Categories: Thời sựViệt Nam

Bộ Công an đề xuất giữ 85% tiền xử phạt vi phạm giao thông

Bộ Công an muốn trích 70 – 85% khoản thu từ xử phạt vi phạm giao thông và 30% tiền thu đấu giá biển số xe để hiện đại hóa cơ sở, phương tiện, thiết bị cho lực lượng của ngành này.

Một người bị Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Lục Nam lập biên bản vi phạm giao thông, năm 2022. (Ảnh: conganbacgiang.gov.vn)

Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe.

Dự thảo nghị định nhằm thực hiện quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Trích tối đa 85% tiền phạt vi phạm, 30% tiền đấu giá biển số

Theo dự thảo, các cơ quan được sử dụng kinh phí từ xử phạt vi phạm giao thông gồm:

  • Ủy ban An toàn giao thông quốc gia;
  • Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố;
  • Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố; Ban An toàn giao thông quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc trung ương;
  • Các lực lượng khác tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông thuộc lực lượng công an, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh, thành phố.

Các cơ quan được sử dụng kinh phí thu từ đấu giá biển số xe gồm: Bộ Công an và các lực lượng khác thuộc lực lượng công an tham gia đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông.

Dự thảo nghị định quy định lực lượng công an được ngân sách nhà nước bố trí từ 70 – 85% khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ và 30% khoản thu từ đấu giá biển số xe, để thực hiện hoạt động tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông.

Các cơ quan khác được sử dụng thu từ xử phạt vi phạm giao thông không thuộc lực lượng công an được ngân sách nhà nước bố trí từ 15 – 30% khoản thu từ xử phạt vi phạm giao thông.

Trước đó, ngày 27/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bắt đầu có hiệu lực thi hành từ năm 2025.

Khoản 1, Điều 4 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định: “Bảo đảm Ngân sách nhà nước, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, các điều kiện bảo đảm và nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Huy động, sử dụng các nguồn lực để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bố trí tương ứng từ các khoản thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tiền đấu giá biển số xe sau khi nộp Ngân sách nhà nước để tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông theo quy định của Chính phủ”.

Nội dung trên từng bị loại bỏ khỏi dự thảo luật vào đầu tháng 3. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – ông Hoàng Thanh Tùng nhận định quy định đề xuất ngành công an được trích tối thiểu 70% tiền xử phạt vi phạm an toàn giao thông và tối thiểu 30% tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước là không thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Đến ngày 22/5, nội dung trên được đưa trở lại dự thảo luật, sau đó được thông qua.

Đề xuất một số mức chi dự kiến

Dự thảo Nghị định nói trên dành một chương quy định nội dung chi và mức chi kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông.

Một số khoản chi và mức chi dự kiến như sau:

Chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông không quá 1 triệu đồng/1 bản tham luận; tiền thuê hội trường không quá 200 triệu/cuộc họp; chi cho đại biểu tham dự họp 500.000 đồng/người chủ trì, 200.000 đồng/người tham dự.

Chi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về trật tự an toàn giao thông: 200.000 đồng/học viên/ngày, 500.000 đồng/giảng viên/ngày.

Chi hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/người tử vong, 5 triệu đồng/người bị thương nặng; thăm hỏi tối đa 5 triệu đồng/người với nạn nhân bị thương nặng, gia đình nạn nhân bị chết do tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán, ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông.

Chi bồi dưỡng cho công an bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban đêm tối đa 200.000 đồng/người/ca (1 ca từ đủ 4 giờ trở lên, thời gian làm đêm từ 22h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau), tối đa không quá 10 ca/tháng.

Chi bồi dưỡng công an trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM 100.000 đồng/ca/người, tối đa không quá 15 ca/tháng.

Chi mua tin của mỗi vụ việc bằng 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân, nhưng không quá 5 triệu đồng.

Chi lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tối đa 2 tỷ đồng/luật, pháp lệnh, nghị quyết; tối đa 500 triệu đồng/nghị định.

Chi khảo sát, đánh giá chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông tối đa  200 triệu đồng/nhiệm vụ.

Nếu được thông qua, Nghị định trên dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Xem chi tiết dự thảo Nghị định tại đây.

Sơn Nguyên

Sơn Nguyên

Published by
Sơn Nguyên

Recent Posts

Kremlin nói đáp trả bằng tên lửa siêu thanh để cảnh báo sự “liều lĩnh” của phương Tây

Sau khi hé lộ một số chi tiết và hình ảnh vụ Nga đáp trả…

2 giờ ago

Đề xuất đưa vàng mã, túi nilon vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…

6 giờ ago

Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ngãi bị kỷ luật khiển trách

Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…

7 giờ ago

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

8 giờ ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

9 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

10 giờ ago