Tại hội nghị thượng đỉnh G7, Thủ tướng Ý Mario Draghi tiết lộ, Ý đang đánh giá lại các khoản đầu tư của Trung Quốc vào nước này “một cách cẩn thận”. Động thái này cho thấy chính quyền mới của Ý muốn thoát khỏi các chính sách thân Bắc Kinh của chính phủ tiền nhiệm.
Ông Draghi đã bày tỏ quan ngại về chế độ cộng sản Trung Quốc. Hôm Chủ nhật (13/6), ông phát biểu tại cuộc họp báo của hội nghị thượng đỉnh G7: “Đó là một chế độ chuyên quyền không tuân thủ các quy tắc đa phương và không có chung tầm nhìn về thế giới mà các nước dân chủ có.”
Mặc dù thừa nhận tầm quan trọng của việc hợp tác kinh tế, nhưng ông Draghi lưu ý sự khác biệt giữa chế độ cộng sản Trung Quốc và phương Tây. Vị thủ tướng Ý nói: “Chúng ta cần phải thẳng thắn [lên tiếng] về những gì chúng ta không chia sẻ và không chấp nhận. Tổng thống Mỹ nói rằng im lặng là đồng lõa.”
Khi được hỏi về việc tham gia của Ý trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) gây tranh cãi của Bắc Kinh, ông Draghi trả lời: “Về thỏa thuận cụ thể đó, chúng tôi sẽ đánh giá nó một cách cẩn thận.”
Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc là một kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá hàng nghìn tỷ đô la nhằm tăng cường sự ảnh hưởng của ĐCSTQ trên toàn thế giới thông qua các liên kết thương mại toàn cầu và các dự án phát triển dựa trên cơ sở hạ tầng, đã tạo áp lực lên các quốc gia tham gia BRI khi phải gánh một khoản nợ to lớn.
Ý đã ủng hộ sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu mới của G7, với tên gọi Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W), một đối thủ cạnh tranh với ảnh hưởng ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thông qua BRI tại các nước đang phát triển. Kế hoạch trị giá hơn 40 nghìn tỷ đô la của G7 sẽ đầu tư vào cảng, đường xá và các cơ sở hạ tầng khác ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên toàn thế giới.
Bất chấp lời khuyên của Hoa Kỳ và các thành viên G7 khác, Ý là quốc gia đầu tiên của G7 tham gia vào BRI mang dấu ấn của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Cựu Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã ký một bản ghi nhớ về BRI trong chuyến viếng thăm cấp nhà nước của ông Tập vào tháng 3/2019.
Chính phủ của ông Draghi đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa trong việc đối phó với Trung Quốc. Vào tháng 3/2021, vị thủ tướng này đã ký một sắc lệnh ngăn công ty viễn thông Ý Fastweb ký hợp đồng với Huawei và ZTE, những công ty có quan hệ với quân đội Trung Quốc.
Cùng lúc đó, hôm 12/6, Nhà Trắng cho biết rằng Thủ tướng Draghi đã đồng ý hợp tác với Tổng thống Mỹ Biden “về các thách thức toàn cầu” và cả hai nước “đã chia sẻ các ưu tiên trong chính sách đối ngoại, bao gồm các vấn đề về Trung Quốc, Nga, và Lybia” trong cuộc họp vào cuối hội nghị thượng đỉnh G7.
Trong tuyên bố chung hôm Chủ nhật (13/6), các nhà lãnh đạo của G7, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Anh, Đức, Ý, Pháp, và Nhật bản, đã kêu gọi chính quyền cộng sản Trung Quốc “tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản” tại Tân Cương và Hồng Kông, cũng như hợp tác với cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19. Các nhà lãnh đạo G7 cũng hứa sẽ ngăn chặn “các chính sách và hành vi phi thị trường” của Bắc Kinh.
Việc ngày càng nhiều các quốc gia châu Âu đã và đang xem xét lại mối quan hệ của họ với Trung Quốc, đã khiến Nghị viện châu Âu gần đây đã đóng băng, chưa thông qua thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh, vốn đã hoàn tất sau bảy năm đàm phán.
Nhật Minh (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…