LHQ lại áp đặt chế tài mới lên Bắc Hàn
- Yên Sơn
- •
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm thứ Sáu (22/12) đã bỏ phiếu đồng thuận thông qua các chế tài mới áp đặt lên Bắc Hàn sau khi nước này thử tên lửa xuyên lục địa (ICBM) hôm 29/11.
Truyền hình Hàn Quốc phân tích quỹ đạo bay của tên lửa Bắc Hàn phóng thử hôm 29/11.
Reuters cho hay nghị quyết của Hội đồng Bảo an do Hoa Kỳ soạn thảo được thông qua với 15 phiếu thuận, 0 phiếu chống. Nghị quyết mới cấm gần 90% xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế sang Bắc Hàn, đặt hạn mức chế độ Bình Nhưỡng chỉ được nhập 500.000 thùng dầu mỏ tinh chế mỗi năm. Vào phút chót nghị quyết đã thay đổi việc yêu cầu lao động Bắc Hàn ở nước ngoài phải hồi hương trong vòng 24 tháng, thay vì 12 tháng như bản dự thảo ban đầu.
Nghị quyết mới cũng đặt hạn mức nguồn cung dầu thô cho Bắc Hàn là 4 triệu thùng/năm và cam kết Hội đồng Bảo an sẽ giảm tiếp hạn mức nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thử hạt nhân hoặc tên lửa ICBM.
Nhằm hạn chế nguồn cung tiền từ bên ngoài cho chế độ Kim Jong-un, chế tài lần này cấm Bắc Hàn xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm, máy móc, thiết bị điện, đất đá và các loại quặng như ma-giê cacbonat, ma-giê, gỗ và tàu thuyền.
Các biện pháp trừng phạt mới cũng cấm các nước khác xuất khẩu sang Bắc Hàn các mặt hàng như thiết bị công nghiệp, máy móc, phương tiện vận tải và các loại thép công nghiệp, cũng như liệt 15 cá nhân Bắc Hàn và Bộ Lực lượng Vũ trang Nhân dân vào danh sách bị phong tỏa tài sản và cấm di trú toàn cầu.
Nghị quyết cũng cho phép các quốc gia tịch thu, điều tra và đóng băng bất kỳ tàu nào trong các cảng hoặc lãnh hải của họ mà họ cho rằng đang vận chuyển hàng hoá bị cấm hoặc tham gia vào các hoạt động bị cấm.
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho hay: “Điều này gửi thông điệp rõ ràng tới Bình Nhưỡng rằng [họ] càng thách thức, sẽ càng chiêu mời thêm các biện pháp trừng phạt và cô lập”.
Reuters đã liên hệ với đại diện Bắc Hàn tại LHQ để phỏng vấn về động thái mới nhất của Hội đồng Bảo an, nhưng họ từ chối trả lời.
>>Bắc Hàn sẽ là tâm điểm của thế giới năm 2018
Ông Wu Haito, Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, nói rằng mâu thuẫn trên bán đảo Triều Tiên có rủi ro vào rơi vào “vòng xoáy mất kiểm soát” và ông lặp lại việc Bắc Kinh kêu gọi các bên liên quan cần đàm phán.
“Chỉ có bằng cách gặp nhau và thông qua đối thoại và tham vấn mới có thể tìm được giải pháp hòa bình”, Reuters dẫn lời ông Wu Haito.
Trung Quốc là quốc gia cung cấp phần lớn dầu mỏ cho Bắc Hàn. Mặc dù chế độ Bắc Kinh gần đây đều ủng hộ các nghị quyết cắt giảm nguồn cung dầu tới Bình Nhưỡng, nhưng họ luôn phản đối chặn hoàn toàn mặt hàng này tới chế độ nhà họ Kim.
Nga cũng là nước lặng lẽ thúc đẩy ủng hộ kinh tế Bắc Hàn. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Igor Morgulov tuần trước nói rằng Moscow sẽ không thông qua các biện pháp chế tài bóp nghẹt nền kinh tế Bắc Hàn.
Ông Kim Sung-han, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho rằng ngay cả khi các chế tài mới có hiệu quả kinh tế, cũng không rõ liệu nó có thúc đẩy Bình Nhưỡng tiến tới đàm phán hoặc dừng phát triển vũ khí hay không.
Nhà ngoại giao kỳ cựu này cho hay: “Chúng ta đã nhiều lần áp đặc các biện pháp chế tài được coi là nghiêm khắc nhất đối với Bắc Hàn trong suốt 25 năm qua. [Nhưng] gần như không có biện pháp nào phát huy hiệu quả để ngăn chặn tham vọng hạt nhân và quân sự của chế độ [nhà họ Kim]”.
Yên Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Bắc Triều Tiên lệnh trừng phạt Lệnh trừng phạt với Bắc Triều Tiên Bắc Hàn Liên Hiệp Quốc