Không khó để Liên Hiệp Quốc (LHQ) thông qua được một nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn, nhưng đảm bảo các nước thành viên đều tuân thủ đầy đủ là một thách thức khổng lồ.
Truyền thông Hàn Quốc mới đây đưa ra bằng chứng là các ảnh vệ tinh trong đó cho thấy các tàu Trung Quốc bị “bắt quả tang” tuồn dầu cho Bắc Hàn trái phép. Việc này phản ánh khó khăn mà các nghị quyết LHQ gặp phải trong vấn đề làm sao để đạt được hiệu quả đầy đủ trong việc răn đe và ngăn chặn chế độ nhà họ Kim.
Chính phủ Mỹ công bố các bức ảnh chụp vệ tinh hồi tháng 10 cho thấy một vụ chuyển dầu trên biển từ tàu Trung Quốc với tàu Bắc Hàn. Việc này đã khiến Tổng thống Trump đăng tweet chỉ trích Trung Quốc. Trung Quốc phủ nhận cáo buộc và nói họ đang điều tra làm rõ.
Ông Trump tố cáo Trung Quốc ngầm bán dầu cho Bắc Hàn
Việc giao dịch hàng hóa từ hoặc tới các tàu cắm cờ Bắc Hàn trên biển là hoàn toàn bị cấm bởi lệnh trừng phạt của LHQ.
Nếu vụ chuyển dầu là thật, đây là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo An LHQ (HDBA) ban hành hồi tháng 9 về việc bán dầu cho Bắc Triều Tiên. Với tư cách là một thành viên LHQ, Trung Quốc đã thông qua lệnh trừng phạt này và cũng không phủ quyết tại Hội đồng Bảo An.
Theo ABC News, có các tin tức cho rằng kể từ khi chế tài về dầu thô được đưa ra, đã xảy ra tới 30 vụ chuyển dầu từ tàu sang tàu cho chế độ Kim Jong-un.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin ABC, giáo sư Donald Rothwell, người giảng dạy luật hàng hải quốc tế tại Đại học Quốc gia Úc (ANU) nói rằng rõ ràng tàu Trung Quốc và Bắc Hàn thực hiện giao dịch trên biển là để tránh bị phát hiện.
Theo một chuyên gia luật quốc tế khác tại ANU là Kevin Boreham, chuyển dầu từ tàu qua tàu trên biển cũng khó giám sát hơn so với những tàu đậu ở cảng biển tại Trung Quốc hay Bắc Hàn.
“Giám sát và cưỡng hành chế tài là một vấn đề lớn”, ông Boreham nói.
“Trung Quốc được cho là không muốn gây áp lực lớn lên Bắc Hàn. Họ sợ rằng chế tài có thể khiến chế độ Bắc Hàn sụp đổ”.
Nhưng phía Trung Quốc khẳng định họ đã hoàn toàn tuân thủ nghị quyết của LHQ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói “phía Trung Quốc đã tiến hành điều tra ngay lập tức” sau khi có tin rằng một tàu Trung Quốc bị nghi là đã chuyển dầu lậu.
“Trên thực tế, chiếc tàu bị tình nghi, kể từ tháng 8 đã không neo đậu ở một cảng nào của Trung Quốc và cũng không có hồ sơ cho thấy nó đã đi vào hay xuất ra khỏi một cảng của Trung Quốc”, bà Hoa nói. Bà nói thêm rằng bà không được biết liệu chiếc tàu này có đậu ở một nước khác hay không và phủ nhận các báo cáo của các hãng truyền thông khác.
Giáo sư Rothwell nói “việc Trung Quốc có thực thi chặt chẽ nghị quyết của LHQ hay không là tối quan trọng đối với việc nghị quyết này có hiệu quả hay không”.
Trước kia, các nước phải chịu chế tài của LHQ thường tìm một phương tiện trung gian để lách luật.
Trước khi Mỹ tấn công Iraq năm 2003, chế độ Saddam Hussein cũng tìm cách tương tự Bắc Hàn để tránh hàng loạt chế tài của LHQ.
Cũng có các báo cáo cho rằng các vụ giao dịch tàu với tàu đã được chính quyền Iran thực hiện vào năm 2015 để né chế tài.
“Các nghị quyết [chế tài] không đạt được 100% sự tuân thủ”, giáo sư Rothwell nói.
“Nó chỉ mạnh bằng liên kết yếu nhất của nó. Một số nước quả là có hệ thống pháp lý khá yếu và ít khả năng để tự thực hiện giám sát”.
Đây là lỗ hổng luật pháp hay là vi phạm nghị quyết LHQ?
Ông Rothwell cho rằng việc chuyển dầu qua tàu trên biển không phải là hành vi hiếm gặp và các công ty trong ngành hàng hải có sử dụng nó như một lỗ hổng pháp lý. Tuy nhiên, điều này chỉ khả thi nếu giao dịch tiến hành trên vùng biển quốc tế.
“Có thể có lợi về kinh tế khi thực hiện chuyển hàng từ tàu A sang tàu B bởi vì các công cụ pháp lý (của hai nước) khác nhau”, ông nói.
Nhưng ở trường hợp này, vụ chuyển dầu bị phát hiện ở biển Hoàng Hải gần Trung Quốc, theo truyền thông Hàn Quốc.
Theo giáo sư Rothwell, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho tàu bè đăng ký tại nước họ và hoạt động ở vùng biển của họ.
Do vậy, nếu chiếc này này đã được đăng kiểm với chính quyền Trung Quốc hay sự việc này xảy ra trên vùng biển của họ thì đây là một vi phạm rõ ràng nghị quyết 2375 của LHQ.
Tuy nhiên, giáo sư Rothwell cũng chỉ ra một số tàu dùng cách “treo cờ thuận tiện”, theo đó con tàu đăng kiểm tại một nước không phải là quốc gia của chủ tàu. Và để được xem là vi phạm luật trên vùng biển quốc tế, chính phủ của cả 2 nước nơi các con tàu được đăng kiểm phải có ràng buộc chung. Nhưng dù vậy, toàn bộ 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc đều bị ràng buộc bởi các nghị quyết trừng phạt của LHQ.
Trung Quốc có thể bị phạt không?
Ông Boreham nói Trung Quốc có thể bị gọi ra trước tiểu ban giám sát chế tài chống lại Bắc Hàn của LHQ.
“Tiến trình là, nếu LHQ coi báo cáo này là nghiêm trọng, và dường như sẽ có một báo cáo nghiêm trọng từ chính quyền Hàn Quốc, ủy ban sẽ yêu cầu Trung Quốc trả lời”.
Tuy nhiên ông cũng nói rằng ít có khả năng ủy ban này có thể làm được điều gì thực tế để trừng phạt Trung Quốc bởi Trung Quốc có quyền phủ quyết của thành viên thường trực HDBA.
“Đây là một thủ tục quan liêu, chẳng có cách nào bắt Trung Quốc chịu phạt”, ông Boreham nói.
Đức Trí
Xem thêm:
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…