Ông Nguyễn Ngọc T. phát bệnh từ ngày 28/10 và tử vong vào ngày 7/11. Kết quả xét nghiệm, ông T. dương tính với cúm A/H1pdm.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Định vừa ghi nhận thêm một ca tử vong do cúm A/H1pdm, là ông Nguyễn Ngọc T. (SN 1965, trú xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ).
Theo đó, bệnh nhân khởi phát bệnh từ ngày 28/10, với triệu chứng sốt cao, ho, khạc đờm vàng, đau tức ngực, đau đầu, nhức mỏi toàn thân.
Sau đó, người nhà đã đưa ông T. đến phòng khám tư nhân để khám và tự điều trị.
Sau 6 ngày dùng thuốc, bệnh tình không thuyên giảm, nên ông T. được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định để tiếp tục điều trị.
Sau 3 ngày điều trị tại bệnh viện, ông T. trở nặng, khó thở, co kéo cơ hô hấp phụ. Ông T. trong tình trạng lơ mơ, tím môi, khó thở nhiều, viêm đông đặc vùng dưới 2 phổi…
Đến rạng sáng ngày 7/11, ông T. hôn mê sâu, sốt cao liên tục, phổi thông khí kém, ran ẩm… nên gia đình xin đưa ông T. về. Ông T. tử vong tại nhà vào tối cùng ngày.
CDC Bình Định đã gửi mẫu bệnh phẩm của ông T. đến Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm, kết quả ông T. dương tính với cúm A/H1pdm.
Các bác sĩ kết luận, ông T. tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm, viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp – phù phổi cấp.
Lực lượng y tế đã tiến hành điều tra tại cộng đồng, lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ. Đồng thời, xử lý môi trường, vật dụng liên quan đến bệnh nhân.
Trước đó, tỉnh Bình Định cũng ghi nhận 1 trường hợp ở huyện Vĩnh Thạnh tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm.
Cụ thể, ngày 17/10, bệnh nhân T.V.T (thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) được đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, sau đó nhập viện vào Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định lúc 5h40 ngày 17/10 với chẩn đoán viêm phổi do virus.
Do bệnh nặng, gia đình ông T. xin về, sau đó tử vong tại nhà.
Các bác sĩ chẩn đoán ông T. bị viêm phổi lan tỏa 2 bên, sốc nhiễm trùng, hội chứng Cushing do thuốc.
CDC Bình Định đã lấy mẫu bệnh phẩm và gửi Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm. Kết quả ngày 18/10 xác định bệnh nhân dương tính với cúm A/H1pdm.
Theo Sở Y tế, đến nay, tỉnh ghi nhận 15 ca mắc bệnh viêm phổi nặng do virus (trong đó có 4 ca dương tính với cúm A/H1pdm, 1 ca dương tính với cúm B, 2 ca chưa có kết quả xét nghiệm); 2 ca tử vong dương tính với cúm A/H1pdm.
Cúm A/H1pdm (cúm A/H1N1) được phát hiện lần đầu trong đại dịch cúm năm 2009 hay còn gọi là cúm A/H1pdm 2009 (pandemic), đây là chủng cúm mùa thông thường, theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM.
Bệnh cúm mùa do chủng cúm A/H1N1 là bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh có thể lây qua đường hô hấp, tức dịch tiết, giọt bắn khi bệnh nhân ho, hắt hơi văng bắn ra ngoài môi trường; hoặc lây theo đường tiếp xúc, khi vô tình chạm tay vào các bề mặt chứa virus, sau đó chạm vào mắt, mũi, miệng. Việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước, hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể nhiễm virus.
Hầu hết bệnh sẽ khỏi trong vòng một tuần, hoặc kéo dài 10-14 ngày nhưng cũng có trường hợp chuyển biến nặng và tử vong. Các triệu chứng nặng gồm khó thở, suy hô hấp, co giật, tím tái, tổn thương gan thận, da vàng, nước tiểu vàng…
Giống như các chủng cúm mùa khác, khi nhiễm cúm A/H1N1 người bệnh thường có các triệu chứng như sốt (thường sốt nhẹ nhưng có những trường hợp sốt cao 40 độ C), ớn lạnh, đau viêm họng, nhức đầu, đau mình, nhức cơ, ho khan, sổ mũi, mệt mỏi và suy nhược; một số trường hợp có thể tiêu chảy và ói mửa. Các triệu chứng khi nhiễm cúm A/H1N1 dễ gây nhầm lẫn với cảm thông thường hoặc sốt xuất huyết, do đó nên theo dõi sát sức khỏe để được điều trị kịp thời.
Bác sĩ Tiến khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa cúm mùa:
Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi; hằng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm;
Xây dựng chế độ dinh dưỡng đa dạng, cân bằng để tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa nhiễm virus cúm;
Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc;
Bên cạnh đó, người dân có thể đi tiêm vắc-xin để phòng bệnh. Những trường hợp sốt cao, khó thở cần cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan. Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
Dồn dập trong hơn một tháng, 53/100 con lợn giống cấp cho các hộ nghèo,…
Có những cái lợi không nhỏ nhưng không được nói ra bởi các chính khách…
Rau luộc, đặc biệt là các loại rau xanh như bông cải xanh, rau muống,…
Công ty Cổ phần Fecon và đơn vị đối tác đã đề xuất ý tưởng…
Sau khi Trump rời khỏi Nhà Trắng vào năm 2021, nhiều người cho rằng ông…
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn Dân biểu Elise Stefanik (Đảng Cộng hòa,…