Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa công bố 10 sự kiện nổi bật nhất của ngành Tài nguyên – Môi trường năm 2019, trong đó vụ cháy nhà máy Rạng Đông, nước từ Nhà máy nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải, các đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng… được đặt chung trong nhóm “nhiều sự cố, vấn đề liên quan đến môi trường phát sinh…”
10 sự kiện nổi bật của ngành Tài nguyên – Môi trường năm 2019 do Hội đồng bình xét sự kiện ngành tài nguyên – môi trường (Bộ TN-MT) bầu chọn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ký ban hành, gồm:
1. Nỗ lực thực hiện cam kết giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa.
2. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong triển khai các giải pháp phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.
3. Ngành khí tượng thủy văn Việt Nam khẳng định lịch sử hình thành và phát triển; chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế sâu rộng.
4. Nhiều sự cố, vấn đề liên quan đến môi trường phát sinh ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
5. Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mekong quốc tế.
6. Khánh thành hệ thống trạm định vị vệ tinh quốc gia (VNGEONET); hoàn thành công tác đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia phục vụ ký các văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia năm 2019.
7. Hoàn thành bộ bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 thống nhất theo hệ quy chiếu quốc gia VN-2000 trên quy mô toàn quốc.
8. Năm có nhiều nhất Vườn di sản ASEAN được Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) công nhận.
9. Hoàn thành các chỉ tiêu thực hiện Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, cải cách hành chính, đổi mới phương thức làm việc theo hướng điện tử hóa, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
10. Hoạt động bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững được các địa phương tích cực thực hiện.
Bên cạnh nhiều sự kiện được liệt kê kèm mô tả chi tiết, hầu hết các vấn đề về môi trường được công bố chung chung trong top 10 sự kiện tiêu biểu.
Cụ thể, sự kiện Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong triển khai các giải pháp phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long liên quan tới Chỉ thị số 23/CT-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành để yêu cầu các cấp, các ngành có giải pháp đối với những tác động kép của biến đổi khí hậu và nhân sinh.
Trong năm 2019, tình trạng vùng đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam) sụt lún liên tục được giới chuyên gia trong nước và quốc tế đặt ra.
Tương tự, sự kiện Ngành khí tượng thủy văn Việt Nam khẳng định lịch sử hình thành và phát triển; chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế sâu rộng nhằm nói đến việc Đại diện thường trực của Việt Nam được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) tín nhiệm bầu giữ vị trí Phó Chủ tịch Hiệp hội khí tượng Châu Á khu vực 2 (RA II).
Thực tế, trong năm 2019, nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thu hút sự chú ý của người dân do mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số vụ việc điển hình như vụ cháy xảy ra tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông khiến hơn 27 kg thủy ngân bị phát tán, gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đất, nước; nước từ Nhà máy nước sạch Sông Đà (Viwasupco) nhiễm dầu thải, gây cuộc khủng hoảng nước sạch đối với hàng triệu người tại Hà Nội; các đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng, liên tục tại Hà Nội, TP.HCM…
Trong top sự kiện, các vụ việc trên nằm trong nhóm Nhiều sự cố, vấn đề liên quan đến môi trường phát sinh ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Hai đợt nắng nóng kéo dài 25-27 ngày liên tục với nhiệt độ trên 40 độ C ở Bắc Bộ và Trung Bộ, ngưỡng kỷ lục là 43,4 độ C tại một số khu vực như Hương Khê, Hà Tĩnh được nêu trong báo cáo chi tiết, không hiển thị trong nội dung của top 10 sự kiện.
Vĩnh Long
Xem thêm:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…