Việt Nam

Bộ TN-MT: Phương án dẫn nước của UBND Hà Nội không giúp ‘hồi sinh’ sông Tô Lịch

Lưu lượng dẫn nước thấp, chưa có phương án xử lý lắng đọng phù sa, rác thải cũng như nguy cơ gây sạt lở ở cửa lấy nước trên sông Hồng… là những bất cập mà Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chỉ ra trong phương án của UBND TP. Hà Nội đề xuất. 

Nhân viên vệ sinh môi trường nạo vét rác thải trong lòng sông Tô Lịch, tháng 9/2015. (Ảnh: Trong Nguyen/Shutterstock)

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến của Bộ TN&MT về chủ trương đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch theo đề xuất của UBND TP. Hà Nội.

Bộ TN&MT nhận định đây là dự án hết sức cần thiết, cấp bách, thuộc danh mục dự án được nhà nước khuyến khích đầu tư, ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Tuy nhiên, từ góc độ chuyên môn, Bộ TN&MT chỉ rõ hạn chế trong phương án hồi sinh sông Tô Lịch được đưa ra.

Theo đề xuất của UBND TP. Hà Nội, dự án sẽ xây dựng trạm bơm trực tiếp từ sông Hồng bằng hệ thống đường ống áp lực với lưu lượng 3-5m3/s (tương đương với khoảng 260.000-432.000 m3/ngày) và 3 đập dâng trên sông Tô Lịch (tại các khu vực cống Mọc, cầu Dậu và trước ngã ba sông Tô Lịch – sông Kim Ngưu) để đưa vào dòng chảy trên sông Tô Lịch với vận tốc trung bình 0,075m/s, duy trì mực nước trên sông từ +3,3m đến +3,8m và cột nước tràn qua các đập khoảng 0,15m.

Bộ TN&MT cho hay phương án này mới chỉ “bổ cập” lượng nước bằng lượng nước thải được thu gom đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung, chưa giải quyết được vấn đề phục hồi dòng chảy, làm sống lại dòng sông Tô Lịch, tạo cảnh quan, duy trì dòng chảy.

Theo Bộ TN&MT, trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương đầu tư theo phương án này thì cần bổ sung thêm một số nội dung.

Thứ nhất, cần bổ sung đánh giá đến nguy cơ gây sạt lở, bồi lắng khu vực sông Hồng tại cửa lấy nước của trạm bơm đầu mối, đảm bảo công trình ổn định lâu dài và lấy nước liên tục trong điều kiện mực nước sông Hồng ngày càng hạ thấp.

Thứ hai, nguồn nước sông Hồng có đặc thù hàm lượng phù sa lớn, việc lấy nước trực tiếp từ sông Hồng mà không có giải pháp xử lý sơ bộ trước khi đưa nước vào, thì cần xem xét bổ sung nghiên cứu việc ô nhiễm thứ cấp đến sông Tô Lịch cũng như các giải pháp xử lý việc lắng đọng phù sa và rác thải tại 3 đập dâng trên sông trong quá trình vận hành.

Đồng thời, cần xem xét, bổ sung giải pháp sơ lắng nước sông Hồng trước khi đưa vào sông Tô Lịch.

Thứ ba, việc dẫn nước từ sông Hồng về sông Tô Lịch bằng đường ống áp lực D1200mm dọc theo đường Võ Chí Công với chiều dài khoảng 5,5km cũng cần phải nghiên cứu, có các giải pháp cụ thể để giải quyết các rủi ro như phá hỏng các công trình ngầm trong quá trình thi công; vỡ, tắc đường ống trong quá trình vận hành.

Về mặt pháp lý, công trình thuộc trường hợp phải có giấy phép khai thác nước mặt theo quy định. Vì vậy, Bộ TN&MT đề nghị trước khi thực hiện xây dựng công trình lấy nước, cần lập hồ sơ đề nghị cấp phép trình cấp thẩm quyền xem xét cấp phép.

Tăng lưu lượng nước để “hồi sinh” sông Tô Lịch?

Bộ TN&MT nhận định phương án do UBND TP. Hà Nội đề xuất mới chỉ là giải pháp tình thế, chưa giải quyết một cách tổng thể để hồi sinh dòng sông, duy trì dòng chảy liên tục, trong khi hiện tại vào mùa khô về cơ bản sông Tô Lịch có chức năng như là kênh thoát nước thải.

Theo Bộ TN&MT, Viện khoa học thủy lợi Việt Nam (Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển) đang nghiên cứu phương án phục hồi, kết nối sông Tô Lịch, hồ Tây và sông Hồng thông qua hệ thống trạm bơm và kênh dẫn không áp lực.

Phương án đề xuất cũng bằng cách đưa nước từ sông Hồng để tạo dòng chảy, cảnh quan và giao thông thủy nội địa quy mô cấp V. Phương án có cùng khoảng tổng mức đầu tư, vận hành và thời gian thi công như phương án đề xuất của Hà Nội.

Điểm khác biệt là lượng nước đưa vào có thể tối đa là 18m3/s (tương đương khoảng hơn 1,5 triệu m3/ngày), với vận tốc trung bình 0,3m/s duy trì mực nước trên sông từ trên 3,3 m đến trên 3,8 m.

“Phương án này có thể đáp ứng mục tiêu phục hồi nguồn nước, tạo cảnh quan, duy trì dòng chảy và đảm bảo phù hợp với các quy định“, Bộ TN&MT nói rõ trong văn bản.

Vị trí lấy nước tại khu vực thượng lưu bãi đá sông Hồng, cách cầu Nhật Tân khoảng 1,5 km với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 496 tỷ đồng; kinh phí vận hành hàng năm khoảng 25 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo phương án mà UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, tuyến ống dẫn nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch được làm theo hướng đường Võ Chí Công – Hoàng Quốc Việt, dẫn nước từ đê đến điểm đầu sông Tô Lịch dài khoảng 5,3km. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 550 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, thời gian hoàn thành trước tháng 9/2025.

Dòng sông đen với các dự án thí điểm dở dang

Sông Tô Lịch dài 14km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), chảy về phía nam thành phố, ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì), từ lâu chuyển màu đen kịt, bốc mùi hôi thối.

Theo Sở TN&MT Hà Nội, trung bình mỗi ngày, sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 160.000m3 nước thải, hầu hết không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn (chưa kể lưu lượng nước thải sông này phải tiếp nhận thêm từ đoạn hợp lưu với sông Lừ và sông Kim Ngưu).

Năm 2009, Hà Nội tính toán phương án bơm nước sông Hồng vào sông Tô Lịch để giảm nồng độ ô nhiễm, làm sống lại dòng sông, đồng thời thí điểm xây dựng 2 trạm xử lí nước thải tại khu vực cống Bưởi (công suất 25.000m3/ngày đêm) và cửa xả Cống Vị (12.000 – 15.000m3/ngày đêm). Tuy nhiên, dự án không được triển khai.

Tháng 5/2019, một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây được thực hiện thí điểm làm sạch bằng công nghệ Nano – Bioreactor Nhật Bản theo chỉ đạo của Thủ tướng và UBND TP. Hà Nội. Tuy nhiên, ngày 9/7, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã mở cửa xả 1 triệu m3 nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch, khiến dòng sông chuyển màu xanh lục. Tuy nhiên, toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi được tạo trong vòng gần 2 tháng qua trong khu thí điểm bị cuốn trôi, không còn cơ sở để đánh giá.

Đầu tháng 11/2019, Công ty Cổ Phần Cải Thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) tháo dỡ hệ thống công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản trên sông Tô Lịch, thông báo tiếp tục duy trì khu thí điểm tại Hồ Tây để chứng minh khả năng không bị tái ô nhiễm.

Cùng khoảng tháng 5/2019, đoạn sông qua địa phận phường Nghĩa Đô được UBND TP. Hà Nội thí điểm làm sạch bằng chế phẩm Redoxy-3C, sau khi chế phẩm này được sử dụng để làm sạch cho 87/125 hồ bị ô nhiễm nặng trong nội thành.

Sau khi các dự án thí điểm kết thúc, sông Tô Lịch tiếp tục được xử lý nạo vét bùn và chất thải trên sông bằng sức người và máy móc thô sơ.

Cuối tháng 6 và cuối tháng 7/2024, nước sông Tô Lịch có hai lầm chuyển từ màu đen đặc sang màu xanh, không còn mùi hôi thối. Phía Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết tình trạng này thường diễn ra trong mùa mưa lũ hàng năm, từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 10, mưa và xả lũ khiến nước sông Tô Lịch được pha loãng, nên tăng độ trong và giảm mùi hôi.

Nguyễn Quân

Nguyễn Quân

Published by
Nguyễn Quân

Recent Posts

Dự án siêu thị ở Hậu Giang: Bắt thêm cựu Phó chủ tịch HĐND tỉnh

Ông Nguyễn Văn Tiến bị điều tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn…

45 phút ago

Cá sấu Indonesia bắt chước cảnh người chết đuối để dụ ‘người cứu hộ’

Một cư dân mạng chia sẻ clip viết: “Cá sấu nước mặn ở Indonesia đã…

3 giờ ago

Chính thức chuyển giao bắt buộc GPBank cho VPBank và DongA Bank cho HDBank

Sau khi được chuyển giao bắt buộc, GPBank và DongA Bank sẽ là các ngân…

3 giờ ago

Nên rửa mặt bằng nước nóng hay nước lạnh? Bạn đã thực hiện đúng cách?

Rửa mặt là bước quan trọng trong việc chăm sóc da, nhưng bạn có chắc…

4 giờ ago

Việt Nam sắp có nhà máy vắc-xin 2.000 tỷ đồng

Nhà máy sản xuất vắc-xin của VNVC tại Long An do Tập đoàn Rieckermann (Đức)…

5 giờ ago

Cựu PGĐ Sở KH&ĐT TP.HCM bị đề nghị thêm 7-8 năm tù trong vụ án thứ hai

HĐXX nhận định hành vi của hai bị cáo Trần Thị Bình Minh và Phan…

5 giờ ago