 900 triệu USD hàng hóa sang Trung Quốc, tương đương khoảng 5% tổng trị giá xuất khẩu của nước này.

Với nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào sản xuất hàng may mặc, các thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Campuchia là Hoa Kỳ ( chiếm 26%) và Liên minh châu Âu – EU ( chiếm 25%) trong tổng giá trị xuất khẩu vào năm ngoái.

Hiệp định FTA với Trung Quốc được đưa ra sau các lệnh trừng phạt thương mại của EU. Brussels đã đình chỉ một phần đặc quyền miễn thuế của Campuchia khi xuất khẩu vào khối này vì vấn đề vi phạm nhân quyền.

Trung Quốc, nguồn viện trợ và nhập khẩu lớn nhất của Campuchia, đã hứa giúp họ khắc phục khó khăn này. Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định FTA có thể mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực tế.

Ông Riley Walters, nhà phân tích chính sách cấp cao của The Heritage Foundation, cho biết sự thúc đẩy của FTA đối với Campuchia sẽ không đáng kể bởi vì thỏa thuận Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc năm 2010 đã giảm thuế quan.

Với mong muốn đa dạng hóa thị trường, Campuchia cũng đang đàm phán FTA với Hàn Quốc và Mông Cổ. Tuy nhiên bà Imogen Page-Jarrett, một nhà phân tích của EIU, cho biết Campuchia sẽ phải mất “nhiều năm” để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ và EU. Hơn nữa, bà nói rằng loại hàng nông sản mà Campuchia nhắm đến xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp. 

Tuy nhiên, một số lĩnh vực nhất định đang cải thiện. Thỏa thuận năm 2019 cho phép chuối Campuchia được vào Trung Quốc đã khiến tổng xuất khẩu chuối của Campuchia vào Trung Quốc tăng từ mức 10.000 tấn năm 2018 lên đến 157.000 tấn vào năm ngoái. Hai nước cũng đã được thỏa thuận mở đường cho việc xuất khẩu xoài tươi.

Bà Page-Jarrett cho biết EIU kỳ vọng rằng chính phủ Trung Quốc sẽ sử dụng FTA để khuyến khích hơn nữa đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc và du lịch Trung Quốc vào Campuchia. Trong tổng số 3,7 tỷ USD FDI vào Campuchia trong năm 2019, Trung Quốc chiếm 47%

FTA là một trong ba thỏa thuận được ký trong chuyến viếng thăm Phnom Penh của ông Vương Nghị. Đây là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc.

Ông Vương Nghị nói ông chọn Campuchia là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á vì “hai nước là bạn bè đáng tin và là cộng đồng chung vận mệnh”.

Theo Bộ Ngoại giao Campuchia, hai thỏa thuận khác bao gồm dự án nâng cấp một bệnh viện và dự án cơ sở hạ tầng thoát nước ở thành phố biển Sihanoukville. Trung Quốc cũng công bố khoản viện trợ bổ sung trị giá 140 triệu USD, theo Fresh News.

Gia Huy (theo Nikkei)

Xem thêm:

Gia Huy

Published by
Gia Huy

Recent Posts

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…

29 phút ago

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

1 giờ ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

2 giờ ago

Nghiên cứu: Kẽm giúp chống lại tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…

2 giờ ago

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

3 giờ ago

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

3 giờ ago